1

Các tư thế ngủ giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vào ban đêm

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - bàng quang tăng hoạt) là một nhóm các triệu chứng về tiết niệu, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp – tình trạng đột ngột buồn tiểu dữ dội. Đây là một vấn đề phổ biến. Ước tính có khoảng 16% dân số thế giới bị bàng quang tăng hoạt, tỷ lệ mắc ở nam giới và nữ giới là tương đương nhau.
Các tư thế ngủ giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vào ban đêm Các tư thế ngủ giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vào ban đêm

Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi cơ bàng quang co thắt một cách không tự chủ. Mặc dù vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác nhưng điều này có thể xảy ra do sự truyền tín hiệu bất thường giữa não và bàng quang. Nguyên nhân cũng có thể là do cơ bàng quang hoạt động quá mức.

Bàng quang tăng hoạt có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống vì người bệnh phải đi vệ sinh liên tục và điều này gây gián đoạn các hoạt động hàng ngày. Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra đột ngột và điều này khiến người bệnh cảm thấy lo lắng khi không ở gần nhà vệ sinh.

Giấc ngủ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi bàng quang tăng hoạt. Theo ước tính, 85,6% người bị bàng quang tăng hoạt bị chứng tiểu đêm, tình trạng phải thức giấc nhiều lần vào ban đêm để đi tiểu. (1) Chất lượng giấc ngủ kém sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Có một số cách để giảm triệu chứng tiểu đêm của bàng quang tăng hoạt và một trong những cách đó là thay đổi tư thế ngủ.

Tư thế ngủ giúp giảm triệu chứng bàng quang tăng hoạt

Hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu cụ thể về tư thế ngủ tốt nhất cho người bị bàng quang tăng hoạt. Nói chung, người bị bàng quang tăng hoạt nên chọn tư thế ngủ mà bản thân cảm thấy thoải mái, ngủ ngon nhất và không gây đau khi thức dậy.

Dưới đây là một số điều quan trọng cần biết về bàng quang tăng hoạt, giấc ngủ và tư thế nằm.

Nằm nghiêng giúp khắc phục chứng ngưng thở khi ngủ

Ngưng thở khi ngủ có liên quan đến các triệu chứng bàng quang tăng hoạt ở cả nam giới và nữ giới. Điều này có thể là do các đợt ngưng thở làm giảm lượng oxy trong mô cơ thể, gồm có cả lượng oxy trong đường tiết niệu và mức oxy thấp có thể gây ra các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm về điều này.

Nằm nghiêng khi ngủ có thể giúp ích cho những người bị ngưng thở khi ngủ và bàng quang tăng hoạt. Theo nghiên cứu, việc chuyển từ tư thế nằm ngửa sang nằm nghiêng có thể giúp loại bỏ các triệu chứng ngưng thở khi ngủ ở khoảng 20% người bị tình trạng này. (2)

Kiểm soát chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy những người được điều trị bằng phương pháp thở áp lực dương liên tục (CPAP) hoặc phẫu thuật điều trị chứng ngưng thở khi ngủ đã giảm đáng kể các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. (3)

Chú ý đến tư thế cơ thể vào ban ngày

Điều chỉnh tư thế cơ thể vào ban ngày cũng có thể giúp phần nào làm giảm triệu chứng bàng quang tăng hoạt vào ban đêm.

Nằm xuống có thể làm tăng cảm giác buồn tiểu. Nghiên cứu vào năm 2009 được thực hiện trên những người mắc chứng tiểu đêm cho thấy tình trạng tích nước ở chân vào ban ngày có thể làm tăng lượng nước tiểu vào ban đêm.

Điều này là do lượng nước tích tụ ở chân khi đứng thẳng sẽ chảy về phía trên cơ thể khi chúng ta nằm xuống. Khi lượng nước trong máu tăng lên, tận sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn và làm tăng tần suất đi tiểu.

Nâng cao chân và mang vớ y khoa (vớ nén) trong suốt cả ngày sẽ giúp nước phân bố đều khắp cơ thể trong ngày thay vì dồn ở chân. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng đi vệ sinh nhiều lần vào ban đêm.

Những cách này đặc biệt có ích cho những người bị bàng quang tăng hoạt và một bệnh lý khác gây tích nước ở chân như:

  • Suy giãn tĩnh mạch
  • Suy tim
  • Bệnh gan

Loại đệm phù hợp cho người bị bàng quang tăng hoạt

Tương tự như tư thế ngủ, hiện nay chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về loại đệm phù hợp nhất cho người bị bàng quang tăng hoạt. Điều quan trọng vẫn là chọn loại đệm tạo sự thoải mái đồng thời hỗ trợ cơ thể.

Một nghiên cứu từ năm 2015 cho thấy đệm có độ cứng vừa phải là tốt nhất cho chất lượng giấc ngủ, cảm giác thoải mái và hỗ trợ cột sống. Bên cạnh đó cũng cần tính đến các yếu tố cá nhân như:

  • Tư thế ngủ
  • Hình dáng cơ thể
  • Ngủ một mình hay ngủ cùng người khác
  • Có bị đau cổ hay đau lưng không

Một số người bị bàng quang tăng hoạt còn mắc chứng són tiểu cấp kỳ. Đây là tình trạng đột ngột buồn tiểu và rò rỉ nước tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh.

Những người bị són tiểu cấp kỳ do bàng quang tăng hoạt có thể cân nhắc sử dụng các sản phẩm sau đây để bảo vệ giường đệm không bị ướt khi ngủ:

  • Tấm lót bảo vệ đệm
  • Miếng lót thấm hút nước tiểu

Cách khắc phục chứng tiểu đêm

Có một số cách để giảm triệu chứng tiểu đêm do bàng quang tăng hoạt:

  • Không uống nước sát giờ ngủ: Mặc dù cần phải uống đủ nước trong suốt cả ngày nhưng hãy hạn chế hoặc ngừng uống nước, đặc biệt là những loại đồ uống chứa cồn hoặc caffeine, trong 2 đến 4 giờ trước giờ đi ngủ.
  • Thực hiện phương pháp double voiding trước khi đi ngủ: Một số người bị bàng quang tăng hoạt không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu. Điều này có thể gây buồn tiểu vào ban đêm. Một cách để khắc phục tình trạng này là double voiding hay đi tiểu hai lần. Trước khi đi ngủ, hãy đi tiểu, sau đó đợi vài phút rồi tiếp tục tiểu lần thứ hai để loại bỏ hết nước tiểu trong bàng quang.
  • Tránh các yếu tố gây kích thích bàng quang: Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang và làm tăng cảm giác buồn tiểu. Người bị bàng quang tăng hoạt nên tránh những thứ sau đây, đặc biệt là vào cuối ngày:
    • Rượu bia
    • Cà phê
    • Trà
    • Đồ uống có ga
    • Đồ uống chưa chất làm ngọt nhân tạo
    • Sô cô la
    • Thực phẩm và đồ uống có tính axit như cam quýt, cà chua
    • Thức ăn cay

Để đối phó với chứng tiểu đêm do bàng quang tăng hoạt và cải thiện chất lượng giấc ngủ, người bệnh cũng nên điều chỉnh lại thói quen đi ngủ cũng như phòng ngủ để tạo môi trường thoải mái nhất cho giấc ngủ, ví dụ như:

  • Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi tối
  • Thực hiện một số hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ
  • Đảm bảo phòng ngủ tối, yên tĩnh và có nhiệt độ dễ chịu
  • Hạn chế hoặc tránh sử dụng TV, điện thoại di động và máy tính trong phòng ngủ
  • Bỏ hết vật cản trên đường vào nhà vệ sinh để có thể thuận tiện đi tiểu vào ban đêm.

Phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt

Có nhiều phương pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có các phương pháp điều trị y tế và các biện pháp khắc phục tại nhà.

Tuân thủ các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm tình trạng đi tiểu nhiều lần, cả vào ban ngày lẫn ban đêm. Dưới đây là một số giải pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Một số cách mà người bệnh có thể thực hiện tại nhà để kiểm soát chứng bàng quang tăng hoạt gồm có:

  • Giảm lượng nước uống: Giảm lượng nước uống xuống còn khoảng 6 đến 8 ly mỗi ngày có thể làm giảm lượng nước tiểu. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải uống đủ nước. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về lượng nước uống phù hợp. Ngoài ra, không nên uống nước gần giờ đi ngủ.
  • Tránh các yếu tố kích thích bàng quang: Như đã nói ở trên, một số loại thực phẩm và đồ uống có thể kích thích bàng quang và làm tăng các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hãy hạn chế hoặc tránh hoàn toàn những tác nhân này.
  • Bỏ hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật và có thể gây kích thích bàng quang. Những người đang hút thuốc nên cố gắng cai thuốc càng sớm càng tốt. Điều này không chỉ giúp cải thiện các triệu chứng bàng quang tăng hoạt mà còn giúp phòng ngừa nhiều vấn đề sức khỏe khác.
  • Rèn luyện bàng quang: Rèn luyện bàng quang có nghĩa là đi tiểu vào những thời điểm cách đều nhau trong ngày. Điều này có thể giúp tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang. Ban đầu, các lần đi tiểu có thể chỉ cách nhau khoảng 30 phút nhưng hãy cố gắng tăng dần lên sao cho vài giờ mới phải đi tiểu một lần.
  • Bài tập cơ sàn chậu: Các bài tập cơ sàn chậu, ví dụ như Kegel, có thể giúp tăng cường cơ sàn chậu, nhờ đó giúp bàng quang giữ nước tiểu tốt hơn và giảm tình trạng tiểu gấp.

Người bệnh nên theo dõi thời điểm đi tiểu bằng cách ghi nhật ký đi tiểu để hiểu rõ về ảnh hưởng của các yếu tố như lượng nước uống và thức ăn tác động đến các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Cách này còn giúp theo dõi tiến trình rèn luyện bàng quang.

Các phương pháp điều trị y tế

Có một số loại thuốc kê đơn để điều trị bàng quang tăng hoạt. Bác sĩ sẽ kê thuốc khi các biện pháp tự khắc phục tại nhà không hiệu quả.

Thuốc điều trị bàng quang tăng hoạt có nhiều dạng khác như như viên uống, gel hoặc miếng dán ngoài da. Một số loại thuốc phổ biến gồm có:

  • Thuốc kháng cholinergic (antimuscarinic) như oxybutynin và tolterodine.
  • Thuốc đồng vận beta-3 như mirabegron

Cơ chế tác dụng của những loại thuốc này là ngăn chặn một số loại xung thần kinh đến cơ bàng quang, nhờ đó ngăn các cơ bàng quang co thắt không tự chủ.

Nếu đã thử các biện pháp tại nhà và dùng thuốc mà các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vẫn không cải thiện thì có thể sẽ cần đến các phương pháp điều trị sau đây:

  • Tiêm botox vào cơ bàng quang
  • Kích thích đường dẫn truyền thần kinh giữa não và bàng quang
  • Phẫu thuật mở rộng bàng quang hoặc chuyển hướng dòng nước tiểu

Khi nào cần đi khám?

Giấc ngủ rất quan trọng đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Chất lượng giấc ngủ kém sẽ làm làm sự tỉnh táo và trí nhớ, gia tăng căng thẳng và tăng nguy cơ mắc các bệnh như bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì.

Nên đi khám nếu các triệu chứng bàng quang tăng hoạt gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và làm gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm. Bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp giúp làm giảm tần suất đi tiểu.

Người bệnh nên đi khám lại nếu các biện pháp điều trị bàng quang tăng hoạt hiện tại không hiệu quả.

Tóm tắt bài viết

Bàng quang tăng hoạt có thể gây tiểu đêm, tình trạng đi tiểu nhiều lần vào ban đêm. Điều này sẽ gây gián đoạn giấc ngủ. Không có tư thế ngủ nào là tốt nhất cho người bị chứng bàng quang tăng hoạt. Nói chung, nên chọn những tư thế ngủ mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất.

Nằm nghiêng có lợi cho những người bệnh bị cả bàng quang tăng hoạt và chứng ngưng thở khi ngủ. Nâng cao chân suốt cả ngày có thể giúp giảm đi tiểu vào ban đêm.

Các cách khác để khắc phục tình trạng tiểu đêm do bàng quang tăng hoạt gồm có giảm uống nước vào buổi tối và thực hiện phương pháp đi tiểu hai lần (double voiding) trước khi đi ngủ. Các phương pháp điều trị như rèn luyện bàng quang, bài tập cơ sàn chậu và thuốc có thể giúp cải thiện các triệu chứng bàng quang tăng hoạt tổng thể.

Nên đi khám nếu các triệu chứng bàng quang tăng hoạt gây ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ hoặc nếu các phương pháp điều trị không hiệu quả. Bác sĩ sẽ đưa ra những cách khác để giúp giảm tần suất đi tiểu vào ban đêm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tư thế, triệu chứng
Tin liên quan
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng bàng quang tăng hoạt?
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến hội chứng bàng quang tăng hoạt?

Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm đáng kể. Điều này khiến các mô hỗ trợ tạng chậu trở nên suy yếu và có thể dẫn đến chứng bàng quang tăng hoạt.

Các biến chứng của bàng quang tăng hoạt (OAB)
Các biến chứng của bàng quang tăng hoạt (OAB)

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB) là một tình trạng mạn tính với các triệu chứng có thể làm gián đoạn các hoạt động bình thường vào ban ngày và gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm. Không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu về thể chất, bàng quang tăng hoạt còn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. Mặc dù tình trạng này thường có thể điều trị được nhưng việc tìm ra phương pháp điều trị phù hợp có thể sẽ mất thời gian.

Các loại thảo dược giúp điều trị bàng quang tăng hoạt
Các loại thảo dược giúp điều trị bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt (OAB) có triệu chứng đặc trưng là đi tiểu nhiều lần và buồn tiểu đột ngột. Một phương pháp điều trị là dùng thuốc để giảm co thắt cơ bàng quang. Ngoài ra còn có các phương pháp điều trị tự nhiên, ví dụ như dùng thảo dược.

Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt
Những điều cần biết về bàng quang tăng hoạt

Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.

Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt
Phân biệt bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt

Hai nguyên nhân phổ biến gây ra các vấn đề về bàng quang là bàng quang tăng hoạt (bàng quang hoạt động quá mức) và tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyến tiền liệt). Cùng tìm hiểu về điểm khác nhau giữa hai tình trạng này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây