Các triệu chứng đau trong giai đoạn tiền mãn kinh
Nội dung chính của bài viết:
- Các cơn đau là vấn đề thường gặp trong thời kỳ mãn kinh. Do thay đổi nội tiết tố nên phụ nữ giai đoạn mãn kinh thường bị đau bụng, đau vú, đau nửa đầu, đau khớp, bầm tím, đau cơ xơ và đau khi quan hệ tình dục.
- Hầu hết các cơn đau đớn, gồm có cả cảm giác đau khi quan hệ tình dục đều có thể được khắc phục nếu có phương pháp điều trị thích hợp. Đừng để các triệu chứng đau do mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Mãn kinh là gì?
Mãn kinh là một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ mãn kinh là giai đoạn tiền mãn kinh, khả năng sinh sản của người phụ nữ bắt đầu bị ảnh hưởng. Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu từ đầu đến giữa độ tuổi 40 và thường kéo dài trung bình từ 3 đến 5 năm.
Một phụ nữ được coi là mãn kinh khi đã trải qua 12 tháng liên tiếp mà không có kinh nguyệt. Độ tuổi trung bình bắt đầu mãn kinh là 51.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, cơ thể diễn ra sự dao động và suy giảm nồng độ nội tiết tố (hormone). Sự suy giảm này ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, gồm có:
- Hệ sinh dục
- Hệ bài tiết
- Hệ thần kinh
- Tim
- Não bộ
- Cấu trúc xương
- Da
Một triệu chứng phổ biến xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là các cơn đau.
Những triệu chứng đau do thay đổi nội tiết tố
Chu kỳ kinh nguyệt được điều hòa bởi luteinizing hormone (LH) và hormone kích thích nang trứng FSH (follicle stimulating hormone). Hai hormone này được sản xuất trong tuyến yên, có vai trò kích thích buồng trứng sản xuất estrogen và progesterone. Trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, các hormone này dao động và có thể gây ra các triệu chứng đau dưới đây.
Đau bụng và đau vú
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, những thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt thường gây ra các cơn đau bụng dữ dội hơn trước đây. Hiện tượng đau vú trước và trong thời gian có kinh cũng nặng hơn. Ngoài ra, mức độ ra máu kinh cũng trở nên thất thường, có tháng ít có tháng nhiều.
Đau nửa đầu
Sự biến động trong nồng độ hormone estrogen có thể gây ra chứng đau nửa đầu. Nhiều phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh mới bắt đầu bị đau nửa đầu hoặc đã bị từ trước nhưng khi tiền mãn kinh thì mức độ và tần suất các cơn đau tăng lên.
Tuy nhiên cũng có không ít trường hợp lại trải qua điều ngược lại, có nghĩa là chứng đau nửa đầu giảm nhẹ đi khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Lý do của điều này có thể là bởi estrogen là nguyên nhân gây đau đầu và khi mức hormone này giảm thì tình trạng đau tự được cải thiện.
Đau khớp
Mãn kinh có thể gây đau khớp ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, ví dụ như đầu gối, vai, cổ, khuỷu tay hoặc bàn tay. Những khớp xương từng bị chấn thương trước đây cũng bắt đầu bị đau nhức trở lại. Theo thời gian, các cơn đau nhức ở những vị trí này sẽ tăng dần và trở nên nặng hơn trước đây. Nguyên nhân là bởi hormone estrogen giúp giảm viêm và khi mức estrogen giảm thì phản ứng viêm sẽ tăng lên, gây đau và viêm khớp liên quan đến mãn kinh.
Bầm tím
Không chỉ có bên trong, bên ngoài cơ thể cũng bị ảnh hưởng bởi sự dao động và suy giảm nồng độ hormone. Mức estrogen thấp có thể làm giảm độ đàn hồi của da cũng như là khả năng giữ nước của da, do đó làm giảm đi chức năng của “lớp đệm” chống lại chấn thương từ bên ngoài. Khi da mỏng đi thì sẽ rất dễ bị bầm tím khi bị va đập, đặc biệt là vùng mu bàn tay.
Đau cơ xơ
Ở những phụ nữ mắc chứng đau cơ xơ (fibromyalgia), thời kỳ mãn kinh có thể khiến cho cơ thể càng trở nên nhạy cảm hơn với các cơn đau. Đau cơ xơ là một tình trạng đau mãn tính thường được chẩn đoán ở những phụ nữ bước vào giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
Một số dấu hiệu của giai đoạn tiền mãn kinh như đau, mệt mỏi và khô âm đạo sẽ trùng với những triệu chứng của đau cơ xơ. Vì lý do này nên không phải lúc nào cũng có thể xác định nguyên nhân cụ thể gây ra các triệu chứng.
Đau khi quan hệ tình dục
Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ gặp phải hiện tượng đau rát khi quan hệ tình dục. Điều này khiến cho cuộc “thân mật” trở nên khó khăn hay thậm chí ám ảnh và dẫn đến tâm lý lảng tránh, giảm ham muốn. Tuy nhiên, vấn đề này có thể được khắc phục để duy trì đời sống tình dục bình thường, khỏe mạnh trong giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh và cả sau đó nữa.
Estrogen - hormone bị thiếu hụt trong thời kỳ mãn kinh – có vai trò giữ cho mô âm đạo đàn hồi. Hormone này còn tham gia tạo độ ẩm bên trong âm đạo và giúp cho quá trình thâm nhập được thoải mái. Khi nồng độ estrogen suy giảm, mô âm đạo sẽ mỏng đi. Điều này sẽ dẫn đến cảm giác đau rát khi quan hệ. Âm đạo cũng giảm khả năng tự bôi trơn, dễ bị viêm, khô và tổn thương do ma sát.
Ngoài ra, sự thiếu hụt estrogen còn có thể gây teo âm đạo. Đây là tình trạng mà âm đạo co lại và rút ngắn chiều dài. Teo âm đạo thường đi kèm với các triệu chứng ở đường tiết niệu như:
- Rò rỉ nước tiểu
- Nóng rát khi đi tiểu
- Buồn tiểu thường xuyên
Sự thay đổi nồng độ hormone còn gây giảm ham muốn và kích thích tình dục. Điều này cũng khiến âm đạo giảm tiết dịch bôi trơn tự nhiên.
Những thay đổi này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh.
Khi nào cần đi khám?
Khi có bất kỳ triệu chứng đau nào thì cũng nên đi khám bác sĩ phụ khoa càng sớm càng tốt, đừng nên trì hoãn. Hầu hết các cơn đau liên quan đến thời kỳ mãn kinh đều có thể được khắc phục bằng các biện pháp tại nhà, thay đổi lối sống hoặc biện pháp can thiệp y tế. Phương pháp điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào triệu chứng đau và nguyên nhân gây đau.
Trước khi đi khám, hãy theo dõi và ghi lại các triệu chứng càng cụ thể càng tốt. Ví dụ như nếu là đau đầu thì là đau ở nửa đầu hay cả đầu, nếu là đau khi quan hệ thì là đau ở đâu, ở gần cửa âm đạo, âm hộ (gồm có môi lớn, môi bé âm hộ, âm vật và cửa âm đạo) hay đau khi xâm nhập vào sâu bên trong? Càng mô tả chi tiết về cơn đau thì bác sĩ càng dễ chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Ngoài ra, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu để xác định nồng độ hormone. Phương pháp xét nghiệm máu còn giúp phát hiện suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém). Tình trạng này có nhiều triệu chứng tương tự như triệu chứng tiền mãn kinh.
Điều trị các cơn đau bằng cách nào?
Các cơn đau, khó chịu và các triệu chứng tiền mãn kinh khác có thể được điều trị bằng nhiều cách khác nhau. Một số phương pháp giảm đau gồm có:
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như ibuprofen để giúp làm dịu triệu chứng đau khớp hoặc đau đầu.
- Chườm lạnh để giảm đau đầu gối và đau lưng.
- Dùng viên uống bổ sung, chẳng hạn như viên uống chứa tinh dầu hoa anh thảo (evening primrose) để giảm hiện tượng căng đau vú.
Phytoestrogen – một loại estrogen nguồn gốc thực vật có trong các sản phẩm từ đậu nành - có thể giúp giảm bớt một số triệu chứng tiền mãn kinh. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bằng chất này hiện vẫn đang gây tranh cãi. Do đó, cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định dùng phytoestrogen.
Tình trạng đau rát khi “thân mật” sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ vợ chồng và thậm chí làm giảm chất lượng cuộc sống nếu không được điều trị. Một số phương pháp để khắc phục vấn đề này gồm có:
- Sử dụng gel bôi trơn trước khi quan hệ để giảm ma sát và giảm đau rát.
- Sử dụng kem dưỡng ẩm âm đạo hàng ngày để giảm cảm giác khó chịu và khô.
- Ăn nhiều thực phẩm giàu axit béo omega-3 để cải thiện độ ẩm trong âm đạo.
- Uống nhiều nước và các loại đồ uống chứa nhiều chất điện giải như nước dừa, sữa, nước ép hoa quả để ngăn ngừa khô âm đạo.
- Dùng kem bôi, vòng hoặc viên đặt estrogen trong âm đạo - một dạng liệu pháp hormone thay thế (HRT) để giảm khô và tạo cảm giác thoải mái khi quan hệ.
- Quan hệ tình dục thường xuyên để tăng lưu lượng máu đến âm đạo và làm chậm tốc độ mỏng đi của thành âm đạo.
Một số biện pháp khác cũng giúp tăng sự lưu thông máu đến âm đạo gồm có châm cứu, tập thể dục thường xuyên và yoga.
Các bài tập để giảm đau
Vận động thể chất thường xuyên sẽ làm giảm các cơn đau nhức trên toàn cơ thể và giúp các cơ trở nên săn chắc, từ đó hạn chế chấn thương. Nếu cảm thấy đau đầu gối khi vận động thì có thể dùng băng bảo vệ đầu gối. Dụng cụ này nén chặt và giúp giữ cho đầu gối thoải mái khi hoạt động, đồng thời làm giảm nguy cơ chấn thương. Nếu thấy khó khăn khi đi bộ hoặc chạy bộ thì có thể thử những hình thức tập luyện khác như đi bơi. Bơi lội là một bộ môn ít áp lực lên các khớp xương và giúp làm giảm các triệu chứng đau nhức trên cơ thể.
Các biện pháp khác để giảm đau còn có xoa bóp cơ, châm cứu, chườm nóng hoặc lạnh và thôi miên. Nếu hút thuốc hoặc có những thói quen khác ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì cần bỏ ngay. Điều này sẽ giúp cải thiện sự lưu thông máu, giảm căng thẳng và nâng cao sức khỏe tổng thể, tất cả những điều này đều có thể giúp giảm đau.
Các cơn đau là vấn đề thường gặp trong thời kỳ mãn kinh.
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh. Mãn kinh bắt đầu khi bạn không có kinh nguyệt trong suốt một năm. Giai đoạn tiền mãn kinh thường bắt đầu ở độ tuổi 30 đến 40. Nồng độ estrogen thay đổi liên tục trong khoảng thời gian này. Điều này khiến cho chu kỳ kinh nguyệt trở nên không đều, ví dụ như thời gian hành kinh dài hơn, ngắn hơn, thưa hơn và lượng máu kinh nhiều hơn hoặc ít hơn. Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt này kéo theo những thay đổi về dịch tiết âm đạo hay còn gọi là khí hư. Nồng độ estrogen sụt giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh khiến cho lượng dịch tiết âm đạo giảm đi và dẫn đến khô âm đạo.
Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.
Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, phiền muộn, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.
Bốc hỏa là một trong những triệu chứng điển hình của giai đoạn tiền mãn kinh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của phụ nữ. Vậy làm sao để khắc phục triệu chứng này?