Mãn kinh ảnh hưởng như thế nào đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)?
Sự thay đổi nồng độ hormone gây tác động đến não. Trên thực tế, những thay đổi nội tiết tố vào thời kỳ mãn kinh cũng gây ra một số triệu chứng giống như ADHD, chẳng hạn như giảm khả năng tập trung, cáu gắt khó chịu và tâm trạng chán nản.
Hãy tiếp tục đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu cách phân biệt giữa các triệu chứng ADHD và triệu chứng mãn kinh cũng như những biện pháp làm giảm các triệu chứng.
ADHD thay đổi như thế nào trong giai đoạn tiền mãn kinh?
Tiền mãn kinh là khoảng thời gian trước khi mãn kinh. Ở giai đoạn này, nồng độ hormone có sự dao động. Mãn kinh chính thức diễn ra sau 12 tháng liên tục không có kinh nguyệt.
Trung bình, giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài khoảng 4 năm nhưng ở một số phụ nữ, giai đoạn này chỉ kéo dài vài tháng và cũng có những người mà giai đoạn tiền mãn kinh kéo dài đến 10 năm. Ở giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ estrogen giảm và chu kỳ kinh nguyệt trở nên thất thường.
Sự sụt giảm estrogen còn ảnh hưởng đến nồng độ các hóa chất khác trong cơ thể, bao gồm cả dopamine và serotonin, hai chất hóa học trong não có liên quan đến chứng rối loạn tăng động giảm chú ý.
Điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ADHD.
Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy sự sụt giảm nồng độ estrogen và progesterone trong giai đoạn tiền mãn kinh có thể khiến các triệu chứng ADHD trở nên nghiêm trọng hơn. (1)
Nghiên cứu này dựa trên trải nghiệm của những phụ nữ mắc chứng ADHD. Nhiều người chỉ có triệu chứng ADHD nhẹ ở độ tuổi 20 và 30 nhưng các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn khi bước sang tuổi 45.
Ở giai đoạn tiền mãn kinh, những người bị ADHD có thể gặp các triệu chứng mới hoặc các triệu chứng trước đây trở nên nặng hơn và khó kiểm soát hơn.
Sự thay đổi nội tiết tố ảnh hưởng như thế nào đến ADHD?
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự thay đổi nội tiết tố ở một số giai đoạn của cuộc đời, gồm có tuổi dậy thì, mang thai và mãn kinh có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng ADHD. Sự thay đổi nội tiết tố trong suốt chu kỳ kinh nguyệt cũng đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến cả triệu chứng ADHD và hiệu quả của thuốc kích thích điều trị ADHD. (2)
Trong nhiều trường hợp, phác đồ điều trị ADHD được điều chỉnh theo từng giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt do sự thay đổi nội tiết tố.
Khi nồng độ hormone trong cơ thể có sự dao động mạnh, chẳng hạn như trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, các chất hóa học trong não cũng sẽ thay đổi theo. Những thay đổi này có thể làm trầm trọng thêm các rối loạn tâm trạng, chẳng hạn như trầm cảm và lo âu.
Những chứng rối loạn này thường xảy ra cùng với ADHD và có thể tác động lẫn nhau. Chứng trầm cảm hoặc rối loạn lo âu có thể làm tăng nặng các triệu chứng ADHD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày.
Phân biệt triệu chứng ADHD và triệu chứng mãn kinh
ADHD có một số triệu chứng giống với triệu chứng mãn kinh. Ví dụ, khi bước vào thời kỳ mãn kinh, phụ nữ có thể gặp các triệu chứng về cảm xúc, tinh thần như:
- Thiếu tập trung
- Buồn bã
- Chán nản, thiếu động lực
- Bực bội, cáu gắt
- Căng thẳng
Các triệu chứng như thiếu tập trung khá giống với ADHD. Tuy nhiên, người bị ADHD còn có các triệu chứng khác như:
- Bồn chồn
- Dễ bị phân tâm
- Khó hoàn thành công việc
- Thường xuyên mắc lỗi
- Gặp khó khăn trong việc sắp xếp, tổ chức, lập kế hoạch
- Thường xuyên mất đồ
- Né tránh các nhiệm vụ đòi hỏi phải chú ý liên tục
- Quên làm những công việc cần thiết
- Lơ đãng khi trò chuyện
- Cảm xúc không ổn định
- Quản lý thời gian kém
Nhiều người bị ADHD không biết mình mắc chứng bệnh này và do đó không được điều trị.
Ở một số người, ADHD được phát hiện ở giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh do các triệu chứng tăng nặng và trở nên rõ rệt hơn. Các triệu chứng ở giai đoạn này ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày.
Nếu bạn nhận thấy những biểu hiện bất thường và không rõ đó là dấu hiệu mãn kinh hay triệu chứng của ADHD thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp.
Điều trị ADHD và triệu chứng mãn kinh
Không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn ADHD. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát các triệu chứng. Phương pháp điều trị ở mỗi ca bệnh là khác nhau vì còn tùy thuộc vào triệu chứng cụ thể, mức độ nghiêm trọng, bệnh sử và đáp ứng với các phương pháp điều trị đã thử trước đó. Các phương pháp chính để điều trị ADHD gồm có:
- Thuốc kích thích: Đây là phương pháp điều trị tiêu chuẩn cho chứng ADHD. Trong nhiều trường hợp, thuốc kích thích là giải pháp điều trị tốt nhất nhưng không phải ai bị ADHD cũng dung nạp tốt thuốc kích thích. Hơn nữa, thuốc kích thích có thể tương tác với các loại thuốc kê đơn khác.
- Thuốc không chứa chất kích thích: Thuốc không chứa chất kích thích cũng là một phương pháp điều trị ADHD. Những loại thuốc này gồm có một số thuốc chống trầm cảm và thuốc được bào chế riêng cho ADHD. Giống như thuốc kích thích, không phải ai bị ADHD cũng có thể dùng thuốc không chứa chất kích thích.
- Liệu pháp hormone: Liệu pháp estrogen là một cách hiệu quả để điều trị các triệu chứng mãn kinh. Liệu pháp này cũng có thể giúp kiểm soát một số triệu chứng ADHD.
- Trị liệu: Trị liệu giúp những người bị ADHD học cách kiểm soát các triệu chứng. Trị liệu còn có thể giúp cải thiện sự tự ti và những trở ngại về tâm lý khác do ADHD.
- Phương pháp điều trị bổ sung: Ngoài các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, người bị ADHD có thể thử thêm các phương pháp điều trị bổ sung như thực phẩm chức năng, trị liệu thần kinh cột sống, trị liệu thị giác và trị liệu cảm giác. Các nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu về hiệu quả của các phương pháp này đối với chứng ADHD. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp điều trị bổ sung nào.
Thay đổi thói quen sống để kiểm soát ADHD
Ngoài sử dụng thuốc và trị liệu, thay đổi thói quen lối sống cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng ADHD:
- Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc giúp nạp năng lượng cho cơ thể và giúp não bộ hoạt động tối ưu.
- Tập thể dục: Hoạt động thể chất sẽ giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
- Kiểm soát rối loạn tâm thần: Những người mắc ADHD cũng thường bị trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) và các rối loạn tâm thần khác. Kiểm soát những tình trạng này cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng ADHD.
- Các biện pháp thư giãn tinh thần như tập yoga hoặc thiền. Thư giãn tinh thần sẽ giúp làm giảm một số triệu chứng của ADHD.
- Ăn uống lành mạnh: ADHD có thể ảnh hưởng đến thói quen ăn uống và cảm giác thèm ăn. Người bị ADHD nên tập thói quen ăn uống lành mạnh. Hãy thử ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày với các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng.
- Duy trì tương tác xã hội: Thường xuyên trò chuyện với người thân, bạn bè và những người xung quanh sẽ có tác động tích cực đến chức năng não.
Tóm tắt bài viết
Sự thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng rối loạn tăng động giảm chú ý. Ở giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, nồng độ hormone estrogen sẽ giảm và điều này có thể khiến cho các triệu chứng ADHD trở nên trầm trọng hơn. Lúc này có thể cần phải điều chỉnh phác đồ điều trị. Các phương pháp điều trị ADHD gồm có thuốc kích thích, thuốc không chứa chất kích thích, trị liệu và thay đổi thói quen sống. Liệu pháp hormone thay thế cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng ADHD vào thời kỳ mãn kinh.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, gần như tất cả phụ nữ đều gặp phải những dấu hiệu, triệu chứng tiền mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi về đêm, thay đổi tâm trạng, cáu gắt, phiền muộn, khô âm đạo, giảm ham muốn tình dục và mệt mỏi.
Khi đến tuổi mãn kinh, các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang vẫn tồn tại song song với các triệu chứng tiền mãn kinh. Vậy mãn kinh có ảnh hưởng gì đến bệnh lý này hay không?
U xơ tử cung là một vấn đề thường xảy ra chủ yếu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng cũng có thể hình thành trong thời kỳ mãn kinh.
Sự thay đổi nội tiết tố, bao gồm cả những thay đổi xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh, có thể khiến cho các cơn đau nửa đầu tái phát.
Cây xô thơm (tên tiếng Anh là sage, tên khoa học là Salvia) là một loài thực vật thuộc họ Hoa môi (cùng họ với bạc hà). Có hơn 900 loại xô thơm khác nhau, một số loại được sử dụng làm gia vị nấu ăn và thuốc chữa bệnh.