4 lợi ích của liệu pháp estrogen
Nội dung chính của bài viết:
- Liệu pháp estrogen có thể cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc một số bệnh sau mãn kinh. Tuy nhiên, sử dụng liệu pháp này trong thời gian dài sẽ gây hại cho sức khỏe.
- Trước khi bắt đầu sử dụng estrogen, hãy nói chuyện với bác sĩ và cân nhắc kỹ những lợi ích và rủi ro. Nên dùng estrogen liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể để giảm nguy cơ.
- Liệu pháp estrogen giúp cải thiện sức khỏe âm đạo, giảm triệu chứng mãn kinh, bảo vệ sức khỏe xương và tim mạch.
- Tuy nhiên, liệu pháp này cũng làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, và có thể gây sảy thai hoặc dị tật bẩm sinh nếu dùng trong thời gian mang thai.
- Duy trì chế độ ăn uống đầy đủ, dùng viên uống bổ sung hay tập luyện có thể ngăn ngừa những vấn đề do suy giảm estrogen gây nên.
- Khi quyết định điều trị bằng liệu pháp estrogen cần thăm khám và tuyệt đối theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Khi nào nên điều trị bằng liệu pháp estrogen?
Estrogen là một hormone (nội tiết tố) được tạo ra tự nhiên trong cơ thể. Mặc dù được gọi là hormone sinh dục nữ nhưng estrogen có ở cả nam giới và nữ giới. Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát, điều hòa chức năng hệ sinh dục và ngoài ra còn tham gia bảo vệ cấu trúc xương, da và nhiều bộ phận khác của cơ thể.
Đôi khi, cơ thể không tạo ra đủ estrogen. Điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do. Ví dụ, khi có tuổi, quá trình sản xuất estrogen sẽ chậm lại. Hoặc một số vấn đề sức khỏe, bệnh lý cũng có thể ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong cơ thể.
Trong những trường hợp mà nồng độ estrogen ở mức thấp, có thể sẽ cần điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế (liệu pháp estrogen) để bổ sung lượng hormone bị thiếu hụt và làm giảm các triệu chứng. Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng liệu pháp hormone trong thời gian dài sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng, trong đó có cả ung thư. Do đó, cần nói chuyện với bác sĩ và cân nhắc kỹ trước khi bắt đầu điều trị.
>> Các biểu hiện của estrogen thấp
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu thêm về lợi ích và rủi ro của liệu pháp estrogen
Lợi ích
1. Làm giảm các triệu chứng mãn kinh
Sự sản xuất estrogen tự nhiên thay đổi theo từng giai đoạn trong cuộc đời. Khi bắt đầu tuổi dậy thì, cơ thể tạo ra nhiều estrogen hơn. Nồng độ estrogen được duy trì ở mức cao trong suốt những năm của độ tuổi sinh sản. Khi đến tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen sẽ bắt đầu giảm.
Khi nồng độ estrogen giảm, phụ nữ sẽ bắt đầu có các triệu chứng tiền mãn kinh như:
- Bốc hỏa
- Khô âm đạo
- Mệt mỏi
- Ớn lạnh
- Khó ngủ
- Đổ nhiều mồ hôi
Do đó mà khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ cần dùng các loại thuốc có chứa estrogen. Việc thay thế lượng estrogen bị thiếu hụt bằng liệu pháp hormone sẽ giúp giảm bớt các triệu chứng tiền mãn kinh.
2. Cải thiện các vấn đề ở âm đạo
Estrogen giúp duy trì sức khỏe âm đạo. Khi nồng độ hormone này giảm thì mô và sự cân bằng pH trong âm đạo đều sẽ thay đổi. Điều này sẽ gây ra một số vấn đề như:
- Khô âm đạo
- Teo âm đạo, dẫn đến khô, đau rát và tiểu không tự chủ
- Viêm teo âm đạo
Liệu pháp estrogen có thể điều trị những vấn đề này.
3. Điều trị các vấn đề ở buồng trứng
Buồng trứng là cơ quan sản xuất estrogen. Nếu vì một nguyên nhân nào đó mà chức năng buồng trứng bị suy giảm và không thể tạo ra đủ estrogen thì sẽ cần đến liệu pháp hormone thay thế.
Những vấn đề cần bổ sung estrogen gồm có:
- Suy tuyến sinh dục nữ hay tình trạng giảm chức năng của buồng trứng
- Suy cả hai buồng trứng
- Đã phẫu thuật cắt cả hai buồng trứng
Sau khi cắt cả hai buồng trứng thì thời kỳ mãn kinh sẽ bắt đầu ngay lập tức và cần đến liệu pháp hormone thay thế để giảm các triệu chứng mãn kinh sớm. Đôi khi, cả tử cung và buồng trứng đều bị cắt bỏ.
4. Bảo vệ cấu trúc xương
Không chỉ có vai trò quan trọng đối với hệ sinh dục, estrogen còn là một hormone tham gia bảo vệ cấu trúc xương. Liệu pháp estrogen giúp làm chậm tốc độ mất xương và ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh. Mặc dù hiện nay đã có các loại thuốc mới với khả năng ngăn chặn và điều trị loãng xương tốt hơn nhưng những loại thuốc này không phải lúc nào cũng có hiệu quả và ngoài ra còn đi kèm các tác dụng phụ quá nghiêm trọng. Do đó mà trong nhiều trường hợp, bác sĩ vẫn chỉ định liệu pháp estrogen để điều trị loãng xương do mãn kinh.
Tác dụng phụ và rủi ro
Liệu pháp hormone thay thế có đi kèm với một số rủi ro. Hiện nay, phương pháp này không còn được sử dụng phổ biến như trước vì ngày càng có nhiều nghiên cứu phát hiện ra các vấn đề khi sử dụng liệu pháp hormone lâu dài, chẳng hạn như tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch.
Các nghiên cứu này cũng đã tìm ra những chống chỉ định của liệu pháp estrogen.
Các rủi ro và tác dụng phụ của liệu pháp estrogen gồm có:
- Huyết khối hay hình thành cục máu đông: Estrogen làm tăng nguy cơ đông máu và có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim và thậm chí tử vong.
- Ung thư: Estrogen làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Cần nói với bác sĩ về bệnh sử cá nhân, tiền sử gia đình để xác định xem có thể điều trị bằng liệu pháp hormone được hay không.
- Dị tật bẩm sinh: Ở phụ nữ đang mang thai, việc sử dụng estrogen hay liệu pháp hormone có thể sẽ gây sảy thai hoặc sinh non. Dù có thể mang thai đủ tháng thì trẻ sinh ra cũng có nguy cơ cao bị dị tật bẩm sinh.
- Mô vú dày đặc: Liệu pháp estrogen có thể khiến mô vú trở nên dày đặc. Điều này gây khó khăn cho việc đọc phim chụp nhũ ảnh và dẫn đến không thể phát hiện sớm ung thư vú.
Với những phụ nữ đã phẫu thuật cắt tử cung nhưng vẫn còn buồng trứng thì bác sĩ thường kê các loại thuốc chỉ có estrogen. Những người còn nguyên tử cung thì cần dùng các loại thuốc có cả estrogen và progesterone. Lý do là bởi liệu pháp hormone chỉ có estrogen sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung là lớp mô bao phủ bề mặt bên trong tử cung. Sau khi cắt tử cung thì nguy cơ ung thư nội mạc tử cung sẽ không còn nên có thể chỉ cần dùng estrogen.
Ngăn ngừa vấn đề do suy giảm estrogen
Mặc dù không thể ngăn cản được sự dao động nồng độ hormone tự nhiên của cơ thể nhưng có thể giảm bớt các triệu chứng do sự suy giảm nồng độ estrogen và ngăn ngừa một số biến chứng do thiếu hụt hormone này.
Một số biện pháp để ngăn ngừa những vấn đề do suy giảm estrogen:
- Duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ chất, tăng cường các loại thực phẩm giàu canxi và vitamin D để củng cố sức khỏe của xương và ngăn ngừa loãng xương.
- Dùng viên uống bổ sung canxi. Estrogen và canxi kết hợp với nhau để giữ cho cấu trúc xương chắc khỏe. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi để cung cấp khối xây dựng tự nhiên cho xương.
- Tập tạ. Các bài tập tăng cơ như tập tạ là một cách hiệu quả để tăng cường sức mạnh của xương và giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
Liệu pháp hormone thay thế (HRT) là sử dụng thuốc để làm tăng nồng độ hormone trong cơ thể, có thể là estrogen, progesteron hoặc cả hai. Liệu pháp hormone thay thế là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng.
Progesterone là một loại hormone sinh dục nữ, được tạo ra chủ yếu ở buồng trứng. Giống như estrogen, nồng độ progesterone cũng giảm vào thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp progesterone giúp làm tăng nồng độ progesterone trong cơ thể và làm giảm một số triệu chứng mãn kinh. Progesterone có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với estrogen.
Mãn kinh là một quá trình sinh lý tự nhiên ở phụ nữ, xảy ra khi buồng trứng ngừng phóng trứng trưởng thành vào mỗi tháng và cơ thể tạo ra ít horTronmone estrogen, progesterone hơn.
Trong thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ phải trải qua nhiều triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone như bốc hỏa, mất ngủ, trầm cảm, đau vú và tâm trạng thất thường. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng thuốc để điều trị những triệu chứng này.
Bằng cách áp dụng một số thay đổi đơn giản trong thói quen hàng ngày, phụ nữ hoàn toàn có thể ngăn các cơn bốc hỏa ảnh hưởng đến cuộc sống.