Mãn kinh do phẫu thuật có những tác hại nào?
Nội dung chính của bài viết:
-
Phẫu thuật cắt cả hai buồng trứng sẽ khiến phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ngay lập tức. Điều này giúp làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở hệ sinh dục.
-
Tuy nhiên, mãn kinh sớm do phẫu thuật lại làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác như bệnh tim mạch và loãng xương.
-
Mãn kinh tự nhiên hay mãn kinh do phẫu thuật đều gây ra những triệu chứng về thể chất và tinh thần như tăng cân, da khô, khô âm đạo, bốc hỏa,...
-
Những triệu chứng này có thể được khắc phục bằng một số biện pháp đơn giản, ví dụ như thay đổi thói quen sống và liệu pháp hormone thay thế.
-
Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp điều trị bằng liệu pháp hormone nên cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Mãn kinh do phẫu thuật là gì?
Mãn kinh do phẫu thuật là thời kỳ mãn kinh xảy đến sớm do phẫu thuật chứ không phải do quá trình lão hóa tự nhiên. Mãn kinh do phẫu thuật xảy ra sau khi cắt bỏ hai buồng trứng.
Buồng trứng là cơ quan sản xuất estrogen chính trong cơ thể phụ nữ. Việc cắt bỏ đi cả hai buồng trứng sẽ khiến phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh ngay lập tức dù chưa đến tuổi mãn kinh.
Mặc dù có thể chỉ cắt buồng trứng nhưng đôi khi cần cắt cả tử cung để giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.
Chu kỳ kinh nguyệt sẽ dừng lại sau khi cắt tử cung. Mặc dù quy trình phẫu thuật này không dẫn đến mãn kinh ngay lập tức trừ khi buồng trứng cũng bị cắt bỏ nhưng thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu trong vòng 5 năm kể sau ca phẫu thuật.
Triệu chứng mãn kinh do phẫu thuật
Thời kỳ mãn kinh tự nhiên thường diễn ra trong độ tuổi từ 45 đến 55. Một phụ nữ sẽ chính thức mãn kinh khi qua 12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt. Tuy nhiên, các triệu chứng tiền mãn kinh thường bắt đầu xuất hiện từ nhiều tháng đến nhiều năm trước đó.
Dù là mãn kinh tự nhiên hay mãn kinh do phẫu thuật thì trong cơ thể đều diễn ra những thay đổi nội tiết tố và dẫn đến những triệu chứng như:
- Bốc hỏa
- Ớn lạnh
- Người mệt mỏi
- Khô âm đạo
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Tăng cân
- Đổ mồ hôi về đêm
- Rụng tóc, mỏng tóc
- Da khô
Chỉ có điều, những triệu chứng của mãn kinh sau khi phẫu thuật cắt buồng trứng sẽ nghiêm trọng hơn do sự thay đổi nội tiết tố xảy ra đột ngột thay vì diễn ra từ từ trong vài năm như mãn kinh tự nhiên. Các thay đổi sẽ bắt đầu ngay sau khi phẫu thuật.
Tác hại của mãn kinh do phẫu thuật
Giống như mãn kinh tự nhiên, mãn kinh do phẫu thuật cũng gây ra những vấn đề như:
- Giảm mật độ xương, tăng tốc độ loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương
- Chức năng tình dục bị suy giảm do giảm ham muốn và đau rát khi quan hệ do khô âm đạo
- Mất khả năng sinh sản
- Tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Mãn kinh do phẫu thuật cũng gây mất cân bằng nội tiết tố. Buồng trứng và tuyến thượng thận là hai cơ quan tạo ra progesterone và estrogen - các hormone sinh dục nữ. Khi cả hai buồng trứng đều bị cắt loại bỏ, tuyến thượng thận sẽ không thể tạo ra đủ hormone để duy trì sự cân bằng.
Mất cân bằng nội tiết tố sẽ làm tăng nguy cơ mắc một loạt các bệnh khác nhau như bệnh tim và loãng xương.
Vì lý do này nên có thể sẽ cần điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế (HRT) sau khi phẫu thuật cắt buồng trứng để giảm nguy cơ mắc bệnh nhưng cũng còn tùy thuộc vào bệnh sử của mỗi người. Ví dụ, những phụ nữ có tiền sử ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng không nên điều trị bằng phương pháp này.
Lợi ích của mãn kinh do phẫu thuật
Mặc dù gây ra những tác hại đến sức khỏe nhưng việc cắt buồng trứng và trải qua mãn kinh do phẫu thuật đôi khi sẽ đem lại những lợi ích nhất định.
Một số bệnh ung thư phát triển do tác động của estrogen, ví dụ như ung thư vú, ung thư buồng trứng và ung thư tử cung. Do đó, những phụ nữ mãn kinh muộn có nguy cơ mắc các bệnh này cao hơn do cơ thể phải chịu tác động của estrogen trong thời gian dài hơn. Những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng, ung thư tử cung hoặc ung thư vú sẽ còn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn vì gen không có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u.
Trong trường hợp này thì phẫu thuật cắt buồng trứng là một giải pháp để ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc ung thư.
Mãn kinh do phẫu thuật còn giúp giảm các cơn đau đớn do lạc nội mạc tử cung. Đây là tình trạng mà mô niêm mạc tử cung (lớp mô bao phủ bề mặt bên trong của tử cung) lại hình thành ở những cơ quan khác bên ngoài tử cung, ví dụ như buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc các hạch bạch huyết. Lạc nội mạc tử cung sẽ gây ra các cơn đau đớn dữ dội ở vùng chậu.
Cắt bỏ buồng trứng sẽ làm ngừng hoặc làm chậm sự sản sinh hormone estrogen và làm giảm các cơn đau. Những phụ nữ bị vấn đề này không nên điều trị bằng liệu pháp estrogen.
Tại sao cần cắt buồng trứng?
Trong nhiều trường hợp, cắt buồng trứng là biện pháp được thực hiện nhằm ngăn ngừa bệnh. Đôi khi, cả buồng trứng và tử cung đều bị cắt bỏ.
Một số phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cao hơn do có tiền sử gia đình bị ung thư. Trong những trường hợp này, để tránh bị ung thư thì sẽ cần phẫu thuật cắt một hoặc cả hai buồng trứng. Trong một số trường hợp sẽ cần cắt bỏ cả tử cung.
Cắt buồng trứng cũng là một biện pháp để điều trị các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung và đau vùng chậu mãn tính. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng hiệu quả.
Ngoài ra còn có lý do khác mà phụ nữ cần phẫu thuật cắt cả hai buồng trứng như:
- Điều trị xoắn buồng trứng
- Điều trị ung thư buồng trứng hoặc u nang buồng trứng tái phát
- Điều trị cho những trường hợp có khối u lành tính trong buồng trứng
Kiểm soát triệu chứng mãn kinh do phẫu thuật
Để giảm những vấn đề xảy ra khi mãn kinh do phẫu thuật thì có thể sẽ cần đến liệu pháp hormone thay thế. Liệu pháp này giúp bổ sung lượng hormone bịt thiếu hụt sau phẫu thuật.
Liệu pháp hormone thay thế còn giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và làm chậm tốc độ giảm mật độ xương, ngăn ngừa loãng xương. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những phụ nữ phải phẫu thuật cắt buồng trứng trước tuổi mãn kinh tự nhiên.
Những phụ nữ dưới 45 tuổi cắt buồng trứng và không điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế có nguy cơ cao mắc ung thư, các bệnh về tim mạch và thần kinh.
Tuy nhiên, liệu pháp này lại làm tăng nguy cơ ung thư vú và nguy cơ sẽ đặc biệt cao ở những phụ nữ có tiền sử gia đình bị ung thư.
Ngoài liệu pháp hormone thay thế, phụ nữ cũng có thể kiểm soát các triệu chứng mãn kinh do phẫu thuật bằng một số cách đơn giản như sau:
- Mang theo một chiếc quạt cầm tay để làm mát khi bị bốc hỏa
- Uống nhiều nước
- Ăn uống đủ chất
- Tránh các tác nhân kích hoạt cơn bốc hỏa như đồ ăn cay
- Hạn chế uống rượu
- Giữ cho phòng ngủ mát mẻ vào ban đêm để tránh bị bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm
Căng thẳng có thể làm cho các triệu chứng mãn kinh thêm nặng hơn và để làm giảm căng thẳng thì có thể thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày
- Tập thể dục đều đặn
- Ngồi thiền
Mãn kinh (menopause) chính thức bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong hơn 12 tháng liên tục. Ngay trước, trong và sau khi mãn kinh, phụ nữ thường gặp phải các tình trạng như đổ mồ hôi vào ban đêm. Mặc dù không có cách nào ngăn chặn thời kỳ mãn kinh nhưng có nhiều cách để giảm bớt các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mặc dù phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị u nang buồng trứng thấp hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chừng nào còn buồng trứng thì vẫn sẽ có nguy cơ bị u nang buồng trứng.
FSH (follicle-stimulating hormone hay hormone kích thích nang trứng) là hormone có vai trò hỗ trợ sự sản xuất estrogen và quá trình sinh sản trong cơ thể. Vì FSH điều hòa cả quá trình rụng trứng và sản xuất tinh trùng nên xét nghiệm đo nồng độ FSH trong máu có thể giúp đánh giá khả năng sinh sản của một người.
Đa số phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh ở độ tuổi từ 41 đến 55 nhưng có nhiều yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến hệ sinh dục và dẫn đến mãn kinh sớm hơn bình thường.
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh. Mãn kinh bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong suốt một năm. Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 30 đến 40. Nồng độ estrogen thay đổi liên tục trong khoảng thời gian này. Điều này khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều, ví dụ như thời gian hành kinh dài hơn, ngắn hơn, thưa hơn và lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn. Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt này kéo theo những thay đổi về dịch tiết âm đạo hay còn gọi là khí hư. Nồng độ estrogen sụt giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến cho lượng dịch tiết âm đạo giảm đi và dẫn đến khô âm đạo.