1

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Nội dung chính của bài viết:

  • Teo âm đạo hay viêm teo âm đạo là tình trạng mỏng đi của thành âm đạo do sự suy giảm nồng độ estrogen gây nên. Đây là vấn đề phổ biến xảy ra sau khi mãn kinh.
  • Các triệu chứng của teo âm đạo gồm: khô âm đạo và viêm âm đạo; thành âm đạo mỏng đi; đau đớn, khó chịu và ra máu sau khi quan hệ; đi tiểu ra máu; ngứa và nóng rát quanh bộ phận sinh dục...
  • Teo âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo. Khi âm đạo bị teo, môi trường axit bên trong sẽ có sự thay đổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm men và các vi sinh vật khác dễ dàng sinh sôi, phát triển mạnh và dẫn đến viêm nhiễm.
  • Hút thuốc, không sinh thường hay không quan hệ tình dục sẽ làm tăng nguy cơ teo âm đạo.
  • Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị để cải thiện tình trạng teo âm đạo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ. 

Teo âm đạo là gì?

Teo âm đạo hay viêm teo âm đạo là tình trạng mỏng đi của thành âm đạo do sự suy giảm nồng độ estrogen gây nên. Đây là vấn đề phổ biến xảy ra sau khi mãn kinh.

Mãn kinh là một giai đoạn trong cuộc đời của người phụ nữ, thường xảy đến trong độ tuổi từ 45 đến 55, diễn ra khi buồng trứng không còn giải phóng trứng và giảm sản xuất hormone sinh dục. Lúc này, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ cũng sẽ chấm dứt. Khi một người không có kinh nguyệt trong 12 tháng trở lên thì có nghĩa là đã bước vào thời kỳ mãn kinh.

Ở nhiều phụ nữ, teo âm đạo không chỉ khiến việc quan hệ trở nên đau đớn mà còn dẫn đến các triệu chứng về đường tiết niệu ví dụ như tiểu khó. Do tình trạng teo âm đạo gây ra cả các triệu chứng ở âm đạo cũng như là ở đường tiết niệu nên còn được gọi là "hội chứng niệu dục của thời kỳ mãn kinh” (genitourinary syndrome of menopause - GSM).

Những phụ nữ bị teo âm đạo có nguy cơ cao bị nhiễm trùng âm đạo mãn tính và các vấn đề về chức năng tiết niệu.

Theo thống kê, có tới 40% phụ nữ sau mãn kinh có triệu chứng teo âm đạo.

teo am dao la gi

Triệu chứng teo âm đạo

Các triệu chứng của teo âm đạo thường là:

  • Thành âm đạo mỏng đi
  • Ống âm đạo bị rút ngắn và siết chặt lại
  • Khô âm đạo
  • Viêm âm đạo, gây nên cảm giác nóng rát
  • Ra máu sau khi quan hệ
  • Đau đớn, khó chịu khi quan hệ
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tiểu són không tự chủ
  • Dịch tiết âm đạo bất thường
  • Ngứa ngáy quanh bộ phận sinh dục
  • Hay buồn tiểu gấp hoặc đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Nước tiểu lẫn máu

Nguyên nhân gây teo âm đạo

Nguyên nhân gây teo âm đạo là do sự suy giảm nồng độ estrogen. Khi có quá ít hoặc không có estrogen, mô âm đạo sẽ bị mỏng và khô, đàn hồi kém, mỏng manh, bớt tiết dịch và dễ bị tổn thương hơn.

Sự suy giảm nồng độ estrogen là hiện tượng phổ biến xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh nhưng ngoài ra còn có thể xảy ra vào những thời điểm khác trong cuộc đời như:

  • Thời gian cho con bú
  • Sau khi cắt bỏ buồng trứng, dẫn đến mãn kinh do phẫu thuật
  • Sau khi hóa trị để điều trị ung thư
  • Sau khi xạ trị vùng chậu để điều trị ung thư
  • Sau khi dùng liệu pháp hormone hoặc một số loại thuốc để điều trị ung thư vú, lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung
nguyen nhan teo am dao
Nguyên nhân teo âm đạo là gì?

Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ teo âm đạo gồm có:

  • Hút thuốc: Hút thuốc lá ảnh hưởng đến sự lưu thông máu trong cơ thể và có thể làm giảm lưu lượng máu cùng với oxy đến âm đạo cũng như là các vùng lân cận. Hút thuốc còn làm giảm tác động của estrogen tự nhiên trong cơ thể.
  • Chưa bao giờ sinh thường: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng những phụ nữ chưa bao giờ sinh thường có nguy cơ bị teo âm đạo cao hơn so với những phụ nữ đã từng sinh thường.
  • Không quan hệ tình dục: Việc quan hệ tình dục giúp tăng cường sự lưu thông máu và làm cho các mô âm đạo đàn hồi tốt hơn. Do vậy, những người chưa từng quan hệ tình dục sẽ dễ bị teo âm đạo hơn.

Chẩn đoán teo âm đạo bằng cách nào?

Cần đi khám bác sĩ phụ khoa ngay nếu cảm thấy đau đớn khi quan hệ tình dục, ngay cả khi đã dùng chất bôi trơn. Bạn cũng nên đi khám nếu bị chảy máu âm đạo bất thường, tiết dịch không bình thường, nóng rát hoặc đau nhức ở vùng kín.

Nhiều phụ nữ thường có tâm lý e ngại, xấu hổ khi phải đi khám bác sĩ về các vấn đề ở vùng nhạy cảm và trên thực tế, mặc dù teo âm đạo là một vấn đề phổ biến nhưng chỉ có 20 đến 25% phụ nữ có triệu chứng teo âm đạo tìm đến bác sĩ phụ khoa. Nếu đang gặp phải những triệu chứng nêu trên thì cần đi khám ngay để có cách khắc phục kịp thời và tránh các biến chứng về sau.

Khi đi khám, đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, thời gian ngừng kinh nguyệt, có từng bị ung thư hay không và các sản phẩm hoặc thuốc không kê đơn mà bạn đang sử dụng. Một số loại nước hoa, xà phòng, chất khử mùi, chất bôi trơn và thuốc diệt tinh trùng có thể gây tổn thương đến bộ phận sinh dục vốn rất nhạy cảm.

Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng (kiểm tra vùng chậu) và làm một số xét nghiệm. Trong quá trình kiểm tra vùng chậu, bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ gọi là mỏ vịt vào âm đạo để quan sát bên trong và sau đó dùng tay sờ nắn các cơ quan vùng chậu để phát hiện các dấu hiệu bất thường như niêm mạc âm đạo nhợt nhạt, mịn và bóng, mất độ đàn hồi, mô nâng đỡ tử cung bị kéo giãn, sa cơ quan vùng chậu và đẩy vào thành âm đạo... Bác sĩ sẽ còn kiểm tra cả bộ phận sinh dục ngoài để phát hiện các dấu hiệu teo, chẳng hạn như:

  • Lông mu thưa
  • Những thay đổi ở cơ quan sinh dục ngoài, ví dụ như môi lớn âm hộ nhỏ đi hay môi bé mỏng và nhăn nheo

Bạn có thể sẽ cần làm các phương pháp kiểm tra, xét nghiệm sau:

  • Phết tế bào âm đạo
  • Kiểm tra độ axit trong âm đạo
  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm nước tiểu

Phết tế bào âm đạo là phương pháp nạo một lượng mô nhỏ từ thành âm đạo và tiến hành kiểm tra bằng kính hiển vi nhằm tìm một số loại tế bào và vi khuẩn thường hiện diện ở người bị teo âm đạo.

chan doan teo am dao bang cach nao

Để kiểm tra độ axit, một dải giấy thử pH được đưa vào âm đạo, sau đó tùy theo độ axit mà giấy sẽ đổi màu khác nhau. Hoặc cũng có thể sẽ cần lấy mẫu dịch tiết âm đạo để kiểm tra độ axit. Độ pH bình thường của vùng âm đạo là 4.5 trở xuống. Nếu độ pH từ 4.6 trở lên là dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm teo âm đạo.

Có thể bạn sẽ cần lấy mẫu máu và mẫu nước tiểu để tiến hành xét nghiệm. Những xét nghiệm này còn giúp kiểm tra nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả nồng độ estrogen.

Điều trị teo âm đạo

Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị để cải thiện tình trạng teo âm đạo và nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ. Việc điều trị có thể chỉ tập trung vào các triệu chứng hoặc cũng có thể khắc phục nguyên nhân gốc rễ.

Ví dụ, có thể dùng kem dưỡng ẩm không kê đơn hoặc chất bôi trơn gốc nước để cải thiện triệu chứng khô âm đạo.

Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì sẽ cần điều trị bằng liệu pháp thay thế estrogen. Estrogen có tác dụng cải thiện độ đàn hồi và độ ẩm tự nhiên trong âm đạo. Có hai dạng liệu pháp estrogen là estrogen tại chỗ và estrogen đường uống, cả hai đều phát huy hiệu quả chỉ sau khoảng một vài tuần.

Liệu pháp etrogen tại chỗ

Đây là phương pháp sử dụng kem bôi, vòng đặt hoặc viên đặt estrogen trực tiếp vào âm đạo. Vì đưa estrogen vào cơ thể qua da nên các phương pháp này có một nhược điểm là lượng estrogen đi vào máu ở mức thấp. Do vậy, liệu pháp estrogen tại chỗ không điều trị được bất kỳ triệu chứng toàn thân nào của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa. Bù lại thì những dạng estrogen này an toàn hơn, ít rủi ro hơn so với estrogen đường uống. Tuy nhiên, nếu gặp hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường trong thời gian sử dụng estrogen tại chỗ thì cần đi khám bác sĩ ngay.

Liệu pháp estrogen tại chỗ có các dạng sau:

  • Vòng đặt âm đạo, chẳng hạn như Eopes: Vòng estrogen là loại vòng mềm, co giãn được đưa vào phần trên của âm đạo. Sau khi đặt, chiếc vòng sẽ liên tục giải phóng ra một lượng estrogen nhỏ và cần được thay 3 tháng một lần. Vòng đặt estrogen thường có chứa lượng estrogen cao hơn so với các dạng estrogen tại chỗ khác và có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Do đó, có thể sẽ cần dùng thêm progestin để giảm nguy cơ ung thư.
  • Kem bôi estrogen, chẳng hạn như Premarin hoặc Estrace: Đây là những sản phẩm được bôi vào âm đạo bằng một dụng cụ đi kèm trước khi đi ngủ. Thời gian đầu, bác sĩ thường chỉ định bôi kem hàng ngày trong một vài tuần và sau đó mới giảm xuống 2 - 3 lần mỗi tuần.
  • Viên đặt âm đạo, chẳng hạn như Vagifem: Những sản phẩm này có dạng viên và được đưa vào bên trong âm đạo bằng một dụng cụ chuyên dụng. Thông thường, bạn sẽ cần đặt mỗi ngày một lần trong thời gian đầu và sau đó có thể giảm xuống 1 hoặc 2 lần mỗi tuần.

Estrogen đường uống

Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thể dùng estrogen đường uống để điều trị các triệu chứng như bốc hỏa và khô âm đạo. Tuy nhiên, việc sử dụng estrogen đường uống trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Một số trường hợp chống chỉ định dùng estrogen đường uống gồm có phụ nữ bị ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tử cung…

Nếu không có tiền sử bị ung thư, bạn có thể dùng estrogen đường uống nhưng vẫn cần dùng kèm theo progesterone, có thể là ở dạng thuốc viên hoặc miếng dán để giảm khả năng bị ung thư.

Những phụ nữ dùng progesterone và estrogen có thể bị ra máu âm đạo sau khi mãn kinh. Mặc dù nguy cơ ung thư ở những người dùng cả progesterone và estrogen sẽ thấp hơn so với khi chỉ dùng estrogen nhưng vẫn nên đến gặp bác sĩ nếu như gặp hiện tượng này. Đây có thể là một dấu hiệu sớm của ung thư nội mạc tử cung.

Điều trị cho người có tiền sử ung thư vú

Nếu bạn có tiền sử ung thư vú thì cần thông báo cho bác sĩ và có thể bác sĩ sẽ đưa ra một trong các giải pháp điều trị sau:

  • Phương pháp điều trị không dùng hormone: trước tiên có thể thử kem dưỡng ẩm và chất bôi trơn không chứa hormone.
  • Dụng cụ làm giãn âm đạo: Dụng cụ làm giãn âm đạo cũng là một lựa chọn điều trị không dùng hormone, có tác dụng kích thích và kéo giãn các cơ âm đạo. Điều này giúp khắc phục tình trạng ống âm đạo bị thu hẹp.

Nếu các phương pháp điều trị không dùng hormone không có hiệu quả cải thiện các triệu chứng teo âm đạo thì có thể bác sĩ sẽ kê estrogen tại chỗ liều thấp. Tuy nhiên, liệu pháp estrogen tại chỗ có thể làm tăng nguy cơ ung thư tái phát, đặc biệt là khi khối u nhạy cảm với hormone nên cần hết sức cẩn thận và phải theo dõi liên tục.

Liệu pháp estrogen toàn thân không được khuyến khích cho những trường hợp có tiền sử ung thư vú, đặc biệt là có khối u nhạy cảm với hormone.

dieu tri teo am dao

Thay đổi lối sống

Ngoài việc dùng thuốc, bạn cũng nên thay đổi một số thói quen lối sống như:

Nên mặc đồ lót bằng vải cotton và quần rộng, điều này cũng giúp cải thiện phần nào các triệu chứng khó chịu. Quần cotton và đồ rộng rãi, thoáng mát giúp lưu thông khí ở vùng kín và ngăn ngừa vi khuẩn phát triển.

Những phụ nữ bị teo âm đạo thường bị đau rát khi quan hệ. Tuy nhiên, việc quan hệ thường xuyên giúp tăng cường sự lưu thông máu trong âm đạo và kích thích tạo độ ẩm tự nhiên. Mặc dù quan hệ không tác động đến nồng độ estrogen nhưng bằng cách cải thiện sự lưu thông máu, cơ quan sinh dục sẽ khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, việc này còn có lợi cho hệ tuần hoàn và cải thiện sức khỏe tim mạch. Cần lưu ý dùng chất bôi trơn khi quan hệ và có thời gian kích thích ban đầu để quá trình sau đó diễn ra một cách thoải mái hơn.Có thể sử dụng dầu vitamin E làm chất bôi trơn.

Ngoài ra, nên uống bổ sung vitamin D để làm tăng độ ẩm trong âm đạo. Vitamin D còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi. Điều này làm chậm hoặc ngăn ngừa sự tiêu xương sau mãn kinh, đặc biệt là khi kết hợp với thói quen tập thể dục thường xuyên.

Biến chứng của teo âm đạo

Teo âm đạo làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo. Khi âm đạo bị teo, môi trường axit bên trong sẽ có sự thay đổi, tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm men và các vi sinh vật khác dễ dàng sinh sôi, phát triển mạnh và dẫn đến viêm nhiễm.

Teo âm đạo còn làm tăng nguy cơ teo các cơ quan trong hệ tiết niệu (teo cơ quan niệu dục). Tình trạng teo các cơ quan trong đường tiết niệu thường có các triệu chứng là đi tiểu nhiều hơn bình thường, thường xuyên buồn tiểu gấp, cảm giác nóng rát khi đi tiểu và tiểu són không tự chủ hoặc bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái đi tái lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 38 trong 11 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Điều trị triệu chứng tiền mãn kinh bằng thuốc chống trầm cảm
Điều trị triệu chứng tiền mãn kinh bằng thuốc chống trầm cảm

Điều trị triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm là một trong những tác dụng, ngoài hướng dẫn phổ biến của một số thuốc chống trầm cảm.

Kiểm soát triệu chứng tiền mãn kinh bằng cách nào?
Kiểm soát triệu chứng tiền mãn kinh bằng cách nào?

Trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể thay đổi thất thường. Sự dao động hormone này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần.

Mãn kinh có những triệu chứng nào?
Mãn kinh có những triệu chứng nào?

Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.

Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?
Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây