1

Điều trị triệu chứng tiền mãn kinh bằng thuốc chống trầm cảm

Điều trị triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm là một trong những tác dụng, ngoài hướng dẫn phổ biến của một số thuốc chống trầm cảm.
Điều trị triệu chứng tiền mãn kinh bằng thuốc chống trầm cảm Điều trị triệu chứng tiền mãn kinh bằng thuốc chống trầm cảm

Nội dung chính của bài viết:

  • Điều trị triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm là một trong những ứng dụng ngoài hướng dẫn phổ biến của một số thuốc chống trầm cảm. FDA đã cho phép sử dụng thuốc Brisdelle để điều trị các triệu chứng này.

  • Thuốc chống trầm cảm liều thấp thường có ít tác dụng phụ hơn và giúp tránh được một số rủi ro của liệu pháp hormone thay thế.

  • Tuy nhiên, thuốc chống trầm cảm chỉ có tác dụng với một vài triệu chứng mãn kinh nhất định. Khi có những triệu chứng khác cần điều trị thì nên đi khám để được tư vấn cụ thể.

Tác dụng của thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm là những loại thuốc được dùng để điều trị triệu chứng của bệnh trầm cảm. Hầu hết các loại thuốc đều tác động đến một loại hóa chất trong não bộ gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Chất dẫn truyền thần kinh có nhiệm vụ truyền đi thông điệp giữa các tế bào não.

Mặc dù gọi là thuốc chống trầm cảm nhưng những loại thuốc này còn có thể điều trị nhiều vấn đề, bệnh lý khác như:

  • Rối loạn lo âu và rối loạn hoảng sợ
  • Rối loạn ăn uống
  • Mất ngủ
  • Các cơn đau mãn tính
  • Chứng đau nửa đầu

Thuốc chống trầm cảm còn có thể được sử dụng để điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về công dụng này của các thuốc chống trầm cảm cũng như là những rủi ro, tác dụng phụ đi kèm.

Có những loại thuốc chống trầm cảm nào?

Có 4 loại thuốc chống trầm cảm chính là:

  • Thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin (SSRI): nhóm thuốc này làm tăng lượng serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ. SSRI thường được sử dụng làm phương pháp điều trị bước đầu vì có ít tác dụng phụ nhất.
  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI): có tác dụng làm tăng lượng serotonin và norepinephrine trong não.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: có tác dụng giữ lại serotonin và norepinephrine nhiều hơn trong não.
  • Thuốc ức chế monoamin oxydase (MAOI): Serotonin, norepinephrine và dopamine đều là các monoamin - một loại chất dẫn truyền thần kinh. Cơ thể chúng ta tự tạo ra một loại enzyme có tên là monoamin oxidase để phá hủy các monoamin. Thuốc ức chế monoamin oxydase có cơ chế hoạt động là ngăn chặn các enzyme này tác động đến monoamin trong não. Tuy nhiên, hiện nay nhóm thuốc này không còn được sử dụng nhiều nữa vì đi kèm các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Lợi ích của thuốc chống trầm cảm đối với thời kỳ mãn kinh

Thuốc chống trầm cảm có thể làm giảm các triệu chứng do rối loạn vận mạch của thời kỳ mãn kinh như:

  • Bốc hỏa
  • Đổ mồ hôi về đêm
  • Đỏ bừng mặt

Đây cũng là những triệu chứng mãn kinh phổ biến nhất. Theo một khảo sát, gần 80% phụ nữ gặp các triệu chứng này trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Các nghiên cứu cho thấy rằng SSRI hoặc SNRI liều thấp có thể giúp giảm các triệu chứng do rối loạn vận mạch, đặc biệt là bốc hỏa và đổ mồ hôi khi ngủ vào ban đêm. Ví dụ, một thử nghiệm lâm sàng vào năm 2014 đã phát hiện ra rằng việc sử dụng venlafaxin (một loại SNRI) liều thấp cho hiệu quả giảm bốc hỏa gần như tương đương với liệu pháp hormone thay thế.

Một thử nghiệm lâm sàng khác vào năm 2015 đã chỉ ra rằng paroxetine (một loại SSRI) liều thấp có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ ở những phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh. Trong thời gian dùng paroxetine, những phụ nữ tham gia thử nghiệm ít gặp các triệu chứng do rối loạn vận mạch vào ban đêm hơn nên ngủ ngon hơn.

Kết quả của các thử nghiệm này rất hứa hẹn nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa lý giải được một cách chắc chắn tại sao SSRI và SNRI lại làm giảm được các triệu chứng rối loạn vận mạch. Có thể hai nhóm thuốc này có công dụng cân bằng nồng độ norepinephrine và serotonin mà đây lại là hai chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định nhiệt độ của cơ thể, từ đó giảm các triệu chứng bốc hỏa hay đổ mồ hôi về đêm.

Cần lưu ý, thuốc chống trầm cảm mới chỉ được chứng minh là có tác dụng giảm các cơn bốc hỏa và hiện tượng đổ mồ hôi về đêm. Nếu muốn điều trị các triệu chứng mãn kinh khác thì liệu pháp hormone thay thế sẽ là giải pháp hiệu quả hơn.

Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm

Các loại thuốc chống trầm cảm đều có đi kèm với nhiều tác dụng phụ khác nhau. Thuốc ức chế tái hấp thu có chọn lọc serotonin có ít tác dụng phụ nhất nên bác sĩ thường kê loại thuốc này đầu tiên.

Một số tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc chống trầm cảm gồm có:

  • Khô miệng
  • Buồn nôn
  • Thèm ăn và tăng cân
  • Mệt mỏi, chóng mặt
  • Hồi hộp, bồn chồn
  • Dễ cáu gắt
  • Mất ngủ
  • Những vấn đề về chức năng tình dục, chẳng hạn như rối loạn cương dương hay giảm ham muốn

Thuốc chống trầm cảm ba vòng, ví dụ như amitriptyline, còn có thêm một số tác dụng phụ khác như:

  • Mờ mắt
  • Táo bón
  • Tụt huyết áp
  • Bí tiểu
  • Buồn ngủ

Các loại thuốc trong cùng một nhóm có thể gây ra các tác dụng phụ không giống nhau. Nên đi khám bác sĩ để được tư vấn loại thuốc hiệu quả và ít gây tác dụng phụ nhất. Có thể sẽ phải thử qua một vài loại thuốc khác nhau trước khi tìm ra loại phù hợp với mình.

Thuốc chống trầm cảm có an toàn không?

Các loại thuốc chống trầm cảm nói chung là đều an toàn. Tuy nhiên, hầu hết các thuốc chống trầm cảm đều chưa được cấp phép cho mục đích sử dụng là điều trị các triệu chứng mãn kinh nên đây được coi là một ứng dụng ngoài hướng dẫn (off-label).

Một loại thuốc tên là Brisdelle có chứa chất ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng để điều trị các triệu chứng rối loạn vận mạch. Thuốc này đã được chứng minh là có hiệu quả làm giảm các cơn bốc hỏa và hiện tượng đổ mồ hôi về đêm trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Ngoài những tác dụng phụ kể trên, thuốc chống trầm cảm còn có thể tương tác với các loại thuốc khác và gây ra những vấn đề không mong muốn nên cần thông báo với bác sĩ tất cả các loại thuốc kê đơn và không kê đơn đang dùng, bao gồm cả viên uống bổ sung để bác sĩ lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất.

Bạn cũng nên nói với bác sĩ nếu có một trong những vấn đề dưới đây:

  • Cholesterol cao
  • Tiền sử bệnh tim mạch
  • Thuộc nhóm có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
  • Bệnh tăng nhãn áp
  • Phì đại tuyến tiền liệt

Hội chứng serotonin

Hội chứng serotonin là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng xảy ra khi nồng độ serotonin tăng quá cao. Tình trạng này thường xảy ra khi dùng thuốc chống trầm cảm (đặc biệt là thuốc ức chế monoamin oxidase) chung với các loại thuốc khác, viên uống bổ sung hoặc các loại chất kích thích làm tăng mức serotonin.

Những thuốc và viên uống bổ sung có thể tương tác với thuốc chống trầm cảm và gây ra hội chứng serotonin gồm có:

  • Dextromethorphan - một thành phần phổ biến trong các loại thuốc trị ho và cảm lạnh không kê đơn
  • Triptan - một nhóm thuốc điều trị chứng đau nửa đầu
  • Viên uống bổ sung thảo dược, ví dụ như nhân sâm và St. John's wort
  • Chất kích thích như LSD, thuốc lắc, cocaine và amphetamine
  • Các thuốc chống trầm cảm khác

Cần đến bệnh viện ngay nếu gặp bất kỳ hiện tượng nào dưới đây trong thời gian dùng thuốc chống trầm cảm:

  • Đầu óc mơ hồ, lú lẫn
  • Co thắt cơ và run rẩy
  • Cứng cơ
  • Đổ mồ hôi
  • Tim đập nhanh
  • Tăng phản xạ
  • Giãn đồng tử
  • Co giật
  • Mất ý thức

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Dùng Thuốc Tránh Thai Có Khiến Các Triệu Chứng Tiền Mãn Kinh Thay Đổi Không?
Dùng Thuốc Tránh Thai Có Khiến Các Triệu Chứng Tiền Mãn Kinh Thay Đổi Không?

Khi đang dùng thuốc tránh thai thì các triệu chứng tiền mãn kinh có thay đổi gì không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Kiểm soát triệu chứng tiền mãn kinh bằng cách nào?
Kiểm soát triệu chứng tiền mãn kinh bằng cách nào?

Trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể thay đổi thất thường. Sự dao động hormone này là nguyên nhân gây ra các triệu chứng cả về thể chất và tinh thần.

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.

Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?
Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây