1

Cắt buồng trứng có những rủi ro nào?

Đôi khi phụ nữ cần cắt bỏ buồng trứng vì một số lý do như u nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng.
Cắt buồng trứng có những rủi ro nào? Cắt buồng trứng có những rủi ro nào?

Cắt buồng trứng là gì?

Phẫu thuật cắt buồng trứng (oophorectomy) là quy trình phẫu thuật để loại bỏ một hoặc cả hai bên buồng trứng. Buồng trứng là hai cơ quan nhỏ nằm ở hai bên tử cung trong khoang chậu. Buồng trứng có chức năng tạo trứng và sản xuất các hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone.

Đôi khi phụ nữ cần cắt bỏ buồng trứng vì một số lý do như u nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng.

Những phụ nữ mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 cũng có thể cần cắt bỏ buồng trứng nhằm ngăn ngừa nguy cơ ung thư buồng trứng. Đây được gọi là phương pháp phẫu thuật cắt buồng trứng tự chọn hay cắt buồng trứng dự phòng.

Lượng nội tiết tố nữ estrogen và progesterone chủ yếu được tạo ra trong buồng trứng. Do đó, việc cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ dẫn đến mãn kinh sớm và không còn khả năng sinh sản.

Tại sao cần cắt buồng trứng?

Những trường hợp cần phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng gồm có:

  • Áp-xe vòi - buồng trứng (hình thành bọc mủ ở ống dẫn trứng và buồng trứng)
  • Ung thư buồng trứng
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Có u nang lành tính (không phải ung thư) ở buồng trứng
  • Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú ở những người có nguy cơ cao
  • Xoắn buồng trứng

Cắt buồng trứng được kết hợp với các thủ thuật nào khác?

Nhiều trường hợp chỉ cần cắt buồng trứng nhưng thường thì thủ thuật này là một phần của quy trình phẫu thuật gồm có nhiều bước. Các bước được thực hiện cùng cắt buồng trứng phụ thuộc vào lý do cần phẫu thuật.

Cắt buồng trứng thường được kết hợp với phương pháp cắt ống dẫn trứng. Đây là giải pháp dự phòng để giảm nguy cơ ung thư buồng trứng vì buồng trứng và ống dẫn trứng cùng có chung nguồn cung cấp máu. Khi cả hai cùng được thực hiện thì ca phẫu thuật này được gọi là cắt vòi – buồng trứng.

Một số phụ nữ cần cắt tử cung và nếu có thể thì buồng trứng được giữ lại để tránh mãn kinh sớm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cắt tử cung lại được kết hợp với cắt buồng trứng. Ví dụ như trong trường hợp cần làm giảm nguy cơ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ có nguy cơ đặc biệt cao.

Cần chuẩn bị gì trước khi cắt buồng trứng?

Cắt buồng trứng là ca phẫu thuật có ảnh hưởng lớn đến cơ thể, do đó cần cân nhắc thật kỹ (trong trường hợp không bắt buộc) và chuẩn bị tâm lý thật tốt trước khi tiến hành phẫu thuật.

Cân nhắc kế hoạch sinh nở

Khi cả hai buồng trứng đều bị cắt bỏ, bạn sẽ không thể mang thai được nữa.

Do đó, nếu vẫn còn muốn có con thì cần thảo luận kỹ với bác sĩ về các lựa chọn khác. Đối với một số vấn đề thì có thể chỉ cần cắt một buồng trứng và giữ lại tử cung. Với buồng trứng còn lại thì bạn sẽ vẫn có chu kỳ kinh nguyệt và có khả năng thụ thai bình thường mặc dù xác suất thụ thai thành công sẽ thấp hơn và có thể phải cần đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản.

Chuẩn bị cho thời kỳ mãn kinh

Nếu chưa mãn kinh thì sau khi không còn buồng trứng, bạn sẽ bước vào thời kỳ mãn kinh sớm.

Vì phương pháp phẫu thuật này loại bỏ đi buồng trứng – cơ quan sản xuất hormone nên sẽ ảnh hưởng đến cả cảm xúc. Nhiều phụ nữ cảm thấy buồn bã, chán nản hay bực bội sau ca phẫu thuật.

Mãn kinh sớm còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và loãng xương. Vì những ảnh hưởng đến sức khỏe này của phương pháp phẫu thuật cắt buồng trứng mà có thể sẽ cần điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế (HRT) sau khi cắt buồng trứng.

Chuẩn bị trước phẫu thuật

Để chuẩn bị cho ca mổ cắt bỏ buồng trứng, người bệnh thường cần:

  • Uống một loại dung dịch làm sạch ruột một ngày trước ca phẫu thuật theo chỉ dẫn.
  • Nhịn ăn một ngày trước phẫu thuật và hạn chế các loại đồ uống. Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về thời gian cần nhịn ăn và uống (kể cả nước) trước ca mổ.
  • Ngừng dùng một số loại thuốc. Hãy thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng để được hướng dẫn ngừng thuốc nếu cần.

Ngoài ra, trước khi xếp lịch phẫu thuật, người bệnh còn cần phải làm một số phương pháp xét nghiệm kiểm tra như:

  • Thăm khám lâm sàng
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp CT hoặc siêu âm

Quá trình thực hiện

Quy trình phẫu thuật cắt buồng trứng có thể được thực hiện theo hai cách:

Phẫu thuật qua thành bụng: Phương pháp phẫu thuật này được thực hiện qua một vết mổ dài ở bụng dưới, vết mổ có thể nằm dọc hoặc ngang. Vết mổ dài này cho phép bác sĩ quan sát vùng phẫu thuật được tốt hơn nhưng sẽ để lại sẹo, vết mổ ngang thường để lại sẹo mờ hơn vết mổ dọc. Sau khi rạch, bác sĩ sẽ tách cơ thành bụng để tiếp cận đến buồng trứng. Tiếp theo, các mạch máu được kẹp lại để ngăn chảy máu. Từng buồng trứng được tách ra khỏi mạch máu và vùng mô bao xung quanh rồi được cắt rời. Sau khi buồng trứng được cắt bỏ, bác sĩ dùng ghim bấm hoặc chỉ khâu để đóng vết mổ.

Phẫu thuật nội soi: Ngoài phương pháp phẫu thuật mổ mở qua thành bụng truyền thống, cắt buồng trứng cũng có thể được thực hiện bằng kỹ thuật mổ nội soi, sử dụng một dụng cụ dài có gắn camera nhỏ và đèn chiếu sáng ở đầu được gọi là ống nội soi. Camera truyền hình ảnh của các cơ quan bên trong cơ thể đến một màn hình bên ngoài và bác sĩ sẽ dựa vào đó để thực hiện thao tác.

Trong quy trình mổ nội soi, ống nội soi được đưa vào qua đường rạch nhỏ gần rốn. Bác sĩ sẽ tạo thêm một vài đường rạch nhỏ khác để đưa dụng cụ kẹp mạch máu vào bên trong. Mỗi buồng trứng được tách ra khỏi mạch máu nuôi dưỡng và vùng mô xung quanh . Sau đó, bác sĩ sẽ lấy buồng trứng ra ngoài qua một đường rạch nhỏ gần phần trên âm đạo hoặc qua những các đường rạch ở thành bụng. Cuối cùng, các đường rạch được đóng lại bằng chỉ khâu và sẽ chỉ để lại một vài vết sẹo nhỏ trên bụng.

Quy trình mổ nội soi cắt tử cung cũng có thể được tiến hành bằng robot. Trong quá trình phẫu thuật bằng robot, bác sĩ sẽ theo dõi màn hình 3 chiều và điều khiển cánh tay robot. Với phương pháp này, các thao tác phẫu thuật được thực hiện tỉ mỉ và chính xác hơn.

Khi phẫu thuật qua đường rạch trên thành bụng, người bệnh bắt buộc phải được gây mê toàn thân còn nếu mổ nội soi thì có thể gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ. Ca mổ thường kéo dài trong khoảng từ 1 đến 4 tiếng, tùy thuộc vào các bước cụ thể cần thực hiện.

Việc lựa chọn phương pháp mổ mở, mổ nội soi hay phẫu thuật bằng robot sẽ tùy thuộc vào mục đích cần phẫu thuật và độ phức tạp của từng trường hợp. Phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật bằng robot thường có thời gian phục hồi nhanh hơn, ít đau đớn hơn và thời gian nằm viện ngắn hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với các kỹ thuật này và trong một số trường hợp, bác sĩ phải chuyển từ kỹ thuật mổ nội soi sang mổ mở trong quá trình phẫu thuật.

Phục hồi sau phẫu thuật

Sau ca phẫu thuật, bạn sẽ được chuyển vào phòng hồi sức trong một đến hai tiếng. Khi thuốc mê hết tác dụng, bạn sẽ được chuyển sang phòng bệnh thông thường.

Bạn nên ngồi dậy, đứng hoặc nếu có thể thì đi bộ ngắn ngay trong ngày hôm đó. Bạn sẽ cần mang một ống thông tiểu trong một vài ngày đầu để dẫn nước tiểu từ bàng quang vào một chiếc túi đựng bên ngoài. Nếu đã ổn định bình thường, ống thông này sẽ được tháo bỏ ngay ngày hôm sau.

Bạn sẽ cần ở lại viện 1 hoặc 2 ngày sau nếu phẫu thuật qua thành bụng. Còn nếu mổ nội soi thì có thể chỉ cần ở lại một đêm và cũng sẽ bớt đau đớn hơn.

Trước khi xuất viện, bạn sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc và những lưu ý hậu phẫu. Nhìn chung thì khi về nhà, bạn sẽ cần hạn chế vận động mạnh như tập thể dục hay nâng vật nặng trong từ 2 - 6 tuần, tùy thuộc vào loại phẫu thuật. Đối với phẫu thuật nội soi thì có thể là 3 tuần hoặc lâu hơn một chút còn nếu là phẫu thuật qua thành bụng thì cần hạn chế hoạt động trong khoảng 4 - 6 tuần. Nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt.
Ngoài cảm giác mệt mỏi, bạn sẽ còn gặp các hiện tượng như:

  • Đau: Bạn sẽ thấy đau tại vị trí vết mổ, kể cả là mổ nội soi hay mổ mở. Trong ca mổ nội soi, vùng chậu và bụng đều bị can thiệp nên có thể sẽ gây ca các cơn đau lan đến tận vai. Bạn sẽ được kê thuốc giảm đau trong 1 - 2 tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Thay đổi về hệ tiêu hóa: Trong vài ngày đầu, có thể bạn sẽ có cảm giác chán ăn và ít đi ngoài hơn bình thường. Sau một vài ngày, khi hệ tiêu hóa ổn định trở lại bình thường thì thói quen đại tiện sẽ trở về như cũ. Bạn nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì 3 bữa lớn. Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc nhuận tràng để phòng trường hợp táo bón.

Cần đến gặp bác sĩ ngay lập tức nếu có những hiện tượng sau:

  • Sốt cao trên 38 độ C
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa kéo dài suốt vài ngày liên tục
  • Tiết dịch âm đạo nhiều hơn bình thường, có mùi và ngứa ngáy
  • Âm đạo ra máu nhiều
  • Đau bụng không đỡ hoặc ngày càng nặng hơn dù có uống thuốc giảm đau
  • Đỏ hoặc sưng xung quanh vị trí vết mổ
  • Vết mổ rỉ máu hoặc dịch liên tục
  • Khó tiểu hoặc đau rát khi đi tiểu
  • Ho, khó thở hoặc đau ngực
  • Cảm thấy buồn bã, chán nản nghiêm trọng

Cần thực hiện theo đúng các hướng dẫn của bác sĩ trong thời gian phục hồi. Ăn uống đầy đủ chất và nghỉ ngơi nhiều để cơ thể nhanh hồi phục. Mặc dù không được hoạt động mạnh nhưng nên vận động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ để tránh hình thành cục máu đông và từ từ khôi phục lại hoạt động bình thường theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Biến chứng và rủi ro

Cắt buồng trứng là một quy trình phẫu thuật tương đối an toàn. Tuy nhiên, giống như bất kỳ quy trình phẫu thuật nào, cắt buồng trứng vẫn tiềm ẩn những rủi ro như:

  • Chảy máu
  • Nhiễm trùng
  • Tổn thương các cơ quan lân cận
  • Vỡ khối u, khiến các tế bào ung thư lan rộng (trường hợp ung thư buồng trứng)
  • Còn sót các tế bào buồng trứng, tiếp tục sản sinh hormone và gây ra các triệu chứng khó chịu như đau vùng chậu, điều này thường xảy ra ở phụ nữ chưa mãn kinh. Đây được gọi là hội chứng tàn dư buồng trứng.
  • Không thể mang thai nếu cả hai buồng trứng đều bị cắt bỏ

Khi cả hai buồng trứng đều bị cắt bỏ, bạn sẽ bắt đầu có các triệu chứng mãn kinh do suy giảm nồng độ estrogen và progesterone. Các triệu chứng này gồm có:

  • Bốc hỏa và khô âm đạo
  • Buồn rầu, lo âu
  • Ớn lạnh
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Thay đổi tâm trạng
  • Tăng cân và tốc độ chuyển hóa chậm
  • Tóc mỏng và khô da

Ngoài ra, việc cắt đi buồng trứng và mãn kinh sớm sẽ còn dẫn đến các vấn đề như:

  • Bệnh tim mạch
  • Vấn đề về trí nhớ
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Loãng xương
  • Thậm chí là tử vong sớm

Nếu cắt buồng trứng khi chưa mãn kinh thì sẽ cần dùng các loại thuốc thay thế hormone liều thấp sau phẫu thuật và duy trì cho đến khoảng 50 tuổi để làm giảm nguy cơ xảy ra các rủi ro này. Tuy nhiên, liệu pháp hormone thay thế cũng có những rủi ro riêng. Vì thế cần tham khảo kĩ ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu.

Mặc dù các biến chứng nghiêm trọng sau phẫu thuật cắt buồng trứng rất hiếm khi xảy ra nhưng nguy cơ xảy ra sẽ tăng cao ở những người bị tiểu đường, béo phì hoặc hút thuốc lá.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: rủi ro, buồng trứng
Tin liên quan
Hiểu và điều trị triệu chứng đau do ung thư buồng trứng
Hiểu và điều trị triệu chứng đau do ung thư buồng trứng

Ung thư buồng trứng được cho là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh di căn (lan đến những khu vực, bộ phận khác trong cơ thể).

Ung thư buồng trứng: Tiên lượng, tuổi thọ và tỷ lệ sống theo từng giai đoạn
Ung thư buồng trứng: Tiên lượng, tuổi thọ và tỷ lệ sống theo từng giai đoạn

Khi bị chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng, có lẽ điều đầu tiên nhiều phụ nữ nghĩ đến là có chữa khỏi được không và mình còn sống được bao lâu.

Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?
Ung thư buồng trứng giai đoạn 4 còn sống được bao lâu?

Giai đoạn 4 là giai đoạn cuối của bệnh ung thư buồng trứng. Ở giai đoạn này, ung thư đã lan rộng (di căn) ra ngoài hệ sinh dục và vùng chậu đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Ung thư buồng trứng và tăng cân
Ung thư buồng trứng và tăng cân

Có nhiều nguyên nhân khiến phụ nữ bị tăng cân khi mắc ung thư buồng trứng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây