Những ai có nguy cơ mãn kinh sớm?
Thế nào là mãn kinh sớm?
Mãn kinh sớm được định nghĩa là mãn kinh trước 45 tuổi. Nếu thời kỳ mãn kinh bắt đầu trước 40 tuổi thì được gọi là mãn kinh quá sớm.
Mãn kinh quá sớm còn được gọi là “suy buồng trứng sớm”.
Theo ước tính, 12% phụ nữ trên toàn cầu bước vào thời kỳ mãn kinh trong độ tuổi từ 40 đến 44 và 2 – 4% phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh trước 40 tuổi. (1)
Trong một số trường hợp, mãn kinh quá sớm là kết quả của phẫu thuật, ví dụ như phẫu thuật cắt buồng trứng hoặc buồng trứng bị tổn thương trong quá trình xạ trị. Mãn kinh quá sớm cũng có thể là do di truyền hoặc một bệnh lý khác.
Dưới đây là các yếu tố làm tăng nguy cơ mãn kinh sớm và quá sớm.
Phẫu thuật
Những phụ nữ đã trải qua một số loại phẫu thuật nhất định sẽ có nguy cơ mãn kinh sớm cao hơn. Những loại phẫu thuật này gồm có cắt một buồng trứng và cắt tử cung. Sau phẫu thuật, nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể sẽ giảm. Mãn kinh sớm cũng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung hoặc các loại phẫu thuật khác ở vùng chậu. Phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng sẽ dẫn đến mãn kinh ngay lập tức.
Hóa trị và xạ trị
Hóa trị và xạ trị làm tăng đáng kể nguy cơ mãn kinh quá sớm. Xạ trị có thể làm hỏng các mô buồng trứng và điều này sẽ khiến cho thời kỳ mãn kinh đến sớm hơn bình thường.
Khiếm khuyết nhiễm sắc thể
Một số khiếm khuyết trong nhiễm sắc thể có thể dẫn đến mãn kinh quá sớm. Một ví dụ là hội chứng Turner. Những bé gái mắc hội chứng này bị mất một phần hoặc toàn bộ một nhiễm sắc thể giới tính X trong bộ gen. Hội chứng Turner khiến cho buồng trứng không thể hoạt động bình thường. Do đó, những phụ nữ mắc hội chứng Turner thường bước vào thời kỳ mãn kinh sớm hơn so với những người không bị hội chứng Turner.
Bệnh tự miễn
Mãn kinh sớm có thể là do bệnh tự miễn. Bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm một bộ phận của cơ thể vì tưởng bộ phận đó là tác nhân gây hại. Ở những phụ nữ mắc một số bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch có thể tấn công buồng trứng và các mô của buồng trứng. Điều này có thể dẫn đến mãn kinh sớm hoặc quá sớm.
Bệnh động kinh
Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ mắc bệnh động kinh có nguy cơ mãn kinh sớm cao hơn. (2)
Hút thuốc
Theo nghiên cứu, những phụ nữ hút thuốc sẽ mãn kinh sớm hơn từ 1 – 2 năm so với những phụ nữ không hút thuốc. (3)
Thuốc làm giảm estrogen
Một số loại thuốc làm giảm lượng estrogen trong cơ thể và điều này có thể dẫn đến mãn kinh sớm. Một ví dụ là tamoxifen - một loại thuốc được sử dụng cho những phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư vú. Loại thuốc này làm giảm estrogen và ngăn cản hoạt động của estrogen.
Bệnh tuyến giáp
Bệnh tuyến giáp có thể gây mãn kinh sớm do nồng độ hormone quá cao hoặc quá thấp.
Một số triệu chứng của bệnh suy giáp cũng tương tự như các triệu chứng mãn kinh, ví dụ như:
- Mất kinh
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Bốc hỏa
- Mất ngủ
Điều trị bệnh tuyến giáp có thể làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa mãn kinh sớm.
Triệu chứng mãn kinh sớm
Các triệu chứng của mãn kinh sớm cũng tương tự như mãn kinh đúng tuổi, chỉ khác là xuất hiện sớm hơn. Những triệu chứng thường gặp gồm có:
- Kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh nguyệt
- Lượng máu kinh ít hoặc nhiều hơn bình thường
- Bốc hỏa
- Khô âm đạo
- Cảm xúc thay đổi thất thường, dễ cáu gắt
- Tiểu không tự chủ
- Mất hoặc giảm ham muốn tình dục
- Khó ngủ hoặc mất ngủ
- Khô da, mắt hoặc miệng
Phụ nữ bị mãn kinh quá sớm sẽ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn do nồng độ estrogen suy giảm quá sớm. Sự sụt giảm estrogen còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, đục thủy tinh thể và bệnh nha chu.
Phòng ngừa mãn kinh sớm
Đôi khi, mãn kinh sớm là điều không thể tránh khỏi, ví dụ như sau phẫu thuật cắt buồng trứng. Tuy nhiên, trong những trường hợp khác, các biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn mãn kinh sớm:
- Bỏ thuốc lá nếu hút
- Tập thể dục thường xuyên
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Sử dụng sản phẩm chăm sóc da tự nhiên không chứa hormone
- Ăn thực phẩm tự nhiên, lành mạnh, đặc biệt là những thực phẩm giàu phytoestrogen và tránh thực phẩm chế biến sẵn
Ngoài liệu pháp hormone thay thế và một số loại thuốc khác, bổ sung vitamin cũng là một cách để làm giảm các triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Mãn kinh (menopause) chính thức bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong hơn 12 tháng liên tục. Ngay trước, trong và sau khi mãn kinh, phụ nữ thường gặp phải các tình trạng như đổ mồ hôi vào ban đêm. Mặc dù không có cách nào ngăn chặn thời kỳ mãn kinh nhưng có nhiều cách để giảm bớt các triệu chứng khó chịu và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mặc dù phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị u nang buồng trứng thấp hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chừng nào còn buồng trứng thì vẫn sẽ có nguy cơ bị u nang buồng trứng.
FSH (follicle-stimulating hormone hay hormone kích thích nang trứng) là hormone có vai trò hỗ trợ sự sản xuất estrogen và quá trình sinh sản trong cơ thể. Vì FSH điều hòa cả quá trình rụng trứng và sản xuất tinh trùng nên xét nghiệm đo nồng độ FSH trong máu có thể giúp đánh giá khả năng sinh sản của một người.
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh. Mãn kinh bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong suốt một năm. Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 30 đến 40. Nồng độ estrogen thay đổi liên tục trong khoảng thời gian này. Điều này khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều, ví dụ như thời gian hành kinh dài hơn, ngắn hơn, thưa hơn và lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn. Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt này kéo theo những thay đổi về dịch tiết âm đạo hay còn gọi là khí hư. Nồng độ estrogen sụt giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến cho lượng dịch tiết âm đạo giảm đi và dẫn đến khô âm đạo.