1

Nguyên nhân và điều trị mất ngủ sau sinh

Rất nhiều phụ nữ bị mất ngủ sau sinh. Tình trạng này có thể xảy ra ngay từ khi mang bầu hoặc sau khi sinh mới bắt đầu xảy ra. Mất ngủ, đặc biệt là mất ngủ nhiều đêm liên tiếp, sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người mẹ.
Nguyên nhân và điều trị mất ngủ sau sinh Nguyên nhân và điều trị mất ngủ sau sinh

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ phổ biến. Đây là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ và gây mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy. Khi một người gặp phải tình trạng này 3 đêm trở lên trong một tuần và kéo dài hơn 3 tháng liên tiếp thì được xác định là mất ngủ.

Mất ngủ sau sinh gây làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày và giảm sức khỏe tổng thể. Thiếu ngủ sẽ gây ra nhiều vấn đề về thể chất và tinh thần. Nếu bạn bị mất ngủ sau sinh và tình trạng kéo dài không đỡ thì nên đi khám để có phương pháp điều trị.

Định nghĩa mất ngủ sau sinh

Mất ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ, xảy ra khi một người khó đi vào giấc ngủ hoặc khó duy trì giấc ngủ và chất lượng giấc ngủ kém.

Mất ngủ sau sinh là một vấn đề rất phổ biến. Tỷ lệ bị mất ngủ ở phụ nữ sau sinh cao hơn rất nhiều so với phụ nữ ở độ tuổi sinh sản nói chung. (1)

Tình trạng mất ngủ đa phần xảy ra ngay trong thời gian mang thai và kéo dài đến sau khi sinh.

Cơ thể trải qua nhiều thay đổi khi mang thai và những thay đổi này có thể tiếp diễn cho đến tận tam cá nguyệt thứ tư (12 tuần sau khi sinh).

Rối loạn giấc ngủ là một trong những vấn đề phổ biến nhất mà phụ nữ gặp phải sau khi sinh con. Ở một số người, tình trạng này thuyên giảm sau vài tuần nhưng đôi khi, chứng mất ngủ sau sinh có thể kéo dài nhiều tháng.

Triệu chứng mất ngủ sau sinh

Các triệu chứng mất ngủ sau sinh gồm có:

  • Khó đi vào giấc ngủ
  • Ngủ chập chờn, không sâu giấc
  • Thức giấc giữa đêm và khó ngủ lại
  • Thức dậy quá sớm
  • Cảm giác mệt mỏi sau khi ngủ dậy
  • Buồn ngủ ban ngày nhưng không thể ngủ được
  • Cảm giác bực bội, khó chịu, dễ cáu gắt, lo âu, bồn chồn.
  • Giảm tập trung và trí nhớ

Nguyên nhân gây mất ngủ sau sinh

Chứng mất ngủ cấp tính trong thời gian sau sinh có thể là do những thay đổi về thể chất hoặc tinh thần hoặc cả hai như:

  • Căng thẳng tinh thần
  • Phải chăm sóc con
  • Thay đổi nồng độ hormone
  • Vấn đề tâm lý mới mắc sau sinh hoặc mắc từ trước đó, ví dụ như lo âu hoặc trầm cảm

Bên cạnh các vấn đề về tâm lý như trầm cảm sau sinh, nguyên nhân gây mất ngủ cũng có thể do nội tiết tố.

Các vấn đề về sức khỏe thể chất như viêm tuyến giáp có thể xảy ra sau khi sinh con và gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Tỷ lệ phụ nữ bị viêm tuyến giáp sau sinh là khoảng 10% nhưng rất nhiều trường hợp không được phát hiện do các triệu chứng không rõ ràng và giống với nhiều vấn đề xảy ra sau sinh.

Viêm tuyến giáp sau sinh là tình trạng tuyến giáp bị viêm trong khoảng thời gian một năm kể từ khi sinh con mà trước đó tuyến giáp hoàn toàn bình thường. Tuyến giáp là một tuyến hình con bướm nằm ở phía trước cổ, có chức năng tạo ra hormone tuyến giáp điều hòa quá trình trao đổi chất và xử lý năng lượng trong toàn cơ thể. Viêm tuyến giáp sau sinh xảy ra do phản ứng tự miễn tấn công tuyến giáp.

Ở giai đoạn đầu của bệnh viêm tuyến giáp sau sinh (nhiễm độc tuyến giáp), nồng độ hormone tuyến giáp trong máu tăng rất cao, dẫn đến các triệu chứng như nhịp tim nhanh, bồn chồn, lo âu, mệt mỏi, khó chịu và mất ngủ.

Điều trị mất ngủ sau sinh

Nếu bạn có các triệu chứng mất ngủ sau sinh thì tốt hơn hết bạn nên đi khám để được bác sĩ đánh giá và tư vấn giải pháp điều trị. Nếu để lâu, tình trạng này sẽ gây tổn hại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây mất ngủ.

Hiểu về thời gian ăn ngủ của con

Một trong những bước đầu tiên để giải quyết tình trạng mất ngủ sau sinh là hiểu về thời gian ăn ngủ của con. Điều này giúp bạn có thể sắp xếp thời gian nghỉ ngơi cho bản thân. Bạn có thể hỏi những người đã có kinh nghiệm sinh nở hoặc bác sĩ để hiểu về lịch trình ăn, ngủ của trẻ sơ sinh.

Liệu pháp nhận thức hành vi

Theo tổng quan tài liệu y khoa vào năm 2020, liệu pháp nhận thức hành vi (cognitive behavioral therapy - CBT) là một phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng mất ngủ sau sinh. (2) Liệu pháp này giúp giải quyết nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ. Trong CBT, bạn sẽ được hướng dẫn các cách đối phó với chứng mất ngủ, chẳng hạn như thư giãn, hạn chế và kiểm soát căng thẳng.

Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên vào năm 2022 đã thử kết hợp CBT và liệu pháp sáng tối (light dark therapy - LDT) để điều trị chứng mất ngủ sau sinh. Kết quả từ thử nghiệm này cho thấy khi được thực hiện đúng, CBT và LDT là giải pháp an toàn và hiệu quả để làm giảm tình trạng mất ngủ sau sinh.

Thay đổi thói quen

Một điều cần thiết để khắc phục chứng mất ngủ sau sinh là điều chỉnh thói quen lối sống, chẳng hạn như tránh hoặc giảm tiêu thụ caffeine, không ăn nhiều vào bữa tối và không dùng điện thoại trước khi đi ngủ.

Mặc dù các chuyên gia khuyến nghị đi ngủ vào cùng một khung giờ mỗi ngày để khắc phục chứng mất ngủ nhưng sau khi sinh con, việc đi ngủ đúng giờ hàng ngày hay ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày là điều rất khó. Một giải pháp là hãy tranh thủ ngủ mỗi khi con ngủ. Điều này sẽ giúp giảm phần nào tình trạng thiếu ngủ.

Nếu có thời gian ngủ nhưng lại không thể ngủ được, hãy thử rời giường và sang một phòng khác thay vì nằm trằn trọc trên giường. Khi cảm thấy buồn ngủ mới trở lại giường.

Ngoài ra, chỉ nên dùng phòng ngủ để ngủ. Không nên làm việc, ăn uống hay làm những việc khác trong phòng ngủ.

Dùng thuốc và thực phẩm chức năng

Melatonin là một loại thực phẩm chức năng được dùng để hỗ trợ giấc ngủ. Đây chính là loại hormone mà não bộ tiết ra, có vai trò điều hòa nhịp sinh học và giấc ngủ.

Mặc dù melatonin có thể giúp đi vào giấc ngủ dễ hơn nhưng lưu ý, đây không phải là thuốc ngủ và không được cơ quan chức năng quản lý.

Nếu muốn dùng melatonin để trị mất ngủ, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để xem có an toàn hay không và liều dùng bao nhiêu là hợp lý. Hiện chưa có nhiều bằng chứng chứng minh tính an toàn của melatonin khi dùng trong thời gian cho con bú.

Hiện có nhiều loại thuốc kê đơn được dùng để điều trị mất ngủ ngắn hạn và mất ngủ mạn tính, ví dụ như thuốc chống trầm cảm và thuốc an thần. Thuốc kháng histamin cũng có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ. Tuy nhiên, tất cả các loại thuốc này đều đi kèm tác dụng phụ. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào để trị mất ngủ.

Chứng mất ngủ sau sinh kéo dài bao lâu?

Thời gian bị mất ngủ sau sinh ở mỗi người là khác nhau. Một số phụ nữ chỉ bị mất ngủ vài ngày sau khi sinh trong khi cũng có những người bị mất ngủ trong suốt nhiều tháng.

Hầu hết các yếu tố góp phần gây mất ngủ sau sinh đều sẽ tự hết sau một thời gian, ví dụ như:

  • Lịch trình ăn, ngủ của trẻ sẽ dần ổn định
  • Nồng độ hormone trở lại mức bình thường
  • Người mẹ quen với nếp sống mới

Tuy nhiên, nếu tình trạng mất ngủ kéo dài thì bạn nên đi khám.

Điều gì xảy ra nếu mất ngủ sau sinh không được điều trị?

Dù ở giai đoạn nào trong đời thì giấc ngủ cũng rất quan trọng nhưng ngủ đủ giấc đặc biệt cần thiết ở giai đoạn mang thai và sau khi sinh.

Nếu ngủ không đủ giấc sau khi sinh, nồng độ chất gây viêm cytokine và hormone stress cortisol sẽ tăng cao, điều này làm suy yếu hệ miễn dịch và gây tổn hại sức khỏe tổng thể.

Mang thai và sinh nở vốn đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu bị thiếu ngủ, những vấn đề này sẽ càng trở nên trầm trọng hơn.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy chứng mất ngủ sau sinh làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh. (3) Nếu bạn bị mất ngủ kéo dài sau khi sinh và có những biểu hiện trầm cảm thì hãy chia sẻ với người thân và đi khám càng sớm càng tốt.

Tóm tắt bài viết

Thời gian ngủ giảm, giấc ngủ bị gián đoạn và cảm thấy mệt mỏi là điều bình thường sau khi sinh con. Nhưng nếu tình trạng mất ngủ kéo dài và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như các hoạt động hàng ngày thì bạn nên đi khám.

Mất ngủ sau sinh sẽ dẫn đến thiếu ngủ và gây ra nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm cả vấn đề về thể chất và tinh thần. Các giải pháp điều trị mất ngủ sau sinh gồm có thay đổi thói quen sống, dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng và liệu pháp nhận thức hành vi.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ứ sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Ứ sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Sắt tích tụ trong các cơ quan có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.

Ngộ độc sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Ngộ độc sắt: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, nguyên nhân gây ngộ độc sắt là do dùng viên uống sắt hoặc vitamin tổng hợp chứa sắt liều quá lớn. Điều này chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ.

Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ mạn tính: Nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ mạn tính là tình trạng mất ngủ kéo dài ít nhất 3 tháng. Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ mạn tính, từ vấn đề về hô hấp, mãn kinh cho đến thói quen ngủ. Các giải pháp điều trị gồm có trị liệu, dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Mất ngủ giữa đêm: Nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ giữa đêm: Nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ giữa đêm là một vấn đề vô cùng phổ biến và có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Mất ngủ giữa đêm có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra và cũng có nhiều giải pháp khắc phục.

Mất ngủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Mất ngủ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ rất phổ biến với biểu hiện là khó đi vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ sâu, tinh thần không sảng khoái mà vẫn cảm thấy uể oải, buồn ngủ sau khi ngủ dậy và cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ban ngày.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây