1

Bệnh Xương Khớp

Viêm khớp là gì và các loại viêm khớp

Viêm khớp là tình trạng các khớp xương bị viêm và suy yếu. Đến nay các nhà khoa học đã phát hiện ra hơn 100 loại viêm khớp khác nhau.

Mỗi loại lại là do một nguyên nhân khác nhau gây nên và cũng được điều trị bằng các phương pháp không giống nhau.

Để tìm ra phương pháp điều trị và kiểm soát bệnh tốt nhất thì trước tiên cần phải xác định loại viêm khớp mà bạn đang mắc phải. Dưới đây là một số loại viêm khớp phổ biến và sự khác biệt.

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp (Osteoarthritis – OA), hay còn được gọi là viêm xương khớp, là loại viêm khớp phổ biến nhất.

Khi bị thoái hóa khớp, sụn trong khớp bị phá hủy, làm hai đầu xương cọ xát với nhau, khiến cho khớp bị viêm, tổn hại cấu trúc xương và thậm chí còn hình thành gai xương.

Thoái hóa khớp có thể chỉ xảy ra ở một, hai khớp hoặc nhiều khớp trong cơ thể. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này là tuổi tác cao, béo phì, từng bị chấn thương, tiền sử gia đình mắc bệnh và thường xuyên vận động khớp quá mức. Các triệu chứng thường gặp khi bị thoái hóa khớp gồm có:

  • Khớp xương đau nhức
  • Cứng khớp vào buổi sáng
  • Giảm khả năng phối hợp hoạt động

Để chẩn đoán thoái hóa khớp, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử và tiến hành thăm khám lâm sàng. Sau đó chụp X-quang và làm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Ngoài ra có thể còn phải xét nghiệm dịch khớp để kiểm tra nhiễm trùng.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (Rheumatoid arthritis – RA) là một loại bệnh tự miễn, trong đó cơ thể tự tấn công các mô khớp khỏe mạnh. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn nhiều so với nam giới.

Các triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp gồm có cứng khớp vào buổi sáng và đau khớp mà thường là đau tại cùng một vị trí khớp ở cả hai bên cơ thể, cuối cùng có thể bị biến dạng khớp.

Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp còn đi kèm các triệu chứng xảy ra ở các bộ phận khác trong cơ thể như tim, phổi, mắt hoặc da. Một vấn đề rất thường gặp ở những người bị viêm khớp dạng thấp là hội chứng Sjogren, gây ra khô mắt và miệng nghiêm trọng.

Các triệu chứng khác còn có:

  • Khó ngủ
  • Xuất hiện các nốt thấp – nốt chắc, không đau ở dưới da, gần các khớp, như khuỷu tay, có chứa các tế bào viêm
  • Cảm giác tê, ấm, nóng rát và châm chích ở tay, chân

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Không có bất kỳ phương pháp đơn lẻ nào có thể xác định viêm khớp dạng thấp. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ phải lấy bệnh sử, tiến hành thăm khám lâm sàng, chụp X-quang và các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác. Ngoài ra còn cần đến các phương pháp xét nghiệm như:

  • Xét nghiệm RF (yếu tố dạng thấp)
  • Xét nghiệm anti-CCP
  • Công thức máu
  • Xét nghiệm CRP (Protein phản ứng C)
  • Xét nghiệm ESR (tốc độ máu lắng)

Những xét nghiệm này giúp xác định cơ thể có phản ứng tự miễn và viêm toàn thân hay không.

Viêm khớp thiếu niên

Viêm khớp thiểu niên (Juvenile arthritis) là một thuật ngữ chung cho một số loại viêm khớp xảy ra ở độ tuổi thiếu niên mà loại phổ biến nhất là viêm khớp tự phát thiếu niên hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên. Đây là một nhóm các bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp.

Viêm khớp tự phát thiếu niên bắt đầu xảy ra ở trẻ dưới 16 tuổi và có thể gây:

  • Co thắt cơ và mô mềm
  • Bào mòn xương
  • Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng
  • Sai khớp

Một trong các dấu hiệu của viêm khớp tự phát thiếu niên là tình trạng đau, sưng, cứng khớp, mệt mỏi và sốt kéo dài trong suốt nhiều tháng liền.

Ngoài ra còn các loại ít gặp hơn của viêm khớp thiếu niên:

  • Viêm da cơ thiếu niên
  • Lupus thiếu niên
  • Xơ cứng bì thiếu niên
  • Bệnh Kawasaki
  • Bệnh mô liên kết hỗn hợp

Viêm cột sống

Viêm cột sống dính khớp (Ankylosing spondylitis) và các loại viêm cột sống khác là các bệnh tự miễn tấn công vào vị trí mà gân và dây chằng bám vào xương. Các triệu chứng gồm có đau và cứng khớp, đặc biệt là ở lưng dưới.

Viêm cột sống dính khớp là dạng phổ biến nhất trong số các loại viêm cột sống và mặc dù cột sống là vùng thường bị ảnh hưởng nhiều nhất nhưng ngoài ra căn bệnh này còn ảnh hưởng cả đến cả các khớp xương khác trong cơ thể.

Các loại viêm cột sống khác còn phá hủy cả các khớp ngoại biên, chẳng hạn như các khớp ở bàn tay và bàn chân. Ở người bị viêm cột sống dính khớp, các đầu xương dính lại với nhau, gây biến dạng cột sống, rối loạn chức năng của vai và hông.

Viêm cột sống dính khớp là do di truyền. Hầu hết những người bị bệnh này đều mang gen HLA-B27. Bệnh này cũng phổ biến ở nam giới hơn so với nữ giới.

Các bệnh viêm khớp khác cũng do gen HLA-B27 còn có:

  • Viêm khớp phản ứng, trước đây được gọi là hội chứng Reiter
  • Viêm khớp vẩy nến
  • Viêm màng bồ đào trước cấp tính
  • Viêm cột sống dính khớp thiếu niên

Bệnh lupus ban đỏ

Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus) là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp và nhiều loại mô liên kết trong cơ thể. Bệnh này có thể làm tổn hại đến các cơ quan như:

  • Da
  • Phổi
  • Thận
  • Tim
  • Não

Lupus ban đỏ phổ biến ở phụ nữ hơn là nam giới, đặc biệt là ở người châu Á. Các triệu chứng thường gặp là đau và sưng khớp.

Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:

  • Đau ngực
  • Người mệt mỏi
  • Sốt
  • Khó chịu
  • Rụng tóc
  • Loét miệng
  • Phát ban trên da mặt
  • Nhạy cảm với ánh sáng mặt trời
  • Sưng hạch bạch huyết

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng cũng sẽ nặng hơn. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống ảnh hưởng đến mỗi người theo một cách khác nhau, nhưng nên bắt đầu điều trị nó càng sớm càng tốt để kiểm soát tình trạng bệnh.

Bệnh gút

Bệnh gút hay gout là một dạng viêm khớp do sự tích tụ tinh thể urat bên trong khớp gây nên. Nồng độ axit uric cao trong máu là một dấu hiệu chỉ ra nguy cơ mắc bệnh gút.

Tuổi tác, chế độ ăn uống, thói quen uống rượu và tiền sử gia đình đều là những yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh.

Gút khiến cho người bệnh vô cùng đau đớn. Mặc dù căn bệnh này tác động đến nhiều khớp khác nhau trong cơ thể nhưng khớp ở gốc ngón chân là vị trí thường bị ảnh hưởng nhiều nhất. Khi bị gút, người bệnh sẽ thấy hiện tượng sưng đỏ và đau dữ dội ở:

  • Ngón chân cái
  • Bàn chân
  • Mắt cá chân
  • Đầu gối
  • Bàn tay
  • Cổ tay

Khi bị cơn gút cấp, người bệnh sẽ gặp phải cơn đau khớp dữ dội kéo dài trong suốt vài giờ nhưng cơn đau có thể còn tiếp tục âm ỉ trong vài ngày đến vài tuần. Bệnh gút sẽ tiến triển nặng dần theo thời gian.

Tìm hiểu thêm về các triệu chứng của bệnh gút

Viêm khớp nhiễm khuẩn và viêm khớp phản ứng

Viêm khớp nhiễm khuẩn (Infectious arthritis) là một bệnh do nhiễm trùng ở bên trong khớp, gây đau đớn và sưng khớp. Nguyên nhân gây nhiễm trùng có thể là do vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng hoặc nấm. Tình trạng này có thể bắt đầu tại một bộ phận khác của cơ thể và dần lan đến các khớp xương. Loại viêm khớp này thường đi kèm với triệu chứng sốt và cảm giác ớn lạnh.

Viêm khớp phản ứng (Reactive arthritis) xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng ở một bộ phận trong cơ thể gây rối loạn chức năng hệ miễn dịch và viêm khớp tại một vị trí khác. Nhiễm trùng thường xảy ra ở đường tiêu hóa, bàng quang hoặc cơ quan sinh dục.

Để chẩn đoán các loại viêm khớp này, người bệnh sẽ cần xét nghiệm máu, nước tiểu và dịch khớp.

Viêm khớp vảy nến

Có đến 30% những người bị bệnh vẩy nến đều mắc bệnh viêm khớp vẩy nến (psoriatic arthritis - PsA).

Các khớp ngón tay là vị trí bị viêm khớp vảy nến phổ biến nhất nhưng tình trạng này còn ảnh hưởng đến cả các khớp khác nữa. Các triệu chứng thường gặp là ngón tay sưng đỏ và móng tay bị rỗ, tách khỏi ngón tay hoặc xuất hiện đốm trắng.

Bệnh sẽ tiến triển và ảnh hưởng đến cả cột sống, gây ra những tổn hại tương tự như viêm cột sống dính khớp.

Nếu bạn bị bệnh vẩy nến thì khả năng cao là bạn cũng sẽ bị viêm khớp vảy nến. Nếu thấy các triệu chứng của bệnh thì cần đi khám ngay để điều trị sớm.

Các loại viêm khớp khác

Còn có nhiều loại viêm khớp và vấn đề về khớp khác cũng gây đau khớp như:

  • Hội chứng đau cơ xơ hóa: một tình trạng mà trong đó não xử lý cơn đau ở cơ và khớp theo cách không bình thường, khiến cho cảm nhận về cơn đau bị khuếch đại.
  • Xơ cứng bì: một bệnh tự miễn mà tình trạng viêm và cứng trong các mô liên kết của da gây tổn thương nội tạng và đau khớp.

Nếu bạn đang bị đau, cứng khớp hoặc gặp các triệu chứng bất thường khác thì nên đi khám để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.
Trong lúc đó, bạn có thể tham khảo một số cách tự nhiên để giảm đau do viêm khớp tại đây.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 54 trong 13 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Bệnh Xương Khớp

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây