1

Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe răng miệng?

Bốc hỏa, khó ngủ, da khô và tâm trạng thay đổi thất thường là những triệu chứng thường gặp vào thời kỳ mãn kinh. Sự thay đổi nội tiết tố khi bước vào thời kỳ mãn kinh còn có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, ví dụ như miệng. Nồng độ estrogen giảm ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có thể gây ra những vấn đề về răng miệng như răng nhạy cảm, viêm nướu và chảy máu chân răng.
Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe răng miệng? Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe răng miệng?

Ở giai đoạn tiền mãn kinh, một số phụ nữ còn bị thay đổi vị giác hoặc thậm chí gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn như hội chứng bỏng rát miệng, gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Tiếp tục đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu về những vấn đề về răng miệng có thể phát sinh trong thời kỳ mãn kinh và những biện pháp để phòng ngừa và khắc phục những vấn đề này.

Sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe răng miệng?

Vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng cách đánh răng và dùng chỉ nha khoa, hạn chế tiêu thụ đường và đồ ăn, thức uống có tính axit là những cách để bảo vệ sức khỏe răng miệng. Nhưng có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng nằm ngoài tầm kiểm soát, ví dụ như sự thay đổi nội tiết tố.

Sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng đến răng miệng có thể xảy ra vào những giai đoạn như:

  • Tuổi dậy thì: Sự gia tăng nồng độ một số hormone ở giai đoạn dậy thì có thể khiến nướu dễ bị viêm loét và chảy máu.
  • Kỳ kinh: Trong vòng vài ngày trước khi có kinh, nướu có thể trở nên nhạy cảm hoặc viêm và chảy máu. Những tình trạng này thường giảm dần sau khi kỳ kinh kết thúc.
  • Mang thai: Sự gia tăng hormone trong thai kỳ, đặc biệt là từ tháng thứ 2 đến tháng thứ 8 có thể làm tăng nguy cơ viêm nướu.
  • Uống thuốc tránh thai: Các loại thuốc tránh thai đường uống trước đây thường có chứa lượng hormone cao và điều này làm tăng nguy cơ viêm nướu. Các loại thuốc tránh thai mới hiện nay giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề này nhưng có một số bằng chứng cho thấy nhổ răng trong thời gian dùng thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ viêm ổ răng khô.
  • Mãn kinh: Sự sụt giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh có thể dẫn đến nhiều thay đổi trong khoang miệng, gồm có thay đổi vị giác, khô miệng, răng nhạy cảm,….

Các vấn đề về răng miệng trong thời kỳ mãn kinh

Sự sụt giảm hormone trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh có thể gây ra nhiều vấn đề về răng miệng như:

Răng nhạy cảm

Răng nhạy cảm là tình trạng răng bị ê buốt khi tiếp xúc với nhiệt độ nóng hoặc lạnh hoặc có lực tác động.

Răng nhạy cảm xảy ra khi men răng bị mất đi và để lộ ra ngà răng. Điều này khiến các dây thần kinh trong răng dễ bị tác động, dẫn đến cảm giác ê buốt khó chịu khi ăn đồ ăn lạnh, nóng hoặc có tính axit.

Viêm nướu

Viêm nướu là tình trạng viêm xảy ra ở lớp mô mềm bao quanh chân răng. Ngoài sưng nướu, viêm nướu còn có các triệu chứng gồm nướu nhợt nhạt, sáng bóng hoặc có màu đỏ đậm. Viêm nướu còn có thể gây chảy máu, đặc biệt là khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.

Thay đổi vị giác

Sự thay đổi nội tiết tố ở giai đoạn tiền mãn kinh còn có thể làm thay đổi vị giác. Ví dụ, các món mà bạn vẫn thường ăn trước đây có thể sẽ có vị khác lạ, bạn thấy đồ ăn mặn, chua hoặc cay hơn bình thường. Sự thay đổi nội tiết tố còn có thể gây ra vị đắng hoặc kim loại bên trong miệng.

Hội chứng bỏng rát miệng

Ở một số người, sự thay đổi vị giác do mãn kinh đi kèm với một tình trạng gọi là hội chứng bỏng rát miệng (burning mouth syndrome). Tình trạng này gây cảm giác nóng rát, đau và nhức quanh khoang miệng, bao gồm cả môi, lưỡi và má.

Nguyên nhân gây đau răng khi mãn kinh

Đau răng trong thời kỳ mãn kinh có thể là do sự thay đổi nội tiết tố hoặc những thay đổi tự nhiên do sự lão hóa, chẳng hạn như niêm mạc miệng mỏng đi, khô miệng và loãng xương.

Niêm mạc miệng mỏng đi

Khi nồng độ estrogen giảm, niêm mạc miệng (lớp màng bao phủ khắp khoang miệng) sẽ trở nên mỏng đi. Điều này khiến cho bạn nhạy cảm hơn với cảm giác đau và dễ bị nhiễm trùng trong miệng hơn.

Khô miệng

Hoạt động của tuyến nước bọt phụ thuộc một phần vào sự cân bằng hormone.

Nồng độ estrogen thấp sẽ làm giảm hoạt động của tuyến nước bọt, dẫn đến giảm lượng nước bọt và kết quả là tình trạng khô miệng. Khô miệng không chỉ gây khó chịu và khó nuốt thức ăn mà còn có thể làm tăng nguy cơ sâu răng và các vấn đề khác như:

  • Nướu nhạy cảm
  • Loét miệng
  • Nhiễm trùng

Những vấn đề này đều có thể gây cảm giác đau nhức, khó chịu.

Loãng xương

Khi bước vào tuổi mãn kinh, phụ nữ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn do sự sụt giảm nồng độ estrogen. Loãng xương là tình trạng giảm mật độ khoáng chất trong xương. Điều này khiến cho xương trở nên suy yếu và dễ gãy.

Khi nhắc đến loãng xương, đa số mọi người thường chỉ nghĩ đến các xương lớn trên cơ thể như cột sống hay xương đùi nhưng trên thực tế, loãng xương có thể xảy ra ở cả các xương bên trong miệng như xương hàm. Chứng loãng xương có thể gây thoái hóa xương hàm, làm giảm kích thước nướu và dẫn đến mất răng.

Liệu pháp hormone thay thế có điều trị được các vấn đề về răng miệng do mãn kinh không?

Nếu bạn đang trong thời kỳ mãn kinh và gặp phải những vấn đề nghiêm trọng về răng miệng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên đi khám để được tư vấn giải pháp điều trị.

Liệu pháp hormone thay thế (hormone replacement therapy - HRT) là một giải pháp có thể giúp cải thiện nhiều triệu chứng mãn kinh. Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với liệu pháp hormone thay thế vì liệu pháp này có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như cục máu đông.

Mặc dù vậy nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng HRT có thể giúp khắc phục các vấn đề về răng miệng do mãn kinh. Một nghiên cứu đã chia 492 phụ nữ sau mãn kinh thành hai nhóm, một nhóm được điều trị loãng xương bằng các biện pháp như HRT hoặc thực phẩm chức năng trong khi nhóm còn lại không được điều trị.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người được điều trị bằng estrogen để phòng ngừa loãng xương có nguy cơ mắc bệnh viêm nha chu thấp hơn đáng kể (viêm nha chu là tình trạng nhiễm trùng nướu nghiêm trọng cũng có thể làm hỏng răng và xương hàm).

Tuy nhiên, như nghiên cứu trước đây đã chỉ ra, chưa có đủ bằng chứng để kết luận liệu HRT có phải là biện pháp hiệu quả để phòng ngừa các vấn đề về răng miệng do mãn kinh hay không.

Nếu bạn muốn thử liệu pháp hormone thay thế thì trước tiên nên trao đổi với bác sĩ.

Các nguyên nhân khác khiến răng nhạy cảm

Mặc dù sự thay đổi hormone có thể góp phần khiến răng nhạy cảm nhưng ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như:

  • Sâu răng
  • Tram răng bị mòn
  • Răng bị gãy
  • Mòn men răng
  • Bệnh về nướu
  • Hở chân răng

Tùy thuộc vào nguyên nhân, tình trạng răng nhạy cảm có thể được điều trị bằng các thủ thuật nha khoa như lấy tủy răng hoặc ghép nướu. Bạn cũng có thể sử dụng các loại kem đánh răng chống ê buốt để giảm các triệu chứng của răng nhạy cảm.

Cách phòng ngừa vấn đề về răng miệng

Mặc dù sự thay đổi nội tiết tố có thể dẫn đến những vấn đề về răng miệng nhưng các vấn đề về răng miệng không phải là không thể ngăn ngừa được.

Điều quan trọng là phải đi khám nha sĩ khi có bất kỳ sự thay đổi bất thường nào, chẳng hạn như khô miệng, răng thường xuyên ê buốt hoặc đau nhức. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị thích hợp. Phát hiện và điều trị từ sớm sẽ giúp ngăn ngừa những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Ngoài ra, bạn có thể ngăn ngừa các vấn đề về răng miệng bằng các cách sau đây:

  • Vệ sinh răng miệng cẩn thận
  • Đánh răng hai lần mỗi ngày
  • Dùng chỉ nha khoa một lần mỗi ngày
  • Khám răng định kỳ hai lần/năm
  • Sử dụng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm để bảo vệ dây thần kinh trong răng
  • Dùng xịt miệng hoặc nước súc miệng để giảm khô miệng
  • Uống bổ sung canxi hoặc vitamin D nếu chế độ ăn không có đủ các chất dinh dưỡng này

Một số thay đổi về thói quen sống cũng có thể giúp giữ cho răng và nướu khỏe mạnh, chẳng hạn như bỏ thuốc lá và hạn chế đồ ăn, đồ uống chứa nhiều đường. Nếu bị khô miệng thì bạn nên hạn chế tiêu thụ caffeine và đồ uống có cồn.

Tóm tắt bài viết

Sự thay đổi nội tiết tố, nhất là sự sụt giảm estrogen vào thời kỳ mãn kinh có thể gây ra nhiều vấn đề như thay đổi tâm trạng thất thường, mất ngủ, rụng tóc, da khô ráp, bốc hỏa, đổ mồ hôi và cả những vấn đề về răng miệng, gồm có khô miệng, viêm nướu, răng nhạy cảm, thay đổi vị giác…

Nếu không được điều trị, những tình trạng này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn.

Chăm sóc tốt cho răng miệng và thực hiện một số thay đổi về thói quen sống sẽ giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về răng miệng và cải thiện các triệu chứng mãn kinh khác. Nếu vấn đề về răng miệng không cải thiện sau khi thử các biện pháp khắc phục tại nhà, bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?
Tiền mãn kinh ảnh hưởng đến kinh nguyệt như thế nào?

Những thay đổi của thời kỳ tiền mãn kinh diễn ra không theo quy luật nên sẽ có ảnh hưởng đến sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng.

Vòng tránh thai nội tiết ảnh hưởng thế nào đến thời kỳ mãn kinh?
Vòng tránh thai nội tiết ảnh hưởng thế nào đến thời kỳ mãn kinh?

Rất nhiều phụ nữ còn chưa hiểu rõ về những gì có thể xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh sau khi đặt vòng tránh thai nội tiết. Một số người cho rằng khi đặt loại vòng tránh thai này thì các dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh sẽ không còn biểu hiện rõ hoặc vòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ cảm thấy dễ chịu hơn trong giai đoạn này. Liệu có đúng là như thế không?

Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?
Chế độ ăn ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng tiền mãn kinh?

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng lớn đến các triệu chứng tiền mãn kinh.

Mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến hội chứng buồng trứng đa nang?
Mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến hội chứng buồng trứng đa nang?

Khi đến tuổi mãn kinh, các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang vẫn tồn tại song song với các triệu chứng tiền mãn kinh. Vậy mãn kinh có ảnh hưởng gì đến bệnh lý này hay không?

Mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng và sự phát triển u xơ tử cung?
Mãn kinh ảnh hưởng thế nào đến các triệu chứng và sự phát triển u xơ tử cung?

U xơ tử cung là một vấn đề thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có thể hình thành trong thời kỳ mãn kinh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây