Các biến chứng của bàng quang tăng hoạt (OAB)
Chừng nào tình trạng còn chưa được kiểm soát, người bệnh sẽ còn phải sống chung với các triệu chứng khó chịu cũng như những bất tiện do các triệu chứng đó gây ra. Dưới đây là những vấn đề mà người bệnh có thể gặp phải do các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Giảm chất lượng cuộc sống
Các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày. Những triệu chứng này cũng như các biện pháp để kiểm soát triệu chứng có thể gây xáo trộn các hoạt động thường ngày.
Ảnh hưởng đến đời sống tình dục
Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng bàng quang tăng hoạt có thể gây tác động tiêu cực đến đời sống tình dục. Không ít người bị bàng quang tăng hoạt, đặc biệt là phụ nữ, tránh việc quan hệ tình dục vì sợ rằng sẽ bị tiểu không tự chủ trong khi quan hệ. Cảm giác buồn tiểu xảy đến bất chợt và phải vào nhà vệ sinh giữa chừng sẽ làm giảm đi hứng thú của cả người bệnh lẫn bạn tình. Vì các vấn đề về hệ tiết niệu và sinh dục có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nên bàng quang tăng hoạt đôi khi có liên quan đến cơ quan sinh dục và ảnh hưởng đến chức năng tình dục nói chung.
Giảm hiệu suất làm việc
Tiểu gấp, đi tiểu nhiều lần và mệt mỏi do thiếu ngủ sẽ cản trở công việc và sinh hoạt hàng ngày. Tình trạng này còn làm giảm năng suất làm việc do người bệnh liên tục phải tạm dừng công việc đang làm để vào nhà vệ sinh và mệt mỏi gây giảm tập trung.
Giảm tương tác xã hội
Nhiều người bị hội chứng bàng quang tăng hoạt ngại ra khỏi nhà vì sợ các triệu chứng, đặc biệt là tiểu không tự chủ xảy ra tại nơi đông người. Điều này có thể khiến người bệnh bỏ lỡ các sự kiện quan trọng cũng như những cuộc gặp gỡ với bạn bè, người thân mà đây vốn là một phần cần thiết của lối sống lành mạnh. Tâm lý e ngại, lẩn tránh các hoạt động bên ngoài sẽ dần dần khiến người bệnh bị tách biệt với mọi người xung quanh.
Mệt mỏi
Tiểu đêm là một triệu chứng phổ biến của bàng quang tăng hoạt. Tiểu đêm được định nghĩa là phải thức giấc từ hai lần trở lên để đi tiểu vào ban đêm. Điều này gây gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi mãn tính và thiếu năng lượng, điều này sẽ làm trầm trọng thêm các biến chứng khác của bàng quang tăng hoạt. Sau mỗi lần đi tiểu, người bệnh sẽ phải cố gắng để ngủ lại và điều này có thể gây mệt mỏi.
Trầm cảm
Chất lượng cuộc sống suy giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của những người mắc chứng bàng quang tăng hoạt. Nhiều người cảm thấy tự ti, chán nản về tình trạng bệnh của bản thân và hạn chế tương tác xã hội. Dần dần, những điều này có thể dẫn đến vấn đề về sức khỏe tinh thần. Nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa các triệu chứng bàng quang tăng hoạt và chứng trầm cảm. Một phần nguyên nhân là do tình trạng thiếu ngủ kéo dài do tiểu đêm.
Nhiễm trùng
Đôi khi, nhiễm trùng là nguyên nhân gây ra bàng quang tăng hoạt và nếu không điều trị, nhiễm trùng có thể dẫn đến các biến chứng. Nhiễm trùng bàng quang không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng thận và thậm chí nhiễm trùng máu. Và một khi đã bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh sẽ có nguy cơ cao bị lại trong tương lai.
Mất nước
Nhiều người cho rằng bị bàng quang tăng hoạt nên uống ít nước để tránh gặp phải các triệu chứng như tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ. Trên thực tế, không uống đủ nước sẽ khiến nước tiểu trở nên cô đặc, gây kích thích bàng quang và làm trầm trọng thêm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Do đó, người bị bàng quang tăng hoạt vẫn cần phải uống đủ nước. Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về lượng nước uống phù hợp để không làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Té ngã và gãy xương
Bàng quang tăng hoạt xảy ra phổ biến nhất ở người cao tuổi. Triệu chứng tiểu gấp do bàng quang tăng hoạt khiến người bệnh phải vội vàng vào nhà vệ sinh và có nguy cơ cao bị té ngã. Do người cao tuổi thường bị loãng xương nên rất dễ bị gãy xương khi té ngã. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ là một yếu tố làm tăng nguy cơ té ngã và gãy xương ở người cao tuổi.
Điều trị bàng quang tăng hoạt
Có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống, chẳng hạn như tránh rượu bia, đồ uống chứa caffeine, cà chua, trái cây họ cam quýt và các chất kích thích bàng quang khác
- Không uống nước sát giờ đi ngủ
- Sử dụng thảo dược và thực phẩm chức năng, chẳng hạn như magie hydroxit (magnesium hydroxide)
- Tập bài tập Kegel để củng cố cơ sàn chậu, hỗ trợ kiểm soát bàng quang
- Rèn luyện bàng quang (đi tiểu vào những giờ cố định hàng ngày thay vì đi khi cảm thấy buồn tiểu để tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang)
- Thuốc đường uống, gồm có oxybutynin và tolterodine
- Tiêm Botox
- Miếng dán oxybutynin
- Kích thích thần kinh bằng điện
- Phẫu thuật, ví dụ như mở rộng bàng quang
Trước tiên, người bệnh nên thử điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen sống, tập Kegel và rèn luyện bàng quang. Nếu những cách này không hiệu quả thì mới chuyển qua các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc, tiêm Botox, kích thích điện thần kinh và phẫu thuật.
Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, nồng độ estrogen sụt giảm đáng kể. Điều này khiến các mô hỗ trợ tạng chậu trở nên suy yếu và có thể dẫn đến chứng bàng quang tăng hoạt.
Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế như dùng thuốc, các phương pháp điều trị thay thế như thực phẩm chức năng, thảo dược, liệu pháp hành vi, châm cứu, phản hồi sinh học cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.