1

Các triệu chứng vận mạch của thời kỳ mãn kinh

Triệu chứng vận mạch (vasomotor symptom) là những triệu chứng xảy ra do sự co thắt hoặc giãn nở của mạch máu. Những triệu chứng này xảy ra rất phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Một số ví dụ điển hình là bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm.
Các triệu chứng vận mạch của thời kỳ mãn kinh Các triệu chứng vận mạch của thời kỳ mãn kinh

Nồng độ hormone estrogen và progesterone bắt đầu giảm khi phụ nữ bước sang 40 tuổi. Đây là thời điểm mà nhiều phụ nữ bắt đầu tiền mãn kinh – giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh.

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ sẽ gặp phải các triệu chứng vận mạch. Các triệu chứng này xảy ra do sự co lại (thu hẹp) hoặc giãn nở (mở rộng) các mạch máu.

Các triệu chứng vận mạch gồm có bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, tim đập nhanh và thay đổi huyết áp. Một nguyên nhân chính dẫn đến những triệu chứng này trong thời kỳ mãn kinh là sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát huyết áp và thân nhiệt của cơ thể.

Theo Hiệp hội Mãn kinh Bắc Mỹ (the North American Menopause Society), có tới 75% phụ nữ gặp phải tình trạng bốc hỏa vào thời kỳ mãn kinh. Tình trạng này thường xảy ra trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 2 năm nhưng cũng có những người phải chịu các cơn bóc hỏa trong thời gian lên đến 10 năm.

Thời kỳ mãn kinh thường bắt đầu trong khoảng từ 45 – 55 tuổi và độ tuổi mãn kinh trung bình là 51 tuổi. Khi không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tiếp thì được xác định là chính thức mãn kinh.

Bốc hỏa và các triệu chứng khác thường bắt đầu xuất hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh, khi vẫn còn kinh nguyệt nhưng cũng có bắt đầu khi chu kỳ kinh nguyệt chấm dứt. Không phải ai cũng gặp những triệu chứng này khi bước vào thời kỳ mãn kinh và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi người là khác nhau.

Thời kỳ mãn kinh có thể bắt đầu diễn ra sớm hơn so với độ tuổi thông thường. Điều này có thể diễn ra một cách tự nhiên nhưng trong một số trường hợp, nguyên nhân là do phẫu thuật, bệnh tật hoặc thuốc.

Các triệu chứng vận mạch trong thời kỳ mãn kinh

Bốc hỏa là một triệu chứng vận mạch phổ biến trong thời kỳ mãn kinh. Bốc hỏa là cảm giác nóng đột ngột, thường là ở mặt, cổ và ngực. Da ở những khu vực này có thể trở nên đỏ.

Ngoài bốc hỏa, các triệu chứng vận mạch khác trong thời kỳ mãn kinh còn có:

  • Đổ nhiều mồ hôi, nhất là vào ban đêm
  • Rối loạn giấc ngủ
  • Lo âu, bồn chồn
  • Tim đập nhanh

Mãn kinh không phải là một bệnh lý. Đó là một giai đoạn diễn ra tự nhiên trong cuộc đời của người phụ nữ. Những triệu chứng vận mạch vào thời kỳ mãn kinh xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố.

Nội tiết tố có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của hệ thống tim mạch. Khi nồng độ nội tiết tố thay đổi, hoạt động của hệ tuần hoàn sẽ bị ảnh hưởng. Sự thay đổi nội tiết tố còn có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát thân nhiệt của hệ thần kinh.

Các triệu chứng vận mạch thường kéo dài khoảng một năm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các triệu chứng này có thể kéo dài lên đến 10 năm.

Nếu thời kỳ mãn kinh bắt đầu do các phương pháp điều trị bệnh, chẳng hạn như hóa trị thì đa phần triệu chứng vận mạch sẽ chấm dứt và có kinh nguyệt trở lại sau khi quá trình điều trị kết thúc. Hầu hết mọi người thường có kinh nguyệt trở lại trong vòng 2 năm sau khi kết thúc điều trị nhưng cũng có thể sớm hơn hoặc muộn hơn.

Nguyên nhân gây ra triệu chứng vận mạch

Nguyên nhân gây ra các cơn bốc hỏa có thể là do những thay đổi ở bộ phận kiểm soát hệ tuần hoàn của hệ thần kinh.

Theo nhiều chuyên gia, bốc hỏa là do những thay đổi ở phần não bộ điều hòa thân nhiệt. Sự sụt giảm đột ngột nồng độ estrogen có thể gây ra những thay đổi này nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm để làm rõ tác động cụ thể của estrogen.

Một số bằng chứng cho thấy bổ sung estrogen có thể giúp làm giảm triệu chứng vận mạch nhưng các nhà khoa học chưa tìm thấy sự tương quan giữa nồng độ hormone trong máu và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng vận mạch.

Các tác nhân có thể kích hoạt cơn bốc hỏa gồm có:

  • Ăn đồ cay
  • Uống cà phê hoặc rượu bia
  • Thời tiết nóng
  • Ở trong phòng có nhiệt độ cao
  • Mặc quần áo không phù hợp thời tiết
  • Hút thuốc
  • Stress
  • Sử dụng thuốc hoặc một số phương pháp điều trị bện khác
  • Một số bệnh lý nhất định, chẳng hạn như tiểu đường, bệnh lao hoặc cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)

Nhưng đôi khi, cơn bốc hỏa xảy ra dù không hề có tác nhân nào tác động.

Một số phương pháp điều trị ung thư cũng có thể gây bốc hỏa bất kể tuổi tác và giới tính.

Ai có nguy cơ gặp các triệu chứng vận mạch?

Các triệu chứng vận mạch thường xảy ra trong thời kỳ mãn kinh nhưng không phải ai cũng gặp các triệu chứng này khi bước vào tuổi mãn kinh. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gặp triệu chứng vận mạch gồm có hút thuốc và béo phì.

Theo Viện Lão hóa Quốc gia Hoa Kỳ (the National Institute on Aging), tình trạng bốc hỏa ở phụ nữ da đen và phụ nữ gốc Latinh và Tây Ban Nha thường xảy ra trong thời gian dài hơn so với ở phụ nữ da trắng và phụ nữ Châu Á.

Biến chứng của triệu chứng vận mạch

Bốc hỏa và đổ mồ hôi nhiều do sự thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh không phải vấn đề nghiêm trọng nhưng những tình trạng này gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Trong một số trường hợp, bốc hỏa không phải do mãn kinh mà là do các vấn đề về hệ thần kinh hoặc mạch máu. Nếu không được điều trị, những vấn đề này có thể dẫn đến vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh tim mạch hoặc sa sút trí tuệ.

Bạn nên đi khám nếu:

  • tình trạng bốc hỏa cản trở cuộc sống hàng ngày.
  • có các triệu chứng khác, chẳng hạn như tiêu chảy, mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân hoặc cảm giác người không được khỏe.
  • có nguy cơ mắc một bệnh lý khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường hoặc bệnh tuyến giáp.

Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.

Thuốc điều trị các triệu chứng vận mạch

Tình trạng bốc hỏa có thể được kiểm soát bằng thuốc.

Liệu pháp hormone thay thế

Liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy - HRT) nhằm mục đích cân bằng lượng hormone trong cơ thể. HRT có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa và các triệu chứng khác của thời kỳ mãn kinh nhưng không phải ai cũng có thể điều trị bằng phương pháp này vì HRT có thể gây tác dụng phụ.

Những người có tiền sử hoặc có nguy cơ cao mắc một số bệnh nhất định, gồm có bệnh tim mạch, đột quỵ, ung thư vú, ung thư tử cung và bệnh gan không nên điều trị bằng liệu pháp hormone thay thế.

Thuốc chống trầm cảm

Thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như paroxetine, có thể giúp giảm một số triệu chứng vận mạch. Để điều trị các triệu chứng mãn kinh, thuốc chống trầm cảm thường được dùng với liều thấp hơn so với liều để điều trị chứng trầm cảm. Các tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm gồm có đau đầu, buồn nôn và buồn ngủ.

Nếu chỉ có các triệu chứng vận mạch nhẹ vào thời kỳ mãn kinh thì không cần phải dùng thuốc. Các biện pháp tự khắc phục tại nhà như thay đổi chế độ ăn uống, mặc đồ thoáng mát, uống nước mát và tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Điều này giúp tránh gặp phải các tác dụng phụ của thuốc.

Các phương pháp điều trị tự nhiên

Một số thay đổi về lối sống có thể giúp kiểm soát tình trạng bốc hỏa và các triệu chứng khác vào thời kỳ mãn kinh.

  • Tránh các tác nhân kích hoạt cơn bốc hỏa, chẳng hạn như đồ ăn cay, rượu và caffeine
  • Bỏ thuốc lá nếu hút và tránh tiếp xúc với khói thuốc
  • Chọn quần áo thoáng mát và mặc đồ nhiều lớp để dễ dàng cởi khi cảm thấy nóng
  • Chuẩn bị sẵn nước mát để uống khi bị bốc hỏa
  • Mang theo quạt khi đi ngoài trời nóng
  • Giữ cho phòng thoáng khí, mát mẻ
  • Không tập thể dục sát giờ đi ngủ
  • Các bài tập hít thở sâu và thư giãn
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh
  • Tập thể dục thường xuyên
  • Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh

Bằng chứng cho thấy chế độ ăn uống có thể giúp giảm các triệu chứng mãn kinh. Ví dụ, một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy những phụ nữ theo chế độ ăn thuần chay, ít chất béo và thường xuyên ăn đậu nành nguyên hạt đã giảm 79% tần suất bốc hỏa trong khi mức giảm ở nhóm đối chứng là 49%.

Có một số loại thảo dược và thực phẩm chức năng được cho là có thể giúp giảm bốc hỏa, chẳng hạn như black cohosh (thiên ma), dehydroepiandrosterone (DHEA) và isoflavone đậu nành. Tuy nhiên, theo Viện Lão hóa Quốc gia Hoa Kỳ, hiện chưa có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy những loại thảo dược và thực phẩm chức năng này có hiệu quả trị bốc hỏa và hơn nữa cũng chưa rõ những sản phẩm này có tác dụng về lâu dài hay không.

Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thảo dược, thực phẩm chức năng hay thuốc nào để điều trị các triệu chứng mãn kinh.

Tóm tắt bài viết

Các triệu chứng vận mạch, nhất là bốc hỏa, là điều rất phổ biến vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, không phải ai bước vào thời kỳ mãn kinh cũng gặp các triệu chứng này và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng ở mỗi người là không giống nhau.

Nếu các triệu chứng vận mạch ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày thì bạn nên đi khám. Có thể kiểm soát các triệu chứng nhẹ bằng cách biện pháp tự nhiên, ví dụ như thay đổi thói quen sống. Nhưng nếu có triệu chứng nặng thì có thể bạn sẽ phải sử dụng thuốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh
Các dấu hiệu và triệu chứng của thời kỳ mãn kinh

Mãn kinh là khi buồng trứng ngừng sản xuất hormone estrogen và progesterone, dẫn đến chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Hầu hết các triệu chứng của thời kỳ mãn kinh bắt đầu xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh - khoảng thời gian trước khi chu kỳ kinh nguyệt ngừng hoàn toàn. Một số phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh mà không gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu trong khi một số người lại gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống. Các triệu chứng này có thể bắt đầu ngay từ giai đoạn tiền mãn kinh và kéo dài trong nhiều năm.

Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị
Teo Âm Đạo Sau Mãn Kinh: Triệu Chứng Và Cách Điều Trị

Teo âm đạo sau mãn kinh có những triệu chứng như thế nào ở chị em. Cách điều trị vấn đề này ra sao. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết này nhé

Mãn kinh có những triệu chứng nào?
Mãn kinh có những triệu chứng nào?

Một số ít phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh mà không có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào, nhưng đa số đều phải trải qua những vấn đề gây khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.

Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?
Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây