1

Những điều cần biết về chỉ số FSH và mãn kinh

FSH (follicle-stimulating hormone hay hormone kích thích nang trứng) là hormone có vai trò hỗ trợ sự sản xuất estrogen và quá trình sinh sản trong cơ thể. Vì FSH điều hòa cả quá trình rụng trứng và sản xuất tinh trùng nên xét nghiệm đo nồng độ FSH trong máu có thể giúp đánh giá khả năng sinh sản của một người.
Những điều cần biết về chỉ số FSH và mãn kinh Những điều cần biết về chỉ số FSH và mãn kinh

Nồng độ FSH tăng lên khi có tuổi. Nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn diễn ra không đều và bạn nghi ngờ mình sắp mãn kinh thì bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm FSH để đánh giá hoạt động hormone trong cơ thể.

Kết quả của một xét nghiệm đơn lẻ chưa đủ để kết luận một người sắp hoặc đang trong thời kỳ mãn kinh nhưng FSH là một chỉ số quan trọng phần nào giúp xác định điều này.

FSH là gì?

FSH là một loại hormone do tuyến yên tạo ra và giải phóng vào máu.

FSH cũng là một hormone gonadotropin giống như LH (luteinizing hormone). Hormone gonadotropic kích thích tuyến sinh dục hoặc cơ quan sinh sản. Hormone này cần thiết cho quá trình dậy thì.

FSH có vai trò quan trọng đối với chức năng buồng trứng và tinh hoàn. FSH hỗ trợ buồng trứng tạo ra estrogen và hỗ trợ tinh hoàn tạo ra testosterone. Nếu không có FSH, buồng trứng sẽ không thể tạo ra trứng và tinh hoàn không thể sản xuất tinh trùng.

Hoạt động của FSH trong cơ thể

Quá trình sản xuất FSH bắt đầu ở vùng dưới đồi (một phần của não bộ, nằm ở đáy não cạnh tuyến yên).

Quá trình sản xuất FSH gồm các giai đoạn như sau:

  1. Vùng dưới đồi cung cấp hormone giải phóng gonadotrophin (gonadotrophin-releasing hormone – GnRH) cho tuyến yên.
  2. Điều này báo cho tuyến yên sản xuất và giải phóng FSH và LH vào máu.
  3. FSH theo máu đến cơ quan sinh sản. Tại đây, hormone này liên kết với các thụ thể ở tinh hoàn hoặc buồng trứng.

Dưới đây là tổng quan về cách FSH kiểm soát sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt:

  1. Trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt, tuyến yên tạo ra nhiều FSH hơn.
  2. Nồng độ FSH và LH trong máu cao sẽ kích thích buồng trứng phóng thích nang trứng có chứa trứng.
  3. Nang trứng cũng bắt đầu sản xuất estrogen nên sự sản xuất FSH ngừng lại.
  4. Khi nang trứng trưởng thành, trứng sẽ được phóng ra và đây chính là quá trình rụng trứng.
  5. Một cấu trúc tạm thời tên là hoàng thể hình thành xung quanh nang trứng (lúc này không còn trứng). Nhiệm vụ của hoàng thể là tiết ra hormone hỗ trợ quá trình mang thai.
  6. Nếu trứng không được thụ tinh, hoàng thể sẽ vỡ ra. Điều này khiến cho nồng độ estrogen giảm và dẫn đến kinh nguyệt.
  7. Sau đó, quá trình sản xuất FSH bắt đầu lại từ đầu.

FSH không phải là hormone duy nhất tham gia vào quá trình sinh sản này. LH, estrogen và progesterone cũng đóng vai trò rất quan trọng.

FSH và thời kỳ mãn kinh

Ở nhiều phụ nữ, sự rụng trứng và kinh nguyệt diễn ra hàng tháng trong suốt độ tuổi sinh sản. Tần suất rụng trứng và kinh nguyệt giảm dần vào giai đoạn tiền mãn kinh, giai đoạn chuyển tiếp trước khi chính thức mãn kinh.

Thời kỳ mãn kinh thường diễn ra ở độ tuổi từ 45 đến 55 và có thể kéo dài từ 7 đến 14 năm. Phụ nữ được xác định là chính thức mãn kinh khi trải qua ít nhất 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt mà không phải do thuốc men, bệnh tật hay các lý do khác.

Mãn kinh không phải một bệnh. Đó là một quá trình diễn ra tự nhiên khi số lượng nang trứng trong buồng trứng giảm nhanh chóng. Vì các nang trứng sản xuất estrogen nên khi số lượng nang trứng giảm, nồng độ estrogen cũng giảm theo.

Mức estrogen thấp tạo ra một vòng lặp phản hồi. Não báo hiệu cho tuyến yên tạo ra nhiều FSH hơn để kích thích các nang trứng. Nhưng buồng trứng lại không có đủ nang trứng để sử dụng FSH và dẫn đến nồng độ FSH trong máu tăng cao. Cuối cùng, nồng độ estrogen giảm và chu kỳ kinh nguyệt dừng lại.

Ngay cả sau khi đã mãn kinh, cơ thể vẫn tiếp tục tạo ra một lượng nhỏ hormone estrogen nhưng không phải từ buồng trứng mà estrogen được chuyển đổi từ testosterone do tuyến thượng thận tiết ra. Loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng mãn kinh ở mỗi phụ nữ là khác nhau.

FSH và các vấn đề sức khỏe khác

Ngoài xác định mãn kinh, xét nghiệm FSH còn được sử dụng để chẩn đoán các vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gồm có:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Suy buồng trứng nguyên phát (POI)
  • Hội chứng Turner
  • U nang buồng trứng hoặc ung thư buồng trứng
  • Chứng chán ăn tâm thần
  • Hội chứng Klinefelter

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm FSH

Xét nghiệm FSH là một xét nghiệm máu đơn giản. Bạn sẽ phải lấy một mẫu máu nhỏ ở cánh tay. Kết quả được đo bằng đơn vị mIU/ml hoặc IU/l.

Giống như các xét nghiệm máu khác, xét nghiệm FSH rất an toàn. Bạn sẽ chỉ thấy hơi nhói khi kim tiêm đâm vào da và vị trí đâm kim bị bầm tím nhẹ trong thời gian ngắn sau khi lấy máu.

Chỉ số FSH bình thường

Trên thực tế không có định nghĩa thế nào là chỉ số FSH bình thường. Nồng độ FSH ở mỗi người là khác nhau và thay đổi theo từng giai đoạn trong đời (trước khi dậy thì, trong giai đoạn dậy thì, sau dậy thì, tiền mãn kinh và sau mãn kinh). Nồng độ FSH bình thường ở người này có thể được lại là không bình thường ở người khác.

Theo Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ (the North American Menopause Society), khi một phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp hoặc lâu hơn và chỉ số FSH liên tục ở mức 30 mIU/ml trở lên thì có thể xác định người đó đã bước vào thời kỳ mãn kinh. (1)

Dưới đây là phạm vi nồng độ FSH bình thường ở hầu hết phụ nữ. Tuy nhiên cần lưu ý, thông tin này chỉ mang tính tham khảo. Đôi khi, nồng độ FSH nằm ngoài phạm vi này vẫn được coi là bình thường. (2)

Giai đoạn Phạm vi FSH bình thường
Trước khi dậy thì 0 – 4,0 IU/l
Trong giai đoạn dậy thì 0,3 – 10,0 IU/l
Trong độ tuổi sinh sản 4,7 – 21,5 IU/l
Sau mãn kinh 25,8 – 134,8 IU/l

Nồng độ FSH có thể tăng và giảm, đặc biệt là trong giai đoạn tiền mãn kinh. Vì lý do này, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm hàng tháng, đặc biệt là đối với những phụ nữ đang cố gắng thụ thai. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ sử dụng chỉ số FSH cao nhất làm điểm mốc để xác định khả năng sinh sản.

Bảng phạm vi FSH bình thường bên trên không áp dụng cho những phụ nữ đang sử dụng liệu pháp hormone, chẳng hạn như thuốc ức chế dậy thì sớm hoặc testosterone. Nếu thấy chu kỳ kinh nguyệt không đều, đau buồng trứng hoặc các dấu hiệu của rối loạn nội tiết tố, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm cần thiết.

Khi nào cần xét nghiệm FSH?

Xét nghiệm FSH là một phần của quy trình đánh giá khả năng sinh sản hay khám vô sinh. Xét nghiệm FSH cũng có thể được thực hiện ở những vận động viên của các môn thể thao cường độ cao hoặc những người mắc chứng rối loạn ăn uống đang có kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh nguyệt.

Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (the Office on Women’s Health), chu kỳ kinh nguyệt được coi là không đều nếu dưới 21 ngày hoặc trên 35 ngày. (3) Mang thai là một nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi về kinh nguyệt. Nếu không phải mang thai, bạn có thể sẽ phải làm xét nghiệm FSH.

Nếu bạn có kinh nguyệt không đều hoặc chảy máu âm đạo giữa kỳ kinh, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm FSH và kết hợp thêm các công cụ chẩn đoán khác, chẳng hạn như siêu âm.

Bạn cũng có thể làm xét nghiệm FSH khi gặp phải các triệu chứng mãn kinh. Những triệu chứng này có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Các dấu hiệu thường gặp của thời kỳ mãn kinh gồm có:

  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi ban đêm
  • Khô âm đạo
  • Tăng cân
  • Tâm trạng thay đổi thất thường
  • Dễ cáu gắt
  • Giảm ham muốn tình dục

Tóm tắt bài viết

FSH là một hormone trong cơ thể. Hormone này điều hòa nhiều quá trình quan trọng liên quan đến chức năng sinh sản quan trọng, gồm có sự rụng trứng. Xét nghiệm FSH được sử dụng để xác định giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh và các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang hay suy buồng trứng nguyên phát. Mặc dù kết quả xét nghiệm FSH là chưa đủ để xác định thời kỳ mãn kinh nhưng đây là một chỉ số quan trọng. Nồng độ FSH trên 25,8 IU/l có thể là một dấu hiệu chỉ ra thời kỳ mãn kinh. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng mãn kinh như đổ mồ hôi nhiều và kinh nguyệt không đều thì hãy đi khám. Xét nghiệm FSH sẽ giúp xác định bạn có đang trong thời kỳ mãn kinh hoặc có vấn đề sức khỏe hay không.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lạc nội mạc tử cung sau mãn kinh: Những điều cần biết
Lạc nội mạc tử cung sau mãn kinh: Những điều cần biết

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như mô niêm mạc tử cung (lớp màng bên trong tử cung) phát triển ở các cơ quan bên ngoài tử cung. Các mô này cũng phản ứng với hormone giống như niêm mạc tử cung, cũng dày lên và bong ra mỗi tháng nhưng không thể thoát ra ngoài qua âm đạo mà tích tụ lại. Tình trạng này gây đau đớn, ra máu nhiều cùng các triệu chứng khác. Lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Mãn kinh: 11 điều mọi phụ nữ cần biết
Mãn kinh: 11 điều mọi phụ nữ cần biết

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của mỗi phụ nữ. Trong khoảng thời gian này, nồng độ estrogen và progesterone sẽ sụt giảm. Sau mãn kinh, phụ nữ sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh như loãng xương hoặc bệnh tim mạch.

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Mãn kinh có những triệu chứng nào?
Mãn kinh có những triệu chứng nào?

Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Phân biệt tiền mãn kinh và mãn kinh
Phân biệt tiền mãn kinh và mãn kinh

Cả tiền mãn kinh và mãn kinh đều là những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời người phụ nữ. Ở những giai đoạn này chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi xảy đến với cơ thể và không ít trong số đó có ảnh hưởng đến cuộc sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây