1

Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
vkdt dau goi Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một loại viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong khớp.

Viêm khớp dạng thấp chủ yếu xảy ra ở các khớp bàn tay và chân nhưng cũng có thể xảy ra ở đầu gối và các khớp khác trên cơ thể. Bệnh viêm khớp dạng thấp có tính đối xứng, có nghĩa là xảy ra ở các khớp giống nhau ở cả hai bên cơ thể, ví dụ như hai bên cổ tay hay hai đầu gối.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê có khoảng gần 20 triệu người đang sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp trên toàn cầu. (1) Đa số người bị viêm khớp dạng thấp ở đầu gối đều không có triệu chứng trong suốt nhiều năm đầu mắc bệnh.

Tuy nhiên, viêm khớp dạng thấp không được điều trị có thể gây viêm nghiêm trọng và kéo dài ở khớp, cuối cùng có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn.

Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối xảy ra như thế nào?

Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công và làm hỏng lớp màng hoạt dịch của khớp. Màng hoạt dịch là lớp màng được tạo nên từ mô liên kết, bao phủ bề mặt bên trong của bao khớp. Sự tấn công của hệ miễn dịch làm cho các tế bào hoạt dịch tăng lên, khiến cho màng hoạt dịch dày lên và viêm. Cụ thể, viêm khớp dạng thấp ở đầu gối xảy ra như sau:

  1. Các tế bào miễn dịch nhắm đến màng hoạt dịch ở khớp gối. Lớp màng này bảo vệ sụn, dây chằng và các mô khác của khớp gối. Các tế bào hoạt dịch còn tạo ra dịch bôi trơn khớp (hoạt dịch), giúp khớp chuyển động trơn tru.
  2. Sự tấn công của hệ miễn dịch khiến khớp bị viêm, gây đau và tổn thương mô khớp. Khả năng chuyển động của khớp gối bị hạn chế do màng hoạt dịch bị sưng lên và chiếm nhiều không gian trong bao khớp.

Theo thời gian, tình trạng viêm có thể làm hỏng sụn và dây chằng của khớp gối. Cùng với hoạt dịch, những cấu trúc này giúp đầu gối chuyển động và giữ cho các đầu xương không bị cọ xát vào nhau khi di chuyển.

Khi sụn bị mòn đi, các đầu xương sẽ ma sát với nhau. Không giống như sụn, xương có cơ quan cảm nhận cảm giác đau. Do đó, các đầu xương cọ xát với nhau khi chuyển động sẽ gây đau và theo thời gian, xương cũng sẽ bị hỏng.

Tổn thương mô do viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến đau kéo dài, ảnh hưởng đến sự cân bằng và ổn định của khớp, ngoài ra còn có thể gây biến dạng khớp.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Triệu chứng đặc trưng của viêm khớp dạng thấp là đau nhức ở khớp, cơn đau tăng lên khi đứng, đi lại hoặc vận động. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp xảy ra theo đợt, gọi là các đợt bùng phát với các cơn đau từ nhẹ, âm ỉ cho đến đau buốt dữ dội.

Các triệu chứng khác của viêm khớp dạng thấp ở đầu gối gồm có:

  • Nóng quanh khớp
  • Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng và khi thời tiết lạnh
  • Yếu hoặc mất ổn định khớp khi phải chịu lực
  • Khó chuyển động hoặc duỗi thẳng đầu gối
  • Tiếng lạo xạo, lục khục khi chuyển động khớp

Ngoài các triệu chứng ở khớp, viêm khớp dạng thấp còn có thể gây ra triệu chứng ở các bộ phận khác và triệu chứng toàn thân như:

  • Mệt mỏi, kiệt sức
  • Khô miệng và mắt, có thể là triệu chứng của bệnh Sjögren
  • Viêm mắt, chẳng hạn như viêm màng bồ đào (viêm ở phần giữa của mắt) hay viêm mống mắt
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân bất thường
  • Châm chích hoặc tê ở bàn chân hoặc ngón tay do dây thần kinh bị ảnh hưởng
  • Khó thở và ho khan kéo dài, có thể là triệu chứng của bệnh phổi kẽ

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Dưới đây là một số phương pháp mà bác sĩ thường sử dụng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở đầu gối:

Khám lâm sàng

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh ngồi và duỗi thẳng chân để đánh giá khả năng chuyển động của khớp gối. Bác sĩ sẽ đặt tay lên đầu gối để xem có bị nóng, tiếng lạo xạo và ma sát giữa các đầu xương hay không.

Bác sĩ cũng có thể sẽ đề nghị người bệnh đứng thẳng và lắng nghe âm thanh bất thường ở khớp.

Bác sĩ cũng có thể sẽ đặt câu hỏi về các triệu chứng, tình trạng sức khỏe tổng thể và bệnh sử.

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu đo nồng độ protein phản ứng C (CRP), yếu tố dạng thấp (RF), tốc độ lắng hồng cầu hoặc một số dấu hiệu viêm khác. Kết quả của những xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp dạng thấp.

Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh

Có thể cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau để đánh giá tình trạng của khớp:

  • Siêu âm: cho thấy sự tích tụ dịch ở đầu gối và tình trạng viêm. Đôi khi, siêu âm được sử dụng để hướng dẫn chọc dịch khớp gối trong những trường hợp phức tạp.
  • Chụp X-quang: cho thấy tổn thương tổng thể, những bất thường hoặc những thay đổi về hình dạng và kích thước của khớp cũng như không gian khớp.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): cung cấp hình ảnh chi tiết, ba chiều, giúp xác nhận tổn thương ở xương hoặc mô trong khớp.

Điều trị viêm khớp dạng thấp ở đầu gối

Việc điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở đầu gối. Nếu nhẹ, người bệnh có thể chỉ cần dùng thuốc giảm đau không kê đơn.

Trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng, người bệnh có th phải phẫu thuật để khôi phục khả năng vận động, giảm đau và cứng khớp gối.

Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp không cần phẫu thuật gồm có:

  • Corticoid: corticoid được tiêm trực tiếp vào khớp gối để giảm sưng và đau. Tác dụng giảm sưng đau chỉ là tạm thời nên người bệnh sẽ phải tiêm lại, thường là vài lần mỗi năm. Tuy nhiên, không nên lạm dụng corticoid vì loại thuốc này gây ra nhiều tác dụng phụ.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): các loại NSAID không kê đơn, chẳng hạn như naproxen hoặc ibuprofen giúp giảm đau và viêm. Những loại thuốc này có bán ở hầu hết các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ: thuốc được bôi lên da để giảm đau do viêm khớp. những loại thuốc này có dạng kem, gel, dung dịch hoặc miếng dán.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): DMARD giúp làm giảm tình trạng viêm ở khớp, nhờ đó giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Methotrexate – một loại DMARD – thường được dùng làm phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Thuốc ức chế Janus kinase (JAK): nhóm thuốc này đã được phê duyệt để điều trị viêm khớp dạng thấp. Một loại thuốc ức chế JAK gồm có tofacitinib, upadacitinib và baricitinib. Thuốc ức chế Janus kinase được dùng qua đường uống, có tác dụng ức chế hoạt động của enzyme JAK để ngăn chặn phản ứng miễn dịch.
  • Thuốc sinh học: thuốc sinh học nhắm chính xác hơn đến con đường trong đáp ứng miễn dịch và phản ứng viêm so với DMARD. Thuốc sinh học làm giảm phản ứng của hệ miễn dịch để giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc sinh học phổ biến gồm có adalimumab (Humira) và tocilizumab (Actemra).

Các loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Sửa dây chằng hoặc gân bị tổn thương: điều này giúp củng cố khớp gối và phục hồi tổn thương do viêm.
  • Định hình lại xương hoặc mô khớp ở đầu gối (cắt xương): điều này giúp giảm đau do mất sụn và mòn xương đầu gối.
  • Thay khớp gối: cắt khớp gối bằng khớp nhân tạo bằng nhựa hoặc kim loại để khôi phục sức mạnh và khả năng vận động.
  • Cắt bỏ màng hoạt dịch: giúp giảm đau do sưng và cải thiện khả năng cử động. Tuy nhiên, ngày nay phương pháp này hiếm khi được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp.

Các biện pháp khác để giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Dưới đây là một số biện pháp khác để giảm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở đầu gối:

  • Điều chỉnh thói quen tập thể dục: người bị viêm khớp dạng thấp ở đầu gối nên chọn các bài tập tác động nhẹ như bơi lội hoặc thái cực quyền để giảm áp lực lên đầu gối. Ngoài ra nên giảm thời lượng mỗi buổi tập để giảm nguy cơ bùng phát bệnh. Đeo đai bảo vệ đầu gối sẽ giúp tăng tính ổn định cho khớp và ngăn ngừa chấn thương.
  • Thay đổi chế độ ăn uống: ăn các loại thực phẩm có đặc tính chống viêm như rau củ quả tươi. Dùng một số loại thực phẩm chức năng như dầu cá hoặc tinh bột nghệ cũng có thể giúp làm giảm triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
  • Chườm ấm: giúp cải thiện khả năng vận động và giảm sưng đau khớp, đặc biệt khi kết hợp với NSAID hoặc các loại thuốc giảm đau không kê đơn khác như acetaminophen.
  • Thiết bị hỗ trợ, ví dụ như lót giày y khoa, gậy chống và nẹp đầu gối để giảm áp lực lên khớp gối khi đi lại.

Khi nào cần đi khám?

Người bệnh cần đi khám khi gặp bất kỳ vấn đề nào sau đây ở khớp gối:

  • Không thể đi lại hoặc thực hiện các hoạt động thông thường hàng ngày do đau khớp hoặc cứng khớp
  • Đau nhức dữ dội gây ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm hoặc ảnh hưởng đến tâm trạng
  • Các triệu chứng bệnh làm giảm chất lượng cuộc sống

Hãy đến bệnh viện ngay lập tức khi đầu gối bị sưng nghiêm trọng hoặc khớp nóng, đau. Đó có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng khớp. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm trùng khớp có thể làm hỏng khớp vĩnh viễn.

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở khớp gối với các triệu chứng tương tự như các khớp khác trong cơ thể như sưng, đau và cứng khớp. Các triệu chứng này sẽ ảnh hưởng đến đi lại và các hoạt động hàng ngày.

Điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị sớm viêm khớp dạng thấp. Nếu không điều trị, khớp sẽ ngày càng bị tổn thương nặng và giảm khả năng cử động. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc vầ phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh nên điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, chườm ấm và sử dụng thiết bị hỗ trợ để làm giảm các triệu chứng.

Nói chuyện với bác sĩ nếu cơn đau ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn và khiến bạn khó thực hiện các công việc cơ bản liên quan đến đầu gố

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp ở móng tay, móng chân

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.

Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở hông
Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở hông

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp hông. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở hông cũng tương tự như viêm khớp dạng thấp ở các vị trí khác, gồm có sưng, đau và cứng khớp.

Biến dạng bàn tay do viêm khớp dạng thấp điều trị bằng cách nào?
Biến dạng bàn tay do viêm khớp dạng thấp điều trị bằng cách nào?

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khớp. Điều này gây tổn thương khớp và dây chằng. Mặc dù tình trạng viêm do hệ miễn dịch tấn công có thể xảy ra khắp cơ thể nhưng một trong những vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng là bàn tay.

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân

Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô niêm mạc khớp, gây đau và cứng khớp. Trên 20 triệu người trên thế giới đang sống chung với viêm khớp dạng thấp. Không chỉ có khớp, viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể như da và các cơ quan nội tạng như tim, phổi. Mặc dù bàn tay là vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp nhưng bệnh này cũng có thể xảy ra ở bàn chân.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây