1

Các biện pháp khắc phục tại nhà cho hội chứng bàng quang tăng hoạt

Có thể kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt bằng các biện pháp khắc phục tại nhà như thảo dược, tập luyện và liệu pháp hành vi.
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho hội chứng bàng quang tăng hoạt Các biện pháp khắc phục tại nhà cho hội chứng bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB) là tình trạng cơ bàng quang co bóp đột ngột không tự chủ, gây ra các triệu chứng như đi tiểu nhiều lần, bất chợt buồn tiểu dữ dội và rò rỉ nước tiểu.

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt

Các triệu chứng phổ biến của hội chứng bàng quang tăng hoạt gồm có:

  • Buồn tiểu liên tục
  • Buồn tiểu đột ngột
  • Rò rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
  • Đi tiểu nhiều lần vào ban đêm

Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của người bệnh và giảm chất lượng giấc ngủ.

Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, gồm có thay đổi do sự lão hóa tự nhiên, các bệnh lý ảnh hưởng đến thần kinh như bệnh Parkinson, tắc nghẽn bàng quang và cơ sàn chậu suy yếu. Cũng có nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân. Bàng quang tăng hoạt là một vấn đề rất phổ biến và có thể điều trị được.

Các triệu chứng bàng quang tăng hoạt có thể được kiểm soát bằng các biện pháp khắc phục tại nhà, tập thể dục và liệu pháp hành vi.

Dưới đây là một số biện pháp khắc phục tại nhà giúp cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang và giảm triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Điều trị bằng thảo dược

Luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào. Thảo dược có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng và gây ra vấn đề không mong muốn.

Gosha-jinki-gan

Gosha-jinki-gan (GJG) là một phương thuốc gồm 10 loại thảo dược có nguồn gốc từ y học cổ truyền Trung Hoa. Một số nghiên cứu đã được thực hiện về phương thuốc này và các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng gosha-jinki-gan giúp ức chế bàng quang và cải thiện đáng kể tần suất đi tiểu vào ban ngày.

Những người dùng 7,5 miligam GJG mỗi ngày đã có cải thiện về điểm triệu chứng tuyến tiền liệt quốc tế (International Prostate Symptom Score - IPSS). IPSS là một thang điểm đánh giá các triệu chứng về tiết niệu.

Một phương thuốc thảo dược khác là hachimi-jio-gan. Hachimi-jio-gan gồm có tám loại thảo dược tự nhiên, một số trong đó cũng có trong gosha-jinki-gan. Các nghiên cứu ban đầu cho thấy hachimi-jio-gan có thể làm giảm sự co thắt cơ bàng quang.

Nấm linh chi

Nấm linh chi (tên khoa học là Ganoderma lucidum) là một vị thuốc được sử dụng để chữa nhiều chứng bệnh, gồm có viêm gan, tăng huyết áp và thậm chí cả ung thư. Trong một nghiên cứu ngẫu nhiên, 50 nam giới sử dụng nấm linh chi đã cải thiện điểm IPSS.

Nghiên cứu này khuyến nghị dùng 6 miligam chiết xuất nấm linh chi đối với nam giới có triệu chứng đường tiết niệu dưới.

Râu ngô

Râu ngô là các sợi mảnh, bóng mọc ra từ chóp của bắp ngô. Từ lâu, râu ngô đã được sử dụng như một vị thuốc tự nhiên để chữa trị nhiều căn bệnh, gồm có cao huyết áp, đái dầm, đái rắt, viêm bàng quang và một số vấn đề về tiết niệu khác. Râu ngô có thể giúp củng cố và phục hồi lớp niêm mạc trong đường tiết niệu và nhờ đó giúp phòng ngừa chứng tiểu không tự chủ. (1)

Capsaicin

Capsaicin là một hợp chất có trong quả ớt. Một trong những công dụng của capsaicin là giảm đau, bao gồm cả cơn đau ở vùng chậu, một triệu chứng của bàng quang tăng hoạt. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng capsaicin có thể làm tăng dung tích tối đa của bàng quang từ 106ml lên 302ml. (2)

Chẹo tía

Chẹo tía (tên khoa học là Engelhardtia roxburghiana wall) là một loài cây cận nhiệt đới, có chứa nhiều chất chống oxy hóa. Chẹo tía đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ bàng quang.

Một nghiên cứu cho thấy trà chẹo tía có tác dụng cải thiện đáng kể chức năng bàng quang và phản ứng co bóp cơ bàng quang ở thỏ bị tắc nghẽn một phần bàng quang.

Thực phẩm và đồ uống có lợi cho người bị bàng quang tăng hoạt

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể giúp làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Hạt bí

Hạt bí ngô chứa nhiều axit béo omega-3, một loại chất béo tốt có đặc tính chống viêm. Một nghiên cứu cho thấy dầu hạt bí có thể giúp cải thiện chức năng tiết niệu và giảm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt.

Một nghiên cứu khác cho thấy chiết xuất hạt bí ngô và đậu nành giúp làm giảm đáng kể tình trạng tiểu không tự chủ. Những người tham gia nghiên cứu uống 5 viên thực phẩm chức năng chứa các chiết xuất này 2 lần/ngày trong 2 tuần đầu tiên và sau đó 3 viên/ngày trong 5 tuần tiếp theo.

Đồ uống

Một số loại đồ uống có lợi cho người bị bàng quang tăng hoạt gồm có:

  • Nước lọc
  • Sữa đậu nành, ít gây kích thích bàng quang hơn sữa bò và sữa dê
  • Nước ép trái cây có tính axit thấp, chẳng hạn như táo hoặc lê
  • Trà lúa mạch
  • Trà bí đao
  • Trà không chứa caffeine như trà trái cây, trà thảo mộ

Điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm táo bón

Việc thường xuyên phải rặn mạnh khi đại tiện sẽ gây áp lực lên bàng quang. Người bệnh có thể ngăn ngừa táo bón bằng cách tập thể dục thường xuyên và bổ sung nhiều chất xơ trong chế độ ăn uống. Một số loại thực phẩm giàu chất xơ là ngũ cốc nguyên cám, rau củ, trái cây, các loại đậu,...

Thực phẩm và đồ uống cần tránh

Nhiều người bị bàng quang tăng hoạt nghĩ rằng uống ít nước thì không phải đi tiểu nhiều lần nhưng trên thực tế, điều này là không nên. Vẫn nên uống đủ nước để cơ thể không bị mất nước. Khi uống ít nước, nước tiểu sẽ trở nên cô đặc hơn, có nghĩa là nồng độ các chất trong nước tiểu tăng cao và điều này có thể gây kích thích bàng quang, dẫn đến đi tiểu nhiều lần hơn.

Người bệnh nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống dưới đây để không làm tăng nặng các triệu chứng bàng quang tăng hoạt:

  • Rượu bia
  • Chất làm ngọt nhân tạo
  • Sô cô la
  • Trái cây họ cam quýt
  • Cà phê, trà
  • Nước ngọt có ga
  • Thức ăn cay
  • Cà chua

Nếu nghi ngờ một loại đồ uống hoặc thực phẩm nào đó gây kích thích bàng quang, hãy thử ngừng ăn hoặc uống món đó một thời gian xem các triệu chứng có cải thiện không. Nên ngừng ăn từng món một để dễ theo dõi. Khi đã xác định được loại thực phẩm hoặc đồ uống làm trầm trọng thêm các triệu chứng, hãy loại bỏ món đó khỏi chế độ ăn uống vĩnh viễn.

Không uống rượu bia trong vòng 2 đến 3 giờ trước khi ngủ để tránh phải thức giấc nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu.

Ngoài ra nên bỏ thuốc lá. Hút thuốc có thể kích thích cơ bàng quang và còn gây ho, điều này sẽ gây ra chứng tiểu không tự chủ.

Tập thể dục

Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên bàng quang và gây ra chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực. Tiểu không kiểm soát do tăng áp lực (stress incontinence) là tình trạng nước tiểu bị rò rỉ khi thực hiện các hành động làm tăng áp lực lên bàng quang, chẳng hạn như cười, hắt hơi hoặc nâng vật nặng.

Ăn uống lành mạnh là một cách để giảm cân và ngoài ra nên kết hợp thêm với tập thể dục thường xuyên. Tập thể dục sẽ giúp giảm cân hiệu quả hơn và kiểm soát cân nặng về lâu dài.

Nghiên cứu ở những phụ nữ thừa cân bị tiểu không tự chủ cho thấy tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện tình trạng bàng quang tăng hoạt. (3, http://www.nafc.org/diet-and-exercise Trong một nghiên cứu khác, những phụ nữ béo phì giảm được 10% cân nặng đã cải thiện được 50% khả năng kiểm soát bàng quang.

>>> Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt ở phụ nữ

Bài tập kegel

Ngoài tập thể dục toàn thân, người bệnh cũng nên thực hiện bài tập củng cố cơ sàn chậu, hay còn được gọi là bài tập Kegel. Bài tập Kegel giúp tăng cường các cơ sàn chậu để giảm thiểu các cơn co thắt không tự chủ, tăng khả năng kiểm soát bàng quang và giảm tình trạng rò rỉ nước tiểu. Đây cũng là một trong những liệu pháp hành vi an toàn nhất để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt.

Các thực hiện bài tập Kegel như sau:

  1. Bước đầu tiên là phải xác định cơ sàn chậu. Cách đơn giản nhất là thử nhịn tiểu hoặc ngừng tiểu giữa chừng. Các cơ đang siết lại để thực hiện những hành động này chính là cơ sàn chậu.

  2. Đi tiểu hết trước khi thực hiện bài tập Kegel.

  3. Siết chặt các cơ sàn chậu và giữ trong khoảng 5 giây mỗi lần. Thả lỏng các cơ và lặp lại như vậy 5 lần. Sau một thời gian, khi các cơ đã khỏe lên, hãy tăng thời gian siết cơ lên 10 giây và lặp lại 10 lần liên tục. Thực hiện vài lần như vậy mỗi ngày.

  4. Duy trì hít thở bình thường khi thực hiện bài tập, không nín thở.

  5. Không siết cơ bụng, đùi hoặc mông mà chỉ siết cơ sàn chậu. Siết các cơ khác có thể làm tăng áp lực lên bàng quang.

Để kiểm tra xem có đang siết đúng cơ sàn chậu hay không, hãy thử đưa một ngón tay vào âm đạo hoặc trực tràng và tập bài tập Kegel. Nếu cảm thấy các cơ quanh ngón tay siết chặt lại thì có nghĩa là bạn đang tập đúng.

>> > Lợi ích của bài tập Kegel đối với nam giới

Rèn luyện bàng quang

Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi cơ bàng quang co bóp một cách không tự chủ. Rèn luyện bàng quang là cách để “sửa lại” hoạt động của cơ bàng quang. Rèn luyện bàng quang có nghĩa là không vào nhà vệ sinh ngay khi cảm thấy buồn tiểu mà cố gắng nhịn. Hãy tăng dần thời gian nhịn tiểu để kéo giãn khoảng cách giữa các lần đi vệ sinh. Rèn luyện bàng quang sẽ hiệu quả hơn nếu kết hợp với bài tập Kegel.

Các bước rèn luyện bàng quang như sau:

  • Ghi lại tần suất đi vệ sinh để theo dõi.

  • Khi cảm thấy buồn tiểu, đừng vào nhà vệ sinh ngay mà hãy cố gắng nhịn lâu nhất có thể. Ban đầu có thể chỉ nhịn được một thời gian ngắn, chẳng hạn như 5 – 10 phút nhưng sau đó hãy tăng dần thời gian nhịn tiểu lên.

  • Mục tiêu là đi tiểu vào những thời điểm định sẵn, cách đều nhau trong ngày, mỗi lần cách nhau 3 đến 4 giờ.

  • Kết hợp với thực hiện bài tập Kegel thường xuyên để tăng hiệu quả.

Có thể mất 6 đến 8 tuần rèn luyện bàng quang mới bắt đầu có hiệu quả rõ rệt.

Các phương pháp điều trị khác

Nếu đã thử các biện pháp khắc phục tại nhà mà tình hình không cải thiện và các triệu chứng ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống hàng ngày thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra vấn đề và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có thuốc, kích thích điện dây thần kinh và phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các tư thế ngủ giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vào ban đêm
Các tư thế ngủ giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vào ban đêm

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - bàng quang tăng hoạt) là một nhóm các triệu chứng về tiết niệu, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp – tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội. Đây là một vấn đề phổ biến. Ước tính có khoảng 16% dân số thế giới bị bàng quang tăng hoạt, tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới là tương đương nhau.

Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ
Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cho phụ nữ

Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.

Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng phương pháp kích thích điện thần kinh chày
Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng phương pháp kích thích điện thần kinh chày

Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.

Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng bàng quang tăng hoạt?
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng bàng quang tăng hoạt?

Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm đáng kể. Điều này khiến các mô hỗ trợ tạng chậu trở nên suy yếu và có thể dẫn đến chứng bàng quang tăng hoạt.

Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt
Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây