Cách giảm nhẹ triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Phương pháp chính để điều trị viêm khớp dạng thấp là dùng thuốc. Các loại thuốc giúp giảm viêm và kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa hỏng khớp và giảm tần suất bệnh tái phát. Ngoài ra còn nhiều biện pháp khác để kiểm soát tình trạng bệnh và giảm nhẹ các triệu chứng như duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát căng thẳng, dùng thực phẩm chức năng và tập thể dục thường xuyên.
Dưới đây là các cách giúp giảm đau và các triệu chứng khác của viêm khớp dạng thấp.
1. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc quan trọng đối với tất cả mọi người nhưng đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy chất lượng giấc ngủ kém làm tăng mức độ đau đớn và giảm khả năng di chuyển.
Cố gắng ngủ đủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn không ngủ đủ giấc vào ban đêm thì có thể ngủ vào buổi trưa.
Nếu bị mất ngủ hoặc bị chứng ngưng thở khi ngủ thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị.
2. Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên là một cách hiệu quả để tăng cường sức mạnh của cơ và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp.
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy tập thể dục có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và tình trạng mệt mỏi ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Người mắc bệnh về khớp nên chọn các bài tập không gây áp lực lên khớp.
Đi bộ nhanh, bơi lội và tập thể dục nhịp điệu dưới nước là những lựa chọn thích hợp với người bị viêm khớp dạng thấp. Bên cạnh đó bạn nên kết hợp thêm các bài tập kháng lực, ví dụ như squat, lunge hay các bài tập với dây kháng lực để tăng cường sức mạnh của cơ và cải thiện khả năng vận động.
Tránh các môn thể thao gây áp lực lên khớp và nghỉ ngơi khi khớp bị đau.
Bạn có thể liên hệ với chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn chế độ tập luyện phù hợp.
3. Yoga
Yoga là một hình thức tập luyện gồm các động tác chậm rãi, đòi hỏi sự kết nối thể chất với tinh thần và hít thở nhịp nhàng.
Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy tập Iyengar yoga trong 6 tuần giúp cải thiện tâm trạng, tình trạng mệt mỏi và cơn đau mạn tính ở phụ nữ trẻ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Những thay đổi tích cực này vẫn tiếp tục duy trì trong 2 tháng sau khi tập.
Theo một nghiên cứu vào năm 2017, tập yoga còn có thể giúp làm giảm đau và viêm do viêm khớp dạng thấp, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống.
Cũng như các hình thức tập luyện khác, hãy điều chỉnh các động tác yoga nếu cần thiết để giảm áp lực lên khớp và tránh bị đau Bạn cũng có thể thử sử dụng dụng cụ hỗ trợ để giảm áp lực lên khớp khi thực hiện một số động tác nhất định.
4. Thái cực quyền
Thái cực quyền là một môn võ thuật cổ truyền kết hợp các động tác chậm rãi, nhẹ nhàng với nhận thức và hít thở sâu. Bộ môn này rèn luyện cả trí óc, thể chất lẫn tinh thần.
Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy tập thái cực quyền có thể giúp giảm lo âu và cải thiện sức khỏe tinh thần cho những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2013, thái cực quyền có thể giúp cải thiện các triệu chứng và khả năng vận động ở những người bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về lợi ích của thái cực quyền đối với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Mặc dù chỉ gồm các động tác nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng khi tập thái cực quyền, bạn cũng nên tránh các động tác gây đau.
5. Châm cứu
Châm cứu là một phương pháp điều trị bệnh trong y học cổ truyền, trong đó sử dụng kim mảnh đâm vào những điểm nhất định trên cơ thể (gọi là huyệt đạo). Điều này giúp cân bằng năng lượng trong cơ thể và điều trị nhiều vấn đề sức khỏe.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của châm cứu đối với bệnh viêm khớp dạng thấp. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy châm cứu có thể cải thiện chức năng của khớp và chất lượng cuộc sống, đồng thời chỉ ra rằng đây là một phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp rất đáng thử.
Một nghiên cứu khác từ năm 2016 cho thấy châm cứu bằng laser (laser châm) giúp làm giảm tình trạng viêm khớp dạng thấp và mức độ hoạt động của bệnh. Laser châm là hình thức châm cứu sử dụng tia laser thay vì kim chiếu vào các huyệt đạo.
Châm cứu là một phương pháp điều trị rất an toàn nếu được thực hiện đúng kỹ thuật. Bạn nên chọn châm cứu ở những địa chỉ uy tín để tránh gặp phải rủi ro.
6. Mát-xa
Mát-xa có thể giúp làm giảm nhiều triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Bạn có thể tự mát-xa, nhờ người thân trong gia đình mát-xa giúp hoặc đến các trung tâm trị liệu.
Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy những người bị viêm khớp dạng thấp được mát-xa với lực vừa phải trong một tháng đã bớt đau, lực cầm nắm tốt hơn và tăng phạm vi chuyển động của khớp so với những người được mát-xa với lực nhẹ.
Nếu cảm thấy đau hoặc khó chịu trong quá trình mát-xa, hãy cho người mát-xa biết để điều chỉnh.
7. Điều chỉnh chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể mà còn có thể giúp cải thiện một số tình trạng bệnh lý. Trong một nghiên cứu vào năm 2017, 24% người tham gia cho biết chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Một tổng quan nghiên cứu từ năm 2017 cho thấy chế độ ăn uống có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp và làm giảm tổn thương khớp. Tổng quan nghiên cứu này khuyến nghị ăn các loại thực phẩm chứa chất chống oxy hóa và có đặc tính chống viêm, chẳng hạn như:
- Rau củ, tốt nhất nên ăn sống hoặc nấu chín vừa phải
- Gia vị, ví dụ như nghệ và gừng
- Hoa quả
- Sữa chua
Ngoài ra, cần tránh hoặc hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, đường và thực phẩm có nguồn gốc từ động vật.
8. Bổ sung probiotic
Probiotic là những vi khuẩn có lợi cho sức khỏe. Probiotic có trong các loại thực phẩm như sữa chua, dưa muối và kim chi. Hoặc bạn cũng có thể uống men vi sinh. Bổ sung probiotic có thể hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp.
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy uống men vi sinh hàng ngày trong 8 tuần giúp làm giảm mức độ hoạt động của bệnh viêm khớp dạng thấp và tình trạng viêm. Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy bổ sung probiotic giúp cải thiện mức insulin ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy việc bổ sung probiotic không mang lại lợi ích đáng kể cho người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Cần nghiên cứu thêm về tác dụng của việc bổ sung probiotic đối với người bị viêm khớp dạng thấp.
9. Uống dầu cá
Một số nghiên cứu phát hiện ra rằng uống dầu cá có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy rằng axit béo omega-3 trong dầu cá giúp làm giảm các chất chỉ dấu của bệnh viêm khớp dạng thấp và phản ứng viêm trong cơ thể.
Một tổng quan nghiên cứu khác chỉ ra rằng uống dầu cá có thể làm giảm viêm và giảm nhu cầu dùng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống dầu cá vì dầu cá có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc mà bạn đang dùng. Ngoài ra, dầu cá có thể gây cảm giác buồn nôn, hơi thở có mùi và vị tanh trong miệng.
10. Uống dầu hoa anh thảo
Một số loại dầu có nguồn gốc từ thực vật có thể giúp làm giảm đau và cứng khớp do viêm khớp dạng thấp, ví dụ như dầu hoa anh thảo (evening primrose). Dầu hoa anh thảo có chứa axit gamma-linolenic - một loại axit béo thiết yếu có tác dụng giảm đau.
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy uống dầu hoa anh thảo và dầu cá có thể làm giảm tình trạng viêm và mức độ hoạt động của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng lợi ích của dầu hoa anh thảo đối với bệnh viêm khớp dạng thấp.
Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng dầu hoa anh thảo vì dầu hoa anh thảo có thể tương tác với các loại thuốc đang dùng. Dầu hoa anh thảo có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu và khó tiêu.
11. Thảo dược Dây thiên lôi
Dây thiên lôi hay lôi công đằng là một vị thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng loại thảo dược này có tác dụng điều trị các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015, dây thiên lôi có hiệu quả làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp tương đương với methotrexate – một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp được sử dụng rất phổ biến. Nghiên cứu cho thấy kết hợp methotrexate với dây thiên lôi sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 cũng cho thấy rằng uống thực phẩm chức năng chứa chiết xuất dây thiên lôi có thể giúp giảm viêm. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm để đánh giá tác dụng về lâu dài cũng như tính an toàn của loại thảo dược này.
Lưu ý, mặc dù là một loại thảo dược nhưng dây thiên lôi có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, gồm có giảm mật độ xương, vô sinh, phát ban và rụng tóc. Dây thiên lôi thậm chí còn có thể gây độc nếu không được xử lý đúng cách. Loại thảo dược này còn có thể tương tác với một số loại thuốc.
12. Chườm nóng và lạnh
Chườm đá lên các khớp bị viêm có thể giúp giảm sưng tấy. Chườm lạnh còn có thể giúp giảm bớt cảm giác đau đớn và giảm co thắt cơ.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy liệu pháp áp lạnh (cryotherapy) có thể làm giảm đau ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm để kiểm chứng điều này.
Nếu bạn thường xuyên gặp tình trạng căng cứng cơ hoặc đau nhức cơ thì có thể thử tắm nước nóng. Chườm khăn nóng, túi sưởi hoặc túi chườm cũng sẽ giúp làm giãn các cơ đang bị căng và đồng thời giảm đau, cứng khớp.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, chườm nóng có thể giúp giảm đau, cứng khớp và cải thiện khả năng vận động ở những người bị thoái hóa khớp đầu gối. Chú ý nhiệt độ khi chườm để tránh bị bỏng.
13. Thiết bị hỗ trợ
Có nhiều thiết bị hỗ trợ có thể giúp người có vấn đề về xương khớp duy trì khả năng vận động và thực hiện các hoạt động hàng ngày dễ dàng hơn. Đeo đai và nẹp có thể giúp giữ ổn định và làm giảm áp lực lên các khớp bị viêm.
Theo một tổng quan nghiên cứu vào năm 2014, nẹp cổ tay có thể làm giảm đau và sưng do viêm khớp dạng thấp. Đeo nẹp cổ tay còn giúp cải thiện lực cầm nắm nhưng lại làm giảm đi sự linh hoạt của bàn tay.
Bạn có thể đi giày chuyên dụng hoặc sử dụng miếng lót giày y khoa để hỗ trợ cho các khớp không ổn định do viêm ở bàn chân và mắt cá chân.
Chống gậy hoặc nạng khi đi lại sẽ làm giảm áp lực lên khớp và giúp bạn đi lại dễ dàng hơn.
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy miếng lót giày và các dụng cụ chỉnh hình bàn chân khác có thể giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp.
Ngoài ra còn có những dụng cụ hỗ trợ thực hiện một số công việc hàng ngày, ví dụ như dụng cụ mở nắp lọ hay cây lấy đồ. Nếu gặp khó khăn khi đi lại hoặc đứng lên ngồi xuống, bạn nên lắp tay vịn trong phòng tắm và trên cầu thang để tránh bị té ngã.
14. Thuốc giảm đau tại chỗ
Bạn có thể bôi thuốc giảm đau tại chỗ trực tiếp lên khớp bị viêm. Thuốc sẽ hấp thụ từ từ qua da và giúp giảm đau khớp tạm thời. Thuốc giảm đau tại chỗ có dạng kem, gel, lotion, dạng xịt và miếng dán. Những loại thuốc này có hiệu quả đối với các cơn đau nhẹ. Các sản phẩm chứa capsaicin, salicylate, long não (camphor) hoặc menthol có hiệu quả tốt nhất đối với triệu chứng đau do viêm khớp.
Hiện tại chưa có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của các loại thuốc này trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy một loại gel chứa menthol, benzocaine và procaine hydrochloride có tác dụng giảm đau tạm thời ở những người bị viêm khớp dạng thấp.
Một số loại thuốc trị viêm khớp cũng có dạng bôi ngoài da.
Theo một nghiên cứu vào năm 2015, etoricoxib, piroxicam và diclofenac dạng bôi có thể giúp giảm đau và sưng tấy do viêm khớp dạng thấp, trong đó etoricoxib dạng bôi có hiệu quả giảm đau cao nhất.
15. Tinh dầu sả
Có nhiều loại tinh dầu có đặc tính chống viêm và giảm đau. Tinh dầu sả là một ví dụ.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy thoa tinh dầu sả lên da giúp giảm dần cơn đau ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích của tinh dầu sả đối với bệnh viêm khớp dạng thấp. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về tác dụng của tinh dầu sả trong điều trị bệnh lý này.
Luôn phải pha loãng tinh dầu với dầu nền trước khi thoa lên da. Khi sử dụng một loại tinh dầu mới, bạn nên pha loãng và chấm thử một ít lên da để kiểm tra phản ứng dị ứng trước khi thoa lên vùng da rộng hoặc những vùng nhạy cảm.
16. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giúp giảm đau và viêm tạm thời. Các loại NSAID không kê đơn được sử dụng phổ biến nhất gồm có aspirin, ibuprofen và naproxen.
Nếu NSAID không kê đơn không hiệu quả, bạn sẽ phải chuyển sang dùng các loại NSAID mạnh hơn như:
- celecoxib
- oxaprozin
- meloxicam
- piroxicam
Sử dụng các loại NSAID kê đơn có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc xuất huyết dạ dày.
Một nghiên cứu vào năm 2014 cho thấy rofecoxib và diclofenac – các loại NSAID – có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các loại NSAID khác có nguy cơ gây bệnh tim mạch thấp hơn.
NSAID chỉ có tác dụng giảm viêm và đau chứ không thể làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
17. Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Thông thường, người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cần phải sử dụng các loại thuốc sau đây:
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): Nhóm thuốc này giúp giảm đau và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. DMARD thường là loại thuốc được kê đầu tiên để điều trị viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc trong nhóm này gồm có methotrexate, sulfasalazine, hydroxychloroquine và leflunomide.
- Thuốc sinh học: cũng là một loại DMARD (DMARD sinh học), được sử dụng cho những trường hợp viêm khớp dạng thấp nặng. Thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp bằng cách ngăn chặn các tín hiệu gây viêm. Một số ví dụ gồm có abatacept, tocilizumab, anakinra, adalimumab, canakinumab, belimumab…
- Corticoid (steroid) đường uống: giúp làm giảm các triệu chứng một cách nhanh chóng và thường được sử dụng cùng với DMARD. Một trong những loại corticoid được sử dụng nhiều nhất là prednisone.
Một nghiên cứu từ năm 2016 đã chỉ ra rằng sử dụng methotrexate cùng với DMARD sinh học giúp nhiều người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp đạt được sự thuyên giảm.
Một số nghiên cứu gần đây đã nghiên cứu việc giảm hoặc ngừng sử dụng DMARD khi bệnh viêm khớp dạng thấp thuyên giảm.
18. Phẫu thuật
Những trường hợp viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật để chỉnh sửa các khớp bị biến dạng, cải thiện khả năng vận động và giảm đau.
Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp:
- Thay khớp toàn phần: loại bỏ toàn bộ khớp bị hỏng và thay bằng khớp nhân tạo bằng kim loại hoặc nhựa.
- Loại bỏ màng hoạt dịch: loại bỏ lớp niêm mạc khớp bị viêm.
- Kết hợp xương: các xương trong khớp được nối liền với nhau để giữ cố định khớp
Thay khớp háng và khớp gối là những loại phẫu thuật phổ biến nhất để điều trị viêm khớp dạng thấp ở các vị trí này.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu vào năm 2013, số ca phẫu thuật thay khớp để điều trị viêm khớp dạng thấp đã giảm từ năm 1995 đến năm 2010. Điều này có thể là do các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đã hiệu quả hơn so với trước.
Phẫu thuật thường là phương án cuối cùng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Tuy nhiên, một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy rằng việc tiến hành phẫu thuật ngay từ sớm trong những trường hợp viêm khớp dạng thấp ở bàn tay mang lại kết quả tốt hơn sau phẫu thuật.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp hông. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở hông cũng tương tự như viêm khớp dạng thấp ở các vị trí khác, gồm có sưng, đau và cứng khớp.
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp ngoại biên nhưng cũng có thể xảy ra ở đốt sống cổ và dẫn đến đau lưng. Có nhiều cách để giảm triệu chứng đau lưng do viêm khớp dạng thấp, gồm có các biện pháp khắc phục tại nhà, dùng thuốc, trị liệu và phẫu thuật.
Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô niêm mạc khớp, gây đau và cứng khớp. Trên 20 triệu người trên thế giới đang sống chung với viêm khớp dạng thấp. Không chỉ có khớp, viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể như da và các cơ quan nội tạng như tim, phổi. Mặc dù bàn tay là vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp nhưng bệnh này cũng có thể xảy ra ở bàn chân.