1

Các loại thảo dược có tác dụng giảm triệu chứng mãn kinh

Có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng này vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, trong đó có những cách tự nhiên, ví dụ như dùng thảo dược.
Các loại thảo dược có tác dụng giảm triệu chứng mãn kinh Các loại thảo dược có tác dụng giảm triệu chứng mãn kinh

Mãn kinh chính thức diễn ra sau 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt. Mãn kinh xảy ra do buồng trứng ngừng sản xuất hormone estrogen và progesterone. Sự sản xuất estrogen và progesterone bắt đầu giảm từ vài tháng đến vài năm trước khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn. Giai đoạn này gọi là tiền mãn kinh..

Sự thay đổi nồng độ hormone vào giai đoạn tiền mãn kinh gây ra các triệu chứng như kinh nguyệt không đều, bốc hỏa và cảm xúc thất thường. Những triệu chứng này thường giảm dần khi chuyển sang giai đoạn mãn kinh. Hầu hết phụ nữ bắt đầu gặp các triệu chứng tiền mãn kinh ở độ tuổi 40 đến 50 nhưng ở nhiều người, giai đoạn tiền mãn kinh bắt đầu sớm hơn.

Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp từ độ tuổi sinh sản sang mãn kinh và có thể kéo dài từ vài tháng đến 10 năm hoặc lâu hơn. Ngoài kinh nguyệt không đều, bốc hỏa và cảm xúc thất thường, các triệu chứng khác cũng thường xảy ra vào giai đoạn tiền mãn kinh gồm có:

  • Chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt
  • Khô âm đạo
  • Rụng tóc
  • Tăng cân
  • Mệt mỏi
  • Nhức mỏi người
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Khó ngủ
  • Bực bội

Thời kỳ mãn kinh còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe, ví dụ như loãng xương (mật độ khoáng xương thấp).

Có nhiều cách để làm giảm các triệu chứng này vào giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, trong đó có những cách tự nhiên, ví dụ như dùng thảo dược.

Các loại thảo dược giúp giảm triệu chứng mãn kinh

Một phương pháp phổ biến để làm giảm các triệu chứng mãn kinh là liệu pháp hormone thay thế (HRT). Liệu pháp này giúp cải thiện sự cân bằng nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng liệu pháp hormone thay thế và liệu pháp này cũng đi kèm nhiều rủi ro. Nếu bạn không thể dùng HRT hoặc đang muốn tìm giải pháp tự nhiên để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh thì có thể thử dùng thảo dược.

Mặc dù sự sụt giảm estrogen và progesterone là điều không thể tránh khỏi trong thời kỳ mãn kinh nhưng một số loại thảo dược có thể giúp giảm bớt các triệu chứng do sự thay đổi hormone này.

1. Thiên ma

Rễ cây thiên ma (black cohosh) đã được chứng minh là có tác dụng làm giảm tình trạng khô âm đạo và bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy rễ thiên ma có hiệu quả nhất đối với những phụ nữ mãn kinh sớm.

Bạn có thể mua rễ thiên ma khô về đun nước uống, mua trà bán sẵn hoặc dùng viên uống thiên ma. Loại thảo dược này được coi là một giải pháp thay thế cho HRT.

Lưu ý, không sử dụng thiên ma nếu bạn đang mang thai hoặc đang dùng thuốc điều trị cao huyết áp hoặc có vấn đề về gan.

Ưu và nhược điểm của thiên ma:

  • Ưu điểm: Mặc dù cần có thêm nhiều nghiên cứu lớn hơn nhưng thiên ma dường như có thể giúp làm giảm các triệu chứng mãn kinh.
  • Nhược điểm: Có thể gây ra các tác dụng phụ như vấn đề về tiêu hóa, buồn nôn, da mẩn đỏ, nhiễm trùng, đau cơ, đau vú, chảy máu âm đạo giữa chu kỳ kinh nguyệt.

2. Nhân sâm

Nghiên cứu cho thấy nhân sâm (ginseng) có thể làm giảm nhiều triệu chứng mãn kinh.

Một nghiên cứu vào năm 2021 trên 90 phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương cho thấy nhân sâm giúp cải thiện một số chất chỉ dấu (marker), trong đó có nồng độ osteocalcin trong huyết thanh. Osteocalcin là một loại protein tham gia vào quá trình hình thành xương.

Các nghiên cứu khác cũng đã cho thấy lợi ích của nhân sâm đối với các triệu chứng mãn kinh.

Một nghiên cứu cho thấy nhân sâm có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm ở phụ nữ mãn kinh. Nghiên cứu vào năm 2012 còn phát hiện ra rằng nhân sâm giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ sau mãn kinh.

Bạn có thể uống trà nhân sâm hàng ngày để có được những lợi ích này.

Ưu và nhược điểm của nhân sâm:

  • Ưu điểm: Một nghiên cứu vào năm 2010 cho thấy hồng sâm còn có thể giúp phụ nữ mãn kinh tăng khoái cảm và cải thiện đời sống tình dục.
  • Nhược điểm: Nhân sâm có thể tương tác với nhiều loại thuốc, gồm có thuốc chống đông máu, thuốc điều trị bệnh tim mạch, cao huyết áp và tiểu đường. Các tác dụng phụ của nhân sâm gồm có bồn chồn, đau đầu và hồi hộp.

3. Cây trinh nữ châu Âu

Cây trinh nữ châu Âu (chasteberry) đã được chứng minh là có tác dụng điều trị các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Loại thảo dược này còn làm tăng progesterone, nhờ đó giúp cải thiện sự cân bằng giữa estrogen và progesterone trong quá trình chuyển từ giai đoạn tiền mãn kinh sang mãn kinh.

Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng hormone để ngừa thai hoặc liệu pháp hormone thay thế thì không nên dùng cây trinh nữ châu Âu. Bạn cũng nên tránh loại thảo dược này nếu mắc các bệnh lý nhạy cảm với hormone, chẳng hạn như ung thư vú.

Ưu và nhược điểm của cây trinh nữ châu Âu.

  • Ưu điểm: Cây trinh nữ châu Âu còn có thể giúp giảm đau vú và bốc hỏa trong giai đoạn tiền mãn kinh.
  • Nhược điểm: Cây trinh nữ châu Âu không phù hợp với những người đang dùng thuốc chống loạn thần hoặc thuốc điều trị bệnh Parkinson.

4. Lá mâm xôi đỏ

Lá mâm xôi đỏ (red raspberry leaf) không có tác dụng làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh phổ biến nhưng đây là một cách hiệu quả để làm giảm lượng máu kinh trong những trường hợp kinh nguyệt ra nhiều, đặc biệt là kinh nguyệt ra nhiều trong giai đoạn tiền mãn kinh.

Lá mâm xôi đỏ an toàn với phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.

Ưu và nhược điểm của lá mâm xôi đỏ:

  • Ưu điểm: Lá mâm xôi đỏ rất giàu vitamin B, vitamin C và một số khoáng chất, gồm có kali, magie, kẽm, phốt pho và sắt.
  • Nhược điểm: Loại thảo dược này có đặc tính nhuận tràng và có thể gây tiêu chảy ở một số người. Lá mâm xôi đỏ còn có đặc tính lợi tiểu nhẹ và do đó có thể gây tiểu nhiều.

5. Cỏ ba lá đỏ

Cỏ ba lá đỏ (red clover) được sử dụng chủ yếu để điều trị bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm trong thời kỳ mãn kinh nhưng ngoài ra còn có thể giúp điều trị cao huyết áp, cải thiện sức khỏe xương và tăng cường khả năng miễn dịch. Đây là một loại thảo dược an toàn.

Cỏ ba lá đỏ chứa phytoestrogen, một dạng estrogen có nguồn gốc từ thực vật, nhờ đó giúp cải thiện sự mất cân bằng nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh. Bạn có thể pha trà từ cỏ ba lá đỏ.

Ưu và nhược điểm của cỏ ba lá đỏ:

  • Ưu điểm: Cỏ ba lá đỏ giúp cải thiện các triệu chứng mãn kinh khác, gồm có lo âu, buồn bã và khô âm đạo.
  • Nhược điểm: Mặc dù hiếm gặp nhưng cỏ ba lá đỏ có thể gây ra các tác dụng phụ như chảy máu âm đạo, kinh nguyệt kéo dài, kích ứng da, buồn nôn và đau đầu.

6. Đương quy

Đương quy (dong quai) giúp cân bằng và điều chỉnh nồng độ estrogen ở những phụ nữ sắp mãn kinh. Loại thảo dược này giúp làm giảm hoặc tăng nồng độ estrogen, tùy thuộc vào sự mất cân bằng nội tiết tố.

Đương quy còn được chứng minh là giúp làm giảm đau bụng kinh và làm giảm đau vùng chậu trong thời kỳ mãn kinh.

Một nghiên cứu cho thấy sử dụng kết hợp đương quy và hoa cúc có thể làm giảm tới 96% các cơn bốc hỏa.

Không nên dùng đương quy nếu bạn đang chuẩn bị phẫu thuật vì đương quy gây cản trở quá trình đông máu. Ở người có da trắng, đương quy còn có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời nếu dùng thường xuyên.

Ưu và nhược điểm của đương quy:

  • Ưu điểm: Đương quy còn có thể giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
  • Nhược điểm: Những người bị dị ứng với các loài thực vật thuộc họ cà rốt, gồm có hoa hồi, caraway, cần tây, thì là và rau mùi tây không nên dùng đương quy.

7. Rễ cây nữ lang

Rễ cây nữ lang (valerian) mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, gồm có điều trị chứng mất ngủ, lo âu, đau đầu và căng thẳng. Đây cũng là một loại thảo dược có lợi cho những phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh nhờ tác dụng làm giảm bốc hỏa.

Loại thảo dược này còn có thể giúp điều trị đau khớp, cải thiện các triệu chứng loãng xương và củng cố sự chắc khỏe của xương.

Uống một tách trà rễ cây nữ lang trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn ngủ ngon giấc hơn. Đây là một loại thảo dược an toàn nhưng bạn vẫn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, nhất là khi đang dùng thuốc. Không nên sử dụng rễ cây nữ lang lâu dài và kiêng uống rượu bia trong thời gian sử dụng loại thảo dược này.

Ưu và nhược điểm của rễ cây nữ lang:

  • Ưu điểm: Một số nghiên cứu cho thấy rễ cây nữ lang có thể cải thiện các triệu chứng về thể chất, cảm xúc và hành vi của hội chứng tiền kinh nguyệt.
  • Nhược điểm: Sử dụng rễ cây nữ lang có thể gây tổn thương gan. Tuy nhiên, điều này đa phần xảy ra khi sử dụng rễ cây nữ lang cùng với các loại thảo dược khác, gồm có thiên ma và cây xương rồng, vì vậy chưa rõ liệu nguyên nhân có phải do rễ cây nữ lang hay không.

8. Cam thảo

Cam thảo (licorice) có thể giúp giảm tần suất và độ dài của các cơn bốc hỏa trong thời kỳ mãn kinh. Loại thảo dược này còn có tác dụng giống estrogen và có giúp cải thiện chức năng hô hấp cũng như giảm stress.

Cam thảo có thể gây tác dụng phụ khi dùng cùng với một số loại thuốc. Do đó, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cam thảo.

Ưu và nhược điểm của cam thảo:

  • Ưu điểm: Cam thảo có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm và kháng khuẩn mạnh. Do đó, một số nghiên cứu cho thấy rằng cam thảo có thể làm giảm nhiễm trùng đường hô hấp trên, điều trị viêm loét, hỗ trợ tiêu hóa và mang lại nhiều lợi ích khác.
  • Nhược điểm: Sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng liều cao các sản phẩm từ cam thảo có thể gây tích tụ glycyrrhizin trong cơ thể.

9. Trà xanh

Một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy trà xanh giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa xương và giảm nguy cơ gãy xương, đặc biệt là ở những phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh.

Trà xanh chứa nhiều chất chống oxy hóa, một số caffeine và epigallocatechin galat (EGCG). EGCG giúp tăng cường sự trao đổi chất và giảm nguy cơ tăng cân – một vấn đề thường gặp trong thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, một nghiên cứu được công bố vào năm 2021 đã chỉ ra rằng những phụ nữ thường xuyên uống trà xanh trước khi mãn kinh có mật độ khoáng xương cao hơn.

Trà xanh rất an toàn và bạn có thể uống hàng ngày.

Nếu bạn bị khó ngủ hay mất ngủ thì nên chọn các loại trà khử caffeine.

Ưu và nhược điểm của trà xanh:

  • Ưu điểm: Trà xanh rất giàu polyphenol - nhóm hợp chất tự nhiên có nhiều đặc tính có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm viêm và chống ung thư.
  • Nhược điểm: Trà xanh chứa caffeine. Tiêu thụ quá nhiều caffeine có thể gây cảm giác hồi hộp, lo âu, tim đập nhanh, khó ngủ, đau đầu, buồn nôn và vấn đề về tiêu hóa.

10. Bạch quả

Bạch quả (ginkgo biloba) có chứa phytoestrogen (tương tự như cỏ ba lá đỏ) và có thể làm tăng nồng độ estrogen, nhờ đó cải thiện sự mất cân bằng nội tiết tố một cách tự nhiên.

Một nghiên cứu vào năm 2009 cho thấy bạch quả có thể cải thiện các triệu chứng tiền kinh nguyệt và sự thay đổi tâm trạng thất thường trước và trong giai đoạn mãn kinh.

Bạn có thể dùng bạch quả dưới dạng trà hoặc thực phẩm chức năng. Bạch quả có thể cản trở quá trình đông máu nhưng uống trà bạch quả nói chung là an toàn.

Ưu và nhược điểm của bạch quả:

  • Ưu điểm: Bạch quả còn có thể cải thiện lưu thông máu và hoạt động của các chất dẫn truyền thần kinh trong não.
  • Nhược điểm: Bạch quả có thể gây dị ứng ở một số người. Nguy cơ dị ứng sẽ cao hơn nếu bạn bị dị ứng với urushiol - một chất có trong cây thường xuân độc (poison ivy), cây thù du (sumac), cây sồi độc (poison oak) và vỏ xoài.

Rủi ro khi dùng thảo dược

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thảo dược để điều trị các triệu chứng mãn kinh vì một số loại thảo dược có thể tương tác với thuốc.

Một số loại thảo dược có đặc tính làm loãng máu. Dùng những loại thảo dược này cùng thuốc chống đông máu có thể gây nguy hiểm. Nếu cần phẫu thuật, bạn cần cho bác sĩ biết về việc đang dùng các loại thảo dược này.

Tuy nhiên, hầu hết các loại thảo dược đều không gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu dùng không thường xuyên.

Nếu bạn chọn uống trà thảo mộc để làm giảm các triệu chứng mãn kinh thì nên mua các loại trà hữu cơ và chọn những loại không chứa caffeine vì caffeine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng mãn kinh.

Nếu bạn bị bốc hỏa và đổ nhiều mồ hôi thì nên thận trọng khi uống trà nóng vì đồ uống nóng có thể gây bốc hỏa. Không nên uống trà nóng trước khi đi ngủ vì điều này có thể gây bốc hỏa vào ban đêm và làm gián đoạn giấc ngủ.

Các cách khác để điều trị triệu chứng mãn kinh

Việc điều trị các triệu chứng mãn kinh phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Các triệu chứng nhẹ có thẻ không cần điều trị hoặc chỉ cần điều trị bằng các biện pháp tự nhiên, ví dụ như thay đổi thói quen sống, gồm có:

  • Ăn uống cân bằng, lành mạnh
  • Tập thể dục hàng ngày
  • Giảm căng thẳng
  • Bỏ thuốc lá
  • Hạn chế rượu bia
  • Ngủ đủ giấc
  • Giảm cân nếu thừa cân

Những triệu chứng nặng cần điều trị bằng thuốc.

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) là một phương pháp phổ biến để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Đây là phương pháp bổ sung các loại hormone dưới dạng thuốc đường uống, miếng dán, kem bôi, viên đặt hoặc vòng đặt âm đạo. HRT giúp khôi phục sự cân bằng hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc một số bệnh nhất định, ví dụ như ung thư vú hay ung thư tử cung không nên sử dụng HRT.

Sử dụng estrogen tại chỗ (dạng kem bôi, miếng dán, viên đặt hoặc vòng đặt âm đạo) có thể giúp làm giảm tình trạng khô âm đạo.

Đối với những người không thể sử dụng liệu pháp estrogen, gabapentin (Neurontin) là một cách hiệu quả để giảm bốc hỏa.

Một số loại thuốc chống trầm cảm, ví dụ như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) cũng có thể được dùng để điều trị chứng bốc hỏa.

Các loại thuốc khác để điều trị các triệu chứng mãn kinh và vấn đề sức khỏe do mãn kinh gồm có:

  • Clonidine
  • Fezolinetant
  • Thuốc ngăn ngừa và điều trị loãng xương

Nếu vẫn muốn dùng cách tự nhiên để chống lại các triệu chứng mãn kinh, bạn có thể thử tinh dầu, ví dụ như tinh dầu cam chanh, tinh dầu bạc hà, tinh dầu oải hương hay tinh dầu húng tây. Có thể pha loãng tinh dầu với dầu nền rồi thoa lên da hoặc dùng máy khuếch tán tinh dầu vào không khí.

Tóm tắt bài viết

Sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, gồm có bốc hỏa, đổ mồ hôi, mệt mỏi, đau nhức, khô âm đạo, cảm xúc thất thường và loãng xương.

Nếu các triệu chứng không quá nghiêm trọng thì có thể khắc phục bằng các biện pháp tự nhiên như thay đổi lối sống và dùng thảo dược. Nhưng nếu triệu chứng nghiêm trọng và không cải thiện sau khi thử các biện pháp tự nhiên thì có thể bạn sẽ phải điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế hoặc các loại thuốc khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tác dụng của magiê đối với các triệu chứng mãn kinh
Tác dụng của magiê đối với các triệu chứng mãn kinh

Magiê (magnesium) là một khoáng chất quan trọng trong cơ thể. Chất này ảnh hưởng đến sự điều chỉnh tâm trạng, hỗ trợ cấu trúc xương, kiểm soát nồng độ nội tiết tố và tham gia vào hàng trăm phản ứng sinh hóa trên khắp cơ thể.

Giảm triệu chứng mãn kinh bằng cây xô thơm
Giảm triệu chứng mãn kinh bằng cây xô thơm

Cây xô thơm (tên tiếng Anh là sage, tên khoa học là Salvia) là một loài thực vật thuộc họ Hoa môi (cùng họ với bạc hà). Có hơn 900 loại xô thơm khác nhau, một số loại được sử dụng làm gia vị nấu ăn và thuốc chữa bệnh.

10 loại thảo dược tốt cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh
10 loại thảo dược tốt cho phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh

Hiện có vô số loại thuốc có tác dụng điều trị triệu chứng mãn kinh và một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất là liệu pháp hormone thay thế. Tuy nhiên, do nguy cơ tác dụng phụ nên nhiều phụ nữ chuyển sang sử dụng các phương pháp điều trị tự nhiên thay cho hoặc kết hợp với thuốc. Một trong những phương pháp điều trị tự nhiên được sử dụng phổ biến nhất là thảo dược.

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Mãn kinh có những triệu chứng nào?
Mãn kinh có những triệu chứng nào?

Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây