1

10 loại thảo dược tốt cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh

Hiện có vô số loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng mãn kinh và một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất là liệu pháp hormone thay thế. Tuy nhiên, do nguy cơ tác dụng phụ nên nhiều phụ nữ chuyển sang sử dụng các phương pháp điều trị tự nhiên thay cho hoặc kết hợp với thuốc. Một trong những phương pháp điều trị tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất là thảo dược.
10 loại thảo dược tốt cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh 10 loại thảo dược tốt cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh diễn ra do sự sụt giảm hormone sinh dục nữ một cách tự nhiên và đánh dấu sự kết thúc chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ. Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 40 đến 50.

Sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, khô âm đạo, đổ mồ hôi ban đêm, tăng cân, tâm trạng không ổn định, giảm ham muốn tình dục, ngủ kém, loãng xương, đau đầu, lo âu, bồn chồn,…

Mãn kinh là một phần tất yếu của quá trình lão hóa và không gì có thể ngăn chặn được. Tuy nhiên có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát triệu chứng trong thời kỳ mãn kinh.

Hiện có vô số loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng mãn kinh và một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất là liệu pháp hormone thay thế. Tuy nhiên, do nguy cơ tác dụng phụ nên nhiều phụ nữ chuyển sang sử dụng các phương pháp điều trị tự nhiên thay cho hoặc kết hợp với thuốc. Một trong những phương pháp điều trị tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất là thảo dược.

Dưới đây là 10 loại thảo dược thường được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh.

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược nào, nhất là khi còn đang dùng thuốc vì thảo dược có thể tương tác với thuốc.

1. Thiên ma

Thiên ma (tên tiếng Anh là thiên ma, tên khoa học là Actaea racemosa) là một loài thực vật có hoa có nguồn gốc từ các vùng phía đông của Bắc Mỹ.

Loài cây này từ lâu đã được người bản địa sử dụng để điều trị nhiều chứng bệnh. Hiện nay, thiên ma thường được dùng để làm giảm chứng đổ mồ hôi ban đêm và bốc hỏa do mãn kinh.

Hai tổng quan nghiên cứu gồm có thông tin tổng hợp từ hơn 8.000 phụ nữ tiền mãn kinh, mãn kinh và hậu mãn kinh đã kết luận rằng chưa có đủ bằng chứng để xác định liệu thiên ma có hiệu quả trong việc điều trị các triệu chứng mãn kinh hay không.

Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để đưa ra kết luận chính xác.

Những người có tiền sử mắc bệnh gan không nên dùng thiên ma và một số báo cáo ghi nhận phản ứng bất lợi xảy ra khi dùng các loại thực phẩm chức năng chứa chiết xuất thiên ma bị nhiễm tạp chất. Vì vậy, bạn nên lựa chọn các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đã được bên thứ ba kiểm tra độ tinh khiết.

Thiên ma hiếm khi gây tác dụng phụ nhưng không phải là không có. Các tác dụng phụ được báo cáo nhiều nhất là buồn nôn nhẹ, vấn đê về tiêu hóa và mẩn đỏ da.

2. Cỏ ba lá đỏ

Cỏ ba lá đỏ (tên tiếng Anh là red clover, tên khoa học là Trifolium pratense) là một loài thực vật có hoa thân thảo thuộc họ đậu.

Cỏ ba lá đỏ chứa hàm lượng lớn isoflavone – nhóm hợp chất thực vật hoạt động tương tự như hormone estrogen và có thể giúp làm giảm các triệu chứng do suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh.

Cỏ ba lá đỏ có thể giúp điều trị hoặc ngăn ngừa nhiều triệu chứng mãn kinh khác nhau, gồm có bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và loãng xương.

Một tổng quan nghiên cứu gồm 11 nghiên cứu được thực hiện trên phụ nữ mãn kinh cho thấy cỏ ba lá đỏ có hiệu quả làm giảm tình trạng bốc hỏa tốt hơn so với giả dược.

Tuy nhiên, bằng chứng này còn yếu và cần nghiên cứ thêm.

Hai nghiên cứu quy mô nhỏ trước đó cho thấy rằng sử dụng thực phẩm chức năng isoflavone có nguồn gốc từ cỏ ba lá đỏ có thể làm chậm quá trình mất xương ở phụ nữ mãn kinh so với giả dược.

Mặc dù không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo nhưng người dùng có thể gặp phải các tác dụng phụ nhẹ như nhức đầu và buồn nôn. Do chưa có nhiều dữ liệu về tính an toàn khi sử dụng lâu dài nên bạn chỉ nên dùng cỏ ba lá đỏ trong thời gian tối đa 01 năm.

Lưu ý, cỏ ba lá đỏ không an toàn với trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, phụ nữ mắc bệnh ung thư vú hoặc các bệnh ung thư nhạy cảm với hormone khác.

3. Đương quy

Đương quy (tên tiếng Anh là dong quai, tên khoa học là Angelica sinensis) là một loại thảo dược có nguồn gốc châu Á, thuộc cùng họ với cần tây, cà rốt và rau mùi tây. Loài cây này sinh trưởng ở những khu vực có khí hậu mát mẻ. Đương quy được mệnh danh là “nhân sâm dành cho phụ nữ”. Từ lâu, loại thảo dược này đã được sử dụng để hỗ trợ sức khỏe phụ nữ và điều trị các triệu chứng khó chịu trong kỳ kinh nguyệt cũng như các triệu chứng mãn kinh.

Mặc dù được sử dụng phổ biến nhưng mới chỉ có rất ít nghiên cứu trên người chứng minh hiệu quả của đương quy đối với các triệu chứng mãn kinh.

Một nghiên cứu trên 71 phụ nữ đã so sánh đương quy và giả dược và cho thấy rằng cả hai đều không hiệu quả làm giảm tình trạng bốc hỏa hay khô âm đạo.

Tuy nhiên, hai nghiên cứu riêng biệt sử dụng đương quy kết hợp với các loại thảo dược khác, gồm có cỏ ba lá đỏ, thiên ma và hoa cúc lại cho thấy tình trạng bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm cải thiện đáng kể.

Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để làm rõ tác dụng của đương quy đối với các triệu chứng mãn kinh.

Đương quy nhìn chung an toàn với hầu hết người lớn nhưng có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng mặt trời. Đương quy còn có thể gây loãng máu, do đó những người đang sử dụng thuốc chống đông máu không nên dùng loại thảo dược này hoặc phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

4. Dầu hoa anh thảo

Hoa anh thảo (tên tiếng Anh là evening primrose, tên khoa học là Oenothera biennis) là một loài thực vật có hoa có nguồn gốc từ miền trung và miền đông Bắc Mỹ. Dầu hoa anh thảo được chiết xuất từ hạt của cây. Dầu hoa anh thảo thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa và loãng xương.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng điều trị triệu chứng mãn kinh của dầu hoa anh thảo cho ra nhiều kết quả khác nhau.

Một nghiên cứu đã kết luận rằng dầu hoa anh thảo không hiệu quả hơn giả dược trong việc giảm bớt các cơn bốc hỏa. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây hơn đã lưu ý rằng dầu hoa anh thảo có hiệu quả giảm mức độ nghiêm trọng của cơn bốc hỏa cao hơn khoảng 10% so với giả dược (1, 13).

Một nghiên cứu đã so sánh hiệu quả của viên uống bổ sung canxi, viên uống dầu hoa anh thảo và viên uống kết hợp canxi và axit béo omega-3 trong việc ngăn ngừa loãng xương ở phụ nữ trước và sau mãn kinh. Cả hai nhóm đều duy trì được mật độ khoáng xương nhưng viên uống dầu hoa anh thảo không hiệu quả hơn so với canxi.

Sử dụng dầu hoa anh thảo trong thời gian ngắn nói chung là an toàn với người lớn. Các tác dụng phụ được báo cáo đa phần chỉ ở mức độ nhẹ, gồm có buồn nôn và đau bụng.

Lưu ý, dầu hoa anh thảo có thể tương tác tiêu cực với một số loại thuốc, ví dụ như thuốc điều trị HIV. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng dầu hoa anh thảo, đặc biệt là khi đang dùng thuốc hay bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào khác.

5. Maca

Maca (tên khoa học là Lepidium meyenii) là một loài cây thuộc họ Cải, cùng họ với bông cải xanh, bông cải trắng, su hào và bắp cải.

Maca đã được sử dụng từ hàng trăm năm trước để điều trị các bệnh lý như thiếu máu, vô sinh, mất cân bằng nội tiết tố và một số triệu chứng mãn kinh như giảm ham muốn tình dục, thay đổi tâm trạng và khô âm đạo.

Đến nay chưa có nhiều bằng chứng về hiệu quả điều trị các triệu chứng mãn kinh của maca. Tuy nhiên, một số nghiên cứu nhỏ đã chỉ ra rằng maca hiệu quả hơn đáng kể so với giả dược trong việc làm tăng ham muốn tình dục và giảm các triệu chứng về tâm lý như lo âu và buồn bã.

Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận trong các nghiên cứu nhưng mới chỉ có rất ít dữ liệu về tính an toàn của maca. Chưa rõ liệu maca có ảnh hưởng đến các loại thuốc hay không. Tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng maca.

Trong vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người sử dụng maca. Điều này dẫn đến sự xuất hiện các loại maca kém chất lượng trên thị trường.

Nếu bạn có ý định sử dụng maca, hãy mua ở những nơi uy tín, không mua sản phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc để tránh gây hại đến sức khỏe.

6. Đậu nành

Đậu nành là một nguồn cung cấp isoflavone dồi dào. Isoflavone là các hợp chất có cấu trúc tương tự hormone estrogen và “bắt chước” hoạt động của estrogen trong cơ thể, chỉ có điều tác dụng yếu hơn hormone estrogen tự nhiên.

Nhiều triệu chứng phổ biến trong thời kỳ mãn kinh là do sự sụt giảm nồng độ estrogen. Nhờ chứa các hợp chất tương tự estrogen nên đậu nành được cho là có thể giúp làm giảm các triệu chứng mãn kinh.

Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu về tác dụng của đậu nành đối với các triệu chứng mãn kinh còn chưa đồng nhất.

Một số nghiên cứu cho thấy rằng phụ nữ ở những nước ăn nhiều đậu nành có tỷ lệ bị bốc hỏa thấp hơn so với những nước ăn ít đậu nành.

Một tổng quan nghiên cứu gần đây gồm 95 nghiên cứu thực hiện trên phụ nữ mãn kinh cho thấy uống isoflavone đậu nành có thể giúp cải thiện sức khỏe xương, làm giảm tần suất và thời gian kéo dài các cơn bốc hỏa.

Đậu nành và thực phẩm làm từ đậu nành rất an toàn và nhìn chung là có lợi, miễn là bạn không bị dị ứng với đậu nành.

Các loại thực phẩm làm từ đậu nành được chế biến tối thiểu như đậu phụ, sữa đậu nành và tempeh có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng isoflavone cao nhất.

Tuy nhiên, chưa có đủ nghiên cứu để xác định tính an toàn về lâu dài của thực phẩm chức năng isoflavone đậu nành, nhất là khi dùng liều cao. Các tác dụng phụ thường gặp của thực phẩm chức năng isoflavone đậu nành gồm có đau bụng và tiêu chảy. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống isoflavone đậu nành.

7. Hạt lanh

Hạt lanh (tên tiếng Anh là flaxseed, tên khoa học là Linum usitatissimum) là một nguồn cung cấp lignan dồi dào.

Lignan là nhóm hợp chất thực vật có cấu trúc hóa học và tác dụng tương tự như hormone estrogen. Vì thế nên hạt lanh có thể được sử dụng để làm giảm các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa và loãng xương.

Một tổng quan nghiên cứu gồm 11 nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt lanh làm giảm tần suất và thời gian kéo dài các cơn bốc hỏa nhưng hiệu quả không cao hơn so với nhóm đối chứng.

Trong một nghiên cứu nhỏ kéo dài 3 tháng được thực hiện trên 140 phụ nữ mãn kinh, những người dùng hạt lanh cho biết các triệu chứng mãn kinh và chất lượng cuộc sống có sự cải thiện đáng kể.

Mặc dù các kết quả nghiên cứu đến nay đều rất hứa hẹn nhưng vẫn cần phải nghiên cứu thêm để kiểm chứng lợi ích của hạt lanh trong việc điều trị các triệu chứng mãn kinh.

Cho dù hạt lành có tác dụng làm giảm triệu chứng mãn kinh hay không thì đây vẫn là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và rất an toàn. Thường xuyên ăn hạt lanh là một cách hiệu quả để tăng lượng chất xơ và chất béo tốt.

8. Nhân sâm

Nhân sâm là một trong những loại thảo dược được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới.

Nhân sâm được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, ví dụ như tăng cường chức năng miễn dịch, cải thiện sức khỏe tim mạch và giúp cho cơ thể khỏe khoắn hơn. Từ hàng ngàn năm trước, nhân sâm đã được sử dụng để bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh. Nhân sâm là một trong bốn vị thuốc quý của Đông y (sâm, nhung, quế, phụ).

Có rất nhiều loại nhân sâm khác nhau nhưng hầu hết các nghiên cứu về lợi ích của nhân sâm trong thời kỳ mãn kinh đều sử dụng hồng sâm Hàn Quốc.

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 gồm 10 nghiên cứu cho thấy hồng sâm Hàn Quốc có thể làm tăng ham muốn tình dục và cải thiện tâm trạng ở phụ nữ mãn kinh.

Tuy nhiên, bằng chứng còn yếu và cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng điều này.

Sử dụng hồng sâm trong thời gian ngắn nói chung là an toàn với người lớn.

Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể xảy ra gồm có mẩn đỏ da, tiêu chảy, chóng mặt, khó ngủ và đau đầu. Nhân sâm còn có thể làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường nên thận trọng khi sử dụng nhân sâm.

Nhân sâm có thể tương tác tiêu cực với một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, thuốc hạ mỡ máu và thuốc chống đông máu. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng nhân sâm, đặc biệt là khi bạn đang dùng một trong các loại thuốc kể trên.

9. Cây nữ lang

Cây nữ lang (tên tiếng Anh là valerian, tên khoa học là Valeriana officinalis) là một loài thực vật có hoa ưa khí hậu ẩm mát. Loài cây này được sử dụng để trị nhiều chứng bệnh khác nhau nhưng một trong những công dụng chính là trị chứng mất ngủ.

Ngoài ra, cây nữ lang còn được sử dụng để điều trị các triệu chứng mãn kinh như khó ngủ và bốc hỏa. Tuy rằng chưa có nhiều bằng chứng chứng minh hiệu quả của loại thảo dược này nhưng các kết quả nghiên cứu cho đến nay đều rất hứa hẹn.

Một nghiên cứu nhỏ được thực hiện trên 68 phụ nữ mãn kinh đã cho thấy rằng cây nữ lang làm giảm mức độ nghiêm trọng của cơn bốc hỏa hiệu quả hơn so với giả dược. Một nghiên cứu nhỏ khác trên 60 phụ nữ mãn kinh cũng cho kết quả tương tự.

Trong một nghiên cứu khác được thực hiện trên 100 phụ nữ mãn kinh, sử dụng kết hợp cây nữ lang và tía tô đất (lemon balm) giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt hơn hơn so với giả dược.

Cây nữ nang đã được nhiều nghiên cứu chứng minh tính an toàn nhưng loại thảo dược này có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ, gồm có rối loạn tiêu hóa, đau đầu, buồn ngủ và chóng mặt.

Không nên dùng cây nữ lang nếu bạn đang dùng thuốc trị mất ngủ, giảm đau hoặc rối loạn lo âu vì cây nữ lang có thể tương tác với các loại thuốc này và gây ra vấn đề không mong muốn. Cây nữ nang còn có thể tương tác với các loại thảo dược và thực phẩm chức năng như kava, melatonin và St. John's wort.

10. Cây trinh nữ châu Âu

Cây trinh nữ châu Âu (tên tiếng Anh là chasteberry, tên khoa học là Vitex agnus-castus) là một loài cây có nguồn gốc từ Châu Á và vùng Địa Trung Hải. Loại thảo dược này từ lâu đã được sử dụng để điều trị vô sinh, rối loạn kinh nguyệt, các triệu chứng tiền kinh nguyệt và mãn kinh.

Giống như nhiều loại thảo dược khác, kết quả nghiên cứu về khả năng làm giảm các triệu chứng mãn kinh của cây trinh nữ châu Âu còn chưa đồng nhất.

Một nghiên cứu trên 92 phụ nữ đã so sánh giả dược với sự kết hợp giữa cây trinh nữ châu Âu và St. John's wort. Cả nhóm dùng giả dược và nhóm dùng thảo dược đều không cải thiện bất kỳ triệu chứng mãn kinh nào.

Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây trên 52 phụ nữ cho thấy những người dùng cây trinh nữ châu Âu đã giảm đáng kể tình trạng lo âu và bốc hỏa nhưng các vấn đề về tinh thần khác và rối loạn chức năng tình dục lại không có sự cải thiện.

Cây trinh nữ châu Âu là một loại thảo dược an toàn nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, ngứa, nhức đầu và rối loạn tiêu hóa. Không nên dùng cây trinh nữ châu Âu nếu bạn đang dùng thuốc chống loạn thần hoặc thuốc điều trị bệnh Parkinson.

Tóm tắt bài viết

Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cả về thể chất và tâm lý, gồm có bốc hỏa, khó ngủ, ra mồ hôi ban đêm, lo âu và bồn chồn.

Liệu pháp hormone thay thế là phương pháp hiệu quả nhất để điều trị các triệu chứng này nhưng ngoài ra con có các biện pháp điều trị tự nhiên, ví dụ như thảo dược.

Một số loại thảo dược được dùng phổ biến để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh có thể kể đến như thiên ma, maca, đậu nành, rễ cây nữ lang, cỏ ba lá đỏ, nhân sâm và hạt lanh nhưng hầu hết đều chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả cũng như tính an toàn khi sử dụng lâu dài.

Giống như thuốc Tây y, thảo dược cũng có thể gây tác dụng phụ và ngoài ra còn có thể tương tác tiêu cực với các loại thuốc. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tại sao lại bị ngứa trong thời kỳ mãn kinh?
Tại sao lại bị ngứa trong thời kỳ mãn kinh?

Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mãn kinh có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà phổ biến nhất là bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, khô âm đạo và đổ mồ hôi về đêm. Nhiều phụ nữ còn gặp phải những triệu chứng ở da, chẳng hạn như khô da và ngứa ngáy.

Nguyên nhân gây vấn đề về tâm lý trong thời kỳ mãn kinh
Nguyên nhân gây vấn đề về tâm lý trong thời kỳ mãn kinh

Bên cạnh những thay đổi về thể chất, phụ nữ sẽ còn gặp phải những thay đổi về tâm lý, tinh thần trong thời kỳ mãn kinh.

Trầm cảm và sức khỏe tinh thần trong thời kỳ mãn kinh
Trầm cảm và sức khỏe tinh thần trong thời kỳ mãn kinh

Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh là một vấn đề có thể điều trị được. Khi nhận thấy có những thay đổi tâm lý, cảm xúc bất thường thì nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp can thiệp, điều trị hiệu quả nhất.

Loãng xương và sức khỏe xương khớp trong thời kỳ mãn kinh
Loãng xương và sức khỏe xương khớp trong thời kỳ mãn kinh

Vấn đề loãng xương thường không được phát hiện cho đến khi xương quá yếu và bị gãy. Khi đã bị gãy xương một lần do loãng xương thì sẽ rất dễ tiếp tục bị gãy trong tương lai.

Tại sao bị táo bón trong thời kỳ mãn kinh?
Tại sao bị táo bón trong thời kỳ mãn kinh?

Giống như bốc hỏa hay khó ngủ, táo bón cũng là một triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mãn kinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây