1

U nang buồng trứng sau mãn kinh: Những điều cần biết

Mặc dù phụ nữ sau mãn kinh có nguy cơ bị u nang buồng trứng thấp hơn so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng chừng nào còn buồng trứng thì vẫn sẽ có nguy cơ bị u nang buồng trứng.
U nang buồng trứng sau mãn kinh: Những điều cần biết U nang buồng trứng sau mãn kinh: Những điều cần biết

U nang buồng trứng là gì?

U nang buồng trứng là những khối chứa dịch hình thành trong hoặc trên buồng trứng.

Hầu hết u nang buồng trứng đều là lành tín. U nang buồng trứng đa phần hình thành ở độ tuổi sinh sản, khi buồng trứng còn hoạt động mạnh.

Hai loại u nang buồng trứng phổ biến nhất là nang bọc noãn và nang hoàng thể, cả hai đều có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Sau mãn kinh, buồng trứng sẽ không còn rụng trứng nữa, đồng thời sẽ ngừng sản xuất estrogen và progesterone. Nhưng buồng trứng sẽ không ngừng hoạt động hoàn toàn. Do đó buồng trứng vẫn có thể hình thành loại u nang như:

  • U nang bì: hình thành từ các tế bào có từ khi sinh ra
  • U nang tuyến: hình thành trên bề mặt buồng trứng

U nang buồng trứng rất hiếm khi trở thành khối u ác tính (ung thư). Nhưng nếu u nang hình thành ở phụ nữ lớn tuổi thì nguy cơ này sẽ cao hơn.

Nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy 7% phụ nữ trên thế giới bị u nang buồng trứng. (1)

Ước tính 4% phụ nữ ở tuổi 65 phải nhập viện do u nang buồng trứng.

Triệu chứng u nang buồng trứng sau mãn kinh

Các triệu chứng ban đầu của u nang buồng trứng sau mãn kinh thường không rõ ràng. Khi u nang to lên, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Đau âm ỉ ở lưng dưới hoặc đùi
  • Tức bụng và bụng to lên
  • Đau bụng dưới
  • Đau khi quan hệ
  • Đại tiện hoặc tiểu không tự chủ
  • Chảy máu âm đạo
  • Tăng cân

Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, u nang buồng trứng còn gây ra các triệu chứng khác như:

  • Ra máu giữa kỳ kinh
  • Đau dữ dội khi có kinh nguyệt
  • Đau vú

Dấu hiệu vỡ u nang và xoắn buồng trứng

U nang có thể bị vỡ hoặc gây xoắn buồng trứng và gây ra các triệu chứng như:

  • Đau đột ngột, dữ dội
  • Ra máu nhiều
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Chóng mặt, ngất xỉu
  • Sốt
  • Thở gấp

U nang vỡ có thể gây chảy máu trong. Nếu bạn đột ngột cảm thấy đau dữ dội, nôn mửa hoặc sốt thì cần phải đến bệnh viện ngay lập tức.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của u nang buồng trứng sau mãn kinh

Một số nguyên nhân và yếu tố làm tăng nguy cơ u nang buồng trứng gồm có:

  • Thay đổi nội tiết tố
  • Nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng lan đến buồng trứng và ống dẫn trứng
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Suy giáp
  • Hút thuốc lá

Phụ nữ bị u nang buồng trứng sau mãn kinh sẽ có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.

Chẩn đoán u nang buồng trứng sau mãn kinh

Trước tiên bác sĩ sẽ khám vùng chậu để tìm u nang và các bất thường khác.

Sau đó cần loại trừ các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự u nang buồng trứng, ví dụ như:

  • Viêm vùng chậu
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Viêm ruột thừa
  • Viêm túi thừa

Tiếp theo, bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, đặc biệt là các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng, chẳng hạn như:

  • Tiền sử gia đình (bà, mẹ hoặc chị em gái) bị ung thư buồng trứng
  • Tiền sử cá nhân bị ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư đại trực tràng hoặc ung thư nội mạc tử cung
  • Xét nghiệm dương tính với đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 hoặc đột biến gen liên quan đến hội chứng Lynch

Những phụ nữ chưa mãn kinh sẽ thử thai và làm xét nghiệm hormone.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Nếu bạn có các triệu chứng u nang buồng trứng và khám lâm sàng cho thấy dấu hiệu u nang buồng trứng thì sẽ phải tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm. Siêu âm cho biết kích thước, hình dạng và vị trí chính xác của u nang. Hình ảnh siêu âm còn giúp xác định u nang chứa dịch lỏng (u nang đơn giản) hay khối rắn (u nang phức tạp).

Có hai kỹ thuật siêu âm được sử dụng để kiểm tra buồng trứng và hệ sinh dục:

  • Siêu âm ổ bụng: bác sĩ lướt đầu dò siêu âm trên vùng bụng dưới của người bệnh để kiểm tra vùng chậu.
  • Siêu âm đầu dò âm đạo: đầu dò siêu âm được đưa vào âm đạo để kiểm tra buồng trứng.

Các phương pháp chẩn đoán khác

U nang rắn hoặc bán rắn có thể cần kiểm tra thêm, đặc biệt là trong những trường hợp có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư buồng trứng.

Điều quan trọng là phải kiểm tra xem u nang là lành tính hay có khả năng trở thành ác tính (ung thư). Một cách để xác định điều này là xét nghiệm máu đo kháng nguyên ung thư carbohydrate antigen 125 (CA-125).

Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nồng độ CA-125 trong máu cao có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Sau khi mãn kinh, nồng độ CA-125 cao hơn mức bình thường thường là dấu hiệu của ung thư buồng trứng.

Điều trị u nang buồng trứng sau mãn kinh

U nang buồng trứng không phải lúc nào cũng cần điều trị nhưng cần theo dõi sát sao để phát hiện sớm sự thay đổi bất thường.

U nang lành tính

Nếu u nang có vẻ lành tính và xét nghiệm CA-125 cho kết quả bình thường, bác sĩ thường sẽ đề nghị theo dõi. Bạn sẽ phải tái khám định kỳ để làm xét nghiệm CA-125 và các phương pháp chấn đoán hình ảnh để kiểm tra xem u nang có thay đổi hay không.

Nếu bị đau, bạn có thể dùng thuốc giảm đau.

U nang lành tính có thể cần phẫu thuật cắt bỏ nếu:

  • phát triển quá lớn
  • gây đau đớn hoặc các triệu chứng khó chịu khác
  • có nguy cơ bị vỡ hoặc gây xoắn buồng trứng
  • không biến mất sau nhiều lần tái khám
  • bạn có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng

Đa số các ca phẫu thuật cắt u nang buồng trứng hiện nay được thực hiện bằng phương pháp nội soi. Ca phẫu thuật được thực hiện qua các đường mổ rất nhỏ và thời gian hồi phục nhanh hơn so với phương pháp phẫu thuật truyền thống. Phẫu thuật nội soi phù hợp với những trường hợp u nang nhỏ và không có dấu hiệu ung thư.

U nang ác tính

Mặc dù đa số u nang buồng trứng đều là lành tính nhưng nếu hình thành sau mãn kinh thì nguy cơ ung thư buồng trứng sẽ cao hơn. (2) Nếu xét nghiệm cho thấy nồng độ CA-125 ở mức cao, bác sĩ có thể sẽ đề nghị phẫu thuật. Sau khi cắt bỏ, u nang sẽ được đem đi phân tích xem có tế bào ung thư hay không.

Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng gồm có:

  • Cắt bỏ cả hai buồng trứng
  • Cắt bỏ buồng trứng, ống dẫn trứng và tử cung
  • Hóa trị
  • Xạ trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích
  • Chăm sóc giảm nhẹ

Tóm tắt bài viết

U nang buồng trứng là khối chứa dịch hình thành trong hoặc trên buồng trứng. U nang buồng trứng có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào. Mặc dù u nang buồng trứng chủ yếu xảy ra trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có thể hình thành sau khi mãn kinh.

U nang buồng trứng đa phần là lành tính. Trong nhiều trường hợp, u nang không biểu hiện triệu chứng và tự khỏi. Nhưng nếu phát triển quá lớn, u nang buồng trứng sẽ gây đau và các triệu chứng khác. Những trường hợp này sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ u nang.

Nguy cơ ung thư buồng trứng tăng cao sau khi mãn kinh. Các phương pháp điều trị ung thư buồng trứng gồm có phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và liệu pháp nhắm trúng đích.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về chỉ số FSH và mãn kinh
Những điều cần biết về chỉ số FSH và mãn kinh

FSH (follicle-stimulating hormone hay hormone kích thích nang trứng) là hormone có vai trò hỗ trợ sự sản xuất estrogen và quá trình sinh sản trong cơ thể. Vì FSH điều hòa cả quá trình rụng trứng và sản xuất tinh trùng nên xét nghiệm đo nồng độ FSH trong máu có thể giúp đánh giá khả năng sinh sản của một người.

Lạc nội mạc tử cung sau mãn kinh: Những điều cần biết
Lạc nội mạc tử cung sau mãn kinh: Những điều cần biết

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô tương tự như mô niêm mạc tử cung (lớp màng bên trong tử cung) phát triển ở các cơ quan bên ngoài tử cung. Các mô này cũng phản ứng với hormone giống như niêm mạc tử cung, cũng dày lên và bong ra mỗi tháng nhưng không thể thoát ra ngoài qua âm đạo mà tích tụ lại. Tình trạng này gây đau đớn, ra máu nhiều cùng các triệu chứng khác. Lạc nội mạc tử cung còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Mãn kinh: 11 điều mọi phụ nữ cần biết
Mãn kinh: 11 điều mọi phụ nữ cần biết

Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của mỗi phụ nữ. Trong khoảng thời gian này, nồng độ estrogen và progesterone sẽ sụt giảm. Sau mãn kinh, phụ nữ sẽ có nguy cơ cao mắc một số bệnh như loãng xương hoặc bệnh tim mạch.

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Mãn kinh có những triệu chứng nào?
Mãn kinh có những triệu chứng nào?

Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây