1

Tại sao lại bị ngứa trong thời kỳ mãn kinh?

Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mãn kinh có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà phổ biến nhất là bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, khô âm đạo và đổ mồ hôi về đêm. Nhiều phụ nữ còn gặp phải những triệu chứng ở da, chẳng hạn như khô da và ngứa ngáy.
Tại sao lại bị ngứa trong thời kỳ mãn kinh? Tại sao lại bị ngứa trong thời kỳ mãn kinh?

Nội dung chính của bài viết:

  • Ngứa ngáy là một trong những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh.
  • Ở thời kỳ mãn kinh, sự suy giảm estrogen sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt collagen và dầu tự nhiên, khiến cho làn da trở nên mỏng và ngứa.
  • Ngoài việc dùng thuốc, một số thay đổi đơn giản trong thói quen, lối sống hàng ngày có thể góp phần làm giảm và ngăn ngừa ngứa.
  • Hiện tượng ngứa ngáy trên da có thể là do các nguyên nhân khác không phải mãn kinh, như: viêm da cơ địa, bệnh vảy nến, nhiễm nấm candida, dị ứng thời tiết...
  • Nếu nguyên nhân gây ngứa là do những thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ tiền mãn kinh thì tình trạng này sẽ tự hết sau khi chính thức mãn kinh.

Tình trạng ngứa có thể xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh và tiếp tục đến tận sau khi mãn kinh. Tiền mãn kinh là giai đoạn kéo dài từ 8 đến 10 năm trước khi mãn kinh. Thời kỳ tiền mãn kinh kết thúc khi không có kinh nguyệt trong một năm, lúc này phụ nữ bước vào thời kỳ hậu mãn kinh.

Tại sao mãn kinh gây ngứa?

Trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể diễn ra sự thay đổi về nồng độ nội tiết tố (hormone), gồm có sự suy giảm nồng độ estrogen. Estrogen là hormone tham gia vào quá trình sản sinh collagen - một khối xây dựng chính của da. Estrogen còn ảnh hưởng đến sự sản xuất các loại dầu tự nhiên giúp giữ cho làn da của chúng ta luôn ẩm. Sự suy giảm estrogen sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt collagen và dầu tự nhiên, khiến cho làn da trở nên mỏng và ngứa.

Hiện tượng ngứa ngáy có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên cơ thể nhưng thường là ở:

  • mặt
  • chân, tay
  • cổ
  • ngực
  • lưng

Ngoài ra, tình trạng ngứa cũng có thể xảy ra ở da khuỷu tay và vùng chữ T trên khuôn mặt (vùng trán trên hai lông mày, mũi và cằm)

Trong thời kỳ mãn kinh, ngoài ngứa, làn da còn có thể xảy ra một số thay đổi khác như:

  • Nổi mụn trứng cá
  • Mẩn đỏ
  • Xuất hiện những đốm nâu
  • Hình thành nếp nhăn

Bên cạnh những hiện tượng phổ biến thì còn có một số vấn đề về da hiếm gặp cũng có thể xảy ra trong thời kỳ mãn kinh, chẳng hạn như dị cảm. Dị cảm là hiện tượng châm chích, tê hoặc cảm giác như có kim châm trên da. Một vài phụ nữ còn gặp cảm giác buồn như có kiến bò dưới da.

Khi nào cần đi khám?

Nên đến gặp bác sĩ nếu tình trạng ngứa ngáy kéo dài liên tục trong 3 ngày trở lên mà không đỡ. Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, ví dụ như tình trạng này đã kéo dài được bao lâu và xảy ra ở những bộ phận nào.

Sau đó sẽ cần làm các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh cần thiết để phát hiện những nguyên nhân khác có thể gây ngứa. Những phương pháp này gồm có:

  • Xét nghiệm máu
  • Xét nghiệm chức năng tuyến giáp, gan và thận
  • Chụp X-quang lồng ngực

Biện pháp giảm ngứa tại nhà

Có rất nhiều biện pháp khắc phục tại nhà mà bạn có thể thử để làm dịu bớt cảm giác ngứa, ví dụ như:

Đắp bột yến mạch dạng keo

Đây là một loại bột yến mạch được làm từ yến mạch nghiền mịn và được sử dụng rất phổ biến trong chăm sóc da nhờ đem lại nhiều công dụng lớn cho làn da. Bạn có thể mua bột yến mạch dạng keo tại các cửa hàng bán mỹ phẩm tự nhiên.

Cách sử dụng là bỏ một lượng bột yến mạch dạng keo vừa đủ vào bồn nước ấm, không sử dụng nước quá nóng vì nước nóng sẽ làm hỏng lớp hàng rào bảo vệ da và gây khô, kích ứng da. Ngâm mình trong ít nhất 10 phút và sau đó dùng khăn sạch thấm nhẹ cho da khô. Bột yến mạch có thể giúp làm dịu cảm giác ngứa và giúp cho da mềm mại.

Bôi kem dưỡng ẩm

Vào thời kỳ mãn kinh, da thường bị khô nên cần giữ cho làn da luôn đủ ẩm bằng cách bôi kem dưỡng ẩm. Điều này giúp giữ nước trong lớp ngoài cùng của da, từ đó ngăn ngừa khô và ngứa. Ngoài ra cũng có thể dùng thêm gel lô hội (aloe vera gel) hoặc các loại lotion có chứa calamin điều trị tình trạng ngứa ngáy, kích ứng da.

Vitamin C

Vitamin C đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh collagen trong da. Loại vitamin này có thể hỗ trợ phục hồi tổn thương cho làn da và giúp ngăn ngừa các vấn đề như da khô, mỏng, ngứa. Có thể bổ sung vitamin C bằng nhiều cách khác nhau như:

  • Dùng viên uống bổ sung
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C ví dụ như các loại trái cây họ cam quýt
  • Dùng các sản phẩm bôi da có chứa thành phần vitamin C

Dùng thảo dược

Nhiều loại thảo dược có công dụng làm giảm các vấn đề gặp phải trong thời kỳ mãn kinh, bao gồm cả ngứa ngáy.

Một số thảo dược, ví dụ như đương quy, hoạt động giống như phytoestrogen trong cơ thể và có thể giúp bổ sung estrogen trong thời gian ngắn. Các loại thảo dược khác như rễ maca còn có thể kích thích sự sản xuất hormone tự nhiên của cơ thể.

Tuy nhiên, nếu bạn còn đang dùng các loại thuốc kê đơn thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống thảo dược vì một số loại thảo dược có thể tương tác với thuốc kê đơn và gây ra những vấn đề không mong muốn.

Phương pháp điều trị

Khi những biện pháp khắc phục tại nhà không thể cải thiện tình trạng ngứa ngáy thì sẽ cần sử dụng đến các loại thuốc không kê đơn hoặc thuốc kê đơn.

Kem trị ngứa không kê đơn

Có thể làm dịu làn da bị viêm, ngứa bằng kem bôi hydrocortisone không kê đơn. Những loại kem này có nồng độ hydrocortisone ít nhất là 1% và có thể dễ dàng mua được tại các hiệu thuốc.

Corticosteroid kê đơn

Khi đi khám, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc corticosteroid để điều trị vấn đề viêm, ngứa da. Các loại thuốc corticosteroid kê đơn có thể chứa thành phần hydrocortison hoặc các loại corticosteroid khác ở các mức nồng độ khác nhau. Những sản phẩm này có nhiều dạng khác nhau như dạng kem bôi, dạng xịt hay dạng gel.

Liệu pháp hormone thay thế (HRT)

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) là một phương pháp được sử dụng phổ biến để điều trị nhiều triệu chứng của thời kỳ mãn kinh, bao gồm cả hiện tượng ngứa da. Mặc dù có hiệu quả cao nhưng liệu pháp này có đi kèm một số rủi ro và tác dụng phụ như:

  • Sưng đau vú
  • Chướng bụng, đầy hơi
  • Nám da
  • Tăng nguy cơ sỏi mật
  • Tiểu không tự chủ
  • Ra máu âm đạo bất thường
  • Tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tử cung

Liệu pháp hormone thay thế còn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Do đó, cần đi khám để bác sĩ kiểm tra và tư vấn xem liệu pháp hormone có phải giải pháp phù hợp cho bạn hay không dựa trên bệnh sử và tình trạng sức khỏe tim mạch.

Biện pháp phòng ngừa

Có thể ngăn ngừa và giảm nguy cơ bị ngứa trong thời kỳ mãn kinh bằng những biện pháp như sau.

Chú ý đến chế độ ăn

Một chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng và gồm nhiều loại thực phẩm tự nhiên là điều cần thiết để giữ cho làn da khỏe mạnh. Uống nhiều nước mỗi ngày cũng là điều rất quan trọng để giữ cho làn da mềm mại và đủ ẩm. Ngoài các loại thực phẩm, bạn cũng có thể dùng thêm viên uống bổ sung để cung cấp các chất có lợi cho làn da như:

  • Vitamin C
  • Gamma-linolenic acid (GLA)
  • Collagen peptide
  • Axit béo omega-3

Tránh tắm nước nóng

Việc tắm nước nóng sẽ khiến cho da mất đi lượng dầu cần thiết để duy trì trạng thái mềm mại, ẩm mượt. Do đó, chỉ nên tắm trong nước hơi ấm hoặc nước mát. Bên cạnh đó, chỉ nên sử dụng các loại xà phòng dịu nhẹ và dưỡng ẩm sau khi tắm để khóa ẩm cho làn da.

Không gãi

Khi bị ngứa, phản ứng chung của nhiều người là sẽ gãi để làm giảm cơn ngứa nhưng hãy cố gắng không gãi. Gãi sẽ gây tổn thương da và khiến cho tình trạng ngứa ngáy, kích ứng thêm nặng hơn. Thay vào đó thì chỉ nên xoa nhẹ hoặc đắp một chiếc khăn mát lên vị trí bị ngứa. Nên cắt tỉa gọn móng tay và nếu cần thiết thì đeo găng tay vào ban đêm để tránh gãi một cách vô thức trong giấc ngủ.

Tập các thói quen tốt cho da

Dưới đây là một số thói quen mà bạn nên áp dụng hàng ngày để cải thiện sức khỏe cho làn da:

  • Ngủ và nghỉ ngơi đủ
  • Giảm căng thẳng
  • Bôi kem chống nắng hàng ngày, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng
  • Không hút thuốc và uống rượu, cả hai đều có thể gây khô da
  • Tập thể dục thường xuyên để điều chỉnh nồng độ hormone

Các nguyên nhân khác gây ngứa da

Hiện tượng ngứa ngáy trên da có thể là do các nguyên nhân khác không phải mãn kinh gây ra.

Một số nguyên nhân phổ biến gồm có:

  • Dị ứng
  • Thời tiết lạnh, hanh khô
  • Côn trùng cắn
  • Hút thuốc
  • Thói quen tắm nước nóng
  • Dùng các loại xà phòng chứa chất tẩy rửa mạnh
  • Uống nhiều rượu hoặc sử dụng chất kích thích
  • Căng thẳng thần kinh

Bên cạnh đó, ngứa ngáy cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý, vấn đề về sức khỏe như:

Ung thư da

Ung thư da thường có biểu hiện là những đốm tàn nhang, nốt ruồi hay những mảng sần bất thường trên da. Những thay đổi này thường xuất hiện ở những vùng da phải tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời nhưng cũng có thể hình thành ở những khu vực khác ít khi lộ ra ngoài của cơ thể.

Nhiễm nấm Candida

Nhiễm nấm Candida thường xảy ra ở các bộ phận hay phải cọ xát với nhau của cơ thể, ví dụ như bẹn hoặc nách. Nấm Candida là một loại nấm có tự nhiên trên da nhưng thói quen vệ sinh kém, thường xuyên mặc quần áo chật hoặc đổ mồ hôi có thể khiến nấm sinh sôi mạnh mẽ và dẫn đến các vấn đề như ngứa ngáy.

Mụn rộp

Mụn rộp hay herpes có thể phát triển trên các bộ phận khác nhau của cơ thể nhưng đa phần là ở trên miệng hoặc bộ phận sinh dục. Herpes thường có biểu hiện là những nốt mụn nước và ngứa ở khu vực bị ảnh hưởng nhưng cũng có thể gây ra các triệu chứng giống như cúm, chẳng hạn như sốt và người mệt mỏi.

Viêm da cơ địa

Viêm da cơ địa hay bệnh chàm, eczema là một vấn đề về da gây ngứa, viêm, khô và bong tróc da. Vấn đề này có thể xảy ra ở bất kỳ bộ phận nào của cơ thể. Viêm da cơ địa thường cỏ biểu hiện là các mảng da đỏ hoặc thâm, khô, thô ráp và đóng vảy hoặc nổi mụn nước.

Bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn mãn tính có thể gây ra các triệu chứng trên da ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Các triệu chứng thường gặp gồm có:

  • Những mảng da đỏ, dày và đóng vảy cứng
  • Da khô nứt nẻ, ngứa và chảy máu
  • Da có những đốm nhỏ màu đỏ
  • Mụn nước
  • Viêm da

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: tại sao, thời kỳ
Tin liên quan
Trầm cảm và sức khỏe tinh thần trong thời kỳ mãn kinh
Trầm cảm và sức khỏe tinh thần trong thời kỳ mãn kinh

Trầm cảm trong thời kỳ mãn kinh là một vấn đề có thể điều trị được. Khi nhận thấy có những thay đổi tâm lý, cảm xúc bất thường thì nên đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp can thiệp, điều trị hiệu quả nhất.

Loãng xương và sức khỏe xương khớp trong thời kỳ mãn kinh
Loãng xương và sức khỏe xương khớp trong thời kỳ mãn kinh

Vấn đề loãng xương thường không được phát hiện cho đến khi xương quá yếu và bị gãy. Khi đã bị gãy xương một lần do loãng xương thì sẽ rất dễ tiếp tục bị gãy trong tương lai.

Tại sao bị táo bón trong thời kỳ mãn kinh?
Tại sao bị táo bón trong thời kỳ mãn kinh?

Giống như bốc hỏa hay khó ngủ, táo bón cũng là một triệu chứng thường gặp trong thời kỳ mãn kinh.

Vòng tránh thai nội tiết ảnh hưởng thế nào đến thời kỳ mãn kinh?
Vòng tránh thai nội tiết ảnh hưởng thế nào đến thời kỳ mãn kinh?

Rất nhiều phụ nữ còn chưa hiểu rõ về những gì có thể xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sau khi đặt vòng tránh thai nội tiết. Một số người cho rằng khi đặt loại vòng tránh thai này thì các dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh sẽ không còn biểu hiện rõ hoặc vòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn này. Liệu có đúng là như thế không?

Các triệu chứng đau trong giai đoạn tiền mãn kinh
Các triệu chứng đau trong giai đoạn tiền mãn kinh

Một triệu chứng phổ biến xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là các cơn đau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây