Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.
Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu từ các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân. Theo thời gian, bệnh sẽ tiến triển và lan đến các khu vực khác trên cơ thể, ví dụ như cổ. Thông thường, phải nhiều năm sau khi xuất hiện các triệu chứng viêm khớp thì điều này mới xảy ra.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ xảy ra như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp ở cổ xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công và gây viêm màng hoạt dịch ở khớp giữa đốt sống cổ C1 và C2. Màng hoạt dịch là lớp đệm mỏng nằm bên trong bao khớp, chứa chất nhầy bôi trơn khớp.

Đốt sống C1 còn được gọi là đốt đội, có vai trò nâng đỡ đầu trong khi đốt sống C2 (còn gọi là đốt trục) giúp cổ chuyển động linh hoạt. Khớp giữa hai đốt sống này là khớp duy nhất ở cổ có màng hoạt dịch.

Tình trạng viêm mạn tính ở màng hoạt dịch có thể dẫn đến phá hủy xương và dây chằng trong khớp.

Đốt sống không ổn định có thể bị dịch chuyển và làm lệch khớp theo thời gian. Điều này có thể gây áp lực lên tủy sống và rễ thần kinh.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở cổ

Đau cổ là triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp ở cổ. Mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau cổ ở mỗi người là khác nhau. Người bệnh có thể cảm thấy đau âm ỉ hoặc đau nhói ở khu vực phía sau cổ xung quanh đáy sọ. Tình trạng sưng và cứng khớp sẽ khiến người bệnh khó cử động cổ.

Đau cổ do viêm khớp dạng thấp và đau cổ do chấn thương có biểu hiện khác nhau. Tình trạng cứng và đau cổ do chấn thương thường đỡ trong vòng vài ngày đến vài tuần. Trong khi đó, nếu không điều trị, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp sẽ càng nặng. Cho dù các triệu chứng có cải thiện thì cũng chỉ là tạm thời. Tình trạng viêm, sưng và cứng khớp sẽ quay trở lại.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ cũng khác với thoái hóa khớp. Triệu chứng đau ở người bị viêm khớp dạng thấp là do viêm ở khớp, trong khi đau do thoái hóa khớp xảy ra do sụn bị mòn và các đầu xương cọ xát với nhau.

Đau đầu và viêm khớp dạng thấp ở cổ

Viêm khớp dạng thấp ở cổ có thể gây đau đầu. Dạng đau đầu này là đau đầu thứ phát, có liên quan đến đốt sống cổ thứ nhất và thứ hai. Loại đau đầu này còn được gọi là đau đầu cervicogenic. Có các dây thần kinh cột sống chạy dọc ở cả hai bên của đốt sống cổ thứ nhất và thứ hai. Những dây thần kinh này tạo ra cảm giác cho da đầu.

Đau đầu cervicogenic có biểu hiện giống với chứng đau nửa đầu, đau đầu cụm và các loại đau đầu khác. Tuy nhiên, trong khi một số loại đau đầu bắt nguồn từ trán, não hoặc thái dương thì đau đầu do viêm khớp dạng thấp lại bắt nguồn từ cổ.

Người bệnh có thể chỉ bị đau ở một bên đầu và cơn đau tăng lên mỗi khi cử động cổ hoặc đầu.

Các triệu chứng khác của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp ở cổ không chỉ gây đau, cứng khớp và đau đầu. Khu vực xung quanh khớp bị viêm còn có thể bị đỏ và có cảm giác nóng khi chạm vào.

Nếu đốt sống chèn lên tủy sống và rễ thần kinh thì người bệnh sẽ còn có các triệu chứng khác. Chèn ép tủy sống sẽ làm giảm lưu lượng máu đến các động mạch đốt sống ở cổ, dẫn đến giảm lượng oxy đến não. Điều này gây chóng mặt và thậm chí ngất xỉu.

Khi điều này xảy ra, người bệnh còn có thể bị tê và có cảm giác châm chích quanh cổ lan ra phía sau đầu. Những triệu chứng xảy ra kèm tình trạng sưng đau và cứng khớp. Chèn ép tủy sống còn có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng và đi lại, đồng thời gây tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ.

Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể gây ra các triệu chứng khác như:

  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Sốt
  • Các triệu chứng giống như cúm
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Khó ngủ
  • Sương mù não
  • Nổi cục cứng dưới da

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở cổ

Đầu tiên, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá khả năng cử động cổ, điều này giúp phát hiện các dấu hiệu mất ổn định khớp, viêm và lệch khớp.

Không có phương pháp đơn lẻ nào có thể chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp mà phải thực hiện nhiều xét nghiệm kết hợp các công cụ chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để xem có các marker viêm và tự kháng thể chỉ ra bệnh viêm khớp dạng thấp hay không. Sau đó cần thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để đánh giá tình trạng khớp, chẳng hạn như chụp X-quang, MRI hoặc siêu âm.

Những phương pháp này giúp xác định mức độ viêm và tổn thương khớp ở cổ.

Điều trị viêm khớp dạng thấp ở cổ

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển và có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn. Không có cách chữa trị khỏi căn bệnh này nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp cải thiện triệu chứng và giảm viêm ở khớp.

Điều trị bằng thuốc

Có nhiều loại thuốc không kê đơn giúp ngăn chặn tình trạng viêm và đau khớp, đồng thời làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Tuy nhiên, người bệnh thường phải dùng thuốc kê đơn để điều trị triệu chứng đau do viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc chính gồm có:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): các loại thuốc này giúp giảm cơn đau nhẹ đến vừa. Một số loại NSAID phổ biến gồm có ibuprofen và naproxen natri. Nếu những thuốc này không hiệu quả, bác sĩ kê thuốc chống viêm mạnh hơn hoặc các loại corticosteroid như prednisone.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): DMARD làm giảm tình trạng viêm do phản ứng tự miễn. Các loại DMARD gồm có methotrexate, tofacitinib và leflunomide.
  • Thuốc sinh học: Thuốc sinh học là một loại DMARD có hiệu quả cao trong điều trị viêm. Có rất nhiều loại thuốc sinh học. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp nhất cho ngừoi bệnh.

Trị liệu

Vì không hoạt động có thể khiến tình trạng đau khớp trở nên trầm trọng hơn nên người bị viêm khớp dạng thấp nên tập thể dục nhẹ để giảm viêm và cải thiện sức mạnh cũng như tính linh hoạt.

Bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ tập luyện. Bơi lội hoặc tập thể dục dưới nước là những hình thức tập luyện có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp, đặc biệt là bơi trong bể bơi nước nóng

Liệu pháp mát-xa có thể giúp giảm cứng và đau ở các khớ vùng cổ. Vật lý trị liệu giúp cải thiện phạm vi chuyển động..

Người bệnh nên sử dụng gối y khoa để hỗ trợ cổ và đầu tốt hơn. Loại gồi này giúp giữ cho các đốt sống cổ thẳng hàng trong khi ngủ, nhờ đó giảm đau và cứng khớp.

Chườm nóng hoặc lạnh khoảng 10 phút là một cách đơn giản mà hữu hiệu để giảm viêm, sưng đau và cứng khớp.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp bị tổn thương khớp nghiêm trọng, vĩnh viễn hoặc có dấu hiệu chèn ép dây thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Một lựa chọn là phẫu thuật cố định cột sống để giữ ổn định đốt sống cổ thứ nhất và thứ hai. Nếu tủy sống bị chèn ép thì sẽ cần tiến hành phẫu thuật giải nén. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ có thể sẽ loại bỏ các gai xương hoặc mô bị viêm ở cổ.

Khi nào cần đi khám?

Hãy đi khám nếu tình trạng đau cổ kéo dài dai dẳng, không đáp ứng với các biện pháp tự điều trị tại nhà hoặc gây cản trở các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là khi bạn đã biết mình bị viêm khớp dạng thấp. Bạn cũng nên đi khám nếu bị đau cổ kèm theo các triệu chứng dưới đây:

  • Châm chích như có kim đâm
  • Đau đầu
  • Cơn đau lan xuống cánh tay

Chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp làm giảm viêm, làm chậm sự tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính, tiến triển. Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở cổ với triệu chứng điển hình là đau cổ. Các giải pháp điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có dùng thuốc, trị liệu và phẫu thuật. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ dần dần lan đến đến các bộ phận khác trên cơ thể. Tình trạng viêm khớp mạn tính có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Cách giảm nhẹ triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Cách giảm nhẹ triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Mặc dù các nghiên cứu về thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp vẫn đang được tiến hành nhưng đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị dứt điểm căn bệnh này. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính và mục tiêu của việc điều trị là làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Viêm khớp dạng thấp ở khuỷu tay: Triệu chứng và điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở khuỷu tay: Triệu chứng và điều trị

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính, tiến triển do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở các khớp nhỏ như khớp bàn tay, bàn chân nhưng đôi khi cũng xảy ra ở cả các khớp lớn như khuỷu tay.

Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.

Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây