Những ai cần liệu pháp hormone thay thế?
Nội dung chính của bài viết:
- Những người bị triệu chứng bốc hỏa vừa đến nặng; cần ngăn ngừa loãng xương hay gãy xương; mãn kinh sớm hoặc bị thiếu hụt estrogen và có các triệu chứng mãn kinh khác thì đều nên điều trị bằng liệu pháp hormone.
- Để xác định liệu pháp hormone thay thế có phải là giải pháp phù hợp với bản thân hay không thì nên đi khám để bác sĩ kiểm tra tình trạng sức khỏe, đánh giá các triệu chứng và rủi ro nếu điều trị bằng phương pháp này.
- Trong trường hợp không thể điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế thì bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp khác phù hợp hơn.
Liệu pháp hormone thay thế là gì?
Liệu pháp hormone thay thế là phương pháp được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh và bảo vệ sức khỏe của phụ nữ về lâu dài. Tuy nhiên, phương pháp này có đi kèm với một số rủi ro về sức khỏe. Vậy những ai nên điều trị bằng liệu pháp hormone và khi sử dụng thì cần lưu ý những gì?
Liệu pháp hormone thay thế là những loại thuốc có chứa nội tiết tố nữ giúp thay thế lượng estrogen bị thiếu hụt trong thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp hormone thay thế thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh phổ biến, gồm có bốc hỏa và khô âm đạo.
Liệu pháp hormone cũng đã được chứng minh là giúp ngăn ngừa loãng xương và giảm gãy xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Tuy nhiên, người dùng có thể gặp phải một số rủi ro trong quá trình sử dụng liệu pháp hormone thay thế. Những rủi ro này phụ thuộc vào loại liệu pháp hormone, liều lượng, thời gian dùng sử dụng và tình trạng sức khỏe. Để có kết quả tốt nhất thì liệu pháp hormone thay thế cần được điều chỉnh cho phù hợp với vấn đề, tình trạng của mỗi người và theo dõi thường xuyên để tránh xảy ra những vấn đề không mong muốn.
Các loại liệu pháp hormone
Liệu pháp hormone thay thế chủ yếu nhằm mục đích bổ sung lượng estrogen mà cơ thể không còn tạo ra một cách tự nhiên sau khi mãn kinh. Có hai loại liệu pháp hormone chính là:
- Liệu pháp hormone (hay estrogen) toàn thân: Estrogen toàn thân có nhiều dạng khác nhau là dạng thuốc đường uống, miếng dán ngoài da, vòng đặt âm đạo, gel, kem hoặc dạng xịt – những dạng này thường chứa liều estrogen cao hơn và được hấp thụ trên khắp cơ thể. Liệu pháp hormone toàn thân có thể được sử dụng để điều trị bất kỳ triệu chứng phổ biến nào của thời kỳ mãn kinh.
- Liệu pháp hormone (estrogen) âm đạo: Các chế phẩm estrogen âm đạo liều thấp có dạng kem bôi, dạng viên đặt hoặc dạng vòng có chứa lượng estrogen thấp hơn nên các sản phẩm này thường chỉ được sử dụng để điều trị các triệu chứng xảy ra ở âm đạo và đường tiết niệu trong thời kỳ mãn kinh.
Với những phụ nữ còn nguyên tử cung (không phẫu thuật cắt tử cung) thì bác sĩ thường sẽ kê estrogen cùng với progesterone hoặc progestin (dạng tổng hợp của progesterone). Lý do là bởi nếu chỉ sử dụng mình estrogen thì sẽ làm mất sự cân bằng với hormone progesterone, điều này kích thích niêm mạc tử cung phát triển và dày lên, làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Với những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung thì có thể không cần dùng progestin.
Những rủi ro và tác dụng phụ
Trong một thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn nhất cho đến nay, liệu pháp hormone thay thế gồm có cả estrogen và progestin làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề nghiêm trọng, gồm có:
- Bệnh tim mạch
- Đột quỵ
- Hình thành cục máu đông
- Ung thư vú
Các nghiên cứu sau đó đã chỉ ra rằng nguy cơ xảy ra những rủi ro này phụ thuộc vào:
- Tuổi tác: Những phụ nữ bắt đầu điều trị bằng hormone ở tuổi 60 trở lên hoặc ngoài 10 năm kể từ khi bắt đầu mãn kinh có nguy cơ cao gặp phải những vấn đề kể trên hơn. Tuy nhiên, nếu liệu pháp hormone thay thế được bắt đầu trước tuổi 60 hoặc trong vòng 10 năm kể từ khi bắt đầu mãn kinh thì những lợi ích có được sẽ lớn hơn các rủi ro.
- Loại liệu pháp hormone: Rủi ro của liệu pháp hormone thay thế còn tùy thuộc vào từng loại (chỉ có estrogen hay có cả estrogen và progestin) cũng như là liều lượng và loại estrogen được sử dụng.
- Bệnh sử: Tiền sử gia đình, cá nhân và nguy cơ mắc ung thư, bệnh tim mạch, đột quỵ, hình thành cục máu đông, bệnh gan và loãng xương là những yếu tố quan trọng trong việc xác định liệu pháp hormone thay thế có phù hợp hay không.
Tất cả những rủi ro này cần được cân nhắc kỹ trước khi quyết định có nên điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế hay không.
Làm thế nào để giảm rủi ro khi dùng liệu pháp hormone?
Để giảm thiếu tối đa rủi ro khi điều trị bằng liệu pháp hormone thì cần:
- Tìm sản phẩm phù hợp nhất: Có thể sử dụng estrogen dưới dạng thuốc đường uống, miếng dán ngoài da, dạng gel, kem bôi, thuốc đạn hoặc vòng đặt âm đạo phóng thích chậm. Nếu chỉ gặp các triệu chứng xảy ra trong âm đạo như khô rát thì estrogen dạng kem bôi âm đạo, thuốc đạn hoặc vòng đặt sẽ là lựa chọn phù hợp hơn so với thuốc đường uống hoặc miếng dán ngoài da.
- Giảm thiểu lượng thuốc: Chỉ nên sử dụng liều thấp nhất và trong khoảng thời gian ngắn nhất có thể để điều trị các triệu chứng. Với những phụ nữ dưới 45 tuổi thì cần có đủ estrogen để bảo vệ cơ thể chống lại ảnh hưởng lâu dài của tình trạng thiếu hụt estrogen. Nếu gặp phải các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng, kéo dài dai dẳng làm giảm chất lượng cuộc sống thì bác sĩ sẽ chỉ định điều trị trong thời gian dài hơn.
- Theo dõi thường xuyên: Cần đi khám bác sĩ thường xuyên để theo dõi phản ứng của cơ thể và phát hiện sớm những vấn đề bất thường trong quá trình sử dụng liệu pháp hormone thay thế và tiến hành các phương pháp khám sàng lọc như chụp quang tuyến vú, khám phụ khoa.
- Duy trì lối sống lành mạnh: gồm có tập thể dục đều đặn, tăng cường vận động trong cuộc sống hàng ngày, có một chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, duy trì cân nặng khỏe mạnh, không hút thuốc, hạn chế uống rượu, kiểm soát căng thẳng và ngăn ngừa các bệnh mãn tính, chẳng hạn như cholesterol cao hoặc tăng huyết áp.
Với những phụ nữ không phải phẫu thuật cắt tử cung và đang sử dụng liệu pháp estrogen toàn thân thì sẽ cần sử dụng thêm progestin để tránh xảy ra rủi ro.
Ai nên điều trị bằng liệu pháp hormone?
Lợi ích của liệu pháp hormone thay thế sẽ lớn hơn các rủi ro đối với người khỏe mạnh và những người:
- Bị triệu chứng bốc hỏa mức độ vừa đến nặng: Liệu pháp estrogen toàn thân vẫn là phương pháp hiệu quả nhất để giảm các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm vào thời kỳ mãn kinh.
- Có các triệu chứng mãn kinh khác: Estrogen có thể làm giảm các triệu chứng xảy ra với âm đạo trong thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như khô, ngứa ngáy, nóng rát và đau khi quan hệ.
- Cần ngăn ngừa loãng xương hoặc gãy xương: Liệu pháp estrogen toàn thân giúp ngăn ngừa loãng xương – tình trạng mật độ khoáng xương thấp vì estrogen là một hormone giúp củng cố cấu trúc xương. Mặc dù các chuyên gia thường khuyên dùng thuốc bisphosphonate để điều trị loãng xương nhưng có thể sử dụng liệu pháp estrogen đối với những người không thể dùng hoặc không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
- Mãn kinh sớm hoặc bị thiếu hụt estrogen: Với những phụ nữ đã phẫu thuật cắt buồng trứng trước 45 tuổi, ngừng kinh nguyệt trước 45 tuổi (mãn kinh sớm) hoặc buồng trứng không thể thực hiện chức năng bình thường trước 40 tuổi (suy buồng trứng nguyên phát) thì những lợi ích mà hormone estrogen đem lại cho cơ thể sẽ ngừng sớm hơn so với những phụ nữ mãn kinh đúng tuổi. Liệu pháp estrogen có thể làm giảm nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe, gồm có loãng xương, bệnh tim mạch, đột quỵ, sa sút trí tuệ và thay đổi tâm lý, trầm cảm.
Giải pháp thay thế
Với những người không thể sử dụng liệu pháp hormone thì có thể kiểm soát cơn bốc hỏa do mãn kinh khác bằng những phương pháp khác như giữ mát cơ thể, hạn chế đồ uống có chứa caffeine và đồ uống có cồn, tập thở đều và các biện pháp thư giãn khác. Ngoài ra còn có một số loại thuốc không sử dụng hormone cũng có tác dụng làm giảm các cơn bốc hỏa.
Đối với các triệu chứng xảy ra trong âm đạo như khô hoặc đau rát khi quan hệ thì có thể dùng kem dưỡng ẩm hoặc gel bôi trơn để làm giảm ma sát và giảm đau khi quan hệ. Ngoài ra, có thể hỏi ý kiến bác sĩ về ospemifene (Osphena) – một loại thuốc kê đơn có tác dụng giảm đau rát khi quan hệ tình dục.
Liệu pháp estrogen có thể cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc một số bệnh sau mãn kinh.
Progesterone là một loại hormone sinh dục nữ, được tạo ra chủ yếu ở buồng trứng. Giống như estrogen, nồng độ progesterone cũng giảm vào thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp progesterone giúp làm tăng nồng độ progesterone trong cơ thể và làm giảm một số triệu chứng mãn kinh. Progesterone có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với estrogen.
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh. Mãn kinh bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong suốt một năm. Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 30 đến 40. Nồng độ estrogen thay đổi liên tục trong khoảng thời gian này. Điều này khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều, ví dụ như thời gian hành kinh dài hơn, ngắn hơn, thưa hơn và lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn. Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt này kéo theo những thay đổi về dịch tiết âm đạo hay còn gọi là khí hư. Nồng độ estrogen sụt giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến cho lượng dịch tiết âm đạo giảm đi và dẫn đến khô âm đạo.
Sau khi mãn kinh (được gọi là giai đoạn hậu mãn kinh), phụ nữ sẽ gặp phải rất nhiều thay đổi về cơ thể và sức khỏe. Để duy trì sức khỏe trong giai đoạn sau mãn kinh, bạn cần biết được những thay đổi này và chuẩn bị một cách tốt nhất.
Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.