Sức khỏe thay đổi như thế nào sau mãn kinh?
Nội dung chính của bài viết:
- Sau khi mãn kinh, có rất nhiều vấn đề sức khỏe xảy đến với bạn, đó là: loãng xương, bệnh tim mạch, vấn đề về đường tiết niệu, vấn đề ở cơ quan sinh dục, tăng cân, thay đổi tâm lý.
- Duy trì thói quen lối sống lành mạnh và đi khám định kỳ sẽ giúp bạn giảm thiểu các nguy cơ về sức khỏe sau mãn kinh. Nên tăng cường bổ sung canxi, tập thể dục và có chế độ ăn uống lành mạnh để có một sức khỏe tốt nhất.
Hậu mãn kinh
Mãn kinh là một giai đoạn tự nhiên trong cuộc đời của phụ nữ, xảy ra ở tuổi trung niên khi buồng trứng ngừng sản xuất và phóng trứng, giảm sự sản sinh các hormone sinh dục nữ dẫn đến chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Quá trình chấm dứt chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản của phụ nữ diễn ra theo ba giai đoạn:
- Tiền mãn kinh: là khoảng thời gian từ vài tháng đến vài năm trước khi mãn kinh. Trong giai đoạn này, buồng trứng đã bắt đầu giảm sản sinh estrogen.
- Thời kỳ mãn kinh: là thời gian chính thức dừng kinh nguyệt, được xác định khi phụ nữ không có kinh nguyệt trong ít nhất một năm.
- Hậu mãn kinh: là giai đoạn sau mãn kinh.
Độ tuổi mãn kinh của đa số phụ nữ là ngoài 50 nhưng thời kỳ mãn kinh có thể diễn ra vào bất cứ lúc nào trong khoảng từ 40 đến 50 tuổi, hoặc cũng có người sang đến 60 tuổi mới mãn kinh. Thời điểm bắt đầu và thời gian kéo dài của thời kỳ mãn kinh ở mỗi người là khác nhau. Nói chung, mãn kinh là một phần rất bình thường trong cuộc đời của người phụ nữ. Tuy nhiên, mãn kinh có thể đến sớm hơn bình thường do phẫu thuật, ví dụ như cắt tử cung, các phương pháp điều trị ung thư như xạ trị, hóa trị hoặc thói quen xấu trong cuộc sống như hút thuốc lá.
Một khi đã mãn kinh thì nồng độ hormone trong cơ thể sẽ luôn duy trì ở mức thấp. Bạn sẽ không còn khả năng mang thai và bạn cũng không trải qua chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.
Ngoài điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, các hormone sinh dục nữ còn có vai trò lớn đối với nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể nên sau mãn kinh, nguy cơ mắc các bệnh lý và vấn đề sức khỏe sau sẽ tăng lên:
- Loãng xương
- Bệnh tim mạch
- Vấn đề về hệ tiết niệu
- Vấn đề về tâm lý
- Tăng cân
- Thay đổi ở bộ phận sinh dục, chẳng hạn như khô âm đạo
Duy trì thói quen lối sống lành mạnh và đi khám định kỳ sẽ giúp bạn giảm thiểu các nguy cơ này.
Loãng xương
Loãng xương là tình trạng mà mật độ xương bị giảm đi. Thông thường, mật độ xương giảm dần theo thời gian nhưng sự thay đổi mật độ xương này đặc biệt tăng cao sau thời kỳ mãn kinh, nhất là trong vài năm đầu sau khi dừng kinh nguyệt. Nguyên nhân của tình trạng này là do suy giảm estrogen trong cơ thể. Phụ nữ có thể mất tới 25% mật độ xương kể từ sau khi mãn kinh cho đến 60 tuổi.
Loãng xương khiến cho xương dễ nứt gãy, đặc biệt là ở hông, cột sống và cổ tay.
Việc điều trị loãng xương có thể chỉ đơn giản là điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống như:
- Bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu canxi như phô mai, sữa chua và sữa hoặc dùng viên uống bổ sung canxi
- Dùng viên uống bổ sung vitamin D
- Tập thể dục đều đặn
- Hạn chế uống rượu
- Không hút thuốc
Ngoài ra, bạn cũng có thể đi khám bác sĩ để được tư vấn về các phương pháp điều trị như liệu pháp estrogen. Không nên tự ý mua và sử dụng estrogen vì không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp này.
>>> Loãng xương, sức khỏe xương và mãn kinh
Bệnh tim mạch
Mãn kinh không trực tiếp gây ra các bệnh tim mạch nhưng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Sự thay đổi nội tiết tố cũng như sự thay đổi huyết áp, nồng độ cholesterol xấu (LDL cholesterol) và triglyceride đều là những vấn đề xảy ra sau khi mãn kinh. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, cứ 3 phụ nữ mãn kinh lại có một người bị mắc bệnh tim mạch. Tỉ lệ nhồi máu cơ tim cũng tăng cao trong 10 năm sau khi mãn kinh.
Để giảm thiếu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, hãy duy trì những thói quen sống lành mạnh sau khi mãn kinh, bao gồm duy trì chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và không hút thuốc.
Vấn đề ở hệ tiết niệu
Nồng độ estrogen thấp sẽ làm cho niêm mạc niệu đạo mỏng đi. Ngoài ra, các cơ sàn chậu xung quanh niệu đạo (cơ có vai trò kiểm soát việc đi tiểu) cũng trở nên suy yếu hơn do lão hóa hoặc sinh thường. Điều này làm tăng nguy cơ tiểu són, nhiễm trùng đường tiết niệu và các vấn đề về đường tiết niệu khác.
Vấn đề ở cơ quan sinh dục
Estrogen là hormone có vai trò duy trì khả năng tiết dịch bôi trơn tự nhiên trong thành âm đạo. Nồng độ estrogen thấp trong thời kỳ mãn kinh khiến cho khả năng này giảm đi, khiến âm đạo bị khô, gây đau rát và các mô âm đạo trở nên mỏng hơn, dễ bị tổn thương hơn khi quan hệ tình dục hoặc. Điều này còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng âm đạo cũng như là các triệu chứng mãn kinh khác ở hệ niệu – sinh dục, ví dụ như teo âm đạo. Sử dụng chất bôi trơn gốc nước có thể giúp việc quan hệ trở nên thoải mái hơn. Nếu vấn đề quá nghiêm trọng thì cần đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị.
Tăng cân
Nồng độ estrogen suy giảm sẽ làm giảm tốc độ trao đổi chất, điều này khiến cho cơ thể tích trữ mỡ thay vì đốt cháy như bình thường và dẫn đến tăng cân. Tuy nhiên, nguyên nhân gây tăng cân ở tuổi trung niên không phải chỉ do mãn kinh mà còn là do ở tuổi này, đa số mọi người thường không thường xuyên hoạt động thể chất.
Vấn đề khác
Ở một số phụ nữ, các triệu chứng mãn kinh sẽ ngừng lại trong thời kỳ hậu mãn kinh nhưng ở nhiều người thì những triệu chứng này vẫn tiếp diễn.
Bạn có thể vẫn gặp phải hiện tượng bốc hỏa trong từ 1 đến 2 năm sau khi mãn kinh.
Ngoài ra, phụ nữ thường bị thay đổi trong tâm trạng thất thường và cảm thấy chán nản, buồn bã trước, trong và sau khi mãn kinh.
Mãn kinh có cần khám phụ khoa định kỳ nữa không?
Nên duy trì đi khám phụ khoa định kỳ kể cả sau khi đã mãn kinh. Việc đi khám định kỳ này sẽ giúp bạn ngăn ngừa các vấn đề có thể phát triển sau mãn kinh.
Các xét nghiệm và phương pháp kiểm tra cần thực hiện sau mãn kinh gồm có:
- Kiểm tra vùng chậu
- Xét nghiệm Pap smear, nên thực hiện 3 năm một lần
- Chụp nhũ ảnh
- Các phương pháp sàng lọc phụ khoa khác
- Các phương pháp sàng lọc ung thư
- Xét nghiệm mật độ xương, như DEXA scan
- Tiêm phòng
Nếu bạn đã bước vào thời kỳ hậu mãn kinh và bị ra máu âm đạo thì cần đi khám bác sĩ ngay. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Cách ngăn ngừa
Những năm sau mãn kinh đòi hỏi bạn phải càng quan tâm hơn đến sức khỏe. Dưới đây là một số cách bạn nên thực hiện để duy trì tình trạng sức khỏe của mình và ngăn ngừa những vấn đề không mong muốn trong giai đoạn này:
- Ăn đồ ăn có lợi cho sức khỏe: Duy trì chế độ ăn uống cân bằng bằng cách kết hợp các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe. Nên chọn các loại thực phẩm tự nhiên, hạn chế tối đa muối và đường cũng như là những loại thực phẩm chế biến sẵn. Cơ thể cần nhiều canxi và vitamin D sau khi mãn kinh, vì vậy nên hãy chọn những loại thực phẩm chứa nhiều các chất này. Nếu không thể ăn nhiều thì có thể dùng thêm các loại viên uống bổ sung.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục thường xuyên cũng là cách để nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim mạch hay thừa cân, béo phì.
- Đi khám sức khỏe định kỳ: Việc đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm sẽ giúp bạn theo dõi được những thay đổi trên cơ thể. Ngoài ra, nên đi khám khi nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào hoặc nếu các triệu chứng từ thời kỳ mãn kinh tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.
- Bỏ thói quen xấu: không nên hút thuốc và hạn chế tiêu thụ rượu bia.
Nguy cơ mắc một số vấn đề về sức khỏe như loãng xương và các bệnh tim mạch tăng cao sau mãn kinh. Do đó, phụ nữ cần xây dựng và duy trì cho mình một thói quen, lối sống lành mạnh cả trước, trong và sau khi mãn kinh. Bạn cũng nên đi khám bác sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, nên tăng cường bổ sung canxi, tập thể dục và có chế độ ăn uống lành mạnh làm giảm thiểu các nguy cơ.
Vấn đề loãng xương thường không được phát hiện cho đến khi xương quá yếu và bị gãy. Khi đã bị gãy xương một lần do loãng xương thì sẽ rất dễ tiếp tục bị gãy trong tương lai.
Bốc hỏa, khó ngủ, da khô và tâm trạng thay đổi thất thường là những triệu chứng thường gặp vào thời kỳ mãn kinh. Sự thay đổi nội tiết tố khi bước vào thời kỳ mãn kinh còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, ví dụ như miệng. Nồng độ estrogen giảm ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có thể gây ra những vấn đề về răng miệng như răng nhạy cảm, viêm nướu và chảy máu chân răng.
Sự thay đổi nội tiết tố vào giai đoạn tiền mãn kinh gây ra nhiều triệu chứng khác nhau. Bên cạnh những triệu chứng phổ biến như bốc hỏa hay đổ mồ hôi vào ban đêm, một số phụ nữ còn gặp phải tình trạng thường xuyên cảm thấy đói và thèm ăn. Vậy tại sao lại có tình trạng này vào giai đoạn tiền mãn kinh và làm thế nào để khắc phục?
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ hormone estrogen và progesterone có sự dao động. Sự thay đổi nội tiết tố này sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến kinh nguyệt không đều, mất kinh hoặc các rối loạn khác.
Sự lão hóa gây ra nhiều thay đổi trên khắp cơ thể, bao gồm cả làn da.