Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là gì?
Suy giãn tĩnh mạch (varicose vein) là tình trạng các tĩnh mạch bị giãn rộng thường có màu xanh hoặc tím đen ở chân. Tình trạng này là do máu tích tụ trong tĩnh mạch khiến chúng bị phình ra. Từ “varicose” có nghĩa là bị sưng phình lên hoặc bị giãn rộng một cách bất thường.
Cùng với các tĩnh mạch bị suy giãn, thường có đường kính hơn 4 – 5 mm, cũng có 2 loại tĩnh mạch ở chân khác là tĩnh mạch mạng nhện và tĩnh mạch dạng lưới.
Tĩnh mạch mạng nhện là những tĩnh mạch nhỏ (dưới 1mm) như sợi chỉ có màu đỏ hoặc xanh thường tạo thành dạng nhánh hoặc mạng lưới (như cách gọi tên của nó).
Tĩnh mạch dạng lưới được gọi là những tĩnh mạch có kích thước trung bình trong số các tĩnh mạch chân, với kích cỡ từ 1 – 4mm chúng to hơn tĩnh mạch mạng nhện và nhỏ hơn các tĩnh mạch bị suy giãn.
Các tĩnh mạch mạng nhện và tĩnh mạch dạng lưới thường nằm gần bề mặt da hơn so với những tĩnh mạch bị suy giãn, nhưng chúng không nhô lên trên bề mặt da. Nếu bạn có những loại tĩnh mạch này cùng với các tĩnh mạch bị suy giãn thì việc điều trị các tĩnh mạch lớn trước có thể sẽ loại bỏ được cả những tĩnh mạch nhỏ hơn.
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch phát triển khi các van nhỏ nằm bên trong những mạch máu trở nên suy yếu hoặc bị hư hỏng. Ở một tĩnh mạch khỏe mạnh, một loạt các van một chiều sẽ mở ra khi máu lưu thông về tim và sau đó đóng lại để ngăn không cho máu chảy ngược lại.
Nếu những van này không hoạt động tốt, máu có thể chảy ngược lại và tích tụ trong tĩnh mạch (tình trạng này theo y khoa được gọi là chứng suy tĩnh mạch hoặc trào ngược tĩnh mạch). Theo bác sĩ Tâm, van tĩnh mạch được coi là khỏe mạnh khi chúng hoạt động như van một chiều, và được coi là suy yếu khi hoạt động như van hai chiều (giống như những cánh cửa đóng mở 2 chiều). Cuối cùng tĩnh mạch bị tích tụ máu sẽ sưng lên và bắt đầu giãn phình ra hoặc xoắn lại. Suy giãn tĩnh mạch thường xảy ra nhất ở chân, nơi có máu ở xa tim nhất.
Mặc dù đàn ông cũng có thể gặp phải tình trạng này nhưng thường chủ yếu gặp ở phụ nữ vì hormone nữ giới được biết là có khả năng làm suy yếu tĩnh mạch. Thường thì phụ nữ lần đầu tiên phát triển các tĩnh mạch suy giãn là trong quá trình mang thai (một phần vì nồng độ nội tiết tố nữ cao có thể làm suy yếu tĩnh mạch) sau đó chúng thường sẽ biến mất. Những tĩnh mạch suy giãn này cũng liên quan đến thuốc tránh thai.
Ngoài ra tình trạng này còn liên quan đến yếu tố di truyền. Không hiếm trường hợp bệnh nhân có tiền sử gia đình nhiều người giãn tĩnh mạch do hội chứng suy tĩnh mạch đã phát triển các tĩnh mạch bị suy giãn ở độ tuổi còn rất trẻ. Bệnh nhân trẻ nhất mà bác sĩ từng điều trị mới 8 tuổi.
Tình trạng lão hóa và béo phì cũng có thể gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch của bạn, khiến chúng phải hoạt động vất vả hơn và tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch.
Công việc phải đứng nhiều và phơi nắng quá nhiều cũng là các yếu tố nguy cơ khác gây suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên hiện tại cũng không ít người bị mắc căn bệnh này, do đó bạn không cần phải cảm thấy mình đơn độc, hơn nữa, hiện cũng có nhiều phương pháp điều trị mới ngày càng dễ dàng hơn cho bệnh nhân, với ít hoặc không cần thời gian nghỉ dưỡng.
Khi nào cần điều trị suy giãn tĩnh mạch
Nếu tĩnh mạch suy giãn không làm phiền đến bạn (trừ vẻ ngoài của nó) thì có lẽ không cần điều trị. Mặc dù vậy đôi khi những người bị suy tĩnh mạch có cảm giác đau đớn hoặc nặng nề và mệt mỏi do áp lực tăng lên. Trong giai đoạn nặng nề hơn, tình trạng sưng phình ở tĩnh mạch bị suy giãn còn có thể gây đổi màu da, loét da, hình thành cục máu đông và các vấn đề khác.
Đừng đợi quá lâu rồi mới điều trị chúng. Điều trị tĩnh mạch bị suy giãn khi mới bắt đầu nhìn thấy sẽ giúp duy trì chúng ở kích thước nhỏ. Theo thời gian sẽ có những tĩnh mạch suy giãn mới tiếp tục hình thành và những cái cũ thường trở nên nổi bật phình lên rõ hơn.
Tuy nhiên tin tốt đối với tĩnh mạch ở chân đó là, chúng thường xuất hiện trong những mạch máu không cần thiết cho cơ chế hoạt động khỏe mạnh của cơ thể. Lưu lượng máu thường chảy qua những mạch máu này có thể được chuyển hướng qua các mạch máu khác, điều này có nghĩa là có thể loại bỏ chúng một cách an toàn bằng kỹ thuật phù hợp.
Tốt nhất bạn nên có được sự giúp đỡ của một bác sĩ thực hiện điều trị tĩnh mạch như một công việc thường xuyên của họ. Nhiều bác sĩ bao gồm cả bác sĩ da liễu, chuyên gia về tĩnh mạch học (các chuyên gia về tĩnh mạch chân) và bác sĩ phẫu thuật mạch máu sẽ điều trị các tĩnh mạch nông. Đối với những tĩnh mạch lớn hơn, các bác sĩ phẫu thuật mạch máu, chuyên gia về tĩnh mạch học và một số bác sĩ da liễu cần có chuyên môn đặc biệt.
Bác sĩ có thể sẽ bắt đầu với việc test thử bằng cách dùng thiết bị siêu âm hoặc các thiết bị tinh vi hơn để kiểm tra những thay đổi cho thấy có các vấn đề ở van tĩnh mạch. Việc này sẽ xác định được những tĩnh mạch nào đang không hoạt động đúng cách và cách điều trị chúng. Đồng thời cũng xác định được có bao nhiêu mạch máu cần điều trị.
Không phải cứ tĩnh mạch nào nổi lên cũng là tĩnh mạch bị suy giãn. Ví dụ, tĩnh mạch hiển lớn, là tĩnh mạch dài chạy từ háng xuống đến mắt cá chân, có thể cũng hơi nổi lên ở một số người. Ở mắt cá chân, thường sẽ nhìn thấy tĩnh mạch này khi đứng và mờ hơn khi nằm. Tĩnh mạch này chứa nhiều van và có thể bị suy giãn nếu van hoạt động sai chức năng. Nếu bạn không có bất kỳ tĩnh mạch nào khác bị suy giãn nổi phồng lên và vấn đề duy nhất là nhìn thấy tĩnh mạch này nổi lên ở mắt cá chân thì có lẽ tĩnh mạch đó hoàn toàn bình thường (không bị suy giãn). Nói thì nói vậy nhưng nhiều bác sĩ vẫn khuyên bệnh nhân nên đi kiểm tra nếu thấy có bất kỳ tĩnh mạch nào ở quanh mắt cá chân bị nổi phồng lên.
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch tốt nhất
Dưới đây là những phương pháp mà nhiều bác sĩ và bệnh nhân đánh giá là tốt nhất trong việc loại bỏ tĩnh mạch suy giãn. Một chuyên gia về tĩnh mạch có thể đề xuất kế hoạch điều trị hiệu quả nhất cho bạn.
Tiêm xơ tĩnh mạch
Tiêm xơ tĩnh mạch là phương pháp tiêm một dung dịch trực tiếp vào các tĩnh mạch bị phình giãn. Dung dịch này sẽ kích thích thành tĩnh mạch dẫn đến hiện tượng hình thành sẹo trong tĩnh mạch. Một khi đã hình thành sẹo, tĩnh mạch sẽ không thể chứa máu, điều này khiến nó sụp đổ và bị hấp thụ. Máu sau đó sẽ được chuyển hướng sang các tĩnh mạch khỏe hơn. Tuy nhiên tiêm xơ tĩnh mạch chỉ điều trị được các tĩnh mạch nhỏ bị suy giãn, và có thể mất 2 đến 3 phiên điều trị mới loại bỏ hoàn toàn được chúng.
Asclera là một dung dịch dạng tiêm được sử dụng trong tiêm xơ tĩnh mạch, trong khi đó Varithena là sản phẩm dạng bọt duy nhất được FDA phê duyệt chuyên sử dụng để làm giảm tình trạng suy giãn tĩnh mạch và bệnh trào ngược tĩnh mạch. Varithena điều trị hiệu quả nhất cho những tĩnh mạch ở phía dưới đầu gối hoặc những tĩnh mạch bị xoắn.
Với quy trình thực hiện ở ngay tại phòng khám này, bệnh nhân sẽ không cần gây tê. Bác sĩ dùng một kim tiêm cỡ nhỏ hoặc một ống thông để tiêm thuốc gây xơ cứng vào một số vị trí của tĩnh mạch. Mũi kim đâm vào sẽ khiến bệnh nhân cảm giác đau nhói và một phần dung dịch đi vào sẽ gây nóng rát.
Sau đó bác sĩ có thể matxa vùng điều trị và yêu cầu bạn đi lại trong 30 phút để kích thích lưu thông và phân tán đều dung dịch tiêm xơ. Cần đi vớ nén trong 2 đến 3 tuần nhưng bạn có thể đi làm trở lại và tham gia hầu hết các hoạt động vào ngay ngày hôm sau.
Bạn có thể thấy kết quả trong vài tuần hoặc cũng có thể mất vài tháng mới thấy.
Keo VENASEAL
Keo sinh học VenaSeal là một trong những lựa chọn mới nhất để điều trị giãn tĩnh mạch. Trong quy trình nhanh chóng chỉ kéo dài 30 phút này, bác sĩ sẽ đưa một ống thông qua da để tiêm một lượng nhỏ keo y tế vào nhằm “đóng” tĩnh mạch bị suy giãn lại. Sau đó máu sẽ được chuyển hướng sang các tĩnh mạch khỏe mạnh khác.
Theo bác sĩ Tâm, so với các quy trình tác dụng nhiệt thì VenaSeal ít gây đau đớn và ít gây chấn thương cũng như bầm tím hơn, điều này khiến bệnh nhân đỡ khó chịu hơn và cần ít thời gian hồi phục hơn.
Bệnh nhân chỉ phải chịu đau khi tiêm một mũi để gây tê ở vị trí mà bác sĩ sẽ chèn thiết bị vào (so với 3 đến 5 mũi ở kỹ thuật laser nội tĩnh mạch EVLT)
Đối với những người ám ảnh kim tiêm thì VenaSeal chính là phương pháp tuyệt vời để chọn lựa. Nếu không thì, bác sĩ Tâm vẫn khuyến cáo nên chọn lasrer nội tĩnh mạch.
Phương pháp này không yêu cầu bệnh nhân phải đi vớ nén sau khi điều trị và thường cần rất ít hoặc không cần thời gian nghỉ dưỡng. Kết quả sẽ cải thiện dần dần trong vài tuần.
Lựa chọn dùng “keo siêu dính” này là một phương pháp tuyệt vời mà nhiều bệnh nhân rất yêu thích vì họ không phải đi vớ nén nhiều. VenaSeal điều trị phù hợp nhất cho các tĩnh mạch lớn, sâu và thẳng.
Tuy nhiên có một nhược điểm: VenaSeal có nguy cơ cao gây viêm tĩnh mạch sau điều trị - một tình trạng viêm gây đau đớn ở một số tĩnh mạch nhánh.
Điều trị suy giãn tĩnh mạch thường được bảo hiểm hỗ trợ chi trả nhưng với keo VenaSeal thì không.
Laser nội tĩnh mạch (EVLT)
Laser nội tĩnh mạch EVLT là một thủ thuật ngoại trú nhanh chóng sử dụng nhiệt từ laser hoặc năng lượng tần số vô tuyến để chặn để chặn không cho máu chảy qua tĩnh mạch bị suy giãn nữa. Dòng máu lưu thông sẽ được chuyển hướng sang các tĩnh mạch khỏe mạnh khác và tĩnh mạch bị suy giãn sau khi được điều trị sẽ co lại.
Quy trình này mất khoảng 1 giờ đồng hồ, thường được thực hiện dưới hình thức gây tê tại chỗ để làm tê vùng điều trị và cần 1 đường rạch nhỏ (1mm). Sau đó bệnh nhân sẽ đi vớ nén và đi lại xung quanh trong ít nhất 20 phút để tăng lưu thông máu và giảm bầm tím hoặc sưng nề. Các bác sĩ thường đề nghị đi vớ nén trong vài tuần để hỗ trợ lưu thông và giảm sưng bầm.
Đau sau phẫu thuật ở mức nhẹ đến trung bình và thường có thể được kiểm soát bằng thuốc không kê đơn. Hầu hết các bệnh nhân đều tiếp tục hoạt đồng bình thường ngay sau đó.
Theo bác sĩ Tâm, EVLT có một hồ sơ theo dõi ghi nhận thành công trong suốt thời gian dài cũng như có tỉ lệ thành công tuyệt vời về lâu dài.
Một số người nói rằng phương pháp này không hiệu quả với họ hoặc họ đã gặp phải các biến chứng kéo dài như cảm giác châm chích như kim đâm hoặc nóng rát.
Tuy nhiên hầu hết bệnh nhân đều báo cáo các triệu chứng cải thiện rõ rệt trong 1 đến 2 tuần sau điều trị cũng như không để lại sẹo, bầm tím hoặc sưng. Kết quả đầy đủ có thể mất 1 năm mới thấy được.
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch khác có thể xem xét
Có hai phương pháp không phổ biến bằng tiêm xơ tĩnh mạch đó là: cắt bỏ tĩnh mạch (phlebectomy ) và phương pháp lột bỏ tĩnh mạch tripping, cả hai đều thuộc dạng phẫu thuật
- Phẫu thuật lột bỏ tĩnh mạch (tripping) thường được thực hiện để điều trị tình trạng giãn tĩnh mạch nặng. Quy trình này sẽ tiến hành phẫu thuật cắt bỏ tĩnh mạch hiển của bạn – là tĩnh mạch chính nông ở chân và là khu vực thường bị trào ngược tĩnh mạch nhất. Các đường rạch sẽ được đặt ở vùng háng, đầu gối và mắt cá chân. Qua những đường rạch này, bác sĩ sẽ thắt tĩnh mạch hiển lại ở tại hoặc phía dưới điểm nối với tĩnh mạch sâu và dùng một sợi dây đúng theo nghĩa đen để lột tĩnh mạch hiển này xuống đến tận mắt cá chân.
- Phương pháp cắt bỏ tĩnh mạch ngoại trú (Ambulatory phlebectomy) sử dụng một dao mổ hoặc mũi kim nhỏ để cắt bỏ các tĩnh mạch bị suy giãn nằm ở ngay dưới bề mặt da. Quy trình này sẽ được thực hiện qua các đường rạch nhỏ. Vì các tĩnh mạch được loại bỏ sẽ bị xẹp đi trong quá trình thực hiện nên ngay cả những tĩnh mạch khá lớn cũng thường được loại bỏ bằng phương pháp này. Chính việc tĩnh mạch bị xẹp trước khi được kéo ra khiến cho phương pháp này trở nên ít xâm lấn hơn nhiều so với phương pháp phẫu thuật lột bỏ tĩnh mạch truyền thống (tripping).
Kết quả điều trị giãn tĩnh mạch giữ được trong bao lâu?
Tỉ lệ thành công về lâu dài trong việc đóng các tĩnh mạch hoạt động sai chức năng khác nhau ở mỗi bệnh nhân, dao động từ 80 đến hơn 99%, tùy thuộc vào kỹ thuật sử dụng cũng như kinh nghiệm của bác sĩ thực hiện. Tiếc là điều này cũng không ngăn chặn được các tĩnh mạch khác bị suy giãn trong tương lai.
Cách ngăn ngừa giãn tĩnh mạch?
Trào ngược tĩnh mạch là một tình trạng mạn tính nhưng những thay đổi lối sống dưới đây có thể giúp ngăn ngừa các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch quay trở lại:
- Đi vớ nén (tất ép): loại tất này sẽ tạo mức áp lực khác nhau vào các phần khác nhau của chân và bàn chân, có thể giúp duy trì máu chảy về tim.
- Giữ cân nặng khỏe mạnh. Thừa cân sẽ gây thêm áp lực lên các tĩnh mạch ở chân.
- Di chuyển nhiều. Hoạt động sẽ giúp cải thiện lưu thông máu và làm săn chắc cơ chân, điều này giúp bơm máu về tim
- Nâng cao chân. Gác chân cao hơn tim vài lần một ngày, mỗi lần 15 phút có thể giúp hạn chế tích tụ máu ở các tĩnh mạch chân.
Suy giãn tĩnh mạch và tĩnh mạch mạng nhện ở chân
Suckhoe123 cung cấp mã trợ giá trị suy giãn tĩnh mạch chân còn 10.9 triệu bằng laser nội tĩnh mạch (giá gốc 24 triệu), thực hiện tại các bệnh viện uy tín.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch. Vấn đề này có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng chủ yếu là phụ nữ bắt đầu từ độ tuổi sinh sản. Suy giãn tĩnh mạch là một vấn đề rất phổ biến.
Nhiều người vẫn cho rằng giãn tĩnh mạch cần phẫu thuật mới có thể điều trị được. Tuy nhiên, hiện nay đã có nhiều giải pháp không cần phẫu thuật, xâm lấn tối thiểu có thể xử lý vấn đề này một cách dễ dàng.
Suy giãn tĩnh mạch không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn có thể tạo cảm giác khó chịu. Các mạch máu phình to sẽ đi kèm triệu chứng đau nhức, sưng phù, căng tức và chuột rút, đặc biệt là vào cuối ngày sau khi đã phải đứng, ngồi trong thời gian dài.
- 6 trả lời
- 1918 lượt xem
Tôi đang dùng tất nén y tế nhưng hình như tình trạng giãn tĩnh mạch càng trở nên nặng hơn. Tôi cảm giác tĩnh mạch của tôi đang đến gần bề mặt da với tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước đây. Tôi phải làm gì?
- 5 trả lời
- 1678 lượt xem
Quần áo bó sát có làm giãn tĩnh mạch hoặc tĩnh mạch mạng nhện không?
- 8 trả lời
- 2067 lượt xem
Da của tôi khá trắng và tôi đã thử điều trị bằng liệu pháp IPL nhưng không có hiệu quả. Không biết có phải do chuyên viên đã chọn nhầm chế độ thiết lập hay do da tôi quá dày và cần loại laser mạnh hơn. Tôi muốn tìm một phương pháp có thời gian hồi phục ngắn nhất có thể.
- 9 trả lời
- 1896 lượt xem
Tôi cần chọn phương pháp nào để xử lý các đường tĩnh mạch mạng nhện đỏ bắt đầu xuất hiện xung quanh mũi?
- 7 trả lời
- 1802 lượt xem
Tôi có các đường tĩnh mạch màu xanh nổi rõ ở bắp chân (không phải giãn tĩnh mạch). Phương pháp nào có thể điều trị tình trạng này hiệu quả nhất?