1

Những điều cần biết về chứng ngủ rũ và mất ngủ

Trong khi đó, chứng ngủ rũ (narcolepsy) là một loại rối loạn giấc ngủ mạn tính hiếm gặp. Nguyên nhân là do rối loạn thần kinh, dẫn đến tình trạng buồn ngủ không cưỡng lại được, ngủ gật vào ban ngày và mất ngủ vào ban đêm. Bài viết này sẽ nêu ra những sự khác biệt giữa chứng mất ngủ và chứng ngủ rũ, mối liên hệ giữa hai tình trạng, cũng như cách điều trị.
Những điều cần biết về chứng ngủ rũ và mất ngủ Những điều cần biết về chứng ngủ rũ và mất ngủ

Điểm khác biệt giữa mất ngủ và ngủ rũ

Mất ngủ là một vấn đề rất phổ biến. Nhiều nghiên cứu cho thấy có khoảng 10 - 30% dân số thế giới bị mất ngủ mạn tính. (1)

Khác với mất ngủ, chứng ngủ rũ lại là một vấn đề rất hiếm gặp.

Cả mất ngủ và ngủ rũ đều có nhiều nguyên nhân gây ra. Nghiên cứu cho thấy rằng ở một số người, sự mất cân bằng hypocretin (hoặc orexin) - một chất hóa học trong não - có thể là nguyên nhân gây cả chứng ngủ rũ và mất ngủ.

  Ngủ rũ

Mất ngủ

Nguyên nhân
  • Không phải lúc nào cũng xác định được nguyên nhân
  • Nguyên nhân có thể do các tình trạng bệnh lý phá hủy các tế bào não tạo ra orexin.
  • Tiền sử gia đình bị ngủ rũ sẽ làm tăng nguy cơ mắc chứng ngủ rũ
  • Thói quen gây cản trở giấc ngủ vào buổi tối, ví dụ như ăn khuya hay ngủ nhiều vào ban ngày.
  • Vấn đề về tinh thần như lo lắng và căng thẳng
  • Sử dụng các chất kích thích như nicotin, ồ uống có cồn và caffeine
  • Bệnh lý mạn tính như trầm cảm, đau khớp

Triệu chứng

  • Buồn ngủ và ngủ gật vào ban ngày
  • Mất ngủ vào ban đêm
  • Mất trương lực cơ đột ngột
    (chứng ngủ rũ loại 1)
  • Ảo giác
  • Tê liệt khi ngủ
  • Khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ
  • Thức dậy quá sớm vào buổi sáng và khó ngủ lại
  • Mệt mỏi, buồn ngủ, thiếu tập trung vào ban ngày do thiếu ngủ

Nguyên nhân gây chứng ngủ rũ và mất ngủ

Một điểm khác biệt lớn giữa chứng ngủ rũ và mất ngủ là tỷ lệ mắc. Các triệu chứng và cách điều trị hai vấn đề này cũng khác nhau.

Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ

Chứng ngủ rũ xảy ra do rối loạn thần kinh làm thay đổi khả năng kiểm soát chu kỳ ngủ - thức của não. Một trong những triệu chứng của chứng ngủ rũ là mất ngủ.

Chứng ngủ rũ được chia thành hai loại:

  • Ngủ rũ loại 1: Những người mắc chứng ngủ rũ loại 1 có nồng độ orexin (hypocretin) thấp, đây là một chất hóa học trong não có vai trò tạo sự tỉnh táo. Nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ loại 1 có thể là do hỏng các tế bào não tạo ra orexin. Chứng ngủ rũ loại 1 có một triệu chứng đặc trưng gọi là mất trương lực cơ đột ngột (cataplexy). Tình trạng này trước đây được gọi là chứng ngủ rũ đi kèm mất trương lực cơ.
  • Ngủ rũ loại 2: Những người mắc chứng ngủ rũ loại 2 có nồng độ orexin bình thường. Ngủ rũ loại 2 không có triệu chứng là mất trương lực cơ đột ngột. Tình trạng này trước đây được gọi là chứng ngủ rũ không kèm mất trương lực cơ.

Nguyên nhân chính xác gây ra chứng ngủ rũ vẫn chưa được xác định rõ. Theo dữ liệu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), một số yếu tố nhất định có thể làm hỏng hoặc tiêu diệt các tế bào não sản xuất orexin, gồm có:

  • Bệnh tự miễn: là các bệnh xảy ra do hệ miễn dịch tấn công chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể. Đôi khi, hệ miễn dịch có thể tấn công các tế bào não sản xuất orexin.
  • Chấn thương sọ não: Chấn thương ở vùng dưới đồi, nơi kiểm soát sự tỉnh táo và giấc ngủ REM, là một nguyên nhân gây ra chứng ngủ rũ nhưng nguyên nhân này không phổ biến. Chứng ngủ rũ do chấn thương sọ não được gọi là ngủ rũ thứ phát.
  • Các bệnh lý khác: Các bệnh lý ảnh hưởng đến vùng dưới đồi cũng có thể gây ra chứng ngủ rũ.

Những người có tiền sử gia đình bị chứng ngủ rũ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nguyên nhân gây mất ngủ

Mất ngủ không gây ra chứng ngủ rũ hay các triệu chứng ngủ rũ.

Mất ngủ có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

  • Vệ sinh giấc ngủ kém và các thói quen gây cản trở giấc ngủ, ví dụ như ngủ nhiều vào ban ngày và sử dụng thiết bị điện tử vào đêm khuya
  • Những vấn đề về tinh thần như căng thẳng, lo lắng
  • Sử dụng chất kích thích như rượu bia, nicotin và caffeine
  • Các vấn đề sức khỏe khác như chứng ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, hội chứng chân không yên
  • Thay đổi nội tiết tố, ví dụ như sự thay đổi trong thời kỳ mãn kinh và kỳ kinh nguyệt
  • Các bệnh gây đau mạn tính như viêm khớp
  • Lệch múi giờ
  • Lịch làm việc không cố định
  • Thuốc, ví dụ như một số thuốc chống trầm cảm và thuốc trị cao huyết áp

Triệu chứng ngủ rũ và mất ngủ

Chứng ngủ rũ và mất ngủ có một số triệu chứng tương đồng nhưng biểu hiện cụ thể của các triệu chứng có sự khác biệt lớn và do những nguyên nhân khác nhau gây ra.

Triệu chứng của chứng ngủ rũ

Các triệu chứng của chứng ngủ rũ gồm có:

  • Buồn ngủ cực độ vào ban ngày: một triệu chứng điển hình của chứng ngủ rũ là buồn ngủ không thể kháng cự và ngủ gật vao ban ngày, ngay cả khi đã ngủ đủ giấc vào đêm hôm trước. Tình trạng này khác với cảm giác mệt mỏi, buồn ngủ do mất ngủ.
  • Mất trương lực cơ đột ngột (chứng ngủ rũ loại 1): tình trạng mất khả năng kiểm soát cơ một cách đột ngột, dẫn đến yếu cơ trên toàn bộ cơ thể. Triệu chứng này xảy ra trong khoảng thời gian thức và thường xảy ra khi có sự thay đổi cảm xúc mãnh liệt.
  • Bóng đè (liệt trong giấc ngủ): cảm giác tinh thần vẫn tỉnh táo nhưng toàn thân không thể cử động được. Hiện tượng này kéo dài vài giây đến vài phút, xảy ra khi vừa mới chìm vào giấc ngủ hoặc khi vừa tỉnh dậy.
  • Ảo giác: nghe, nhìn thấy hoặc cảm nhận thấy những thứ không có thật. Tình trạng này có thể đi kèm với hiện tượng bóng đè.
  • Mất ngủ và gián đoạn giấc ngủ: Khó đi vào giấc ngủ và khó duy trì giấc ngủ là một triệu chứng thường gặp ở những người mắc chứng ngủ rũ.

Triệu chứng mất ngủ

Các triệu chứng chính của chứng mất ngủ gồm có:

  • Khó đi vào giấc ngủ
  • Ngủ không sâu, thức giấc giữa đêm
  • Thức dậy quá sớm và không thể ngủ lại
  • Mệt mỏi, buồn ngủ vào ban ngày
  • Bực bội, cáu gắt
  • Bồn chồn, lo lắng
  • Tâm trạng không ổn định
  • Khó tập trung
  • Hay quên

Có thể bị mất ngủ và ngủ rũ cùng một lúc không?

Chứng ngủ rũ và mất ngủ đều có liên quan đến hypocretin (hay còn gọi là orexin) - một chất hóa học trong não.

Hypocretin là một peptide hóa học tự nhiên được sản xuất chủ yếu ở vùng dưới đồi. Chất này đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối giấc ngủ và tâm trạng.

Những người mắc chứng ngủ rũ loại 1 có nồng độ hypocretin trong não rất thấp. Trong khi đó, một số người bị mất ngủ lại có nồng độ hypocretin quá cao.

Mặc dù những người mắc chứng ngủ rũ có quá ít hypocretin và bị buồn ngủ vào ban ngày nhưng lại thường không ngủ ngon giấc vào ban đêm. Nguyên nhân của điều này có thể là do:

  • Chứng mất ngủ
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Giấc mơ sống động
  • Những hành động khi đang mơ

Các vấn đề có triệu chứng tương tự

Chứng ngủ rũ đôi khi bị chẩn đoán nhầm là hội chứng ngủ nhiều (hypersomnia). Hội chứng ngủ nhiều cũng có triệu chứng là các cơn buồn ngủ cực độ và ngủ gật vào ban ngày.

Chứng ngủ rũ có các triệu chứng giống như hội chứng ngủ nhiều nhưng những người mắc hội chứng ngủ nhiều không bị mất trương lực cơ đột ngột. Nguyên nhân gây ra hội chứng ngủ nhiều vẫn chưa được xác định rõ.

Tình trạng buồn ngủ quá mức vào ban ngày có thể là dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý khác như:

  • Chứng ngưng thở khi ngủ
  • Trầm cảm
  • Khối u nội sọ
  • Chấn thương vùng đầu
  • Xơ vữa động mạch não
  • Suy thận
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)

Điều trị mất ngủ và chứng ngủ rũ

Điều trị mất ngủ

Tình trạng mất ngủ thường sẽ hết khi nguyên nhân gốc rễ được giải quyết.

Thay đổi các thói quen vào buổi tối có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc, ví dụ như:

  • Hạn chế uống rượu bia, đặc biệt là vào buổi tối
  • Không tiêu thụ caffeine vào buổi tối hoặc từ buổi chiều, tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm với caffeine
  • Không sử dụng máy tính, điện thoại và các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh khác trong vài giờ trước khi đi ngủ. Nếu sử dụng thì nên chọn chế độ ban đêm hoặc đeo kính chống ánh sáng xanh
  • Giảm nhiệt độ trong phòng ngủ
  • Thực hiện các hoạt động thư giãn như thiền hoặc đọc sách trước khi đi ngủ
  • Loại bỏ ánh sáng và tiếng ồn khỏi phòng ngủ
  • Không dùng phòng ngủ để làm những việc khác như làm việc, xem TV hay ăn uống
  • Không ăn no trước khi đi ngủ

Nếu đã thay đổi các thói quen này mà tình hình không cải thiện thì bạn nên đi khám. Có thể bạn sẽ cần dùng thuốc để điều trị mất ngủ.

Một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 đã chỉ ra rằng các loại thuốc khôi phục sự mất cân bằng orexin có thể giúp kiểm soát tình trạng mất ngủ. (2) Những loại thuốc này được gọi là thuốc đối kháng thụ thể orexin kép (dual orexin receptor antagonist - DORA) và đã được phê duyệt sử dụng để điều trị chứng mất ngủ.

Có hai loại orexin là orexin A (hypocretin A) và orexin B (hypocretin B).

Ở não, orexin tương tác với các thụ thể nhận và phản hồi các tín hiệu hóa học của orexin: thụ thể orexin loại 1 và thụ thể orexin loại 2. DORA ngăn chặn một hoặc cả hai thụ thể nhận các tín hiệu này. Điều này làm giảm tác động của orexin lên chu kỳ ngủ - thức.

Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để làm rõ tác dụng của orexin trong việc điều trị chứng mất ngủ.

Một giải pháp nữa để điều trị mất ngủ là liệu pháp nhận thức hành vi. Liệu pháp nhận thức hành vi đã được chứng minh là có hiệu quả tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với thuốc ngủ.

Điều trị chứng ngủ rũ

Nếu bạn nghi ngờ mình mắc chứng ngủ rũ thì nên đi khám để được chẩn đoán chính xác. Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng gặp phải và có tiền sử gia đình mắc bệnh này hay không.

Các phương pháp chẩn đoán chứng ngủ rũ gồm có:

  • Đo đa giấc ngủ ban đêm: ghi lại sóng não cùng với chức năng thần kinh và cơ trong khi ngủ.
  • Test tiềm thời giấc ngủ: đo mức độ nghiêm trọng của các cơn buồn ngủ vào ban ngày và tốc độ chuyển động mắt trong giấc ngủ REM.

Mục tiêu điều trị chứng ngủ rũ là chấm dứt hoặc giảm bớt các triệu chứng. Các phương pháp điều trị gồm có thay đổi hành vi và sử dụng thuốc kê đơn.

Tóm tắt bài viết

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ phổ biến có biểu hiện là khó hoặc không thể đi vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ. Mặt khác, ngủ rũ là một loại rối loạn giấc ngủ thần kinh mạn tính hiếm gặp, có biểu hiện là các cơn buồn ngủ cực độ vào ban ngày.

Chứng ngủ rũ và mất ngủ có một số triệu chứng giống nhau nhưng biểu hiện cụ thể của các triệu chứng là khác nhau. Hai loại rối loạn giấc ngủ nay còn có nguyên nhân và phương pháp điều trị khác nhau.

Nếu bạn bị khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc vào ban đêm hoặc buồn ngủ nhiều vào ban ngày, ngay cả khi ngủ đủ giấc thì nên đi khám để xác định vấn đề và có phương pháp điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị chứng mất ngủ là thay đổi thói quen, dùng thuốc và liệu pháp nhận thức hành vi. Các phương pháp điều trị chứng ngủ rũ gồm có thay đổi hành vi và dùng thuốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Mất ngủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ rất phổ biến với biểu hiện là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ sâu, tinh thần không sảng khoái mà vẫn cảm thấy uể oải, buồn ngủ sau khi ngủ dậy và cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ban ngày.

Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngủ?
Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta không ngủ?

Không ngủ, dù chỉ một ngày, sẽ gây hại cho sức khỏe. Thời gian không ngủ càng kéo dài thì hậu quả càng nghiêm trọng, từ suy giảm nhận thức, ảo giác cho đến tử vong.

Cách khắc phục chứng mất ngủ khi mang thai
Cách khắc phục chứng mất ngủ khi mang thai

Thiếu ngủ sau sinh là vấn đề rất phổ biến nhưng tình trạng mất ngủ cũng có thể xảy ra trong thời gian mang thai mà thường là trong tam cá nguyệt thứ nhất (ba tháng đầu).

Hiểu về chứng mất ngủ gây tử vong tản phát - một loại mất ngủ cực kỳ hiếm gặp
Hiểu về chứng mất ngủ gây tử vong tản phát - một loại mất ngủ cực kỳ hiếm gặp

Mất ngủ gây tử vong tản phát (sporadic fatal insomnia - sFI) là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển hiếm gặp và hiện chưa có cách chữa trị khỏi.

Nguyên nhân và điều trị mất ngủ sau sinh
Nguyên nhân và điều trị mất ngủ sau sinh

Rất nhiều phụ nữ bị mất ngủ sau sinh. Tình trạng này có thể xảy ra ngay từ khi mang bầu hoặc sau khi sinh mới bắt đầu xảy ra. Mất ngủ, đặc biệt là mất ngủ nhiều đêm liên tiếp, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người mẹ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây