1

Tất cả những điều bạn cần biết về thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh (menopause) chính thức bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong hơn 12 tháng liên tục. Ngay trước, trong và sau khi mãn kinh, phụ nữ thường gặp phải các tình trạng như đổ mồ hôi vào ban đêm. Mặc dù không có cách nào ngăn chặn thời kỳ mãn kinh nhưng có nhiều cách để giảm bớt các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Tất cả những điều bạn cần biết về thời kỳ mãn kinh Tất cả những điều bạn cần biết về thời kỳ mãn kinh

Ở cuối độ tuổi sinh sản, nồng độ hormone trong cơ thể sẽ giảm một cách tự nhiên.

Khi mãn kinh, phụ nữ sẽ không còn rụng trứng và có kinh nguyệt nữa. Điều này có nghĩa là sẽ không còn khả năng sinh nở.

Độ tuổi mãn kinh trung bình của phụ nữ châu Á là 45 - 52 tuổi.

Các giai đoạn của thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh là một quá trình diễn ra từ từ. Thông thường quá trình này mất khoảng 7 năm nhưng cũng có thể kéo dài tới 14 năm.

Khoảng thời gian trước khi chính thức mãn kinh gọi là giai đoạn tiền mãn kinh (perimenopause). Tiền mãn kinh thường bắt đầu vào giữa độ tuổi 40.

Ở giai đoạn này, nội tiết tố bắt đầu thay đổi, khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều. Giai đoạn tiền mãn kinh có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm.

Khi bạn không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục thì được xác đinh là đã mãn kinh. Mặc dù đa số phụ nữ mãn kinh ở đầu độ tuổi 50 nhưng giai đoạn chuyển đổi có thể diễn ra sớm hơn.

Nếu mãn kinh ở độ tuổi 40 – 45 thì được coi là mãn kinh sớm (early menopause). Nếu mãn kinh trước tuổi 40 thì được gọi là mãn kinh quá sớm (premature menopause).

Các dấu hiệu mãn kinh

Những triệu chứng mà mỗi phụ nữ gặp phải khi bước vào thời kỳ mãn kinh sẽ không hoàn toàn giống nhau. Một số người gặp các triệu chứng nghiêm trọng trong khi một số người lại gần như không nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào.

Những thay đổi về thể chất thường gặp gồm có:

  • Thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú
  • Khô mắt
  • Bốc hỏa
  • Đỏ bừng mặt
  • Rụng tóc
  • Đau đầu
  • Mọc lông trên mặt hoặc trên cơ thể (chứng rậm lông)
  • Nhịp tim nhanh hoặc mạnh (đánh trống ngực)
  • Đi tiểu nhiều
  • Khó ngủ, mất ngủ
  • Ngứa ngáy
  • Đau cơ hoặc khớp
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Khô âm đạo, dẫn đến đau rát khi quan hệ tình dục
  • Vú đau hoặc nhạy cảm
  • Tăng cân
  • Mệt mỏi

Những thay đổi về tinh thần và cảm xúc thường gặp gồm có:

  • Lo âu, bồn chồn
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Buồn bã, chán nản
  • Khó tập trung (sương mù não)
  • Dễ cáu gắt
  • Uể oải, không còn hứng thú với những hoạt động từng yêu thích
  • Hay quên
  • Tâm trạng thay đổi thất thường

Các vấn đề về sức khỏe liên quan đến mãn kinh

Những thay đổi về thể chất trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe như:

  • Bệnh tim mạch
  • Loãng xương
  • Tiểu không tự chủ
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Nhiễm trùng âm đạo

Tại sao lại có thời kỳ mãn kinh?

Mãn kinh là một quá trình tự nhiên diễn ra do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen, progesterone và các hormone khác trong cơ thể khi có tuổi.

Những thay đổi này xảy ra do sự mất dần các nang trứng. Nang trứng có chức năng tạo ra và phóng thích trứng từ buồng trứng vào ống dẫn trứng.

Ở một số phụ nữ, thời kỳ mãn kinh có thể bắt đầu sớm do:

  • hóa trị
  • Liệu pháp hormone chuyển giới
  • Chấn thương vùng chậu
  • Xạ trị
  • Phẫu thuật

Chẩn đoán mãn kinh

Nếu bạn gặp phải các triệu chứng bất thường và không chắc liệu đó có phải dấu hiệu mãn kinh hay không thì hãy đi khám để được kiểm tra.

Bạn sẽ phải làm xét nghiệm máu để xác nhận xem có phải mãn kinh hay không. Xét nghiệm PicoAMH Elisa có thể giúp xác định xem thời kỳ mãn kinh đã bắt đầu hay chưa.

Ngoài ra còn có các xét nghiệm máu khác như xét nghiệm FSH và xét nghiệm estradiol, một dạng estrogen. Nếu nồng độ FSH trong máu luôn ở mức 30 mIU/mL trở lên và bạn không có kinh nguyệt trong 1 năm thì có thể xác nhận là bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh.

Tùy thuộc vào các triệu chứng và bệnh sử cụ thể mà bác sĩ có thể sẽ đề nghị thực hiện thêm các xét nghiệm máu khác để loại trừ các bệnh lý gây ra các triệu chứng tương tự.

Các xét nghiệm có thể cần thực hiện gồm có:

  • Xét nghiệm cholesterol
  • Xét nghiệm estradiol
  • Xét nghiệm hCG
  • Xét nghiệm chức năng thận
  • Xét nghiệm chức năng gan
  • Xét nghiệm progesteron
  • Xét nghiệm prolactin
  • Xét nghiệm testosterone
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Cách khắc phục các triệu chứng mãn kinh

Nếu các triệu chứng mãn kinh gây khó chịu và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày thì bạn nên đi khám.

Bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp khắc phục tùy vào các triệu chứng mà bạn gặp phải. Một số biện pháp khắc phục các triệu chứng mãn kinh gồm có:

  • Thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc đường uống khác để giảm bốc hỏa
  • Liệu pháp hormone tại chỗ để ngăn ngừa teo âm đạo
  • Gel dưỡng ẩm âm đạo để giảm hoặc ngăn ngừa khô âm đạo
  • Gel bôi trơn khi quan hệ tình dục để giảm đau rát

Biện pháp khắc phục tại nhà và thay đổi lối sống

Một số thay đổi lối sống có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm các triệu chứng mãn kinh.

Chăm sóc cá nhân

Thoa kem dưỡng ẩm hàng ngày có thể giúp giảm khô da. Ngoài ra, bạn nên tránh tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời cũng như các loại hóa chất tẩy rửa mạnh. Những điều này sẽ gây khô da.

Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát và ở trong môi trường mát mẻ để giảm bốc hỏa. Nên mặc đồ nhiều lớp để có thể dễ dàng cởi ra khi cảm thấy nóng. Mang theo một chiếc quạt cầm tay khi ra ngoài trời để giảm nhiệt độ cơ thể khi bị bốc hỏa.

Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng là điều rất quan trọng. Chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể.

Nếu như chế độ ăn uống hàng ngày không cung cấp đủ lượng vitamin hoặc khoáng chất cần thiết thì bạn nên cân nhắc dùng thực phẩm chức năng nhưng nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Một số nghiên cứu cho thấy axit béo omega-3 có thể giúp cải thiện tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm. Canxi, vitamin D và magie có thể giúp giảm nguy cơ loãng xương.

Hoạt động thể chất

Tập thể dục giúp tăng cường sức khỏe thể chất, cải thiện sức khỏe tinh thần và còn giúp kiểm soát cân nặng.

Đa số các hướng dẫn về sức khỏe hiện tại khuyến nghị nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, trong đó có hai buổi tập thể hình.

Sức khỏe tinh thần

Có nhiều cách để giảm lo âu và căng thẳng, ví dụ như tập yoga và thiền. Phương pháp thở hộp (box breathing) và các kỹ thuật thở khác có thể giúp bạn kiểm soát cảm xúc.

Tránh chất kích thích

Nếu bạn hút thuốc thì nên cắt giảm hoặc cai hoàn toàn khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Hút thuốc lá sẽ càng làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch và loãng xương. Ngoài ra cũng cần tránh hút thuốc thụ động. Hút thuốc thụ động cũng gây hại không kém hút thuốc lá chủ động.

Uống rượu bia cũng có tác động tiêu cực đến các triệu chứng mãn kinh. Phụ nữ không nên uống quá 1 đơn vị cồn mỗi ngày (10g cồn nguyên chất).

Thảo dược và thực phẩm chức năng

Có nhiều loại thảo dược được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm. Một số ví dụ có thể kể đến như nhân sâm, bồ công anh, black cohosh (thiên ma), cây trinh nữ, xô thơm… Các nghiên cứu đang được tiến hành để kiểm chứng hiệu quả của những loại thảo dược này đối với các triệu chứng mãn kinh.

Một số loại thực phẩm chức năng được cho là có thể giúp làm tăng nồng độ estrogen, ví dụ như isoflavone đậu nành, melatonin và chiết xuất hạt lanh. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ bằng chứng để chứng minh tính an toàn và hiệu quả của những sản phẩm này.

Các câu hỏi thường gặp về thời kỳ mãn kinh

Ba giai đoạn của thời kỳ mãn kinh là gì?

Thời kỳ mãn kinh gồm có 3 giai đoạn là tiền mãn kinh, mãn kinh và hậu mãn kinh.

Tiền mãn kinh diễn ra trước mãn kinh. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều và lượng máu kinh có thể nhiều hơn hoặc ít hơn trước. Bạn có thể bắt đầu gặp các triệu chứng như bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm ở giai đoạn này.

Mãn kinh là khi không có kinh nguyệt trong suốt một năm. Ở giai đoạn này, bạn tiếp tục gặp các triệu chứng như bốc hỏa.

Hậu mãn kinh là khoảng thời gian sau khi mãn kinh. Trong khoảng thời gian này, các triệu chứng mãn kinh thường giảm đi hoặc biến mất nhưng các bạn sẽ có nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe như chứng loãng xương hay bệnh tim mạch.

Những dấu hiệu đầu tiên của thời kỳ mãn kinh là gì?

Một trong những dấu hiệu thường xuất hiện sớm nhất gồm có kinh nguyệt không đều nhưng đôi khi, các triệu chứng như bốc hỏa, tâm trạng thay đổi thất thường và đổ mồ hôi nhiều xảy ra từ trước khi có những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt.

Điều gì xảy ra trong thời kỳ mãn kinh?

Khi kết thúc độ tuổi sinh sản, cơ thể tạo ra ít hormone estrogen hơn và cuối cùng, chu kỳ kinh nguyệt sẽ chấm dứt. Sự sụt giảm estrogen này dẫn đến nhiều triệu chứng khác nhau, gồm có bốc hỏa .

Tóm tắt bài viết

Mãn kinh diễn ra khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục. Mãn kinh đánh dấu sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ.

Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ sẽ gặp phải nhiều thay đổi về thể chất và tinh thần như kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, đổ mồ hôi nhiều, da khô, rụng tóc, dễ cáu gắt, tâm trạng thay đổi thất thường… Những triệu chứng này có thể bắt đầu xảy ra trước khi chính thức mãn kinh vài tháng đến vài năm và tiếp diễn trong vài năm sau khi mãn kinh.

Nếu các triệu chứng mãn kinh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày thì bạn nên đi khám để được tư vấn cách khắc phục. Bạn cũng nên đi khám nếu các dấu hiệu mãn kinh xuất hiện trước 45 tuổi. Có nhiều cách để khắc phục các triệu chứng khó chịu do mãn kinh và cải thiện chất lượng cuộc sống, ví dụ như dùng thuốc đường uống, thuốc bôi, thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sống.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Lạc nội mạc tử cung sau mãn kinh: Những điều cần biết
Lạc nội mạc tử cung sau mãn kinh: Những điều cần biết

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như mô niêm mạc tử cung (lớp màng bên trong tử cung) phát triển ở các cơ quan bên ngoài tử cung. Các mô này cũng phản ứng với hormone giống như niêm mạc tử cung, cũng dày lên và bong ra mỗi tháng nhưng không thể thoát ra ngoài qua âm đạo mà tích tụ lại. Tình trạng này gây đau đớn, ra máu nhiều cùng các triệu chứng khác. Lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Mãn kinh: 11 điều mọi phụ nữ cần biết
Mãn kinh: 11 điều mọi phụ nữ cần biết

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của mỗi phụ nữ. Trong khoảng thời gian này, nồng độ estrogen và progesterone sẽ sụt giảm. Sau mãn kinh, phụ nữ sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh như loãng xương hoặc bệnh tim mạch.

Nên bổ sung những loại vitamin nào vào thời kỳ tiền mãn kinh?
Nên bổ sung những loại vitamin nào vào thời kỳ tiền mãn kinh?

Ngoài liệu pháp hormone thay thế và một số loại thuốc khác, bổ sung vitamin cũng là một cách để làm giảm các triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh là gì? Điều trị bằng cách nào?
Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh là gì? Điều trị bằng cách nào?

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp lần thứ hai trong đời sống sinh dục của người phụ nữ (lần thứ nhất là tuổi dậy thì). Vào thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố có sự thay đổi, dẫn đến một loạt các triệu chứng như rối loạn kinh nguyệt, tăng cân, bốc hỏa, rụng tóc, tâm trạng thay đổi thất thường,... Hội chứng niệu dục thời kỳ mãn kinh (genitourinary syndrome of menopause - GSM) là một tình trạng mạn tính ảnh hưởng đến âm đạo, âm hộ và đường tiết niệu dưới.

Điều trị mất ngủ vào thời kỳ mãn kinh
Điều trị mất ngủ vào thời kỳ mãn kinh

Mất ngủ là một vấn đề phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Có nhiều cách để đi vào giấc ngủ nhanh hơn và ngủ sâu giấc hơn, gồm có thay đổi thói quen ăn tối, điều chỉnh môi trường ngủ và dùng thuốc.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây