Xoắn buồng trứng là gì? Điều trị bằng cách nào?
Xoắn buồng trứng là gì?
Xoắn buồng trứng xảy ra khi buồng trứng bị xoắn quanh các mô hỗ trợ. Đôi khi, ống dẫn trứng cũng có thể bị xoắn. Tình trạng này làm gián đoạn nguồn cung cấp máu cho buồng trứng và ống dẫn trứng.
Xoắn buồng trứng là một vấn đề cần can thiệp khẩn cấp. Nếu không được điều trị nhanh chóng, xoắn buồng trứng có thể dẫn đến mất buồng trứng.
Đây là một vấn đề không phổ biến nhưng những phụ nữ bị u nang buồng trứng, đặc biệt là u nang cỡ lớn sẽ dễ bị xoắn buồng trứng. Có thể giảm nguy cơ bằng cách sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết hoặc các loại thuốc khác để làm giảm kích thước của u nang.
Dưới đây là những biểu hiện, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ và cách điều trị xoắn buồng trứng.
Biểu hiện
Xoắn buồng trứng có thể gây:
- đau dữ dội, đột ngột ở vùng bụng dưới
- buồn nôn
- nôn
- chảy máu âm đạo bất thường
- sốt
Những biểu hiện này thường xuất hiện đột ngột.
Trong một số trường hợp, tình trạng đau ở vùng bụng dưới diễn ra không liên tục trong suốt vài tuần. Điều này xảy ra do buồng trứng đang xoay trở lại vị trí bình thường.
Đau là một triệu chứng mà bất cứ phụ nữ nào bị xoắn buồng trứng cũng đều gặp phải.
Nếu chỉ bị buồn nôn hoặc nôn mà không đau thì nguyên nhân là do một vấn đề khác nhưng vẫn nên đi khám để chẩn đoán chính xác.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Buồng trứng có thể bị xoắn khi không ổn định. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên điều này, ví dụ như u nang hoặc khối u ở buồng trứng.
Phụ nữ cũng sẽ có nguy cơ cao bị xoắn buồng trứng nếu như:
- bị hội chứng buồng trứng đa nang
- có dây chằng buồng trứng dài. Dây chằng buồng trứng là dây nối buồng trứng với tử cung
- đã thắt ống dẫn trứng
- đang mang thai
- đang điều trị bằng hormone, thường là do vô sinh
Mặc dù xoắn buồng trứng có thể xảy ra với bất cứ ai nhưng chủ yếu là những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Chẩn đoán bằng cách nào?
Nếu nhận thấy những biểu hiện xoắn buồng trứng thì cần đi khám ngay lập tức. Càng trì hoãn lâu thì nguy cơ xảy ra biến chứng sẽ càng cao.
Sau khi đánh giá các biểu hiện và lấy bệnh sử, bác sĩ sẽ kiểm tra vùng chậu để xác định vị trí của những vùng bị đau. Tiếp theo cần siêu âm qua đường âm đạo để quan sát buồng trứng, ống dẫn trứng và kiểm tra sự lưu thông máu.
Ngoài ra có thể cần làm xét nghiệm máu và nước tiểu để xem có phải các triệu chứng là do nguyên nhân khác hay không, chẳng hạn như:
- Viêm đường tiết niệu
- Áp-xe buồng trứng
- Thai ngoài tử cung
- Viêm ruột thừa
Mặc dù bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán sơ bộ xoắn buồng trứng dựa trên kết quả của những phương pháp này nhưng chỉ khi làm phẫu thuật khắc phục thì mới có thể kết luận chính xác.
Phương pháp điều trị
Sẽ cần làm phẫu thuật để sửa lại buồng trứng và có thể là cả ống dẫn trứng. Sau phẫu thuật, bác sĩ sẽ kê thuốc để giảm nguy cơ tái phát. Một số trường hợp còn phải cắt bỏ hẳn bên buồng trứng bị xoắn.
Quy trình phẫu thuật
Bác sĩ sẽ thực hiện ca phẫu thuật bằng một trong hai phương pháp dưới đây:
- Phẫu thuật nội soi: đưa ống nội soi vào qua một đường rạch nhỏ ở bụng dưới. Ống nội soi có gắn đèn và camera giúp bác sĩ có thể quan sát các cơ quan trong quá trình phẫu thuật. Sau đó, bác sĩ tạo thêm một vài đường rạch khác để tiếp cận buồng trứng. Một khi đã tiếp cận được, bác sĩ đưa dụng cụ vào để chỉnh buồng trứng trở lại vị trí bình thường. Quy trình phẫu thuật này được thực hiện với phương pháp gây mê toàn thân và bệnh nhân có thể về nhà ngay trong ngày.
- Phương pháp mổ mở: rạch một đường dài ở bụng dưới để tiếp cận và sửa lại buồng trứng. Trong quy trình phẫu thuật này, bệnh nhân được gây mê toàn thân nhưng sẽ phải nằm viện một vài hôm.
Nếu để quá lâu mới điều trị thì sẽ xảy ra hiện tượng hoại tử mô do không được cung cấp máu và cần can thiệp bằng các quy trình phẫu thuật sau:
- Cắt buồng trứng: Nếu mô buồng trứng bị hoại tử thì sẽ cần cắt bỏ buồng trứng. Có thể thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.
- Cắt buồng trứng và ống dẫn trứng: Nếu mô ở cả buồng trứng và ống dẫn trứng đều bị hoại tử thì sẽ cần cắt bỏ cả hai cơ quan này. Quy trình phẫu thuật còn được thực hiện nhằm mục đích ngăn vấn đề tái phát ở những phụ nữ đã mãn kinh.
Giống như bất kỳ ca phẫu thuật nào, những rủi ro có thể xảy ra khi cắt buồng trứng và ống dẫn trứng gồm có hình thành cục máu đông, nhiễm trùng và biến chứng do thuốc gây mê.
Thuốc
Bệnh nhân sẽ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn để làm dịu các cơn đau trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật, ví dụ như:
- acetaminophen
- ibuprofen
- naproxen
Nếu bị đau dữ dội và thuốc không kê đơn không hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê các loại thuốc giảm đau nhóm opioid như:
- oxycodone
- oxycodone với acetaminophen
Ngoài ra, có thể bác sĩ sẽ còn kê thuốc tránh thai liều cao hoặc các biện pháp tránh thai nội tiết khác để giảm nguy cơ vấn đề tái phát trong tương lai.
Biến chứng
Càng trì hoãn lâu không điều trị thì sẽ càng có nguy cơ cao bị biến chứng do xoắn buồng trứng.
Khi buồng trứng bị xoắn thì sự lưu thông máu đến buồng trứng và ống dẫn trứng sẽ bị gián đoạn. Tình trạng giảm lưu lượng máu kéo dài sẽ dẫn đến hoại tử (chết mô). Khi điều này xảy ra thì sẽ phải cắt bỏ buồng trứng và những mô bị ảnh hưởng.
Cách duy nhất để tránh biến chứng này là đến bệnh viện ngay lập tức khi có các biểu hiện bất thường.
Khi chỉ bị mất một buồng trứng do hoại tử thì vẫn có thể thụ thai bình thường. Xoắn buồng trứng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Tóm tắt bài viết
Xoắn buồng trứng là một vấn đề khẩn cấp và cần phẫu thuật để khắc phục. Phát hiện và điều trị chậm trễ sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng và dẫn đến việc phải điều trị phức tạp.
Một khi bên buồng trứng bị xoắn đã được sửa lại hoặc cắt bỏ thì nên sử dụng các biện pháp tránh thai để giảm nguy cơ vấn đề tái phát. Xoắn buồng trứng không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và mang thai.
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, bằng những điều chỉnh đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, bệnh nhân sẽ có thể dần dần cải thiện chất lượng cuộc sống và lấy lại sự cân bằng.
Mặc dù hiện chưa có cách chữa trị khỏi hội chứng buồng trứng đa nang nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng nhiều biện pháp khác nhau. Ngoài dùng thuốc, người bệnh có thể thử một số phương pháp tự nhiên.
Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là đối tượng dễ bị u nang và áp-xe tuyến Bartholin nhất. Gần 2% phụ nữ bị áp-xe tuyến Bartholin ít nhất một lần trong đời.
Khi mang thai, sự dao động nồng độ nội tiết tố sẽ làm thay đổi độ pH trong âm đạo. Điều này tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm men.
Sưng âm hộ có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.