Khi nào cần phẫu thuật cắt buồng trứng - ống dẫn trứng?
Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng và ống dẫn trứng. Đây là những bộ phận rất quan trọng đối với chức năng sinh sản của nữ giới. Mỗi tháng, buồng trứng phóng đi một trứng vào trong ống dẫn trứng. Đây là vị trí diễn ra sự thụ tinh.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, phụ nữ cần phẫu thuật để cắt bỏ đi hai cơ quan này. Có người chỉ cần cắt đi một buồng trứng và ống dẫn trứng và cũng có người cần cắt cả hai. Quy trình phẫu thuật cắt buồng trứng và ống dẫn trứng được thực hiện vì nhiều lý do khác nhau, ví dụ như điều trị ung thư buồng trứng.
Đôi khi buồng trứng và ống dẫn trứng khỏe mạnh bình thường cũng bị cắt bỏ để ngăn ngừa ung thư buồng trứng ở những phụ nữ có nguy cơ đặc biệt cao. Quy trình này được gọi là cắt buồng trứng – ống dẫn trứng dự phòng và đã được chứng minh là có thể giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng và cả ung thư vú.
Đôi khi, tử cung (dạ con) cũng được cắt bỏ trong ca phẫu thuật cắt buồng trứng và ống dẫn trứng.
Khi nào cần cắt buồng trứng và ống dẫn trứng?
Quy trình phẫu thuật này thường được thực hiện nhằm điều trị những bệnh như:
- Ung thư buồng trứng
- Lạc nội mạc tử cung
- U lành tính trong buồng trứng như u nang hoặc áp-xe
- Xoắn buồng trứng
- Viêm vùng chậu
- Thai ngoài tử cung
Ngoài ra, những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư buồng trứng và ung thư vú, chẳng hạn như những người mang đột biến gen BRCA cũng có thể cần phẫu thuật cắt buồng trứng và ống dẫn trứng. Điều này giúp làm giảm nguy cơ và tránh phải điều trị phức tạp về sau này.
Sau khi buồng trứng bị cắt bỏ, phụ nữ sẽ không còn khả năng thụ thai tự nhiên nên cần cân nhắc thật kỹ nếu chưa đến tuổi mãn kinh và vẫn còn muốn có con.
Cần chuẩn bị những gì?
Khi cả hai buồng trứng và ống dẫn trứng đều bị cắt bỏ thì sẽ không còn kinh nguyệt và không thể thụ thai tự nhiên. Vì vậy nếu còn ý định sinh con thì cần nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn các lựa chọn thay thế hoặc phương pháp thụ tinh nhân tạo sau phẫu thuật.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ mãn kinh hoàn toàn và sự sụt giảm nồng độ estrogen đột ngột sẽ gây ra nhiều thay đổi cho cơ thể. Cần hỏi kỹ bác sĩ về tất cả các tác động mà ca phẫu thuật này gây ra và cách khắc phục.
Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện qua một vết mổ dài (mổ mở) hoặc những vết mổ nhỏ (phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật bằng robot). Bác sĩ sẽ chọn một phương pháp phù hợp dựa trên vấn đề và yêu cầu của từng trường hợp.
Vì buồng trứng là cơ quan sản xuất phần lớn lượng estrogen và progesterone trong cơ thể nên khi không còn buồng trứng, bệnh nhân sẽ gặp phải các triệu chứng mãn kinh. Có thể hỏi trước bác sĩ về liệu pháp hormone thay thế để khắc phục những triệu chứng này sau phẫu thuật. Ngoài ra, cần báo với bác sĩ về bệnh sử cùng tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng đang dùng. Sẽ cần ngừng dùng một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid hay thuốc chống đông máu trong một thời gian trước ca phẫu thuật.
Dưới đây là một số điều bệnh nhân cần chuẩn bị:
- Thuê xe hoặc nhờ người đến đón sau khi xuất viện
- Sắp xếp người ở cùng chăm sóc và giúp làm việc nhà sau phẫu thuật.
- Nếu còn đang đi làm thì cần xin nghỉ một thời gian
- Chuẩn bị những đồ đạc thiết yếu cần dùng trong thời gian nằm viện
Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về thời gian cần ngừng ăn uống trước khi phẫu thuật.
Quy trình thực hiện
Quy trình phẫu thuật cắt buồng trứng và ống dẫn trứng có thể được thực hiện theo một số cách khác nhau. Toàn bộ ca mổ thường kéo dài từ 1 đến 4 tiếng.
Phương pháp mổ mở
Phương pháp mổ mở truyền thống đòi hỏi phải gây mê toàn thân. Bác sĩ rạch một đường dài ở bụng và cắt buồng trứng cùng ống dẫn trứng. Sau đó đường rạch được đóng lại bằng chỉ khâu, ghim hoặc băng keo phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi ổ bụng
Quy trình phẫu thuật nội soi ổ bụng có thể được thực hiện dưới phương pháp gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ và sử dụng ống nội soi - một ống dài có gắn đèn và camera để bác sĩ có thể quan sát các cơ quan trong vùng chậu mà không cần rạch một đường dài trên bụng như phương pháp mổ mở.
Thay vào đó thì chỉ cần tạo một vài đường rạch nhỏ để đưa các dụng cụ mổ và ống nội soi vào trong cơ thể. Sau khi buồng trứng và ống dẫn trứng được cắt bỏ thì các đường rạch được đóng lại. Phương pháp này để lại các vết sẹo nhỏ hơn so với phương pháp mổ mở.
Phẫu thuật bằng robot
Phương pháp phẫu thuật này cũng được thực hiện qua các đường rạch nhỏ. Bác sĩ điều khiển cánh tay robot từ một thiết bị bên ngoài thay vì trực tiếp thực hiện các thao tác.
Cánh tay robot cũng được gắn camera và hiển thị hình ảnh độ nét cao để bác sĩ có thể nhìn rõ các cơ quan bên trong cơ thể. Chuyển động của cánh tay robot cho phép cắt buồng trứng và ống dẫn trứng một cách chính xác hơn. Phương pháp này giúp rút ngắn thời gian hồi phục, rủi ro và mức độ đau đớn sau phẫu thuật.
Thời gian phục hồi
Nếu phẫu thuật bằng phương pháp nội soi hoặc robot thì có thể bệnh nhân chỉ cần nằm viện một đêm nhưng đôi khi sẽ cần ở lại lâu hơn. Nếu như mổ mở thì sẽ cần nằm viện một vài ngày.
Sau phẫu thuật, vết mổ sẽ được băng kín. Bác sĩ sẽ cho biết khi nào thì có thể tháo băng. Không được tự ý bôi bất cứ thứ gì lên vết mổ.
Bệnh nhân có thể cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng và thuốc giảm đau, đặc biệt là khi ca phẫu thuật được thực hiện bằng phương pháp mổ mở.
Ngay khi thuốc mê hết tác dụng thì nên đứng dậy và đi lại nhẹ nhàng để ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Tuy nhiên, không được mang vác đồ nặng và vận động mạnh trong vòng vài tuần.
Sau phẫu thuật thường sẽ xảy ra hiện tượng tăng tiết dịch âm đạo và ra một ít máu. Có thể dùng băng vệ sinh nhưng không được dùng tampon. Ngoài ra, không được thụt rửa và quan hệ tình dục.
Trong quá trình hồi phục nên mặc đồ rộng rãi để tránh bị đau.
Tùy thuộc vào các bước được thực hiện trong ca phẫu thuật mà bác sĩ sẽ có hướng dẫn về việc hạn chế hoạt động và thời gian cần đến tái khám.
Cơ thể mỗi một người là khác nhau nên thời gian hồi phục sẽ không giống nhau.
Nói chung, phẫu thuật nội soi và phẫu thuật bằng robot ít gây đau sau phẫu thuật và để lại sẹo ít hơn so với mổ mở. Bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại bình thường sau khoảng 2 đến 3 tuần nhưng nếu mổ mở thì có thể phải mất từ 6 đến 8 tuần mới hồi phục hoàn toàn.
Các rủi ro
Cắt buồng trứng và ống dẫn trứng là một quy trình phẫu thuật tương đối an toàn nhưng bất kỳ ca phẫu thuật nào cũng đều tiềm ẩn một số rủi ro như chảy máu, nhiễm trùng hoặc phản ứng tiêu cực với thuốc gây mê.
Ngoài ra còn có những rủi ro tiềm ẩn khác như:
- Hình thành cục máu đông
- Tổn thương đường tiết niệu hoặc các cơ quan xung quanh
- Tổn thương dây thần kinh
- Thoát vị
- Hình thành mô sẹo
- Tắc ruột
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy những hiện tượng bất thường như:
- Sưng đỏ tại vết mổ
- Sốt
- Chảy dịch từ vết mổ hoặc vết mổ bị hở
- Đau bụng ngày càng nặng
- Ra máu nhiều
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
- Khó tiểu hoặc đại tiện
- Buồn nôn hoặc nôn
- Khó thở
- Đau tức ngực
- Choáng váng, ngất xỉu
Nếu vẫn đang trong độ tuổi sinh sản thì việc cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ ngay lập tức đưa cơ thể vào thời kỳ mãn kinh với những triệu chứng như:
- Bốc hỏa và đổ mồ hôi khi ngủ vào ban đêm
- Khô âm đạo
- Khó ngủ
- Mệt mỏi
- Rụng tóc
- Lo âu, bồn chồn, buồn bã
- Thay đổi tâm trạng thất thường
Về lâu dài, mãn kinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương.
Tìm hiểu thêm về thời kỳ mãn kinh
Tóm tắt bài viết
Phẫu thuật cắt buồng trứng và ống dẫn trứng đã được chứng minh là có thể làm giảm khoảng 90% nguy cơ ung thư cho những phụ nữ mang đột biến gen BRCA.
Bệnh nhân có thể sinh hoạt trở lại như bình thường trong vòng từ 2 đến 6 tuần, tùy vào phương pháp phẫu thuật cụ thể.
Ung thư buồng trứng được cho là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh di căn (lan đến những khu vực, bộ phận khác trong cơ thể).
Khi bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, có lẽ điều đầu tiên nhiều phụ nữ nghĩ đến là có chữa khỏi được không và mình còn sống được bao lâu.
Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn này, ung thư đã lan rộng (di căn) ra ngoài hệ sinh dục và vùng chậu đến các cơ quan khác trong cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ bị tăng cân khi mắc ung thư buồng trứng.