Mối liên hệ giữa táo bón và bàng quang tăng hoạt
Khi táo bón và bàng quang tăng hoạt xảy ra cùng một lúc thì tình trạng này được gọi là rối loạn chức năng bàng quang và ruột (bladder and bowel dysfunction).
Đọc tiếp bài viết để tìm hiểu về mối liên hệ giữa táo bón và bàng quang tăng hoạt
Sự khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt khô và bàng quang tăng hoạt ướt
Có hai loại bàng quang tăng hoạt: bàng quang tăng hoạt khô và bàng quang tăng hoạt ướt.
Bàng quang tăng hoạt khô là dạng bàng quang tăng hoạt không đi kèm chứng tiểu không tự chủ (rò rỉ nước tiểu).
Bàng quang tăng hoạt ướt là dạng bàng quang tăng hoạt kèm theo tiểu không tự chủ. Tình trạng rò rỉ nước tiểu thường xảy ra ngay sau khi người bệnh cảm thấy buồn tiểu.
Các triệu chứng khác của bàng quang tăng hoạt khô và ướt là giống nhau. Cả hai loại bàng quang tăng hoạt đều gây ra:
- Tiểu gấp (cảm giác buồn tiểu đột ngột)
- Đi tiểu nhiều lần (từ 8 lần trở lên một ngày)
- Tiểu đêm (đi tiểu từ 2 lần trở lên vào ban đêm)
Táo bón là gì?
Táo bón có đặc trưng là phân khô, cứng, khó đại tiện và ít đại tiện.
Thông thường, táo bón xảy ra khi phân ở trong ruột già (đại tràng) quá lâu. Cơ thể sẽ tái hấp thu nước từ phân và do đó, càng ở lâu trong ruột già thì phân sẽ càng khô và khó đào thải ra ngoài.
Điều này cũng có thể xảy ra khi phân di chuyển qua ruột già với tốc độ chậm.
Ngoài ra, khi lâu ngày không đại tiện, phân sẽ tích tụ lại trong ruột già và điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng táo bón.
Táo bón không phải là một bệnh thường mà thường là triệu chứng của một vấn đề khác. Táo bón cũng có thể xảy ra do chế độ ăn uống hoặc đôi khi không xác định được nguyên nhân.
Biểu hiện táo bón
Các biểu hiện thường gặp của táo bón gồm có:
- Đại tiện dưới 3 lần mỗi tuần
- Phân cứng, khô, có dạng viên nhỏ
- Đại tiện khó khăn, phải rặn mạnh
- Cảm giác đại tiện không hết
- Đau khi đại tiện
Táo bón có gây bàng quang tăng hoạt không?
Táo bón có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt và tiểu gấp.
Điều này là do sự tích tụ phân trong ruột già khi bị táo bón. Bàng quang nằm gần trực tràng và sự tích tụ phân trong ruột già sẽ chèn ép lên bàng quang.
Phân trong ruột già còn làm thu hẹp niệu đạo - ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra khỏi cơ thể. Điều này làm giảm khả năng giữ nước tiểu, dẫn đến tiểu gấp và tiểu không tự chủ.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy táo bón chức năng hoặc táo bón không rõ nguyên nhân có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt ướt.
Tương tự, một nghiên cứu khác vào năm 2021 cho thấy táo bón làm tăng nguy cơ tiểu gấp. Theo các nhà nghiên cứu, việc thường xuyên phải rặn mạnh khi đại tiện sẽ làm suy yếu cơ sàn chậu và điều này dẫn đến các vấn đề về tiết niệu như tiểu gấp.
Bàng quang tăng hoạt có gây táo bón không?
Theo một nghiên cứu vào năm 2016, bàng quang tăng hoạt có thể dẫn đến táo bón. Điều này chủ yếu là do triệu chứng tiểu gấp của bàng quang tăng hoạt.
Khi cảm giác buồn tiểu xảy đến đột ngột, người bệnh thường siết cơ sàn chậu để giữ nước tiểu. Điều này có thể cản trở hoạt động bình thường của cơ thắt hậu môn, cơ kiểm soát sự đào thải phân.
Ngoài ra, nhiều người bị bàng quang tăng hoạt thường trì hoãn việc đi vệ sinh, cả tiểu tiện và đại tiện. Nếu ít đi đại tiện, phân sẽ trở nên khô và dẫn đến táo bón.
Một số phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt cũng có thể gây táo bón. Ví dụ, thuốc làm giãn cơ bàng quang có thể giúp làm giảm co thắt cơ bàng quang và giảm triệu chứng bàng quang tăng hoạt nhưng đồng thời cũng có thể làm giãn thành ruột, điều này làm giảm tốc độ di chuyển của phân qua ruột già và dẫn đến táo bón.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ táo bón và bàng quang tăng hoạt
Bất kỳ ai cũng có thể bị táo bón và bàng quang tăng hoạt nhưng nguy cơ cao hơn ở:
- Trẻ nhỏ
- Trẻ em mắc bệnh lý thần kinh tâm thần như rối loạn tăng động/giảm chú ý (ADHD) hoặc tự kỷ
- Phụ nữ, đặc biệt là khi mang thai, sinh nở hoặc mãn kinh
- Người bị bệnh đa xơ cứng
- Người cao tuổi
Khi nào cần đi khám?
Việc thi thoảng bị táo bón hoặc tiểu gấp, tiểu nhiều lần là điều bình thường.
Tuy nhiên, nên đi khám nếu:
- Tình trạng táo bón kéo dài dù đã điều chỉnh chế độ ăn uống và thử các biện pháp khắc phục tại nhà khác
- Tiểu gấp thường xuyên hoặc kéo dài
- Tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ
- Tiểu khó
- Có máu trong phân hoặc nước tiểu
- Đi tiểu nhiều lần dù không uống nhiều nước
- Đau bụng liên tục
- Đau thắt lưng
- Sốt
- Nôn mửa
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Tóm tắt bài viết
Táo bón và bàng quang tăng hoạt có mối liên hệ với nhau. Khi bị táo bón, phân tích tụ trong ruột già sẽ chèn ép lên bàng quang. Điều này khiến bàng quang khó giữ nước tiểu, dẫn đến các triệu chứng bàng quang tăng hoạt như tiểu gấp và buồn tiểu liên tục.
Mặt khác, việc tránh đi vệ sinh do bàng quang tăng hoạt sẽ khiến phân ở lại trong ruột già lâu hơn và dẫn đến táo bón. Thói quen siết cơ sàn chậu mỗi khi buồn tiểu gấp để giữ nước tiểu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thắt hậu môn và điều này làm tăng nguy cơ táo bón.
Thi thoảng bị táo bón hoặc tiểu gấp là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng xảy ra thường xuyên hoặc kéo dài thì nên đi khám để tìm ra nguyên nhân.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - bàng quang tăng hoạt) là một nhóm các triệu chứng về tiết niệu, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp – tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội. Đây là một vấn đề phổ biến. Ước tính có khoảng 16% dân số thế giới bị bàng quang tăng hoạt, tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới là tương đương nhau.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.
Rối loạn chức năng của các dây thần kinh và cơ xung quanh bàng quang có thể dẫn đến kiểm soát bàng quang kém, tiểu không tự chủ và bàng quang tăng hoạt (OAB). Bàng quang tăng hoạt là tình trạng các cơ bàng quang co bóp một cách không tự chủ, điều này gây buồn tiểu liên tục, tiểu gấp và có thể là cả rò rỉ nước tiểu.