Các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh
Các triệu chứng mà phụ nữ gặp phải khi bước vào thời kỳ mãn kinh chủ yếu là do sự sụt giảm hai hormone sinh dục nữ là estrogen và progesterone. Các hormone này có nhiều vai trò trong cơ thể nên sự sụt giảm nồng độ hormone sẽ gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Triệu chứng mà mỗi phụ nữ gặp phải khi bước vào tuổi mãn kinh là không giống nhau.
Estrogen có vai trò điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận của cơ thể, gồm có:
- Hệ sinh dục
- Đường tiết niệu
- Tim
- Mạch máu
- Xương
- Vú
- Da
- Tóc
- Niêm mạc
- Các cơ ở vùng chậu
- Não
Thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ không còn diễn ra đều đặn như trước. Chu kỳ kinh có thể ngắn hơn hoặc dài hơn, lượng máu kinh có thể ít hoặc nhiều hơn bình thường và thi thoảng có thể ra máu giữa chu kỳ.
Nếu bị trễ kinh, trước tiên bạn nên thử thai. Nếu như không mang thai thì trễ kinh có thể là dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh. Nếu bạn bị ra máu sau 12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt thì nên đi khám. Đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Bốc hỏa
Bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột ở phần trên của cơ thể hoặc toàn thân. Da mặt và cổ có thể ửng đỏ và kèm theo ra mồ hôi. Đây là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của thời kỳ mãn kinh. Đa số phụ nữ đều bị bốc hỏa khi bước vào thời kỳ mãn kinh
Mức độ của cơn bốc hỏa có thể thay đổi theo từng thời điểm, đôi khi nghiêm trọng đến mức khiến cho bạn thức giấc. Cơn bốc hỏa có thể kéo dài từ 30 giây đến 10 phút. Hầu hết phụ nữ đều tiếp tục bị bốc hỏa trong 1 – 2 năm sau kỳ kinh cuối cùng. Tình trạng bốc hỏa vẫn có thể kéo dài sau khi mãn kinh nhưng tần suất và mức độ sẽ giảm dần theo thời gian.
Bốc hỏa là điều bình thường trong thời kỳ mãn kinh do sự thay đổi nội tiết tố nhưng nếu tình trạng bốc hỏa gây gián đoạn cuộc sống hàng ngày thì bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp khắc phục.h
Khô âm đạo và đau khi quan hệ
Sự giảm nồng độ estrogen và progesterone làm giảm độ dày của niêm mạc âm đạo và giảm lượng chất nhầy bôi trơn, dẫn đến khô âm đạo. Khô âm đạo có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phụ nữ đang trải qua thời kỳ mãn kinh có nguy cơ khô âm đạo cao hơn nhiều so với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Các dấu hiệu của khô âm đạo gồm có cảm giác đau, nóng rát, khó chịu bên trong hoặc xung quanh âm đạo và đau khi quan hệ tình dục. Khô âm đạo còn có thể gây tiểu nhiều và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Để khắc phục tình trạng khô âm đạo và đau khi quan hệ, hãy thử dùng gel dưỡng ẩm âm đạo và gel bôi trơn gốc nước.
Quan hệ tình dục sẽ làm tăng lưu lượng máu đến các cơ quan sinh dục. Điều này làm tăng lượng chất nhầy bôi trơn âm đạo, giúp âm đạo bớt khô và ngăn ngừa teo âm đạo.
Nếu tình trạng không cải thiện thì bạn nên đi khám. Một giải pháp điều trị khác là liệu pháp estrogen tại chỗ, thường có dạng viên đặt, miếng dán, kem bôi hoặc vòng được đưa trực tiếp vào âm đạo.
Khó ngủ hoặc mất ngủ
Để có sức khỏe tốt, người lớn cần ngủ từ 7 đến 8 tiếng mỗi ngày. Khó ngủ hoặc mất ngủ là vấn đề mà rất nhiều phụ nữ gặp phải trong thời kỳ mãn kinh. Nguyên nhân là do sự thay đổi nội tiết tố và do các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa. Những điều này gây khó hoặc không thể đi vào giấc ngủ, ngủ không sâu giấc, giấc ngủ gián đoạn, thức giấc sớm và khó ngủ lại.
Có nhiều cách để khắc phục tình trạng khó ngủ và mất ngủ do mãn kinh, ví dụ như:
- Các kỹ thuật thư giãn như tập yoga hay thiền, tắm nước ấm, đọc sách hoặc nghe nhạc êm dịu trước khi đi ngủ.
- Bài tập hít thở
- Tập thể dục trong ngày (tránh tập thể dục sát giờ đi ngủ)
- Không ăn uống gần giờ ngủ
- Không uống rượu và caffeine vào buổi tối
- Không dùng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ
- Loại bỏ ánh sáng trong phòng ngủ
- Giảm nhiệt độ phòng ngủ
Ngoài ra, bạn nên cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày để tạo nhịp sinh học cho cơ thể.
Tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ
Phụ nữ ở tuổi mãn kinh có thể bị chứng tiểu không tự chủ hoặc đi tiểu nhiều lần. Cảm giác buồn tiểu có thể xuất hiện ngay cả khi bàng quang không đầy. Tiểu không tự chủ là tình trạng nước tiểu rò rỉ một cách không kiểm soát. Nguyên nhân của những vấn đề này là do vào thời kỳ mãn kinh, lớp mô trong âm đạo và niệu đạo mất đi tính đàn hồi và lớp niêm mạc bị mỏng đi. Các cơ xung quanh bàng quang cũng trở nên suy yếu và không còn thực hiện tốt chức năng giữ nước tiểu trong bàng quang.
Thực hiện một số thay đổi về thói quen sống có thể giúp khắc phục chứng tiểu không tự chủ, ví dụ như hạn chế uống rượu bia và caffeine, bỏ thuốc lá nếu hút, giảm cân nếu thừa cân, ăn nhiều chất xơ để trị táo bón, uống đủ nước và tập bài tập Kegel để tăng cường sức mạnh cho cơ sàn chậu (các cơ hỗ trợ bàng quang). Nếu vấn đề vẫn tiếp diễn, bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nồng độ estrogen giảm và những thay đổi trong đường tiết niệu vào thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:
- Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Buồn tiểu liên tục
- Tiểu đêm
- Tiểu gấp
- Nước tiểu đục hoặc có máu
Bạn nên đi khám càng sớm càng tốt khi có những triệu chứng này. Bạn sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để xem có bị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Giảm ham muốn tình dục
Không còn hứng thú với “chuyện ấy” là điều phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Điều này chủ yếu là do nồng độ estrogen thấp. Ham muốn tình dục giảm cũng có thể là do những vấn đề gặp phải khi quan hệ, ví dụ như đau do khô âm đạo, giảm độ nhạy cảm của âm vật, giảm khoái cảm và khả năng đạt cực khoái.
Không phải ai cũng bị giảm ham muốn khi bước vào thời kỳ mãn kinh. Một số phụ nữ lại có ham muốn mạnh hơn khi có tuổi.
Nếu ham muốn giảm do các vấn đề như đau khi quan hệ thì dùng gel bôi trơn và gel dưỡng ẩm âm đạo có thể giúp cải thiện tình hình.
Teo âm đạo
Teo âm đạo là tình trạng thành âm đại bị mỏng đi, khô và viêm. Điều này là do sự sụt giảm estrogen. Teo âm đạo gây đau đớn khi quan hệ tình dục và điều này sẽ dẫn đến giảm ham muốn. Sử dụng gel bôi trơn hoặc liệu pháp estrogen tại chỗ có thể giúp điều trị tình trạng này.
Tâm trạng thay đổi thất thường
Những thay đổi về nồng độ hormone trong thời kỳ mãn kinh sẽ tác động đến não và ảnh hưởng đến cảm xúc, tâm trạng của phụ nữ. Cảm giác buồn bã, chán nản, bực bội, dễ cáu gắt và tâm trạng thay đổi đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn là những điều thường gặp ở giai đoạn này.
Thay đổi về da và tóc
Khi có tuổi, làn da và mái tóc sẽ có những thay đổi. Sự giảm mô mỡ và collagen sẽ khiến da trở nên khô, mỏng, lỏng lẻo và xuất hiện nếp nhăn. Vùng da bên ngoài bộ phận sinh dục cũng sẽ bị ảnh hưởng. Sự thiếu hụt estrogen còn góp phần khiến tóc trở nên khô xơ, yếu và dễ gãy rụng. Bạn nên dùng kem dưỡng ẩm hàng ngày để giảm khô da và sử dụng các sản phẩm dưỡng da chứa hoạt chất chống lão hóa như retinol, vitamin C, vitamin E… Nhớ thoa kem chống nắng hàng ngày để bảo vệ da khỏi tia cực tím – thủ phạm gây lão hóa da. Hạn chế sử dụng hóa chất và nhiệt trên tóc để giảm nguy cơ tóc gãy rụng.
Ngoài ra, thực hiện các thay đổi về chế độ ăn và lối sống cũng sẽ giúp cải thiện sức khỏe làn da và mái tóc vào thời kỳ mãn kinh:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng
- Không hút thuốc lá
- Hạn chế đồ uống có cồn
- Ngủ đủ giấc
- Uống đủ nước
- Kiểm soát stress
- Ăn đủ chất, nhất là những chất dinh dưỡng có lợi cho tóc và da như protein, axit béo omega 3, sắt, vitamin B, kẽm, vitamin A, C, E, chất chống oxy hóa…
Các triệu chứng mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng mãn kinh có thể kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm tùy từng người. Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, bạn nên đi khám định kỳ để theo dõi sức khỏe và đi khám nếu có các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng để được tư vấn phương pháp điều trị.
Các triệu chứng vận mạch như bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm là những triệu chứng phổ biến nhất trong thời kỳ mãn kinh. Các triệu chứng này xảy ra do sự dao động nội tiết tố ảnh hưởng đến cách cơ thể kiểm soát thân nhiệt.
Các triệu chứng vận mạch xảy ra do sự dao động nồng độ hormone làm thay đổi khả năng điều hòa thân nhiệt của cơ thể. Có nhiều cách để điều trị tình trạng bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm, gồm có dùng thuốc và các biện pháp khắc phục tự nhiên.
Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé
Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.
Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.