1

Mất ngủ có phải triệu chứng tiền mãn kinh?

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng bắt đầu sản sinh ra ít hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone hơn. Khi nồng độ các hormone này sụt giảm thì sẽ gây nên các triệu chứng tiền mãn kinh. Một trong những triệu chứng điển hình mà nhiều phụ nữ gặp phải là mất ngủ.
Mất ngủ có phải triệu chứng tiền mãn kinh? Mất ngủ có phải triệu chứng tiền mãn kinh?

Nội dung chính của bài viết:

  • Một trong những triệu chứng điển hình mà nhiều phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh gặp phải là mất ngủ.
  • Biểu hiện thường gặp nhất của chứng mất ngủ là không thể đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, khiến người mệt mỏi, dễ cáu gắt, không tập trung, trí nhớ giảm sút, đau đầu, đau dạ dày,...
  • Do thay đổi nội tiết tố, người bốc hỏa hay do sử dụng các loại thuốc khiến phụ nữ tiền mãn kinh bị mất ngủ. Ngoài ra thói quen ăn uống không lành mạnh, căng thẳng, di chuyển đường dài cũng khiến phụ nữ thường hay mất ngủ.
  • Duy trì thói quen sống lành mạnh, bỏ thói quen xấu có thể cải thiện giấc ngủ của bạn. Bác sĩ cũng có thể sử dụng liệu pháp giúp cân bằng nồng độ hormone để điều trị chứng mất ngủ do mãn kinh gây ra.

Mãn kinh và chứng mất ngủ

Mãn kinh là giai đoạn đánh dấu sự thay đổi lớn trong cuộc đời của người phụ nữ. Trong thời kỳ mãn kinh, cơ thể phụ nữ sẽ có nhiều thay đổi cả về thể chất và cảm xúc, tâm lý mà nguyên nhân là do sự dao động trong nồng độ nội tiết tố (hormone).

Một phụ nữ được coi là chính thức mãn kinh sau một năm không có kinh nguyệt. Khoảng thời gian diễn ra trước đó được gọi là tiền mãn kinh còn khoảng thời gian diễn ra sau đó được gọi là hậu mãn kinh.

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, buồng trứng bắt đầu sản sinh ra ít hormone sinh dục nữ estrogen và progesterone hơn. Khi nồng độ các hormone này sụt giảm thì sẽ gây nên các triệu chứng tiền mãn kinh. Một trong những triệu chứng điển hình mà nhiều phụ nữ gặp phải là mất ngủ.

Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, khiến cho người mắc phải không được ngủ đủ giấc. Những người bị mất ngủ sẽ khó đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không sâu giấc, liên tục thức dậy giữa chừng hay thậm chí là thức trắng đêm.

Các biểu hiện của chứng mất ngủ

Hai biểu hiện rõ ràng và thường gặp nhất của chứng mất ngủ là không thể đi vào giấc ngủ hoặc ngủ không ngon giấc, dẫn đễn thời lượng và chất lượng giấc ngủ mỗi đêm bị suy giảm. Cụ thể, những người bị mất ngủ thường gặp phải những biểu hiện sau đây:

  • Mất nhiều hơn 30 phút để đi vào giấc ngủ
  • Ngủ ít hơn 6 tiếng/đêm và tình trạng này lặp lại từ 3 lần trở lên mỗi tuần
  • Thức dậy quá sớm
  • Không cảm thấy khoan khoái sau khi ngủ dậy
  • Cảm thấy buồn ngủ và mệt mỏi trong suốt cả ngày
  • Liên tục cảm thấy lo lắng về giấc ngủ

Theo thời gian, tình trạng mất ngủ sẽ ảnh hưởng đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài gây mệt mỏi, chứng mất ngủ còn dẫn đến nhiều vấn đề khác như:

  • Thường xuyên cảm thấy bồn chồn, lo lắng
  • Dễ cáu gắt, khó chịu
  • Hay cảm thấy căng thẳng
  • Giảm khả năng tập trung
  • Trí nhớ giảm sút
  • Hiệu suất công việc giảm, thường hay mắc lỗi
  • Tăng tần suất các cơn đau đầu
  • Các vấn đề về đường tiêu hóa, chẳng hạn như đau dạ dày

Tại sao mãn kinh lại gây mất ngủ?

Ở những phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, các vấn đề về giấc ngủ là điều rất phổ biến. Trên thực tế, khoảng 61% phụ nữ mãn kinh cho biết họ thường xuyên bị mất ngủ.

Trong thời kỳ mãn kinh, chu kỳ giấc ngủ có thể bị ảnh hưởng bởi ba nguyên nhân dưới đây.

Thay đổi nội tiết tố

Nồng độ estrogen và progesterone bắt đầu giảm trong giai đoạn tiền mãn kinh. Điều này sẽ gây nên một số thay đổi trong thói quen sống, đặc biệt là giấc ngủ hàng ngày. Nguyên nhân một phần vì progesterone là một loại hormone giúp ngủ ngon giấc. Do vậy mà khi cơ thể bị thiếu hụt loại hormone này thì sẽ bị khó đi vào giấc ngủ và ngủ không sâu giấc.

Bốc hỏa

Bốc hỏa và đổ mồ hôi về đêm là hai trong số những triệu chứng thường gặp nhất của giai đoạn tiền mãn kinh. Khi nồng độ hormone dao động, thân nhiệt sẽ thi thoảng tăng cao đột ngột và tạo ra cảm giác nóng bừng, được gọi là những cơn bốc hỏa.

Sự sụt giảm nồng độ hormone estrogen và progesterone sẽ làm gia tăng mức adrenaline. Đây là một loại hormone đảm nhận trách nhiệm tạo ra phản ứng tự nhiên của cơ thể với căng thẳng. Khi gặp căng thẳng, lượng adrenaline sẽ tăng lên để giữ cho đầu óc tỉnh táo. Khi mức adrenaline tăng vọt do sự thay đổi nồng độ estrogen và progesterone thì sẽ xảy ra tình trạng khó ngủ.

Thuốc

Giống như sự thay đổi về nồng độ adrenaline và các hormone tự nhiên khác, những thay đổi do các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang dùng cũng có thể là nguyên nhân gây mất ngủ. Rối loạn giấc ngủ là tác dụng phụ của nhiều loại thuốc, vì vậy nên nếu bạn vừa bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc đang sử dụng một loại thuốc không kê đơn và bị mất ngủ thì có thể kiểm tra tác dụng phụ của loại thuốc đang dùng.

Nguyên nhân khác gây mất ngủ

Mất ngủ là vấn đề rất phổ biến. Trên thực tế, hầu hết mọi người đều chắc chắn đã từng trải qua ít nhất một hoặc hai đêm mất ngủ và ở nhiều người, điều này còn xảy ra một cách thường xuyên. Một số nguyên nhân phổ biến gây mất ngủ gồm có:

  • Căng thẳng/stress: Những mối lo về tiền bạc, áp lực công việc hay những vấn đề trong các mối quan hệ sẽ ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe tinh thần và cả chất lượng giấc ngủ.
  • Các vấn đề về tinh thần: Khi bị chứng lo âu, trầm cảm hoặc các vấn đề về tinh thần khác thì sẽ rất dễ bị mất ngủ.
  • Thói quen ăn uống không lành mạnh: Ăn quá muộn vào buổi tối có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa và dẫn đến khó ngủ, mất ngủ. Bên cạnh đó, việc uống cà phê, trà hoặc rượu trước khi đi ngủ cũng có thể phá vỡ chu kỳ giấc ngủ bình thường của cơ thể.
  • Di chuyển đường dài: Sau khi phải ngồi xe hay máy bay trong thời gian dài thì giấc ngủ thường sẽ bị gián đoạn. Sự thay đổi múi giờ cũng là một nguyên nhân thường gặp gây mất ngủ, cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Nguy cơ mất ngủ cũng tăng khi có tuổi và đây là vấn đề rất phổ biến ở những người trên 60 tuổi. Nguyên nhân là do những thay đổi tự nhiên trong chu kỳ giấc ngủ của cơ thể.

Tìm hiểu thêm: Sức khỏe tâm thần, trầm cảm và mãn kinh

Chẩn đoán nguyên nhân mất ngủ bằng cách nào?

Đầu tiên bác sĩ sẽ hỏi về thói quen ngủ hàng ngày, gồm có thời gian đi ngủ, thời gian thức dậy, tình trạng mệt mỏi trong ngày, những thói quen thường làm trước khi đi ngủ... Bạn nên theo dõi thói quen đi ngủ của mình trong một khoảng thời gian để kể chi tiết cho bác sĩ khi đi khám.

Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để phát hiện những vấn đề tiềm ẩn có thể gây ra chứng mất ngủ và ngoài ra có thể sẽ cần làm xét nghiệm máu.

Khi không thể xác định được nguyên nhân thì có thể bác sĩ sẽ yêu cầu bạn ở lại qua đêm trong bệnh viện để thực hiện phương pháp đánh giá giấc ngủ, trong đó hoạt động của cơ thể được theo dõi trong khi ngủ nhằm tìm ra những điểm bất thường.

Điều trị chứng mất ngủ bằng cách nào?

Nhiều nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ không có phương pháp điều trị dứt điểm nhưng có một số biện pháp mà bạn có thể thực hiện để có thể dễ ngủ và ngủ ngon giấc hơn.

Thay đổi không gian phòng ngủ

Đôi khi, mất ngủ là do một số vấn đề đến từ không gian phòng ngủ. Ba yếu tố chính của phòng ngủ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ gồm có nhiệt độ, ánh sáng và tiếng ồn. Bạn có thể cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách điều chỉnh 3 yếu tố này, ví dụ như:

  • Giữ cho phòng ngủ mát mẻ bằng quạt, điều hòa không khí hoặc gió trời.
  • Loại bỏ hết ánh sáng, bao gồm cả ánh sáng từ điện thoại di động. Đèn báo nhấp nháy của điện thoại di động có thể ảnh hưởng đến não bộ ngay cả khi đang ngủ và khiến bạn thức dậy giữa đêm.
  • Loại bỏ những âm thanh không cần thiết.

Ăn sớm hơn

Một bữa ăn nhẹ hoặc một ly sữa trước khi đi ngủ sẽ không ảnh hưởng gì nhưng việc ăn tối quá muộn hoặc ăn nhiều sau bữa tối có thể sẽ gây khó ngủ hoặc ngủ không ngon giấc. Đi ngủ khi bụng còn no có thể gây ra chứng ợ nóng và trào ngược axit dạ dày, cả hai vấn đề này đều có thể khiến bạn cảm thấy không thoải mái khi đi ngủ.

Thực hiện các biện pháp thư giãn

Nếu đang bị căng thẳng thì cần thực hiện một số biện pháp thư giãn để dễ ngủ hơn. Bài tập yoga nhẹ nhàng hoặc các động giãn cơ trước khi ngủ sẽ giúp thư giãn đầu óc và tạo cảm giác thoải mái hơn khi ngủ.

Bỏ thói quen xấu

Những người có thói quen hút thuốc và uống rượu sẽ có nguy cơ bị mất ngủ cao hơn và điều này sẽ càng dễ xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Chất nicotine trong thuốc lá là một chất kích thích khiến não không thể thư giãn để bắt đầu chìm vào giấc ngủ.

Mặc dù đúng là rượu có thể gây buồn ngủ nhưng tác dụng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Rượu sẽ gây cản trở giai đoạn phục hồi của giấc ngủ nên sau khi uống rượu, giấc ngủ sẽ không đem lại hiệu quả phục hồi cơ thể cao như bình thường.

Ngoài ra cũng cần bỏ thói quen sử dụng điện thoại và máy tính trước khi ngủ. Ánh sáng xanh từ những thiết bị này cũng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Điều trị mất ngủ do mãn kinh

Khi chứng mất ngủ có liên quan đến thời kỳ mãn kinh thì có thể cải thiện bằng cách cân bằng nồng độ hormone. Một số biện pháp để điều chỉnh nồng độ hormone gồm có:

  • Liệu pháp hormone thay thế: Liệu pháp này có thể bổ sung lượng estrogen bị thiếu hụt cho cơ thể trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
  • Thuốc tránh thai liều thấp: Sử dụng thuốc tránh thai ở liều thấp có thể giúp ổn định nồng độ hormone và từ đó cải thiện chứng mất ngủ do mãn kinh.
  • Thuốc chống trầm cảm liều thấp: Các loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng làm thay đổi các hóa chất trong não bộ và giúp dễ ngủ, ngủ ngon hơn.

Ngoài ra cũng có thể cân nhắc dùng melatonin. Melatonin là một loại hormone có vai trò kiểm soát chu kỳ thức - ngủ và thường được sử dụng để điều trị những trường hợp bị rối loạn giấc ngủ.

Nếu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ là do tác dụng phụ của thuốc thì cần nói chuyện với bác sĩ để đổi sang loại thuốc khác.

Biện pháp khắc phục hậu quả do mất ngủ

Việc thỉnh thoảng bị mất ngủ là điều bình thường nhưng chứng mất ngủ liên quan đến thời kỳ mãn kinh có thể kéo dài suốt hàng tuần hay hàng tháng nếu không được điều trị đúng cách. Khi bị mất ngủ kéo dài thì bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn các biện pháp can thiệp.

Ngoài những biện pháp mà bác sĩ chỉ định, bạn cũng có thể thực hiện thêm các cách dưới đây để cải thiện những vấn đề do mất ngủ gây nên:

  • Ngủ trưa: Mất ngủ vào ban đêm sẽ gây buồn ngủ, uể oải vào ban ngày và ảnh hưởng đến việc sinh hoạt và hiệu suất công việc. Nếu có thể thì hãy chợp mắt một lúc hoặc tranh thủ ngủ sau bữa trưa.
  • Uống nhiều nước: Nếu không thể giữ cho đầu óc tỉnh táo trong ngày do mất ngủ thì hãy uống nước. Điều này sẽ giúp tăng mức năng lượng cho cơ thể.
  • Lắng nghe cơ thể: Khi có tuổi, đồng hồ sinh học sẽ có sự thay đổi, khiến bạn không thể thức khuya và dậy sớm như trước. Lúc này nên điều chỉnh lại thói quen đi ngủ và thức giấc theo nhu cầu tự nhiên của cơ thể để tránh tình trạng mệt mỏi, suy nhược.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đánh trống ngực có phải là một triệu chứng tiền mãn kinh?
Đánh trống ngực có phải là một triệu chứng tiền mãn kinh?

Trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ hormone estrogen tăng và giảm thất thường. Khi qua thời kỳ mãn kinh, cơ thể sẽ ngừng sản sinh các hormone này. Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra hiện tượng đánh trống ngực.

Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?
Các triệu chứng tiền mãn kinh kéo dài bao lâu?

Ở mỗi phụ nữ, các triệu chứng tiền mãn kinh sẽ diễn ra trong khoảng thời gian khác nhau nhưng thường tồn tại trong suốt giai đoạn tiền mãn kinh và có thể kéo dài lên đến 7 năm sau mãn kinh.

Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?
Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.

11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh
11 cách tự nhiên để giảm các triệu chứng tiền mãn kinh

Trong giai đoạn tiền mãn kinh, gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, phiền muộn, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.

Hiểu về triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh
Hiểu về triệu chứng bốc hỏa tiền mãn kinh

Bốc hỏa là một trong những triệu chứng điển hình của giai đoạn tiền mãn kinh và gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của phụ nữ. Vậy làm sao để khắc phục triệu chứng này?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây