5 cách cải thiện chất lượng cuộc sống sau điều trị ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là bệnh ung thư xảy ra ở buồng trứng - cơ quan sản xuất trứng và các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone). Bệnh ung thư này thường không được phát hiện sớm vì chỉ biểu hiện các triệu chứng khi ung thư đã lan rộng (di căn).
Kể cả khi có các triệu chứng thì cũng thường không rõ ràng và rất giống với những vấn đề, bệnh lý không phải ung thư. Một số dấu hiệu của ung thư buồng trứng gồm có đau bụng, chướng bụng, người mệt mỏi và đau lưng.
Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng thường gồm có phẫu thuật và hóa trị liệu để loại bỏ hoặc thu nhỏ kích thước khối u. Bất cứ phác đồ điều trị ung thư nào cũng đều làm cho sức khỏe người bệnh bị suy yếu. Và kể cả khi đã kết thúc quá trình điều trị thì cũng phải mất một thời gian cơ thể mới có thể trở lại bình thường và khôi phục lại cuộc sống như trước.
Tình trạng thiếu năng lượng, mệt mỏi, suy nhược kéo dài trong và sau khi điều trị ung thư sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống. Ngoài ra, sau điều trị, người bệnh còn phải trải qua những vấn đề về tâm lý, ví dụ như lo sợ ung thư sẽ tái phát.
Dưới đây là một số lời khuyên đơn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư buồng trứng cũng như là các bệnh ung thư khác sau quá trình điều trị.
1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Ăn uống đủ chất, lành mạnh luôn là điều rất quan trọng nhưng điều này lại càng cần thiết hơn nữa sau khi điều trị ung thư. Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp tăng cường sức khỏe thể chất và cải thiện mức năng lượng cho cơ thể.
Nên ăn nhiều trái cây và rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) khuyến nghị mỗi người nên tiêu thụ khoảng 300g rau củ quả mỗi ngày. Mặc dù không có loại thực phẩm nào có thể ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư nhưng trái cây và rau xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa, chất xơ, khoáng chất, vitamin và các chất thiết yếu khác. Những chất này giúp duy trì khả năng chống lại bệnh tật của cơ thể.
Ngoài ra, nên lựa chọn các nguồn thực phẩm chứa chất béo lành mạnh như axit béo omega-3, gồm có cá và hải sản, các loại hạt như óc chó, hạt dẻ cười, quả bơ, dầu thực vật.... Bổ sung protein, thịt nạc và các nguồn carbohydrate lành mạnh như các loại đậu cùng ngũ cốc nguyên hạt để tăng mức năng lượng và giảm mệt mỏi.
2. Cải thiện chất lượng giấc ngủ
Mệt mỏi sau quá trình điều trị ung thư là điều rất bình thường. Tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Cơ thể sẽ dần dần trở lại bình thường và trong thời gian đó thì cần phải ngủ đủ mỗi đêm. Điều này giúp cơ thể khỏe khoắn, tỉnh táo và có đủ năng lượng cho cả ngày dài tiếp theo.
Ngủ không đủ sẽ khiến cho cơ thể càng mệt mỏi thêm và ảnh hưởng đến tâm trạng, sự tập trung cũng như là hiệu suất làm việc vào ngày hôm sau.
Nếu hay bị khó ngủ, ngủ không sâu giấc thì không được uống bất kỳ loại đồ uống nào có chứa caffeine trong vòng 8 tiếng trước khi lên giường ngủ. Tránh ăn no, vận động nhiều và không tập thể dục trong vòng 2 đến 3 tiếng trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, không dùng máy tính và lướt điện thoại trước giờ ngủ và sắp xếp phòng ngủ, giường ngủ thật thoải mái. Có thể thử các biện pháp thư giãn trước khi đi ngủ như thiền, tập yoga hoặc ngâm mình trong nước nóng.
3. Tập thể dục đều đặn
Khi đã mệt mỏi thì chẳng ai còn muốn tập thể dục nhưng thực chất, việc tăng cường vận động thể chất sẽ giúp nâng cao sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tập thể dục giúp cải thiện sức mạnh, mức năng lượng và chất lượng giấc ngủ. Thêm nữa, thói quen tập luyện thường xuyên còn có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần.
Nhiều người luôn trong trạng thái uể oải, buồn bã trong và sau khi điều trị ung thư kèm theo cảm giác lo sợ về tương lai. Việc tập thể dục sẽ kích thích não bộ tiết ra endorphin – một chất hóa học có tác dụng tạo cảm giác vui vẻ, phấn chấn và từ đó cải thiện tâm trạng.
Khi mới tập thì nên chọn những bài tập cường độ thấp và có thể chỉ cần tập trong 10 đến 15 phút. Khi đã quen và cơ thể khỏe khoắn, dẻo dai hơn thì tăng dần thời gian và cường độ của bài tập. Có thể bất kỳ bài tập nào như chạy bộ, tập aerobic, tập gym, bơi lội, đạp xe,…
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến nghị nên cố gắng tập thể dục 150 phút mỗi tuần, tương đương với 5 buổi tập, mỗi buổi 30 phút.
4. Chú ý nghỉ ngơi
Sau khi điều trị ung thư, tâm lý chung của nhiều người là muốn nhanh chóng khôi phục lại cuộc sống như bình thường. Tuy nhiên, hãy cứ từ từ. Không nên hoạt động nặng trở lại quá sớm. Mặc dù quá trình điều trị đã hoàn thành nhưng cơ thể vẫn cần có thêm thời gian để hồi phục hoàn toàn.
Việc vận động quá sức sẽ làm giảm mức năng lượng và khiến cho cơ thể càng mệt mỏi nhiều hơn. Ngoài ra, điều này còn có thể ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần.
Mặc dù nên tăng cường hoạt động thể chất nhưng khi mới điều trị xong thì vẫn chỉ nên hoạt động ở mức độ vừa phải, lắng nghe cơ thể và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Tóm tắt bài viết
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, bằng những điều chỉnh đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, bệnh nhân sẽ có thể dần dần cải thiện chất lượng cuộc sống và lấy lại sự cân bằng.
Cuộc sống sau điều trị ung thư có thể sẽ khác với trước đây. Tuy nhiên, học cách chấp nhận và chủ động thích nghi sẽ giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Ung thư buồng trứng được cho là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh di căn (lan đến những khu vực, bộ phận khác trong cơ thể).
Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn này, ung thư đã lan rộng (di căn) ra ngoài hệ sinh dục và vùng chậu đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Có nhiều cách để điều trị bệnh ung thư buồng trứng. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính nhưng cũng thường được kết hợp với hóa trị, xạ trị, liệu pháp hormone hoặc liệu pháp nhắm trúng đích.
Ung thư là một nhóm các bệnh nguy hiểm mà nếu không được điều trị kịp thời thì có thể gây tử vong. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư cũng đi kèm với nhiều tác dụng phụ và thậm chí còn có thể dẫn đến các biến chứng vĩnh viễn.
Buồng trứng là một cơ quan sinh sản ở phụ nữ và là nơi tạo ra trứng cùng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone). Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào ở buồng trứng trở nên bất thường và nhân lên mất kiểm soát rồi tạo thành khối u ác tính.