Biện pháp đối phó triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh
Nội dung chính của bài viết:
- Khi bắt đầu bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, các triệu chứng như bốc hỏa có thể kéo dài trong một vài năm. Tuy nhiên, bạn không cần phải chịu đựng những triệu chứng khó chịu này.
- Dùng thuốc chống trầm cảm, sử dụng liệu pháp hormone thay thế, sử dụng chế phẩm từ đậu nành, dùng thiên ma là các biện pháp đối phó với chứng bốc hỏa tiền mãn kinh.
- Bằng cách áp dụng một số thay đổi đơn giản trong thói quen hàng ngày, như: hạn chế căng thẳng, giữ mát cơ thể, chú ý chế độ ăn uống, bỏ thói quen xấu, bạn hoàn toàn có thể ngăn các cơn bốc hỏa ảnh hưởng đến cuộc sống.
- Khi hiện tượng này xảy ra quá thường xuyên thì nên đi khám để được bác sĩ kê thuốc.
Bốc hỏa là gì?
Bốc hỏa là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của giai đoạn tiền mãn kinh với biểu hiện đặc trưng là nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột, cảm giác nóng bừng, da đỏ lên và vã mồ hôi. Ngoài bốc hỏa, các triệu chứng khác mà phụ nữ tiền mãn kinh cũng thường phải trải qua còn có:
- Đổ mồ hôi về đêm
- Dễ tăng cân
- Thay đổi tâm trạng thất thường
- Dễ buồn lo, bồn chồn, cáu giận
- Giảm ham muốn tình dục
- Rối loạn chức năng tình dục
- Khô âm đạo
- Rụng tóc
Có nhiều cách khác nhau để điều trị các cơn bốc hỏa, từ sử dụng thuốc và các loại viên uống bổ sung chứa chiết xuất thảo dược cho đến thay đổi thói quen sống. Nếu các cơn bốc hỏa đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì bạn có thể tham khảo các biện pháp dưới đây.
Liệu pháp hormone thay thế
Phương pháp hiệu quả nhất để điều trị triệu chứng bốc hỏa là bổ sung estrogen hay được gọi là liệu pháp hormone thay thế (HRT). Có thể chỉ dùng mình estrogen hoặc kết hợp với hormone progesterone. Những phụ nữ đã từng phẫu thuật cắt tử cung thường chỉ cần bổ sung estrogen nhưng những người vẫn còn tử cung thì nên sử dụng liệu pháp hormone có cả estrogen và progesterone.
Không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp estrogen. Ví dụ, những phụ nữ có tiền sử ung thư vú, huyết khối (cục máu đông) hoặc một số vấn đề sức khỏe khác không nên dùng estrogen. Ngoài ra, việc dùng estrogen còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý trong tương lai ví dụ như bệnh tim mạch, ung thư vú và huyết khối.
Isoflavone từ đậu nành
Đậu nành chứa một lượng lớn phytoestrogen – một chất hoạt động giống như estrogen trong cơ thể. Isoflavone là loại phytoestrogen chính có trong đậu nành. Chất này liên kết với các thụ thể estrogen và làm giảm triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh.
Hiện nay, tác dụng của đậu nành đối với phụ nữ trong tuổi mãn kinh vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.
Theo ý kiến chuyên gia, nếu muốn có được những lợi ích của đậu nành thì nên ăn những loại thực phẩm làm từ đậu nành như đậu phụ hay nước đậu thay vì dùng viên uống bổ sung. Lượng isoflavone trong các loại viên uống bổ sung cao hơn nhiều so với lượng có trong thực phẩm và có thể vượt quá mức cơ thể cần nên sẽ gây ra những vấn đề không mong muốn như đau bụng, đầy hơi, táo bón, buồn nôn, dị ứng...
Thiên ma
Thiên ma là một trong những loại thảo dược được dùng phổ biến nhất để điều trị bốc hỏa và các triệu chứng tiền mãn kinh khác. Loại thảo dược này hiện có nhiều dạng khác nhau như dạng lát, dạng bột hay dạng viên nang. Mặc dù cơ chế hoạt động chính xác của thiên ma hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các chất trong loại thảo dược này có thể liên kết với các thụ thể estrogen hoặc kích thích thụ thể serotonin.
Theo một nghiên cứu kéo dài 12 tháng, thiên ma không gây ra bất kỳ tác động tiêu cực nghiêm trọng nào đến cơ thể. Người dùng chỉ gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ như đau bụng và mẩn đỏ. Tuy nhiên lại có một số nghiên cứu chỉ ra rằng thiện ma có thể làm tăng nguy cơ suy gan – một vấn đề có thể đe dọa đến tính mạng. Loại thảo dược này không được khuyến khích cho phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc bị ung thư vú.
Hạn chế căng thẳng
Các cơn bốc hỏa có thể xảy đến bất cứ lúc nào trong ngày nhưng thường xuất hiện thường xuyên hơn trong thời gian bị căng thẳng. Do đó, nên thực hiện các biện pháp thư giãn, giảm căng thẳng để làm giảm tần suất của các cơn bốc hỏa. Một số biện pháp giảm căng thẳng gồm có:
- Tập yoga
- Ngồi thiền
- Các bài tập thở
- Thái cực quyền
- Tập thể dục
Một số phương pháp trong số này còn giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Thậm chí chỉ cần dành một vài giờ mỗi ngày để đọc sách, nghe nhạc, xem phim hoặc đi dạo bên ngoài cũng có thể giúp loại bỏ cảm giác căng thẳng và tránh xảy ra triệu chứng bốc hỏa.
Giữ mát cơ thể
Trong thời kỹ mãn kinh, chỉ cần nhiệt độ cơ thể hơi tăng lên một chút cũng có thể kích hoạt cơn bốc hỏa. Hãy làm mát không gian xung quanh bằng cách dùng quạt, bật điều hòa hoặc mở cửa sổ.
Vào mùa lạnh thì nên mặc quần áo theo nhiều lớp để khi bắt đầu cảm thấy nhiệt độ cơ thể tăng lên thì có thể dễ dàng cởi ra để làm mát. Nên chọn những trang phục bằng vải cotton vì chất liệu này thoáng khí và cho phép nhiệt từ cơ thể dễ dàng thoát ra bên ngoài.
Chú ý chế độ ăn uống
Một số loại thực phẩm và đồ uống sẽ làm tăng nhiệt độ cơ thể và kích hoạt các cơn bốc hỏa. Đồ ăn cay, đồ uống chứa caffein, các món dầu mỡ, thực phẩm chứa hàm lượng đường cao và đồ uống có cồn đều có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng và tần suất xảy ra các cơn bốc hỏa.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một chế độ ăn uống gồm có nhiều loại rau xanh, trái cây tươi và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp cải thiện triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh. Mặc dù không có tác dụng cải thiện ngay lập tức cơn nóng nhưng một chế độ ăn gồm nhiều loại thực phẩm nguồn gốc thực vật sẽ đem lại rất nhiều lợi ích lớn cho sức khỏe nên hãy cố gắng duy trì.
Bên cạnh đó, hãy theo dõi những lần bị bốc hỏa và nhớ lại xem trước đó đã ăn uống những gì để tìm ra loại thực phẩm và đồ uống kích hoạt triệu chứng của bản thân, từ đó biết cách hạn chế hoặc tránh hoàn toàn. Nên uống nước mát liên tục trong suốt cả ngày để hạ nhiệt độ cơ thể và tránh bị nóng.
Bỏ thói quen xấu
Một trong những thói quen xấu có thể tăng nặng các triệu chứng tiền mãn kinh, bao gồm cả bốc hỏa là hút thuốc lá. Hút thuốc có thể kích hoạt và thậm chí làm tăng mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa.
Tuy nhiên, lợi ích của việc bỏ thuốc không chỉ có làm giảm các triệu chứng tiền mãn kinh. Bỏ thuốc lá còn giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và nhiều loại ung thư. Nếu như không hút thuốc thì cũng cần tránh xa khói thuốc.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm liều thấp có thể cải thiện triệu chứng bốc hỏa mức độ từ nhẹ đến vừa. Một số loại thuốc chống trầm cảm hiệu quả gồm có venlafaxine (Effexor XR), paroxetine (Paxil) và fluoxetine (Prozac). Thuốc chống trầm cảm còn có thể điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh khác, chẳng hạn như thay đổi tâm lý, lo âu và buồn bã. Một trong số tác dụng phụ của các loại thuốc này là giảm ham muốn, đây cũng là triệu chứng phổ biến của thời kỳ mãn kinh.
Các loại thuốc khác
Gabapentin (Neurontin) là một loại thuốc chống động kinh nhưng có thể được sử dụng để cải thiện hiện tượng bốc hỏa và đổ mồ hôi vào ban đêm. Các tác dụng phụ của thuốc này gồm có:
- Buồn ngủ
- Chóng mặt
- Người mất cân bằng
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Mắt mờ
- Run tay
Clonidine (Kapvay) – một loại thuốc hạ huyết áp - cũng có thể làm giảm các cơn bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh. Các tác dụng phụ có thể gặp phải gồm có:
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Táo bón
- Khô miệng
- Uể oải
Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, phiền muộn, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.
Bốc hỏa là một trong những triệu chứng điển hình của giai đoạn tiền mãn kinh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của phụ nữ. Vậy làm sao để khắc phục triệu chứng này?
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng bắt đầu sản sinh ra ít hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone hơn. Khi nồng độ các hormone này sụt giảm thì sẽ gây nên các triệu chứng tiền mãn kinh. Một trong những triệu chứng điển hình mà nhiều phụ nữ gặp phải là mất ngủ.
Một triệu chứng phổ biến xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là các cơn đau.