1

Hiểu về triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh

Bốc hỏa là một trong những triệu chứng điển hình của giai đoạn tiền mãn kinh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của phụ nữ. Vậy làm sao để khắc phục triệu chứng này?
Hiểu về triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh Hiểu về triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh

Nội dung chính của bài viết:

  • Bốc hỏa là cảm giác nóng bừng ở bên trong cơ thể mà không phải do các nguyên nhân bên ngoài. Một số cơn nóng nóng qua đi chỉ sau vài giây nhưng đôi khi có thể kéo dài đến hơn 10 phút. Trung bình, các cơn bốc hỏa kéo dài khoảng 4 phút.
  • Hiện vẫn chưa rõ chính xác nguyên nhân nào gây ra triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh nhưng nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng các cơn bốc hỏa xảy ra là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể.
  • Nếu thường xuyên bị bốc hỏa thì nên bắt đầu theo dõi những gì mà bạn đang làm, ăn, uống, cảm thấy hoặc mặc mỗi khi cơn bốc hỏa xảy đến. 
  • Thay đổi lối sống, dùng viên uống bổ sung và thảo dược, liệu pháp hormone có thể làm dịu các cơn bốc hỏa.
  • Khi đã thử hết các biện pháp khắc phục tại nhà mà tình trạng bốc hỏa vẫn không cải thiện thì có thể đi khám để được tư vấn các phương pháp hiệu quả hơn.

Mãn kinh là gì?

Mãn kinh là một giai đoạn tất yếu diễn ra trong cuộc đời của phụ nữ. Một khi đã mãn kinh, phụ nữ sẽ chính thức không còn có kinh nguyệt và khả năng sinh sản tự nhiên. Tuy nhiên, chu kỳ kinh nguyệt không chấm dứt một cách đột ngột mà trước đó cơ thể sẽ trải qua quá trình thay đổi từ từ kéo dài khoảng vài năm, được gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. Trong giai đoạn này, phụ nữ thường gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng trên cơ thể mà hai trong số những triệu chứng phổ biến nhất là bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm. Các triệu chứng khó chịu này ảnh hưởng đến khoảng 3/4 phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Khi đã mãn kinh (12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt), các cơn bốc hỏa có thể tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đến 5 năm và ở một số phụ nữ, tình trạng này có thể kéo dài lên đến 10 năm hoặc thậm chí lâu hơn.

Bốc hỏa là gì?

Bốc hỏa là cảm giác nóng bừng ở bên trong cơ thể mà không phải do các nguyên nhân bên ngoài. Cơn bốc hỏa có thể xuất hiện đột ngột hoặc cũng có thể xảy ra từ từ. Bốc hỏa có thể đi kèm với những hiện tượng như:

  • Châm chích ở đầu ngón tay
  • Tim đập nhanh
  • Da nóng lên và đỏ mặt
  • Vã mồ hôi, đặc biệt là ở phần trên của cơ thể

Cơn bốc hỏa kéo dài bao lâu?

Các cơn bốc hỏa thường xuất hiện đột ngột nhưng thời gian kéo dài của mỗi lần sẽ thay đổi. Một số cơn nóng nóng qua đi chỉ sau vài giây nhưng đôi khi có thể kéo dài đến hơn 10 phút. Trung bình, các cơn bốc hỏa kéo dài khoảng 4 phút.

Tần suất xuất hiện các cơn bốc hỏa cũng không cố định. Một số phụ nữ chỉ bị bốc hỏa vài lần mỗi tuần nhưng cũng có người cứ cách vài giờ lại phải trải qua cảm giác này một lần. Tùy thuộc vào từng giai đoạn của thời kỳ tiền mãn kinh mà thời lượng và tần suất xảy ra các cơn bốc hỏa sẽ thay đổi. Có nhiều phương pháp điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp giảm bớt mức độ và tần suất của triệu chứng này.

Nguyên nhân nào gây bốc hỏa?

Hiện vẫn chưa rõ chính xác nguyên nhân nào gây ra triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh nhưng nhiều bằng chứng đã chỉ ra rằng các cơn bốc hỏa xảy ra là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Một số nghiên cứu còn tìm ra mối liên hệ giữa hiện tượng này với các vấn đề sức khỏe khác, ví dụ như bệnh tiểu đường. Béo phì và hội chứng chuyển hóa cũng được cho là làm tăng nguy cơ gặp phải triệu chứng bốc hỏa. Không phải ai cũng trải qua triệu chứng này khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Một số phụ nữ hầu như không hề bị bốc hỏa hay nếu có thì cũng chỉ bị thoáng qua trong khi ở nhiều người, các cơn bốc hỏa xảy đến thường xuyên và nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.

Tác nhân kích hoạt

Tác nhân kích hoạt các cơn bốc hỏa ở mỗi phụ nữ là khác nhau nhưng một số tác nhân phổ biến gồm có:

  • Uống rượu
  • Các loại đồ uống có caffeine như trà hay cà phê
  • Thức ăn cay
  • Thời tiết nóng
  • Căng thẳng hoặc lo lắng
  • Quần áo chật
  • Hút thuốc hoặc hít phải khói thuốc lá
  • Cúi xuống

Nếu thường xuyên bị bốc hỏa thì nên bắt đầu theo dõi những gì mà bạn đang làm, ăn, uống, cảm thấy hoặc mặc mỗi khi cơn bốc hỏa xảy đến. Sau vài tuần, bạn sẽ có thể xác định được các tác nhân kích hoạt của bản thân và biết cách tránh.

Ngăn ngừa bốc hỏa

Một khi đã tìm ra và tránh được các yếu tố kích hoạt thì bạn sẽ có thể giảm tần suất các cơn bốc hỏa. Mặc dù điều này không thể ngăn chặn hoàn toàn triệu chứng bốc hỏa nhưng bạn sẽ ít gặp phải hơn.

Ngoài ra còn có một số biện pháp khác để kiểm soát các triệu chứng tiền mãn kinh, bao gồm cả bốc hỏa, ví dụ như thay đổi lối sống, liệu pháp hormone thay thế, dùng thuốc hoặc các biện pháp điều trị tự nhiên.

Các phương pháp điều trị

Cách làm dịu cơn bốc hỏa

Dưới đây là một số cách đơn giản để làm dịu cơn bốc hỏa:

  • Khi trời lạnh thì nên mặc quần áo thành nhiều lớp để khi cảm thấy nóng thì có thể cởi bớt một cách dễ dàng
  • Uống nước mát khi bắt đầu thấy nóng
  • Mặc quần áo ngủ bằng cotton và bỏ bớt chăn đệm không cần thiết trên giường để tránh bị bốc hỏa khi đi ngủ
  • Để túi chườm lạnh hay một chai nước mát trên bàn cạnh giường ngủ để sẵn sàng giảm nhiệt độ cơ thể

Dùng viên uống bổ sung và thảo dược

Hiện nay, nhiều chị em phụ nữ đang bắt đầu dùng các sản phẩm viên uống bổ sung để kiểm soát các triệu chứng trong giai đoạn tiền mãn kinh như bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm. Nếu có ý định dùng bất kỳ sản phẩm viên uống bổ sung nào thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước. Một số sản phẩm có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc kê đơn hoặc không kê đơn đang sử dụng và gây nên vấn đề không mong muốn.

Nhiều loại thảo dược từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền để cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh như:

  • Thiên ma (black cohosh hay actaea racemosa, cimicifuga racemosa ): chống chỉ định với người bị bệnh gan.
  • Cỏ ba lá đỏ (red clover hay trifolium pratense): loại thảo dược này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, ví dụ như chảy máu lợi hay chảy máu cam.
  • Đương quy (dong quai hay angelica sinensis): Loại thảo dược này có thể tương tác với thuốc làm loãng máu warfarin (Coumadin).
  • Tinh dầu hoa anh thảo (evening primrose hay oenothera bienni ): Loại tinh dầu này có thể tương tác với các loại thuốc làm loãng máu và một số loại thuốc tâm thần.
  • Đậu nành: Những loại viên uống bổ sung có chứa tinh chất đậu nành có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau dạ dày, táo bón và tiêu chảy. Những phụ nữ có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc các bệnh ung thư nhạy cảm với estrogen như ung thư vú không nên sử dụng những sản phẩm này.

Cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thảo dược nào. Mặc dù có nguồn gốc tự nhiên nhưng một số loại thảo dược có thể lảm giảm hiệu quả của các các loại thuốc đang dùng hoặc tương tác và gây phản ứng tiêu cực.

Liệu pháp hormone thay thế (HRT)

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) là một phương pháp được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Phương pháp này cung cấp hormone tổng hợp cho cơ thể và là giải pháp dành cho những trường hợp mà triệu chứng bốc hỏa ở mức nghiêm trọng và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Lượng estrogen từ liệu pháp hormone sẽ giúp cân bằng nồng độ estrogen trong cơ thể, từ đó làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng bốc hỏa cũng như là đổ mồ hôi khi ngủ vào ban đêm. Estrogen thường được kết hợp với progestin để giảm nguy cơ mắc ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp hormone thay thế có nhiều dạng khác nhau, ví dụ như dạng thuốc viên, miếng dán, kem hoặc gel bôi trực tiếp vào âm đạo. Khi có những triệu chứng tiền mãn kinh nghiêm trọng thì nên đi khám để bác sĩ kiểm tra và xác định xem liệu pháp này có phải giải pháp phù hợp hay không. Liệu pháp hormone không phù hợp cho những phụ nữ có tiền sử mắc một số bệnh như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, đang mắc bệnh gan, tăng triglyceride máu,…

Phương pháp điều trị không sử dụng hormone

Ngoài liệu pháp hormone, một số loại thuốc khác cũng có tác dụng cải thiện triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm. Mặc dù những thuốc này ban đầu không được tạo ra nhằm mục đích điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh nhưng trên thực tế, nhiều phụ nữ đã dùng và nhận thấy hiệu quả.

Ví dụ, gabapentin và pregabalin – hai loại thuốc được dùng để điều trị các cơn co giật và đau thần kinh – có thể giúp giảm các vấn đề khó chịu cho phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh. Các loại thuốc chống trầm cảm như venlafaxine (Effexor), fluoxetine (Prozac) và paroxetine (Paxil) cũng đã được chứng minh là có hiệu quả giảm các cơn bốc hỏa.

Các phương pháp điều trị khác

Châm cứu cũng là một phương pháp được sử dụng để cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh mà không có các tác dụng phụ giống như nhiều loại thuốc. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2011 cho thấy ở những phụ nữ được châm cứu thì các triệu chứng tiền mãn kinh, gồm có cọabốc hỏa đã giảm đi đáng kể so với nhóm châm cứu giả. Châm cứu giả (sham acupuncture) là phương pháp châm cứu mà kim không đâm vào các huyệt đạo của cơ thể. Đây là một cách để kiểm tra xem châm cứu có hiệu quả hay không.

Một nghiên cứu khác đã được thực hiện trên một nhóm phụ nữ bị ung thư vú và nhận thấy rằng một số phương pháp điều trị ung thư vú có thể kích hoạt các cơn bốc hỏa. Tuy nhiên, những người được châm cứu có tần suất và cường độ bốc hỏa ít hơn.

Thiền cũng là một phương pháp có tác dụng kiểm soát mức độ căng thẳng mà căng thẳng lại là yếu tố phổ biến kích hoạt triệu chứng bốc hỏa ở phụ nữ tiền mãn kinh. Do đó, ngồi thiền sẽ giúp cải thiện được phần nào các cơn bốc hỏa nói riêng và tình trạng sức khỏe, chất lượng cuộc sống nói chung.

Thay đổi lối sống

Thói quen, lối sống hàng ngày cũng có ảnh hưởng đến cơ thể tương tự như các loại thuốc hoặc phương pháp điều trị. Duy trì một lối sống lành mạnh có thể làm giảm tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa, đồng thời giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh khác nhau như bệnh tim mạch và loãng xương. Để xây dựng một lối sống lành mạnh thì nên:

  • Có chế độ ăn uống cân bằng, gồm chủ yếu các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như rau xanh, trái cây, protein nạc… và hạn chế các chất gây hại như chất béo, carb,…
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Không hút thuốc và tránh xa khói thuốc

Cơ thể mỗi phụ nữ là khác nhau và sẽ có đáp ứng không giống nhau với các phương pháp điều trị. Nếu đã thử một phương pháp và thấy không hiệu quả thì nên chuyển sang phương pháp khác. Khi đã thử hết các biện pháp khắc phục tại nhà mà tình trạng bốc hỏa vẫn không cải thiện thì có thể đi khám để được tư vấn các phương pháp hiệu quả hơn. Kể cả khi không điều trị thì các triệu chứng cũng sẽ tự biến mất khi qua thời kỳ mãn kinh.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh
11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, phiền muộn, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.

Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh
Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ phải trải qua nhiều triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone như bốc hỏa, mất ngủ, trầm cảm, đau vú và tâm trạng thất thường. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng thuốc để điều trị những triệu chứng này.

Mất ngủ có phải triệu chứng tiền mãn kinh?
Mất ngủ có phải triệu chứng tiền mãn kinh?

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng bắt đầu sản sinh ra ít hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone hơn. Khi nồng độ các hormone này sụt giảm thì sẽ gây nên các triệu chứng tiền mãn kinh. Một trong những triệu chứng điển hình mà nhiều phụ nữ gặp phải là mất ngủ.

Các triệu chứng đau trong giai đoạn tiền mãn kinh
Các triệu chứng đau trong giai đoạn tiền mãn kinh

Một triệu chứng phổ biến xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là các cơn đau.

Chóng mặt có phải là một triệu chứng tiền mãn kinh?
Chóng mặt có phải là một triệu chứng tiền mãn kinh?

Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến ở những phụ nữ đang phải trải qua thời kỳ mãn kinh. Chóng mặt có thể xảy ra do những thay đổi trong cơ thể ở thời kỳ này hoặc cũng có thể là do quá trình lão hóa tự nhiên.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây