Liệu pháp progesterone có tác dụng gì trong thời kỳ mãn kinh?
Vào thời kỳ mãn kinh, lượng hormone sinh dục giảm đáng kể, khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều và cuối cùng chấm dứt vĩnh viễn.
Đối với nhiều người, không còn kinh nguyệt có nghĩa là không còn phải chịu những cơn đau bụng hay sự bất tiện hàng tháng nhưng sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh lại gây ra nhiều vấn đề khác như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, khô âm đạo, mất ngủ, tăng cân, rụng tóc, khô da, giảm ham muốn,…
Một số phụ nữ chỉ gặp phải những triệu chứng nhẹ khi bước vào thời kỳ mãn kinh nhưng ở một số người, các triệu chứng mãn kinh lại gây cản trở cuộc sống hàng ngày và cần phải điều trị. Một giải pháp để làm giảm các triệu chứng mãn kinh là liệu pháp progesterone, có thể sử dụng một mình hoặc kết hợp với estrogen.
Progesterone là gì?
Ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, chức năng chính của progesterone là chuẩn bị niêm mạc tử cung để trứng sau khi thụ tinh có thể bám vào và phát triển.
Progesterone còn có vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh chất nhầy cổ tử cung và giúp bầu vú phát triển, sẵn sàng cho sự sản xuất sữa mẹ.
Hormone này còn ảnh hưởng đến nhiều chức năng khác của cơ thể. Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng sẽ không còn sản xuất nhiều progesterone như trước nữa. Nồng độ progesterone thấp dẫn đến các vấn đề như:
- Đau nửa đầu
- Tâm trạng thay đổi tiêu cực
- Giảm mật độ xương
- Chảy máu âm đạo bất thường
Liệu pháp progesterone được sử dụng khi nào?
Cách hiệu quả nhất để làm giảm các triệu chứng mãn kinh là dùng liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy – HRT).
Những phụ nữ không còn tử cung (chẳng hạn như những người đã phẫu thuật cắt tử cung) chỉ cần sử dụng estrogen.
Nhưng những phụ nữ vẫn còn tử cung nên sử dụng kết hợp cả estrogen và progesterone vì có bằng chứng cho thấy nếu chỉ sử dụng estrogen thì sẽ làm tăng nguy cơ ung thư tử cung và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Liệu pháp kết hợp estrogen và progesterone thường có dạng viên nén để dùng qua đường uống. Liệu pháp progesterone cũng có dạng viên nén, chứa progesterone vi hạt nên được hấp thụ vào cơ thể dễ hơn.
Lợi ích của liệu pháp progesterone trong thời kỳ mãn kinh
Liệu pháp progesterone (một mình hoặc kết hợp với estrogen) mang lại nhiều lợi ích trong thời kỳ mãn kinh.
Giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung
Khi còn trong độ tuổi sinh sản, niêm mạc tử cung bong ra mỗi tháng và bị đẩy ra ngoài cùng với dịch và máu, tạo thành hiện tượng hành kinh. Khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt, niêm mạc tử cung sẽ không bong ra nữa.
Bổ sung estrogen sẽ làm dày niêm mạc tử cung và niêm mạc tử cung dày lên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sử dụng thêm progesterone trong liệu pháp hormone thay thế giúp niêm mạc tử cung mỏng đi và nhờ đó làm giảm nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. (1)
Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tác dụng của progesterone đối với tình trạng đổ mồ hôi ban đêm và bốc hỏa ở phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa và phát hiện ra rằng bổ sung progesterone qua đường uống mỗi ngày giúp làm giảm cả tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm. (2)
Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy kết quả tương tự. Từ đó có thể thấy liệu pháp progesterone có thể làm giảm các triệu chứng vận mạch vào thời kỳ mãn kinh.
Cải thiện giấc ngủ
Một trong những vấn đề phổ biến vào thời kỳ mãn kinh là rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như khó ngủ hay ngủ không sâu giấc.
Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy uống 300 mg progesterone trước khi đi ngủ mỗi ngày giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Phương pháp này không gây ra bất kỳ triệu chứng trầm cảm nào và cũng không ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ vào ban ngày. (3)
Nghiên cứu này cũng xác nhận kết quả của các thử nghiệm trước đó cho thấy progesterone có thể làm giảm tình trạng đổ mồ hôi vào ban đêm và nhờ đó giúp ngủ ngon giấc hơn.
Cải thiện sương mù não
Vào thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng “sương mù não” – một tập hợp các triệu chứng ảnh hưởng đến khả năng tư duy và trí nhớ.
Có một số bằng chứng cho thấy liệu pháp progesterone có thể giúp ngăn ngừa sương mù não nếu bắt đầu sử dụng sớm sự trong thời kỳ mãn kinh.
Một số nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng progesterone giúp cải thiện trí nhớ hình tượng và trí nhớ từ ngữ ở phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh.
Tuy nhiên, bằng chứng nghiên cứu chưa rõ ràng. Các nghiên cứu khác lại không tìm thấy bất cứ lợi ích nào của progesterone đối với chức năng nhận thức.
Mặc dù vậy nhưng không có bằng chứng nào cho thấy progesterone gây hại đến khả năng tư duy.
Tác dụng phụ của liệu pháp progesterone
Liệu pháp progesterone có thể gây phản ứng dị ứng và các tác dụng phụ khác như:
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Đau đầu
- Cáu gắt
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Đau cơ, khớp hoặc xương
- Buồn nôn, nôn mửa
- Mệt mỏi
- Tích nước, tăng cân
- Vú đau hoặc nhạy cảm
- Tiết dịch âm đạo hoặc chảy máu âm đạo bất thường
Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài khi sử dụng liệu pháp progesterone, bạn nên báo cho bác sĩ.
Không phải ai cũng có thể sử dụng liệu pháp progesterone. Liệu pháp này không phù hợp với những người:
- đã cắt bỏ tử cung
- trên 60 tuổi
- đã mãn kinh trên 10 năm
- bị dị ứng với thuốc hoặc đậu phộng
- có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư vú hoặc ung thư nội mạc tử cung
- đang mắc hoặc có nguy cơ cao mắc các bệnh như hen suyễn, tiểu đường, trầm cảm, đau nửa đầu, co giật, sa sút trí tuệ, cục máu đông, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, vấn đề về thị lực, bệnh về gan, thận hoặc túi mật
Các cách khác để làm giảm triệu chứng mãn kinh
Liệu pháp hormone thay thế không phải cách duy nhất để làm giảm các triệu chứng mãn kinh. Ngoài ra còn có rất nhiều cách khác như:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu, căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
- Điều chỉnh chế độ ăn: Tránh thức ăn cay, caffeine và đồ uống có cồn. Những thứ này có thể gây bốc hỏa và đổ mồ hôi.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng, ngoài ra còn có thể làm tăng tần suất bốc hỏa. Bạn có thể thử các biện pháp giảm căng thẳng như tập yoga, thiền, bài tập hít thở, đi dạo hoặc dành thời gian cho sở thích cá nhân.
- Thảo dược: Có nhiều loại thảo dược có thể giúp làm giảm bốc hỏ, đổ mồ hôi ban đêm và các triệu chứng mãn kinh khác, ví dụ như trinh nữ, đương quy, bạch linh, bạch thược, mạch môn, thạch xương bồ, cam thảo,…
Tóm tắt bài viết
Progesterone thường được sử dụng kết hợp với estrogen để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Khi kết hợp cùng nhau, hai loại hormone này có thể làm giảm bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh.
Progesterone làm mỏng niêm mạc tử cung, nhờ đó giúp ngăn ngừa ung thư nội mạc tử cung. Khi dùng một mình hoặc cùng với estrogen, progesterone còn giúp cải thiện giấc ngủ và chứng sương mù não.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng liệu pháp progesterone. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng progesterone để điều trị triệu chứng mãn kinh để hiểu rõ về những lợi ích cũng như rủi ro.
Nếu như bạn không muốn sử dụng liệu pháp hormone thì vẫn còn nhiều cách khác để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh, gồm có tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn và dùng thảo dược.
Bên cạnh những thay đổi về thể chất, phụ nữ sẽ còn gặp phải những thay đổi về tâm lý, tinh thần trong thời kỳ mãn kinh.
Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh là một vấn đề có thể điều trị được. Khi nhận thấy có những thay đổi tâm lý, cảm xúc bất thường thì nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp can thiệp, điều trị hiệu quả nhất.
Vấn đề loãng xương thường không được phát hiện cho đến khi xương quá yếu và bị gãy. Khi đã bị gãy xương một lần do loãng xương thì sẽ rất dễ tiếp tục bị gãy trong tương lai.
Giống như bốc hỏa hay khó ngủ, táo bón cũng là một triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mãn kinh.
Sự thay đổi nội tiết tố vào giai đoạn tiền mãn kinh gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Bên cạnh những triệu chứng phổ biến như bốc hỏa hay đổ mồ hôi vào ban đêm, một số phụ nữ còn gặp phải tình trạng thường xuyên cảm thấy đói và thèm ăn. Vậy tại sao lại có tình trạng này vào giai đoạn tiền mãn kinh và làm thế nào để khắc phục?