1

Lợi ích và rủi ro của liệu pháp hormone thay thế

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) là sử dụng thuốc để làm tăng nồng độ hormone trong cơ thể, có thể là estrogen, progesteron hoặc cả hai. Liệu pháp hormone thay thế là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng.
Lợi ích và rủi ro của liệu pháp hormone thay thế Lợi ích và rủi ro của liệu pháp hormone thay thế

Khi bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể sẽ sụt giảm. Sự thiếu hụt estrogen này khiến cho chu kỳ kinh nguyệt diễn ra không đều và còn gây ra một loạt các triệu chứng khó chịu như bốc hỏa, khô âm đạo và đau đớn khi quan hệ tình dục.

Các triệu chứng này thường bắt đầu xuất hiện từ vài năm trước khi kinh nguyệt chấm dứt hoàn toàn (giai đoạn tiền mãn kinh) và biến mất sau khi mãn kinh. Tuy nhiên, ở nhiều phụ nữ, các triệu chứng xảy ra vào thời kỳ mãn kinh gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất, tinh thần và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Liệu pháp hormone thay thế là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm các triệu chứng mãn kinh nghiêm trọng. Liệu pháp hormone thay thế thậm chí còn có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe do mãn kinh như bệnh tim mạch và loãng xương.

Tuy nhiên, liệu pháp hormone thay thế đi kèm rủi ro. Việc có nên sử dụng liệu pháp hormone thay thế hay không tùy thuộc vào độ tuổi, thời điểm bước vào thời kỳ mãn kinh, bệnh sử và một số yếu tố khác.

Liệu pháp hormone thay thế là gì?

Liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy – HRT) là việc sử dụng thuốc để làm tăng nồng độ hormone trong cơ thể. HRT có chứa estrogen (hoặc estradiol, dạng estrogen chính trong cơ thể) hoặc progesteron hoặc cả hai loại hormone này.

Liệu pháp hormone thay thế đã từng gây ra nhiều tranh cãi. HRT được sử dụng phổ biến trên thế giới vào thập niên 60 nhằm mục đích chính là duy trì sự trẻ trung sau mãn kinh. HRT được sử dụng nhiều nhất vào thập niên 1990.

Sau đó, vào năm 2002, một nghiên cứu dài hạn có tên The Women’s Health Initiative đã chỉ ra rằng HRT có thể làm tăng nguy cơ ung thư và bệnh tim mạch. Sau khi nghiên cứu này được công bố, số lượng người sử dụng HRT đã giảm đáng kể.

Tuy nhiên, nghiên cứu này sau đó đã bị phát hiện là có nhiều điểm không hợp lý. Các nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng HRT có rủi ro thấp hơn và mang lại nhiều lợi ích hơn nếu được sử dụng trước 60 tuổi và trong vòng 10 năm sau khi mãn kinh.

Mặc dù vậy nhưng nhiều người vẫn không muốn sử dụng HRT vì e ngại liệu pháp này có thể gây hại cho sức khỏe về lâu dài.

Lợi ích của liệu pháp hormone thay thế

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng lợi ích của HRT lớn hơn rủi ro. Dưới đây là những lợi ích được nhiều nghiên cứu chứng minh nhất của HRT.

Làm giảm các triệu chứng mãn kinh

Triệu chứng mãn kinh ở mỗi một phụ nữ là không giống nhau. Một số người chỉ gặp phải các triệu chứng rất nhẹ và không cần phải điều trị bằng thuốc. Trong khi đó, ở một số người, các triệu chứng mãn kinh lại nghiêm trọng đến mức cản trở sinh hoạt hàng ngày. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên đi khám và hỏi bác sĩ về liệu pháp hormone thay thế.

HRT có thể giúp làm giảm nhiều triệu chứng mãn kinh như:

  • Estrogen đường uống liều thấp có thể làm giảm các triệu chứng vận mạch như bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm.
  • Estrogen tại chỗ liều thấp (gel bôi, miếng dán hay viên đặt) có thể làm giảm các triệu chứng về sinh dục và tiết niệu vào thời kỳ mãn kinh, gồm có khô âm đạo, đau khi quan hệ tình dục, nhiễm trùng đường tiết niệu và tiểu không tự chủ.
  • Prasterone và Ospemifene (hai loại thuốc chứa hormone) cũng có thể làm giảm các triệu chứng về sinh dục và tiết niệu.

Ngăn ngừa bệnh tim mạch

Nhiều nghiên cứu đã xác nhận rằng nếu bắt đầu sử dụng từ sớm, trong vòng 10 năm sau mãn kinh, liệu pháp hormone thay thế có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. (1)

Trước khi bắt đầu HRT, bạn sẽ phải kiểm tra sức khỏe tim mạch và tái khám định kỳ hàng năm khi trong thời gian sử dụng HRT để đảm bảo duy trì sức khỏe tim mạch tốt.

Điều trị triệu chứng trầm cảm

Nhiều phụ nữ bị trầm cảm trong giai đoạn tiền mãn kinh - giai đoạn diễn ra trước khi chính thức mãn kinh, có thể kéo dài vài tháng đến vài năm.

Miếng dán estrogen đã được chứng minh là có hiệu quả làm giảm các triệu chứng trầm cảm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy estrogen có thể điều trị chứng trầm cảm sau mãn kinh.

Bảo vệ sức khỏe xương

Mãn kinh làm tăng nguy cơ mất xương, loãng xương và gãy xương.

Nghiên cứu cho thấy rằng sử dụng liệu pháp hormone thay thế mà cụ thể là miếng dán estrogen trong 1 đến 2 năm có thể giúp cải thiện mật độ xương và bảo vệ cấu trúc xương khi có tuổi. (2)

Duy trì khối lượng cơ

Khi có tuổi, khối lượng cơ sẽ giảm dần. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng vận động và giữ thăng bằng.

HRT có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất cơ. Khi kết hợp với tập thể dục, HRT còn có thể giúp tăng khối lượng cơ.

Ngăn ngừa bệnh Alzheimer và Parkinson

Theo một phân tích tổng hợp vào năm 2020, liệu pháp estrogen có thể ngăn ngừa một số bệnh về thần kinh. Đặc biệt, liệu pháp này có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.

Khi nào nên bắt đầu liệu pháp hormone thay thế?

Liệu pháp hormone thay thế sẽ mang lại lợi ích lớn nhất nếu bắt đầu sử dụng trước 60 tuổi hoặc trong vòng 10 năm sau mãn kinh.

Ở những phụ nữ trên 60 tuổi hoặc đã mãn kinh trên 10 năm, lợi ích của HRT sẽ giảm đi và nguy cơ xảy ra tác dụng phụ sẽ cao hơn.

Rủi ro của liệu pháp hormone thay thế

Khi nghiên cứu The Women’s Health Initiative được công bố vào năm 2002, số người sử dụng HRT đã giảm hẳn do lo ngại rằng liệu pháp này gây hại nhiều hơn lợi.

Mặc dù các nghiên cứu sau đó đã đính chính nhưng HRT vẫn đi kèm một số rủi ro nhất định.

Tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy những phụ nữ từng sử dụng HRT có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn. Điều này xảy ra ở cả những người chỉ dùng estrogen và những người dùng liệu pháp kết hợp estrogen và progesterone. (3)

Các nghiên cứu cho kết quả khác nhau về nguy cơ ung thư buồng trứng khi sử dụng HRT. Một số nghiên cứu cho thấy rằng cả liệu pháp estrogen và liệu pháp kết hợp estrogen - progesterone đều làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại cho thấy nguy cơ mắc ung thư buồng trứng chỉ tăng khi điều trị bằng estrogen chứ không tăng khi sử dụng cả estrogen và progesterone.

HRT chỉ chứa estrogen còn có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung (hay còn được gọi là ung thư tử cung). Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 gồm 28 nghiên cứu đã kết luận rằng các dạng HRT sau đây có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung:

  • HRT chỉ chứa estrogen
  • HRT kết hợp luân phiên (có nghĩa là dùng luân phiên estrogen và progesterone chứ không dùng cùng một lúc)
  • Tibolone (một loại steroid tổng hợp)
  • Progesterone vi hạt (micronized progesterone)

Do có thể làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung nên những liệu pháp này thường được chỉ định cho những phụ nữ không còn tử cung.

Tăng nguy cơ cục máu đông

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng HRT (cả dạng thuốc uống và dạng miếng dán) có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và đột quỵ. (4) Nguy cơ cao nhất khi HRT được sử dụng sau 60 tuổi hoặc khi đã mãn kinh hơn 10 năm. Dùng HRT càng lâu thì nguy cơ càng tăng.

Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo người trên 60 tuổi hoặc đã mãn kinh trên 10 năm nên dùng HRT liều thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tăng nguy cơ sỏi mật

Vì estrogen làm tăng nồng độ cholesterol trong túi mật nên sử dụng HRT sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Nguy cơ sẽ cao hơn nếu sử dụng HRT trên 5 năm.

Các loại liệu pháp hormone thay thế

Các loại liệu pháp hormone thay thế đã được phê duyệt gồm có:

  • Sản phẩm chỉ chứa estrogen
  • Sản phẩm chỉ chứa progesterone
  • Sản phẩm chứa cả estrogen và progesterone
  • Sản phẩm chứa estrogen cùng với các hoạt chất khác

Liệu pháp hormone thay thế có nhiều dạng bào chế, chẳng hạn như:

  • Thuốc đường uống, ví dụ như:
    • Cenestin, Enjuvia, Estrace, Femtrace, Menest, Ortho-Est, Premarin (estrogen)
    • Prometrium, Provera (progesterone)
    • Activella, Femhrt, Prefest, Prempro (estrogen và progesterone)
    • Duavee (kết hợp estrogen và hormone)
  • Miếng dán, ví dụ như:
    • Alora, Climara, Estraderm, Minivelle, Vivelle (estrogen)
    • Climara Pro, Combipatch (estrogen và progesterone)
  • Thuốc tiêm, ví dụ như:
    • Delestrogen, Premarin (estrogen)
  • Thuốc bôi da/thuốc xịt, ví dụ như:
    • Estrasorb, Evamist, Premarin (estrogen)
  • Thuốc bôi hoặc vòng đặt âm đạo, ví dụ như:
    • Estrace, Femring, Ogen, Premarin (estrogen)

Các dạng estrogen tại chỗ như thuốc bôi và vòng đặt âm đạo được hấp thụ vào cơ thể ít hơn nên an toàn hơn so với thuốc đường uống.

Những ai không nên sử dụng liệu pháp hormone thay thế?

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng liệu pháp hormone thay thế nếu có các vấn đề sức khỏe dưới đây: (5)

  • Các bệnh gây chảy máu âm đạo bất thường
  • Ung thư vú hoặc ung thư tử cung
  • Cục máu đông
  • Tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ
  • Rối loạn đông máu
  • Bệnh gan
  • Tiền sử dị ứng với thuốc chứa hormone

Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng liệu pháp estrogen nếu có một trong các vấn đề dưới đây:

  • Tiền sử hút thuốc lá
  • Bệnh túi mật
  • Ung thư buồng trứng
  • Đau nửa đầu
  • Co giật
  • Cao huyết áp
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Tăng lipid máu
  • U xơ tử cung

Các phương pháp điều trị khác

Nếu bạn bị bốc hỏa nhưng không muốn sử dụng HRT thì có thể thử các biện pháp dưới đây:

  • Các loại thuốc không chứa hormone, ví dụ như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) hoặc gabapentin
  • Thảo dược, ví dụ như trinh nữ, rau má, hoàng cầm, bạch thược, thiên ma
  • Châm cứu
  • Ăn đậu nành và các sản phẩm làm từ đậu nành
  • Ngủ đủ giấc
  • Uống nhiều nước

Tóm tắt bài viết

Mãn kinh là một quá trình diễn ra tự nhiên do sự sụt giảm nồng độ estrogen khi có tuổi. Điều này gây ra nhiều triệu chứng và trong một số trường hợp, các triệu chứng mãn kinh gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày.

Liệu pháp hormone thay thế (HRT) có thể giúp làm giảm nhiều triệu chứng mãn kinh, gồm có bốc hỏa và khô âm đạo. Liệu pháp hormone thay thế còn mang lại các lợi ích khác như làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bảo vệ sức khỏe xương, duy trì khối lượng cơ và giảm triệu chứng trầm cảm.

Tuy nhiên, HRT có một số rủi ro như tăng nguy cơ ung thư, cục máu đông và bệnh túi mật. Nguy cơ xảy ra những vấn đề này sẽ cao hơn nếu HRT được sử dụng sau tuổi 60 hoặc ở những người đã mãn kinh trên 10 năm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
4 lợi ích của liệu pháp estrogen
4 lợi ích của liệu pháp estrogen

Liệu pháp estrogen có thể cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc một số bệnh sau mãn kinh.

Liệu pháp progesterone có tác dụng gì trong thời kỳ mãn kinh?
Liệu pháp progesterone có tác dụng gì trong thời kỳ mãn kinh?

Progesterone là một loại hormone sinh dục nữ, được tạo ra chủ yếu ở buồng trứng. Giống như estrogen, nồng độ progesterone cũng giảm vào thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp progesterone giúp làm tăng nồng độ progesterone trong cơ thể và làm giảm một số triệu chứng mãn kinh. Progesterone có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với estrogen.

Sức khỏe thay đổi như thế nào sau mãn kinh?
Sức khỏe thay đổi như thế nào sau mãn kinh?

Sau khi mãn kinh (được gọi là giai đoạn hậu mãn kinh), phụ nữ sẽ gặp phải rất nhiều thay đổi về cơ thể và sức khỏe. Để duy trì sức khỏe trong giai đoạn sau mãn kinh, bạn cần biết được những thay đổi này và chuẩn bị một cách tốt nhất.

Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tiền mãn kinh
Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán tiền mãn kinh

Mãn kinh là một quá trình sinh lý tự nhiên ở phụ nữ, xảy ra khi buồng trứng ngừng phóng trứng trưởng thành vào mỗi tháng và cơ thể tạo ra ít horTronmone estrogen, progesterone hơn.

Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh
Các biện pháp tự nhiên để điều trị triệu chứng tiền mãn kinh

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, phụ nữ phải trải qua nhiều triệu chứng do sự thay đổi nồng độ hormone estrogen và progesterone như bốc hỏa, mất ngủ, trầm cảm, đau vú và tâm trạng thất thường. Tuy nhiên, không nhất thiết phải dùng thuốc để điều trị những triệu chứng này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây