Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng
Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố như:
- Loại ung thư buồng trứng
- Giai đoạn khi bệnh được chẩn đoán
- Đã mãn kinh hay chưa
- Có kế hoạch sinh con trong tương lai không
Phẫu thuật
Quy trình phẫu thuật được thực hiện sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư.
Với những trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thì có thể vẫn giữ lại được khả năng sinh sản sau phẫu thuật.
Nếu tế bào ung thư mới chỉ giới hạn trong một buồng trứng thì chỉ cần cắt bỏ bên buồng trứng đó cùng với ống dẫn trứng đi kèm. Bệnh nhân vẫn sẽ rụng trứng và có kinh nguyệt bình thường với bên buồng trứng còn lại nên vẫn có thể mang thai.
Khi tế bào ung thư có ở cả hai buồng trứng thì sẽ cần cắt bỏ cả hai bên cùng với hai ống dẫn trứng. Do không còn buồng trứng nên sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ bắt đầu mãn kinh và gặp các triệu chứng như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, khó ngủ và khô âm đạo. Đôi khi sẽ cần cắt bỏ cả tử cung.
Ở những trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thì quy trình phẫu thuật phẫu thuật có thể được thực hiện bằng phương pháp nội soi ổ bụng xâm lấn tối thiểu với những vết mổ nhỏ ở bụng để đưa ống nội soi cùng dụng cụ mổ vào bên trong.
Với những trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn sau thì có thể cần phẫu thuật bằng phương pháp mổ mở qua đường rạch dài ở bụng.
Một giải pháp phẫu thuật cho những trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) là phẫu thuật debulking. Trong quy trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng cùng với bất kỳ cơ quan nào bị ảnh hưởng khác, gồm có:
- Tử cung và cổ tử cung
- Hạch bạch huyết trong vùng chậu
- Mô bao phủ ruột và các cơ quan ở bụng dưới
- Một phần cơ hoành
- Ruột
- Lá lách
- Gan
Mục đích là để loại bỏ tế bào ung thư một cách tối đa. Nếu như có dịch trong ổ bụng hoặc vùng chậu thì cũng sẽ được loại bỏ và kiểm tra xem có tế bào ung thư hay không.
Hóa trị
Hóa trị liệu là một phương pháp điều trị toàn thân. Các loại thuốc hóa trị sẽ đi khắp cơ thể để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp này thường được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt những tế bào ung thư còn sót lại.
Thuốc hóa trị có thể được truyền qua tĩnh mạch, dùng qua đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào bụng.
Điều trị ung thư biểu mô buồng trứng
Ung thư biểu mô buồng trứng là loại ung thư bắt đầu hình thành trong các tế bào nằm ở bên ngoài của buồng trứng. Phác đồ điều trị thường gồm có ít nhất hai loại thuốc hóa trị truyền tĩnh mạch, liệu trình từ 3 đến 6 buổi, mỗi buổi thường cách nhau 3 đến 4 tuần. Một số loại thuốc tiêu chuẩn được dùng để điều trị ung thư biểu mô buồng trứng là cisplatin hoặc carboplatin kết hợp với paclitaxel (Taxol) hoặc docetaxel (Taxotere).
Điều trị ung thư tế bào mầm
Đôi khi ung thư buồng trứng bắt đầu phát sinh từ các tế bào mầm. Đây là những tế bào tạo nên trứng. Các thuốc hóa trị được sử dụng để điều trị ung thư tế bào mầm buồng trứng là cisplatin (Platinol), etoposide và bleomycin.
Điều trị ung thư mô đệm buồng trứng
Ung thư mô đệm buồng trứng bắt đầu từ các tế bào có nhiệm vụ giải phóng hormone và gắn kết mô buồng trứng. Các loại thuốc điều trị ung thư mô đệm cũng giống như ung thư tế bào mầm.
Các loại thuốc hóa trị khác
Một số loại thuốc hóa trị khác cũng được sử dụng để điều trị ung thư buồng trứng còn có:
- paclitaxel liên kết với albumin (Abraxane)
- altretamine (Hexalen)
- capecitabine (Xeloda)
- cyclophosphamide (Cytoxan)
- gemcitabine (Gemzar)
- ifosfamide (Ifex)
- irinotecan (Camptosar)
- liposomal doxorubicin (Doxil)
- melphalan (Alkeran)
- pemetrexed (Alimta)
- topotecan (Hycamtin)
- vinblastine (Velban)
- vinorelbine (Navelbine)
Hóa trị liệu đi kèm với một số tác dụng phụ, tùy thuộc vào liều lượng và loại thuốc được sử dụng. Những tác dụng phụ thường gặp gồm có:
- Buồn nôn và nôn
- Mất cảm giác thèm ăn
- Người mệt mỏi
- Rụng tóc
- Loét miệng hoặc chảy máu lợi (nướu)
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Chảy máu hoặc bầm tím
- Táo bón
- Thiếu máu
Hầu hết tác dụng phụ trong số này chỉ là tạm thời và có biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, hóa trị cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và vĩnh viễn, chẳng hạn như tổn thương thận. Ngay cả khi vẫn còn một buồng trứng thì hóa trị cũng có thể dẫn đến mãn kinh sớm.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng các chùm tia phóng xạ để tiêu diệt khối u. Có hai phương pháp xạ trị là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát (cận xạ trị). Với phương pháp xạ trị chùm tia bên ngoài, một thiết bị ở bên ngoài phát ra chùm tia phóng xạ nhắm đến vị trí có khối u. Xạ trị áp sát là phương pháp đưa nguồn phóng xạ trực tiếp vào ngay cạnh khối u trong cơ thể.
Xạ trị không phải là phương pháp chính để điều trị ung thư buồng trứng nhưng đôi khi được sử dụng nhằm:
- điều trị những trường hợp ung thư tái phát có khối u nhỏ, khu trú
- giảm đau cho những trường hợp có các khối u lớn kháng hóa trị
- giải pháp điều trị thay thế cho những người không thể tiếp nhận hóa trị
Trước khi bắt đầu xạ trị, bác sĩ sẽ cần xác định vị trí chính xác của khối u nhằm chỉ tiêu diệt các tế bào ung thư và hạn chế gây tổn hại các tế bào khỏe mạnh một cách tối đa. Có thể cần xăm những chấm nhỏ trên da để hướng dẫn xạ trị.
Quá trình xạ trị thường diễn ra rất nhanh chóng, chỉ mất một vài phút nhưng tổng thời gian của buổi điều trị sẽ lâu hơn vì còn gồm có các bước chuẩn bị trước đó. Cần hết sức cẩn thận để nhắm chính xác đến vị trí có khối u. Xạ trị không gây đau đớn nhưng đòi hỏi bệnh nhân phải nằm yên, không được cử động. Phương pháp điều trị này được thực hiện 5 ngày một tuần và kéo dài từ 3 đến 5 tuần.
Một số tác dụng phụ có thể xảy ra trong quá trình xạ trị gồm có:
- Da ửng đỏ, kích ứng
- Cơ thể mệt mỏi
- Tiêu chảy
- Đi tiểu nhiều
- Khô miệng
- Loét miệng
- Khó nuốt
- Buồn nôn
- Sưng hạch bạch huyết
- Rụng tóc
Những tác dụng phụ này sẽ hết khi kết thúc liệu trình điều trị.
Liệu pháp hormone
Ung thư biểu mô buồng trứng hiếm khi được điều trị bằng liệu pháp hormone. Phương pháp này thường được sử dụng cho ung thư mô đệm buồng trứng.
Thuốc chủ vận LHRH (hormone giải phóng hormone luteinizing) được sử dụng để giảm sự sản xuất estrogen ở những phụ nữ bị ung thư buồng trứng và chưa mãn kinh. Hai loại thuốc được dùng phổ biến trong nhóm này là goserelin (Zoladex) và leuprolide (Lupron). Đây là những loại thuốc dạng tiêm và được tiêm từ 1 đến 3 tháng một lần. Do làm giảm nồng độ estrogen nên bệnh nhân sẽ gặp các triệu chứng mãn kinh. Nếu dùng thuốc trong nhiều năm thì sẽ bị giảm mật độ xương và mắc bệnh loãng xương.
Hormone estrogen có thể thúc đẩy sự tăng trưởng khối u. Một loại thuốc để ngăn cản điều này là tamoxifen nhưng lại gây ra các triệu chứng mãn kinh.
Phụ nữ sau mãn kinh có thể dùng các loại thuốc ức chế aromatase, ví dụ như anastrozole (Arimidex), exemestane (Aromasin) và letrozole (Femara). Các thuốc này có tác dụng ngăn chặn aromatase – một loại enzyme có khả năng biến các hormone khác thành estrogen. Người bệnh uống những loại thuốc một lần mỗi ngày. Một số tác dụng phụ đi kèm gồm có:
- Bốc hỏa
- Đau khớp và cơ
- Loãng xương
Liệu pháp nhắm trúng đích
Các loại thuốc nhắm trúng đích có tác dụng tìm và thay đổi một số đặc điểm cụ thể của các tế bào ung thư mà những tế bào khỏe mạnh không có. Nhờ đó mà liệu pháp nhắm trúng đích ít gây tổn hại đến các mô khỏe mạnh hơn so với phương pháp hóa trị hoặc xạ trị chùm tia bên ngoài.
Các khối u cần được cung cấp máu để phát triển và lan rộng. Bevacizumab (Avastin) - một loại thuốc truyền tĩnh mạch có tác dụng ngăn chặn khối u hình thành các mạch máu mới. Bệnh nhân được truyền thuốc từ 2 đến 3 tuần một lần.
Các nghiên cứu cho thấy bevacizumab có thể thu nhỏ kích thước khối u hoặc làm chậm sự tiến triển của ung thư biểu mô buồng trứng. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có:
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Buồn nôn, nôn
- Tăng huyết áp
- Đau bụng
- Chán ăn
- Giảm số lượng bạch cầu
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Protein niệu
- Chảy máu cam
- Rụng tóc
- Loét miệng
- Đau đầu
Thuốc ức chế PARP (poly ADP-ribose polymerase) là một nhóm thuốc đường uống được sử dụng khi ung thư buồng trứng có liên quan đến đột biến gen BRCA.
Hai loại thuốc điển hình trong nhóm này - olaparib (Lynparza) và rucaparib (Rubraca) - có thể được sử dụng cho những trường hợp ung thư buồng trứng giai đoạn cuối sau khi thử phương pháp hóa trị. Olaparib cũng được sử dụng để điều trị ung thư buồng trứng tái phát ở những phụ nữ có hoặc không có đột biến gen BRCA.
Niraparib (Zejula) - một loại thuốc ức chế PARP khác - có thể được sử dụng cho những phụ nữ bị ung thư buồng trứng tái phát, có hoặc không mang đột biến gen BRCA, sau khi đã điều trị bằng phương pháp hóa trị.
Tác dụng phụ của những loại thuốc này gồm có:
- Buồn nôn
- Mệt mỏi
- Thiếu máu
- Đau cơ và khớp
Thử nghiệm lâm sàng
Thử nghiệm lâm sàng là những nghiên cứu được thực hiện nhằm so sánh các phương pháp điều trị tiêu chuẩn với các phương pháp mới vẫn chưa được phê duyệt đưa vào sử dụng chính thức. Hiện nay có rất nhiều thử nghiệm lâm sàng được thực hiên trên bệnh nhân ung thư ở các giai đoạn khác nhau.
Các liệu pháp hỗ trợ
Có thể kết hợp phác đồ điều trị ung thư tiêu chuẩn với các liệu pháp hỗ trợ dưới đây để cải thiện chất lượng cuộc sống:
- Liệu pháp mùi hương: một số loại tinh dầu có thể cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng, phiền muộn.
- Thiền: các phương pháp thư giãn như ngồi thiền có thể làm dịu các cơn đau đớn và cải thiện giấc ngủ.
- Liệu pháp mát-xa: có tác dụng giảm căng thẳng, lo âu và đau đớn.
- Thái cực quyền và yoga: các bài tập này kết hợp những chuyển động nhẹ nhàng, thiền và hít thở để cải thiện những vấn đề về tinh thần cho bệnh nhân ung thư.
- Châm cứu: sử dụng các cây kim mảnh đâm vào những huyệt đạo trên cơ thể để giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh ung thư.
Nếu có ý định dùng thảo dược hay các loại thực phẩm chức năng thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước. Những sản phẩm này có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng và gây ra những vấn đề không mong muốn.
Người bệnh cũng có thể cân nhắc phương pháp chăm sóc giảm nhẹ. Đây là phương pháp giúp làm giảm triệu chứng của các bệnh hiểm nghèo như ung thư và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Phương pháp này thường được thực hiện cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối.
Tiên lượng
Tỷ lệ sống tương đối 5 năm của những người mắc ung thư buồng trứng là 45%.
Tỷ lệ sống thay đổi theo từng loại ung thư, giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán và độ tuổi. Ví dụ, nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn đầu khi tế bào ung thư chưa lan rộng ra bên ngoài buồng trứng thì tỷ lệ sống sau 5 năm có thể lên đến 92%.
Tuy nhiên, tỷ lệ sống sót thực tế có thể còn cao hơn thế vì những số liệu thống kê hiện nay đều được tổng hợp từ nhiều năm trước trong khi những năm gần đây đã có các phương pháp điều trị mới cho hiệu quả cao hơn và giúp kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.
Dựa trên tình trạng bệnh và phác đồ điều trị mà bác sĩ sẽ cho biết tiên lượng cụ thể.
Buồng trứng là một cơ quan sinh sản ở phụ nữ và là nơi tạo ra trứng cùng các nội tiết tố nữ (estrogen và progesterone). Ung thư buồng trứng xảy ra khi các tế bào ở buồng trứng trở nên bất thường và nhân lên mất kiểm soát rồi tạo thành khối u ác tính.
Rất khó phát hiện ung thư buồng trứng ở giai đoạn đầu vì ở giai đoạn này, bệnh thường không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào mà nếu có thì cũng giống với biểu hiện của nhiều vấn đề không phải ung thư.
Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng có thể ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Tuy nhiên, bằng những điều chỉnh đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, bệnh nhân sẽ có thể dần dần cải thiện chất lượng cuộc sống và lấy lại sự cân bằng.
Đôi khi phụ nữ cần cắt bỏ buồng trứng vì một số lý do như u nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng.
Ung thư buồng trứng có các dấu hiệu cảnh báo nhưng các triệu chứng khi bệnh mới chỉ ở giai đoạn đầu thường không rõ ràng và rất dễ bị bỏ qua. Do đó, chỉ có khoảng 20% trường hợp ung thư buồng trứng được phát hiện ở giai đoạn đầu.