1

Điều trị mất ngủ vào thời kỳ mãn kinh

Mất ngủ là một vấn đề phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Có nhiều cách để đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu giấc hơn, gồm có thay đổi thói quen ăn tối, điều chỉnh môi trường ngủ và dùng thuốc.
Điều trị mất ngủ vào thời kỳ mãn kinh Điều trị mất ngủ vào thời kỳ mãn kinh

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ có biểu hiện là khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ sâu. Mất ngủ là được chia thành hai loại:

  • Mất ngủ mạn tính (dài hạn): xảy ra từ 3 đêm trở lên trong một tuần và kéo dài ít nhất 3 tháng.
  • Mất ngủ cấp tính (ngắn hạn): kéo dài dưới 3 tháng.

Theo một nghiên cứu, có tới 60% phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh bị mất ngủ. (1)

Các tác giả của một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 nhận thấy rằng thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại là vấn đề về giấc ngủ phổ biến nhất ở phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh. (2)

Tình trạng mất ngủ vào thời kỳ mãn kinh có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra và cũng có nhiều cách để cải thiện giấc ngủ.

Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến giấc ngủ?

Một phụ nữ được coi là chính thức mãn kinh sau 12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt.

Vào giai đoạn tiền mãn kinh, khoảng thời gian trước khi chính thức mãn kinh, buồng trứng bắt đầu sản xuất ít hormone sinh dục estrogen và progesterone hơn. Sự sụt giảm các hormone này gây ra các triệu chứng về thể chất và cảm xúc, tinh thần.

Có ba nguyên nhân chính gây mất ngủ trong thời kỳ mãn kinh: các triệu chứng khó chịu như bốc hỏa, sự thay đổi nội tiết tố và tác dụng phụ của thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Bốc hỏa

Bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm là những triệu chứng vận mạch phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Những triệu chứng này có thể gây cản trở giấc ngủ.

Nồng độ hormone giảm nhanh chóng còn làm gia tăng mức adrenaline. Phải mất một thời gian dài để mức adrenaline trở lại bình thường và điều này khiến bạn khó ngủ lại sau khi tỉnh giấc.

Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy 42% phụ nữ tham gia bị bốc hỏa và gần một nửa trong đó gặp phải tình trạng mất ngủ.

Một nghiên cứu khác vào năm 2021 cũng đã có những phát hiện tương tự. Nghiên cứu này cho thấy những cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi nghiêm trọng vào ban đêm là nguyên nhân khiến phụ nữ có chất lượng giấc ngủ kém trong thời kỳ mãn kinh.

Thay đổi nội tiết tố

Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Ví dụ, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2021 chỉ ra rằng sự giảm estrogen sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Tương tự, sự sụt giảm progesterone cũng có thể gây ra vấn đề về giấc ngủ vì hormone này tham gia tạo ra giấc ngủ.

Tác dụng phụ của thuốc và thực phẩm chức năng

Bên cạnh sự thay đổi nội tiết tố và những triệu chứng khó chịu, mất ngủ vào thời kỳ mãn kinh còn có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Các nhà nghiên cứu trong một nghiên cứu vào năm 2016 đã phát hiện ra rằng dùng một số loại thuốc ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.

Chẩn đoán chứng mất ngủ

Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài thì bạn nên đi khám.

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng, các loại thuốc bạn đang dùng, các bệnh lý đang mắc và thói quen ngủ, gồm có thời điểm bạn thường đi ngủ, tần suất thức giấc giữa đêm, giờ thức dậy, cảm giác khi ngủ dậy và mức độ mệt mỏi trong ngày.

Bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và yêu cầu xét nghiệm máu để xem mất ngủ có phải do một bệnh lý tiềm ẩn gây ra hay không.

Nếu không thể xác định được nguyên nhân, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn theo dõi giấc ngủ một thời gian, ghi nhật ký và mang theo vào lần khám sau.

Điều trị chứng mất ngủ trong thời kỳ mãn kinh

Có nhiều phương pháp điều trị chứng mất ngủ, gồm có dùng thuốc, trị liệu và các biện pháp tự nhiên. Việc điều trị phụ thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như:

  • Mất ngủ cấp tính hay mạn tính
  • Có vấn đề về sức khỏe tâm thần hay không

Liệu pháp nhận thức - hành vi

Liệu pháp nhận thức - hành vi (cognitive behavioral therapy – CBT) là phương pháp điều trị bước đầu cho chứng mất ngủ mạn tính và đặc biệt có lợi cho phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh.

Liệu pháp nhận thức - hành vi giúp xác định những hành vi và suy nghĩ tiêu cực đang ảnh hưởng đến giấc ngủ, từ đó có biện pháp đối phó.

Liệu pháp hormone thay thế

Liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy – HRT) giúp làm tăng nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể, nhờ đó làm giảm các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và mất ngủ.

Nếu các triệu chứng mãn kinh gây mất ngủ, bạn nên đi khám để được tư vấn về HRT. HRT có nhiều dạng khác nhau, gồm có:

  • Dạng viên uống
  • Dạng bôi
  • Dạng thuốc đặt
  • Miếng dán

Thuốc

Các loại thuốc có thể giúp khắc phục tình trạng mất ngủ trong thời kỳ mãn kinh gồm có:

  • Thuốc tránh thai: dùng thuốc tránh thai liều thấp có thể giúp ổn định nồng độ hormone, từ đó làm giảm các triệu chứng mãn kinh và cải thiện giấc ngủ.
  • Thuốc chống trầm cảm: giúp điều trị các rối loạn tâm thần gây mất ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng trực tiếp cải thiện giấc ngủ, ví dụ như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI), duloxetine và amitriptyline...
  • Benzodiazepine: nhóm thuốc có tác dụng an thần và thư giãn cơ, nhờ đó giúp bạn ngủ ngon hơn.
  • Melatonin: là một loại hormone kiểm soát chu kỳ ngủ - thức. Sự sản xuất melatonin tự nhiên trong cơ thể giảm vào thời kỳ mãn kinh và điều này có ảnh hưởng đến giấc ngủ. Bổ sung melatonin có thể giúp khắc phục tình trạng mất ngủ.

Các biện pháp điều trị tự nhiên

Thay đổi thói quen và môi trường ngủ có thể giúp cải thiện khả năng đi vào giấc ngủ cũng như thời lượng và chất lượng giấc ngủ:

  • Giữ phòng ngủ mát mẻ: các tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ khuyến nghị nên giữ nhiệt độ phòng ngủ trong khoảng 15,6 – 19,4°C (60 – 67°F) để duy trì nhiệt độ cơ thể ở mức thấp. Điều này sẽ giúp dễ đi vào giấc ngủ hơn và ngủ ngon giấc hơn.
  • Giảm ánh sáng: loại bỏ mọi nguồn sáng dù nhỏ nhất trong phòng ngủ, bao gồm cả điện thoại di động, đồng hồ báo thức, TV và đèn báo ở các thiết bị điện tử. Ánh sáng sẽ kích thích não bộ và làm gián đoạn giấc ngủ.
  • Thư giãn trước khi đi ngủ: thực hiện các hoạt động thư giãn như nghe nhạc êm dịu hoặc tập yoga trước khi đi ngủ sẽ giúp giảm bớt căng thẳng. Điều này sẽ giúp bạn đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu hơn.
  • Không dùng điện thoại trước khi đi ngủ: sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ sẽ làm giảm sự sản xuất melatonin và kích thích não bộ, gây tỉnh táo và khó đi vào giấc ngủ.
  • Không đặt đồng hồ trong phòng ngủ: một nghiên cứu vào năm 2023 cho thấy những người mắc chứng mất ngủ thường nhìn đồng hồ khi thức dậy vào ban đêm. Điều này sẽ kích thích não và gây căng thẳng, lo lắng, dẫn đến khó ngủ lại. Bạn không nên đặt đồng hồ trong phòng ngủ hoặc nếu cần báo thức thì hãy xoay mặt đồng hồ vào trong tường.
  • Không ăn khuya: Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy rằng ăn trong vòng 1 giờ trước khi đi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ thức giấc giữa đêm. Ăn sát giờ đi ngủ còn có thể gây ợ nóng và trào ngược axit, những điều này có thể khiến bạn khó ngủ.

Tóm tắt bài viết

Thi thoảng mất ngủ là điều không đáng ngại nhưng chứng mất ngủ trong thời kỳ mãn kinh có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng. Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi nội tiết tố, các triệu chứng khó chịu như bốc hỏa hoặc do tác dụng phụ của thuốc hoặc thực phẩm chức năng.

Chứng mất ngủ có thể được khắc phục bằng các biện pháp tự nhiên như giảm nhiệt độ phòng ngủ, giảm ánh sáng và thay đổi thói quen trước khi đi ngủ.

Nếu tình trạng mất ngủ vẫn tiếp diễn thì bạn nên đi khám. Có thể bạn sẽ cần đến các biện pháp khác như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp hormone thay thế hoặc dùng thuốc. Nếu mất ngủ là do một bệnh lý gây ra thì cần phải điều trị bệnh lý đó để cải thiện giấc ngủ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tại sao lại bị mất ngủ trước khi có kinh nguyệt?
Tại sao lại bị mất ngủ trước khi có kinh nguyệt?

Mất ngủ là một vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải trong khoảng thời gian trước ngày “đèn đỏ”. Nguyên nhân chính là do sự thay đổi nội tiết tố. Tuy rằng thay đổi nội tiết tố trước khi có kinh nguyệt là điều không thể tránh khỏi nhưng có nhiều cách để khắc phục tình trạng mất ngủ.

Mất ngủ trước kỳ kinh nguyệt: Nguyên nhân và cách khắc phục
Mất ngủ trước kỳ kinh nguyệt: Nguyên nhân và cách khắc phục

Mất ngủ là tình trạng khó hoặc không thể đi vào giấc ngủ hoặc thức giấc giữa chừng và không ngủ lại được. Tình trạng này có thể xảy ra hoặc trở nên nghiêm trọng hơn trong khoảng vài ngày trước kỳ kinh.

Nguyên nhân và điều trị mất ngủ sau sinh
Nguyên nhân và điều trị mất ngủ sau sinh

Rất nhiều phụ nữ bị mất ngủ sau sinh. Tình trạng này có thể xảy ra ngay từ khi mang bầu hoặc sau khi sinh mới bắt đầu xảy ra. Mất ngủ, đặc biệt là mất ngủ nhiều đêm liên tiếp, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người mẹ.

Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ mạn tính là tình trạng mất ngủ kéo dài ít nhất 3 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính, từ vấn đề về hô hấp, mãn kinh cho đến thói quen ngủ. Các giải pháp điều trị gồm có trị liệu, dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Mất ngủ giữa đêm: Nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ giữa đêm: Nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ giữa đêm là một vấn đề vô cùng phổ biến và có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Mất ngủ giữa đêm có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra và cũng có nhiều giải pháp khắc phục.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây