Lợi ích của chế độ ăn Keto trong thời kỳ mãn kinh
Mãn kinh là sự chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản tự nhiên của phụ nữ. Mãn kinh xảy ra do sự suy giảm hoạt động và chức năng buồng trứng, dẫn đến giảm nồng độ các hormone sinh dục, gồm estrogen và progesterone. Điều này gây ra các triệu chứng như bốc hỏa, khó ngủ và thay đổi tâm trạng, cảm xúc.
Điều chỉnh chế độ ăn uống là một cách để cân bằng nội tiết tố và giảm bớt một số triệu chứng mãn kinh.
Một trong những chế độ ăn được biết đến là có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh là chế độ ăn Keto (ketogenic). Đây là chế độ ăn có nhiều chất béo và rất ít carbohydrate (carb).
Tuy nhiên, chế độ ăn Keto đi kèm một số rủi ro và không phải ai cũng thực hiện được chế độ ăn này.
Lợi ích của chế độ ăn Keto
Chế độ ăn Keto mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh.
Cải thiện độ nhạy insulin
Mãn kinh gây ra một số thay đổi về nội tiết tố.
Ngoài sự sụt giảm các hormone sinh dục như estrogen và progesterone, thời kỳ mãn kinh còn làm giảm độ nhạy insulin, có nghĩa là cơ thể không còn sử dụng insulin một cách hiệu quả.
Insulin là loại hormone giúp vận chuyển đường (glucose) từ máu vào tế bào và sau đó các tế bào sẽ chuyển hóa đường thành năng lượng.
Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Keto có thể làm tăng độ nhạy insulin và nhờ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Một nghiên cứu cho thấy rằng thực hiện chế độ ăn Keto trong 12 tuần giúp cải thiện nồng độ insulin và độ nhạy insulin ở những phụ nữ bị ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để tìm hiểu xem liệu chế độ ăn Keto có mang lại lợi ích cho những phụ nữ mãn kinh không mắc các loại ung thư này hay không.
Theo một tổng quan nghiên cứu, việc giảm tiêu thụ carb có thể làm giảm nồng độ insulin và cải thiện sự mất cân bằng nội tiết tố, những điều này đặc biệt có lợi trong thời kỳ mãn kinh. (1)
Thêm nữa, các nghiên cứu cho thấy tình trạng kháng insulin có thể làm tăng nguy cơ bốc hỏa – một triệu chứng phổ biến trong thời kỳ mãn kinh.
Ngăn ngừa tăng cân
Phụ nữ khi bước vào thời kỳ mãn kinh sẽ dễ tăng cân hơn do sự thay đổi nội tiết tố và tốc độ trao đổi chất chậm lại, có nghĩa là lượng calo đốt cháy hàng ngày sẽ giảm đi.
Ngoài ra, một số phụ nữ còn bị giảm chiều cao khi có tuổi và điều này góp phần làm tăng chỉ số khối cơ thể (BMI).
Mặc dù số lượng nghiên cứu về chế độ ăn Keto còn hạn chế nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc cắt giảm lượng carb tiêu thụ có thể giúp ngăn ngừa tăng cân trong thời kỳ mãn kinh.
Ví dụ, một nghiên cứu trên hơn 88.000 phụ nữ cho thấy rằng thực hiện chế độ ăn ít carb giúp giảm nguy cơ tăng cân sau mãn kinh.
Mặt khác, chế độ ăn ít chất béo lại làm tăng nguy cơ tăng cân ở những phụ nữ tham gia nghiên cứu. (2)
Tuy nhiên, chế độ ăn được thực hiện trong nghiên cứu này có lượng carb cao hơn đáng kể so với chế độ ăn Keto tiêu chuẩn.
Giảm cảm giác thèm ăn
Nhiều phụ nữ cảm thấy đói và thèm ăn nhiều hơn trong giai đoạn tiền mãn kinh – khoảng thời gian trước khi chính thức mãn kinh.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn Keto có thể làm giảm cảm giác đói và thèm ăn, điều này rất có lợi trong thời kỳ mãn kinh.
Theo một nghiên cứu trên 95 người (trong đó có 55 phụ nữ), thực hiện chế độ ăn Keto trong 9 tuần giúp làm tăng nồng độ GLP-1, loại hormone kiểm soát cảm giác thèm ăn. Điều đáng chú ý là sự gia tăng hormone này chỉ được quan sát thấy ở phụ nữ. (3)
Tương tự, một nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng chế độ ăn Keto ít calo làm giảm cảm giác đói và nồng độ ghrelin, một loại hormone gây thèm ăn.
Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đánh giá tác động của chế độ ăn Keto đến cảm giác đói và thèm ăn ở phụ nữ mãn kinh.
Tóm tắt: Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn Keto có thể cải thiện độ nhạy insulin, ngăn ngừa tăng cân và giảm cảm giác thèm ăn.
Tác hại của chế độ ăn Keto
Mặc dù mang lại một số lợi ích cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh nhưng chế độ ăn Keto cũng có một số tác hại.
Mãn kinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (4)
Chế độ ăn Keto có thể làm tăng LDL cholesterol hay còn gọi là cholesterol xấu và gây rối loạn chức năng nội mô, bao gồm cả tình trạng thu hẹp các mạch máu trên bề mặt tim. Cả hai điều này sẽ làm tăng thêm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên những phụ nữ khỏe mạnh ở độ tuổi 20, thực hiện chế độ ăn Keto trong 3 tuần có thể làm tăng 39% nồng độ LDL cholesterol.
Tất cả những người tham gia nghiên cứu ban đầu đều có chỉ số LDL cholesterol bình thường nhưng sau 3 tuần theo chế độ ăn Keto, 59% số người tham gia có nồng độ LDL cao hơn mức khuyến nghị.
Các nghiên cứu trên những người bị cholesterol cao, thừa cân và béo phì đã cho thấy rằng tình trạng mạch máu suy giảm sau một thời gian thực hiện chế độ ăn Keto.
Trong một phân tích tổng hợp đánh giá tác động của chế độ ăn ít carb đến sức khỏe mạch máu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khả năng giãn mạch qua trung gian dòng chảy (flow-mediated dilation – FMD), một chỉ số cho biết sức khỏe mạch máu, giảm 1% sau 3 tuần theo chế độ ăn ít carb.
Sự giảm FMD này làm tăng 13% nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chế độ ăn ít carb giúp cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch khác bằng cách làm giảm khối lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), tỷ lệ mỡ, huyết áp và nồng độ triglyceride, đặc biệt là ở những người thừa cân hoặc béo phì.
Ngoài ra, lượng carb thấp của chế độ ăn Keto đòi hỏi phải cắt giảm hoặc kiêng một số loại thực phẩm và điều này có thể gây thiếu hụt một số chất dinh dưỡng nhất định.
Trong một nghiên cứu về chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn Keto, những người thực hiện chế độ ăn này đã không tiêu thụ đủ lượng canxi, folate, magie, mangan, kali, vitamin B1, vitamin D và E khuyến nghị. (5)
Một số nghiên cứu cho thấy những người theo chế độ ăn Keto thường tiêu thụ ít chất xơ hơn.
Chất xơ có lợi cho sức khỏe đường ruột, giúp kiểm soát cân nặng và chức năng miễn dịch, phòng ngừa bệnh tim mạch, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và một số loại ung thư.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chế độ ăn Keto thường có nhiều chất béo bão hòa hơn và tiêu thụ nhiều chất béo bão hòa sẽ làm tăng cholesterol xấu.
Tuy nhiên, chế độ ăn Keto có thể giúp tăng mức tiêu thụ một số chất dinh dưỡng khác, chẳng hạn như vitamin A, vitamin B12, vitamin C, vitamin D, vitamin K, cũng như choline và selen.
Một nhược điểm khác của chế độ ăn Keto là có thể gây ra “cúm Keto” - tập hợp các triệu chứng xảy ra khi cơ thể chuyển sang trạng thái ketosis, một trạng thái trao đổi chất trong đó cơ thể đốt cháy chất béo làm năng lượng thay cho glucose.
Cúm Keto có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng mãn kinh, gồm có mệt mỏi, rụng tóc, khó ngủ và thay đổi tâm trạng.
Tuy nhiên, các triệu chứng cúm Keto thường tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần và có thể khắc phục bằng cách uống đủ nước và bổ sung chất điện giải.
Do hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu nên chưa rõ chế độ ăn Keto có tác động như thế nào đến sức khỏe về lâu dài.
Cuối cùng, mặc dù chế độ ăn Keto có thể giúp giảm cân nhưng hiệu quả chỉ là tạm thời và cân nặng sẽ tăng trở lại sau khi quay lại chế độ ăn bình thường.
Tóm tắt: Chế độ ăn Keto có thể làm tăng LDL cholesterol (cholesterol xấu) và rối loạn chức năng nội mô, cả hai đều có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Thực hiện chế độ ăn Keto còn có thể dẫn đến thiếu hụt một số chất dinh dưỡng, thiếu chất xơ và tăng mức triglyceride. Ngoài ra, cúm Keto có thể tạm thời làm trầm trọng thêm các triệu chứng mãn kinh.
Tóm tắt bài viết
Chế độ ăn Keto mang lại một số lợi ích cho phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh, gồm có tăng độ nhạy insulin, giảm cân và giảm cảm giác thèm ăn.
Tuy nhiên, chế độ ăn này có thể làm tăng một số yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch và gây thiếu hụt một số chất dinh dưỡng quan trọng.
Mặc dù chế độ ăn Keto có một số lợi ích trong thời kỳ mãn kinh nhưng không phải ai cũng phù hợp với chế độ ăn này.
Bên cạnh những thay đổi về thể chất, phụ nữ sẽ còn gặp phải những thay đổi về tâm lý, tinh thần trong thời kỳ mãn kinh.
Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh là một vấn đề có thể điều trị được. Khi nhận thấy có những thay đổi tâm lý, cảm xúc bất thường thì nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp can thiệp, điều trị hiệu quả nhất.
Vấn đề loãng xương thường không được phát hiện cho đến khi xương quá yếu và bị gãy. Khi đã bị gãy xương một lần do loãng xương thì sẽ rất dễ tiếp tục bị gãy trong tương lai.
Giống như bốc hỏa hay khó ngủ, táo bón cũng là một triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mãn kinh.
Sự thay đổi nội tiết tố vào giai đoạn tiền mãn kinh gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Bên cạnh những triệu chứng phổ biến như bốc hỏa hay đổ mồ hôi vào ban đêm, một số phụ nữ còn gặp phải tình trạng thường xuyên cảm thấy đói và thèm ăn. Vậy tại sao lại có tình trạng này vào giai đoạn tiền mãn kinh và làm thế nào để khắc phục?