1

Ung Thư Buồng Trứng

Ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng là loại ung thư bắt đầu ở buồng trứng. Buồng trứng là hai cơ quan nhỏ nằm ở trong khoang chậu. Hệ sinh dục của mỗi phụ nữ gồm có hai buồng trứng, mỗi buồng nằm ở một bên của tử cung. Buồng trứng bình thường có kích cỡ khoảng 3.5cm x 2.5cm x 1.5cm, có nhiệm vụ tạo ra trứng cũng như là sản xuất các hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone. Ung thư buồng trứng có thể xảy ra ở các phần khác nhau của buồng trứng.

Ung thư buồng trứng có thể bắt đầu hình thành từ các tế bào mầm, tế bào đệm hoặc tế bào biểu mô buồng trứng. Tế bào mầm là những tế bào sẽ phát triển trở thành trứng. Tế bào đệm là những tế bào mô liên kết của buồng trứng và tế bào biểu mô là lớp tế bào ở bề mặt của buồng trứng.

Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu đa phần không biểu hiện triệu chứng nên thường được phát hiện khi đã lan rộng trong khoang chậu và ổ bụng. Càng về giai đoạn sau, ung thư buồng trứng càng khó điều trị hơn. Nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu khi ung thư mới chỉ giới hạn ở buồng trứng thì khả năng cao là có thể điều trị thành công.

Triệu chứng ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường không có bất kỳ triệu chứng nào nên rất khó phát hiện ở giai đoạn này. Tuy nhiên, đôi khi bệnh vẫn biểu hiện một số triệu chứng như:

  • Đầy hơi thường xuyên
  • Ăn nhanh no dù không ăn nhiều
  • Chán ăn
  • Thường xuyên buồn tiểu gấp và đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Đau và khó chịu ở vùng bụng dưới hoặc vùng chậu

Những triệu chứng này thường xảy đến đột ngột và có cảm giác khác với triệu chứng của các vấn đề về đường tiêu hóa hay cảm giác khó chịu thông thường khi đến kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng của ung thư buồng trứng cũng thường kéo dài lâu hơn.

>>> Những dấu hiệu sớm của ung thư buồng trứng

Các triệu chứng khác của ung thư buồng trứng còn có:

  • Đau vùng lưng dưới
  • Đau khi quan hệ
  • Táo bón
  • Khó tiêu
  • Mệt mỏi
  • Thay đổi về kinh nguyệt, ví dụ như ra máu nặng hoặc kinh nguyệt không đều
  • Tăng cân
  • Sụt cân
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Nổi mụn
  • Tình trạng đau mỏi lưng dưới kéo dài dai dẳng và ngày càng nặng hơn

Nếu những triệu chứng này kéo dài quá hai tuần thì cần đi khám.

Các loại ung thư buồng trứng

Ung thư biểu mô buồng trứng

Ung thư biểu mô là loại ung thư buồng trứng phổ biến nhất, chiếm tới 85 đến 89% các ca bệnh ung thư buồng trứng. Đây cũng là nguyên nhân phổ biến thứ tư của các ca tử vong do ung thư ở phụ nữ.

Ung thư biểu mô thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Hầu hết người bệnh đều chỉ được chẩn đoán khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

Yếu tố di truyền

Loại ung thư buồng trứng này di truyền trong gia đình và nguy cơ mắc tăng cao ở những phụ nữ có tiền sử gia đình:

  • Ung thư buồng trứng và ung thư vú
  • Ung thư buồng trứng mà không có ung thư vú
  • Ung thư buồng trứng và ung thư đại tràng

Những phụ nữ có 2 hoặc nhiều người thân ruột thịt, chẳng hạn như mẹ, chị em gái hoặc bà bị ung thư buồng trứng là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Ngay cả khi chỉ có một người thân bị ung thư buồng trứng thì cũng vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Các gen ung thư vú BRCA1 và BRCA2 cũng làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng.

Các yếu tố tăng tỷ lệ sống

Một số yếu tố làm tăng tỷ lệ sống ở những phụ nữ bị ung thư biểu mô buồng trứng gồm có:

  • Được chẩn đoán ở giai đoạn sớm
  • Tuổi còn trẻ
  • Khối u biệt hóa cao, có nghĩa là các tế bào của khối u vẫn có các đặc điểm và chức năng giống với các tế bào khỏe mạnh
  • Khối u có kích thước nhỏ tại thời điểm phát hiện
  • Bị ung thư do gen BRCA1 và BRCA2 gây ra

Ung thư tế bào mầm buồng trứng

Ung thư tế bào mầm buồng trứng là tên chung của một số loại ung thư buồng trứng khác nhau. Những loại ung thư này hình thành từ các tế bào tạo ra trứng, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ và thanh thiếu niên, phổ biến nhất ở phụ nữ ở độ tuổi 20.

Khối u tế bào mầm có thể có kích thước khá lớn và phát triển nhanh chóng. Đôi khi, các khối u còn sản sinh ra hormone gonadotropin màng đệm ở người (HCG). Điều này có thể cho kết quả thử thai dương tính giả.

Ung thư tế bào mầm thường có thể điều trị khỏi. Phẫu thuật là phương pháp điều trị bước đầu cho các trường hợp mắc loại ung thư này và người bệnh thường được khuyến khích tiếp tục hóa trị sau phẫu thuật.

Ung thư mô đệm buồng trứng

Ung thư mô đệm phát triển từ các tế bào mô liên kết của buồng trứng. Các tế bào này có vai trò liên kết mô buồng trứng lại với nhau và một số tế bào còn sản sinh ra các hormone ở buồng trứng, gồm có estrogen, progesterone và testosterone.

Ung thư mô đệm buồng trứng là loại ung thư rất hiếm gặp và tiến triển chậm. Khối u mô đệm tiết ra estrogen và testosterone. Nồng độ testosterone tăng cao gây ra mụn trứng cá và mọc lông trên mặt. Trong khi đó, lượng estrogen dư thừa có thể gây chảy máu tử cung. Đây là những dấu hiệu bất thường rất dễ nhận ra. Vì thế mà ung thư mô đệm thường được chẩn đoán ở giai đoạn đầu và những người bị ung thư mô đệm buồng trứng thường có tiên lượng khá khả quan. Loại ung thư này thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Các giai đoạn của ung thư buồng trứng

Giai đoạn ung thư buồng trứng được xác định bởi 3 yếu tố:

  • Kích thước của khối u
  • Mức độ xâm lấn của khối u vào mô của buồng trứng hay vùng mô lân cận
  • Ung thư đã di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể hay chưa

Dựa trên các yếu tố này mà ung thư buồng trứng được chia thành 4 giai đoạn như sau:

  • Ung thư buồng trứng giai đoạn 1: tế bào ung thư chỉ giới hạn ở một hoặc cả hai buồng trứng.
  • Ung thư buồng trứng giai đoạn 2: tế bào ung thư giới hạn trong khoang chậu.
  • Ung thư buồng trứng giai đoạn 3: tế bào ung thư đã lan sang đến ổ bụng.
  • Ung thư buồng trứng giai đoạn 4: ung thư đã di căn ra ngoài ổ bụng vào các cơ quan khác.

Mỗi giai đoạn lại được chia thành các giai đoạn nhỏ hơn. Những giai đoạn nhỏ này giúp xác định được chính xác sự tiến triển của bệnh ung thư. Ví dụ, ung thư buồng trứng giai đoạn 1A là giai đoạn mà ung thư chỉ hình thành ở một buồng trứng và giai đoạn 1B là khi cả hai buồng trứng đều có tế bào ung thư. Mỗi giai đoạn ung thư lại được điều trị bằng phương pháp khác nhau và có tiên lượng không giống nhau.

Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng

Hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra ung thư buồng trứng mà mới chỉ tìm ra các yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành loại ung thư này ở phụ nữ.

Nói chung, ung thư, dù bất kỳ loại nào thì cũng đều bắt đầu hình thành khi DNA của tế bào bị lỗi (đột biến). Đột biến này khiến cho tế bào phát triển và nhân lên với tốc độ nhanh chóng rồi dần dần tập hợp lại và tạo thành khối u. Các tế bào bất thường này tiếp tục tồn tại trong khi các tế bào bình thường chết đi theo chu kỳ được định sẵn. Chúng có thể xâm lấn vùng mô xung quanh và tách ra từ khối u ban đầu để di chuyển đến các nơi khác trong cơ thể (di căn).

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn đang cố gắng xác định loại đột biến gen gây ra ung thư buồng trứng. Những đột biến này có thể được di truyền từ bố mẹ hoặc xảy ra vào một thời điểm nhất định trong đời.

Yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng

Mặc dù nguyên nhân gây ung thư buồng trứng vẫn chưa được tìm ra nhưng các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư này. Các yếu tố này gồm có:

  • Di truyền: Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư buồng trứng, ống dẫn trứng, ung thư vú hoặc ung thư đại trực tràng thì sẽ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng cao hơn bình thường. Nguyên nhân là bởi có một số đột biến gen nhất định tham gia vào quá trình hình thành bệnh ung thư này và đột biến gen có thể được truyền từ bố mẹ sang con.
  • Bệnh sử cá nhân: Nếu từng bị ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng sẽ tăng cao. Tương tự, nếu đã được chẩn đoán mắc một số vấn đề, bệnh lý ở hệ sinh dục như hội chứng buồng trứng đa nang và lạc nội mạc tử cung thì tỷ lệ bị ung thư buồng trứng cũng sẽ cao hơn.
  • Tiền sử sinh sản: Những phụ nữ sử dụng biện pháp tránh thai thường có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn trong khi những phụ nữ sử dụng các loại thuốc hỗ trợ sinh sản lại có nguy cơ cao hơn. Tương tự, những phụ nữ đã từng mang thai và cho con bú cũng có nguy cơ ung thư buồng trứng thấp hơn so với nhưng những phụ nữ chưa từng mang thai và sinh con.
  • Tuổi tác: Ung thư buồng trứng xảy ra phổ biến nhất ở phụ nữ lớn tuổi và hiếm khi được chẩn đoán ở phụ nữ dưới 40 tuổi. Nguy cơ bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng tăng cao sau mãn kinh.
  • Kích thước cơ thể: Phụ nữ có chỉ số khối cơ thể BMI trên 30 có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.

Chẩn đoán ung thư buồng trứng

Để chẩn đoán ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng bước khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Quá trình thăm khám lâm sàng thường gồm có kiểm tra cả vùng chậu và trực tràng. Khi kiểm tra vùng chậu, bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt và đưa ngón tay vào âm đạo, đồng thời ấn tay lên bụng để sờ nắn các cơ quan trong vùng chậu. Bác sĩ sẽ còn quan sát trực quan bộ phận sinh dục ngoài, âm đạo và cổ tử cung.

Phương pháp xét nghiệm phết tế bào tử cung hay xét nghiệm Pap smear định kỳ hàng năm không thể phát hiện ung thư buồng trứng mà sẽ cần làm các xét nghiệm sau đây:

  • Công thức máu toàn bộ
  • Xét nghiệm kháng nguyên ung thư 125 (CA 125). Nồng độ CA 125 tăng cao là một dấu hiệu chỉ ra ung thư buồng trứng
  • Xét nghiệm HCG. Nồng độ hormone này tăng cao hơn bình thường khi có khối u tế bào mầm.
  • Xét nghiệm AFP (alpha-fetoprotein) để xác định nồng độ AFP trong máu. Đây là một loại protein được tạo ra bởi các khối u tế bào mầm.
  • Xét nghiệm LDH nhằm đo nồng độ enzyme lactate dehydrogenase. Nồng độ enzyme này tăng cao có thể cho thấy sự hiện diện của khối u tế bào mầm.
  • Xét nghiệm đo nồng độ các hormone inhibin, estrogen và testosterone. Nồng độ các hormone thường tăng khi có khối u mô đệm.
  • Xét nghiệm chức năng gan để xác định xem ung thư đã di căn đến gan hay chưa.
  • Xét nghiệm chức năng thận để xác định khối u có gây tắc nghẽn niệu quản hoặc đã di căn đến bàng quang và thận hay chưa.

Ngoài ra còn có các phương pháp khác cũng được sử dụng để kiểm tra các dấu hiệu của ung thư buồng trứng:

Sinh thiết

Sinh thiết là bước cần thiết để xác định xem khối u trong buồng trứng là u ác tính hay u nang lành tính. Trong quá trình sinh thiết, một mẫu mô nhỏ được lấy từ buồng trứng để tìm tế bào ung thư.

Phương pháp sinh thiết có thể được thực hiện bằng kim với sự hướng dẫn từ hình ảnh CT scan hoặc siêu âm. Quá trình lấy mẫu bệnh phẩm cũng có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi. Nếu có dịch trong ổ bụng, bác sĩ sẽ lấy cả mẫu dịch để tìm tế bào ung thư.

Chẩn đoán hình ảnh

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT scan), cộng hưởng từ MRI và chụp positron cắt lớp PET giúp phát hiện những thay đổi ở buồng trứng và các cơ quan khác mà tế bào ung thư di căn đến.

Kiểm tra di căn

Sau khi chẩn đoán thư buồng trứng, người bệnh sẽ cần làm thêm các xét nghiệm khác để kiểm tra ung thư đã di căn sang các cơ quan khác hay chưa. Những xét nghiệm này gồm có:

  • Xét nghiệm nước tiểu để tìm các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc máu trong nước tiểu. Khi có những dấu hiệu này thì có thể ung thư đã lan đến bàng quang và thận.
  • X-quang lồng ngực để phát hiện xem khối u đã di căn đến phổi hay chưa.
  • Chụp X-quang có cản quang bằng bari sulfat để kiểm tra khối u đã di căn đến đại tràng hoặc trực tràng hay chưa.

Hiện nay chưa có khuyến nghị nào về việc tầm soát ung thư buồng trứng định kỳ ở người có nguy cơ trung bình (không có các yếu tố nguy cơ) vì các xét nghiệm thường không phát hiện được các dấu hiệu tiền ung thư cũng như là ung thư ở giai đoạn đầu và cho kết quả không chính xác. Tuy nhiên, những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc ung thư phúc mạc thì nên làm xét nghiệm kiểm tra một số đột biến gen nhất định và tầm soát định kỳ.

Phẫu thuật

Trong một số trường hợp, phải đến tận khi tiến hành phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và làm xét nghiệm tìm dấu hiệu ung thư thì bác sĩ mới có thể xác nhận chắc chắn chẩn đoán ban đầu.

Sau khi xác nhận ung thư buồng trứng, bác sĩ sẽ sử dụng thông tin từ các xét nghiệm và phương pháp kiểm tra khác để xác định giai đoạn của ung thư và chỉ định phác đồ điều trị thích hợp.

Điều trị ung thư buồng trứng

Phác đồ điều trị ung thư buồng trứng phụ thuộc vào loại khối u, giai đoạn và kế hoạch sinh con trong tương lai. Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng gồm có:

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được thực hiện để xác nhận chẩn đoán, xác định giai đoạn ung thư và loại bỏ tế bào ung thư.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ toàn bộ những vùng chứa tế bào ung thư và có thể làm sinh thiết để xem ung thư đã lan rộng hay chưa. Phương pháp phẫu thuật cần thực hiện sẽ phụ thuộc vào phạm vi lan rộng của ung thư và vào việc người bệnh có còn muốn mang thai nữa hay không.

Nếu vẫn còn muốn mang thai và mới bị ung thư giai đoạn đầu thì quá trình phẫu thuật có thể gồm các bước như:

  • Cắt bên buồng trứng bị ung thư và sinh thiết buồng trứng còn lại
  • Cắt bỏ các mô mỡ hoặc mạc nối giữa buồng trứng với một số cơ quan trong ổ bụng
  • Loại bỏ các hạch bạch huyết trong ổ bụng và vùng chậu
  • Sinh thiết các mô khác và chất dịch bên trong ổ bụng

Nếu bị ung thư buồng trứng giai đoạn 2, 3 hoặc 4 và không còn ý định sinh con thì phạm vi phẫu thuật sẽ mở rộng hơn. Các phương pháp phẫu thuật ung thư buồng trứng giai đoạn sau gồm có:

  • Cắt tử cung
  • Cắt cả buồng trứng và ống dẫn trứng
  • Cắt mạc nối
  • Loại bỏ toàn bộ vùng có tế bào ung thư, có thể cả ở lá lách, gan, ruột non hoặc ruột già nếu ung thư đã di căn đến các cơ quan này.
  • Sinh thiết mẫu mô ở vùng có thể bị lây lan ung thư

Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ bị đau trong thời gian ngắn và có thể kèm theo hiện tượng khó tiểu/đại tiện. Nếu cắt bỏ cả hai buồng trứng thì phụ nữ sẽ không thể mang thai được nữa. Việc mất đi cả hai buồng trứng còn làm ngừng sự sản sinh các hormone sinh dục và dẫn đến mãn kinh sớm. Ngay sau khi phẫu thuật, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng của mãn kinh như bốc hỏa và khô âm đạo.

Hóa trị

Hóa trị liệu là phương pháp thường được thực hiện sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra, hóa trị cũng có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật. Đây là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt các tế bào phát triển nhanh trong cơ thể, bao gồm cả tế bào ung thư. Thuốc hóa trị có thể được dùng dưới dạng viên uống, tiêm vào tĩnh mạch hoặc đôi khi là tiêm trực tiếp vào bụng (hóa trị trong phúc mạc). Một số tác dụng phụ của hóa trị liệu là buồn nôn, nôn mửa, rụng tóc, mệt mỏi, khó ngủ, chán ăn, tiêu chảy,…

Xạ trị

Xạ trị thường không phải là phương pháp điều trị bước đầu cho các trường hợp ung thư buồng trứng hay vòi trứng. Phương pháp này có thể được tiến hành sau hóa trị để điều trị cho một số trường hợp bị ung thư buồng trứng tế bào sáng. Đôi khi, xạ trị cũng là một lựa chọn để điều trị ung thư tái phát cục bộ với khối u nhỏ.

Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X hoặc các dạng tia phóng xạ năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư. Loại xạ trị phổ biến nhất là xạ trị chùm tia bên ngoài. Trong đó, tia phóng xạ được phát ra từ máy phóng tia ở bên ngoài cơ thể và nhắm vào vị trí có khối u. Khi nguồn phóng xạ được cấy vào trong cơ thể thì được gọi là xạ trị bên trong hay cận xạ trị, xạ trị áp sát. Trong quá trình xạ trị, người bệnh có thể gặp các hiện tượng như mệt mỏi, vấn đề về da, đau bụng, buồn nôn, rụng tóc, tiêu chảy... Hầu hết các tác dụng phụ đều biến mất ngay sau khi quá trình điều trị kết thúc.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Phương pháp điều trị này sử dụng các loại thuốc để nhắm đến và tấn công các tế bào ung thư trong khi hạn chế gây tổn thương một cách tối đa cho các tế bào bình thường xung quanh. Các loại thuốc nhắm trúng đích can thiệp vào vào các điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư. Liệu pháp này thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp ung thư buồng trứng tái phát sau phác đồ điều trị ban đầu hoặc ung thư không đáp ứng các phương pháp điều trị khác. Các loại thuốc nhắm trúng đích được dùng qua đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch.

Liệu pháp nhắm trúng đích là một phương pháp vẫn đang được nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị ung thư. Các thử nghiệm lâm sàng hiện đang tiếp tục được thực hiện nhằm tìm ra các liệu pháp mới.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone được sử dụng để điều trị khối u cấp thấp khi chúng quay trở lại hay còn gọi là ung thư tái phát. Các loại thuốc hormone để điều trị ung thư buồng trứng gồm có tamoxifen (Soltamox) và các thuốc ức chế aromatase như letrozole (Femara), anastrozole (Arimidex) và exemestane (Aromasin). Liệu pháp hormone thường được sử dụng cho những người có khối u mô đệm.

Điều trị triệu chứng ung thư

Trong giai đoạn chờ điều trị bằng các phương pháp chính, người bệnh sẽ cần đến các phương pháp điều trị bổ sung để giảm nhẹ triệu chứng mà ung thư gây ra. Trong đó, đau đớn là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư buồng trứng cũng như là các loại ung thư khác do khối u chèn ép lên các cơ quan, cơ, dây thần kinh và cấu trúc xương lân cận. Khối u càng lớn thì càng gây đau dữ dội.

Đau cũng có thể là do quá trình điều trị. Hóa trị, xạ trị và phẫu thuật đều khiến cho người bệnh đau đớn và khó chịu. Đối với cơn đau nhẹ thì có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin hoặc ibuprofen. Với cơn đau nặng hơn thì có thể cần dùng đến thuốc giảm đau opioid.

>>> Các phương pháp kiểm soát cơn đau do ung thư buồng trứng

Tỷ lệ sống sót và tiên lượng khi mắc ung thư buồng trứng

Tỷ lệ sống sót là số người còn sống sau một khoảng thời gian nhất định trên tổng số ca mắc bệnh. Hầu hết các số liệu về tỷ lệ sống sót đều là tỷ lệ sống 5 năm, có nghĩa là sống thêm được ít nhất 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Mặc dù những con số này không cho biết một người còn có thể sống được bao lâu nhưng giúp chúng ta biết được khả năng điều trị thành công của một căn bệnh cụ thể.

Đối với tất cả các loại ung thư buồng trứng, tỷ lệ sống 5 năm trung bình là 47%. Tuy nhiên, nếu bệnh được phát hiện và điều trị trước khi lan ra ngoài buồng trứng thì tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 92%.

Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ có chưa đầy một phần tư (15%) số ca ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu trong khi có hơn 80% phụ nữ được chẩn đoán khi bệnh đã ở các giai đoạn sau.

Tìm hiểu thêm về tiên lượng của từng loại và giai đoạn ung thư buồng trứng

Tiên lượng của những người bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng phụ thuộc vào mức độ tiến triển của ung thư tại thời điểm phát hiện và mức độ hiệu quả của phác đồ điều trị. Ung thư giai đoạn 1 có tiên lượng cao hơn nhiều so với ung thư giai đoạn cuối.

Ngăn ngừa ung thư buồng trứng bằng cách nào?

Ung thư buồng trứng hiếm khi xuất hiện các triệu chứng ở giai đoạn đầu. Do vậy nên bệnh này thường không được phát hiện cho đến khi đã tiến đến giai đoạn sau. Hiện tại không có cách nào để ngăn ngừa ung thư buồng trứng nhưng vẫn có một số cách và yếu tố giúp làm giảm nguy cơ mắc căn bệnh ung thư này:

  • Uống thuốc tránh thai
  • Mang thai và sinh con
  • Cho con bú
  • Thắt ống dẫn trứng
  • Cắt tử cung

Tuy nhiên, chỉ nên thắt ống dẫn trứng và cắt tử cung cho những trường hợp thực sự cần thiết. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về các lựa chọn phòng ngừa khác trước khi quyết định phẫu thuật.

Bên cạnh đó, nên khám tầm soát sớm ung thư buồng trứng nếu có tiền sử gia đình mắc bệnh này. Một số đột biến gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ bị ung thư buồng trứng trong tương lai.

Các con số về ung thư buồng trứng

Mặc dù buồng trứng chỉ là cơ quan nhỏ trong cơ thể nhưng có đến hơn 30 loại ung thư buồng trứng khác nhau, được phân loại dựa theo loại tế bào nơi ung thư bắt đầu và giai đoạn ung thư.

Loại phổ biến nhất là ung thư biểu mô, chiếm hơn 85% tổng số ca ung thư buồng trứng.

Theo thống kê, ung thư buồng trứng là nguyên nhân đứng thứ 5 trong số các ca tử vong do ung thư ở phụ nữ và gây tử vong nhiều hơn tất cả các loại ung thư khác ở hệ sinh dục nữ.

Cứ 78 phụ nữ thì lại có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư buồng trứng trong cuộc đời.

Phụ nữ lớn tuổi có khả năng mắc bệnh ung thư buồng trứng cao hơn. Độ tuổi trung bình của các trường hợp chẩn đoán ung thư buồng trứng là 63.

Chỉ có 15% trường hợp ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở giai đoạn đầu trong khi có đến 85% được chẩn đoán khi bệnh ở giai đoạn 2, 3 hoặc 4.

Những người được chẩn đoán khi ung thư mới ở giai đoạn đầu có tỷ lệ sống 5 năm là 92%. Đối với tất cả các loại và giai đoạn ung thư buồng trứng nói chung thì tỷ lệ sống 5 năm trung bình là 47%.

Tổng số điểm của bài viết là: 35 trong 8 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây