1

Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là gì?

Viêm khớp nhiễm khuẩn hay viêm khớp sinh mủ (Infectious arthritis) là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp. Chất dịch này được gọi là chất lỏng hoạt dịch hay dịch khớp. Tình trạng nhiễm trùng thường bắt đầu ở một vị trí khác của cơ thể và lây lan qua dòng máu đến mô khớp. Vi khuẩn hay virus cũng có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết mổ phẫu thuật, vết thương hở hoặc tiêm.

Viêm khớp nhiễm khuẩn thường chỉ xảy ra ở một khớp, chủ yếu là các khớp lớn như đầu gối, hông hoặc vai. Trẻ em, người lớn tuổi và những người sử dụng chất kích thích là những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Các triệu chứng thường gặp

Tùy từng độ tuổi và các loại thuốc điều trị đang dùng mà viêm khớp nhiễm khuẩn sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau nhưng thường gặp nhất là:

  • Cơn đau dữ dội
  • Sưng khớp
  • Nóng đỏ xung quanh khớp
  • Sốt
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Vùng ảnh hưởng bị suy yếu
  • Mất cảm giác thèm ăn
  • Nhịp tim đập nhanh
  • Hay cáu gắt

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm khớp nhiễm khuẩn gồm có:

  • Bị các vấn đề về khớp như viêm khớp, bệnh gút hoặc lupus ban đỏ
  • Từng phẫu thuật khớp
  • Có vấn đề về da
  • Có vết thương hở
  • Lạm dụng chất kích thích hoặc rượu bia
  • Đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch
  • Hệ miễn dịch suy yếu
  • Bị ung thư
  • Hút thuốc lá
  • Mắc bệnh tiểu đường

Chẩn đoán viêm khớp nhiễm khuẩn

Bác sĩ sẽ thăm khám khớp và yêu cầu bạn mô tả chi tiết các triệu chứng. Nếu nghi ngờ bạn bị viêm khớp nhiễm khuẩn thì bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm bổ sung.

Chọc hút dịch khớp gối là phương pháp xét nghiệm thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh này. Bác sĩ sẽ dùng kim tiêm đưa vào khớp có vấn đề để hút ra một lượng nhỏ chất lỏng hoạt dịch (dịch khớp). Mẫu dịch được phân tích màu sắc, độ đặc, sự hiện diện của tế bào bạch cầu cùng với vi khuẩn. Kết quả có được từ xét nghiệm này sẽ cho biết bạn có bị nhiễm trùng ở khớp hay không và nếu có thì là do nguyên nhân nào gây ra.

Xét nghiệm máu cũng là một cách để kiểm tra số lượng tế bào bạch cầu và để kiểm tra xem có vi khuẩn trong máu hay không. Kết quả xét nghiệm sẽ giúp xác định mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm trùng.

Ngoài ra cũng cần đến các phương pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây để phát hiện nhiễm trùng và kiểm tra xem khớp có bị tổn thương hay không:

  • Chụp X-quang
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan)
  • Xạ hình xương

Điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn

Dùng thuốc theo đơn

Viêm khớp nhiễm khuẩn do vi khuẩn gây ra thường được bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng sinh. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ biết được loại vi khuẩn có trong khớp và kê loại kháng sinh phù hợp. Tình trạng nhiễm trùng cần được điều trị kịp thời và tích cực để ngăn ngừa thoái hóa khớp và tổn thương khớp. Đôi khi, bác sĩ sẽ chỉ định truyền kháng sinh qua đường tĩnh mạch. Phương pháp này cho hiệu quả điều trị nhiễm trùng nhanh hơn so với kháng sinh đường uống. Đa số bệnh nhân đều nhận thấy các triệu chứng bắt đầu dịu đi chỉ trong vòng 48 tiếng sau lần điều trị kháng sinh đầu tiên.

Có thể bác sĩ sẽ kê cả thuốc kháng sinh đường uống để điều trị nhiễm trùng. Các loại thuốc kháng sinh đường uống điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn thường được sử dụng trong từ 6 - 8 tuần, bạn cần phải dùng đủ liều và đủ thời gian theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối đa.

Trong trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn là do nấm gây ra thì sẽ cần dùng thuốc chống nấm thay cho kháng sinh.

Còn nếu viêm khớp nhiễm khuẩn là do virus thì không cần dùng thuốc.

Loại bỏ dịch khớp gối

Nhiều người bị viêm khớp nhiễm khuẩn cần phải loại bỏ dịch khớp gối để giảm sưng đau và ngăn khớp bị tổn thương nghiêm trọng thêm. Dịch khớp thường được loại bỏ bằng kỹ thuật nội soi, bằng phương pháp phẫu thuật qua đường mổ hở hoặc bằng kim tiêm.

Với kỹ thuật nội soi, bác sĩ sẽ rạch một vài đường nhỏ quanh vùng khớp có vấn đề và đưa một ống nhỏ có gắn camera vào. Dựa trên hình ảnh từ camera, bác sĩ sẽ di chuyển ống để đưa dịch khớp bị nhiễm trùng ra ngoài. Sau đó, ống nội soi được rút ra, đưa ống dẫn lưu vào và giữ nguyên trong khớp để giữ cho khớp không bị sưng trở lại. Sau một vài ngày ống dẫn lưu này cũng sẽ được tháo bỏ.

Đôi khi, bác sĩ chỉ cần dùng kim tiêm để loại bỏ chất dịch bị nhiễm trùng mà không cần phẫu thuật. Thủ thuật này được gọi là chọc hút dịch khớp gối và thường phải thực hiện lặp lại trong vài ngày để đảm bảo dịch đã được loại bỏ hết.

Các phương pháp điều trị khác

Hầu hết các trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn đều cần phẫu thuật, chẳng hạn như nội soi khớp hoặc phẫu thuật qua đường mổ hở để làm sạch khớp. Đôi khi, phẫu thuật còn là giải pháp cần thiết để loại bỏ đi phần khớp bị hỏng hoặc thay thế khớp, nhưng các phương pháp này chỉ được thực hiện sau khi đã điều trị khỏi nhiễm trùng.

Các phương pháp điều trị nhiễm trùng thường được kết hợp với các biện pháp giảm đau như:

  • Dùng thuốc chống viêm không steroid
  • Để khớp bị viêm được nghỉ ngơi, không hoạt động
  • Nẹp khớp
  • Vật lý trị liệu

Triển vọng của người bị viêm khớp nhiễm khuẩn

Nếu viêm khớp nhiễm khuẩn được phát hiện sớm và điều trị tích cực, rất có thể bạn sẽ thấy các triệu chứng có sự cải thiện đáng kể ngay trong vòng 48 giờ sau khi bắt đầu điều trị. Mặt khác, nếu không được điều trị thì sẽ gây tổn thương khớp vĩnh viễn. Nếu thấy hiện tượng khớp bị đau hoặc sưng thì cần đi khám càng sớm càng tốt.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: triệu chứng
Tin liên quan
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Đau cơ xơ hóa: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị

Đau cơ xơ hóa là bệnh lý gây đau tại nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể.

Ăn trứng có ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm khớp không?
Ăn trứng có ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm khớp không?

Một số người cho rằng ăn trứng có thể khiến cho các triệu chứng viêm khớp nặng thêm. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Tác động của trứng đến triệu chứng viêm khớp còn phụ thuộc vào tình trạng dị ứng hoặc không dung nạp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây