Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân gồm có:
- Đau và/hoặc cứng các khớp ngón chân hoặc các khớp khác và dây chằng ở bàn chân
- Đau hoặc nhức dai dẳng ở bàn chân, đặc biệt là sau khi đi bộ, chạy hoặc đứng trong thời gian dài
- Cảm giác nóng bất thường ở một hoặc nhiều khu vực ở bàn chân
- Sưng tấy, thường xảy ra ở một hoặc nhiều khớp ngón chân hoặc mắt cá chân
Theo thời gian, những triệu chứng này ngày càng nặng, khiến cho việc đi lại, đứng và cử động bàn chân trở nên khó khăn.
Sự tấn công của hệ miễn dịch có thể dần phá hủy xương, sụn và các mô khác trong khớp. Điều này khiến cho các khớp ở bàn chân trở nên suy yếu và vô cùng đau đớn khi cử động. Sau một thời gian, bàn chân có thể bị biến dạng.
Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp thường phải trải qua những khoảng thời gian mà các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, được gọi là các đợt bùng phát, đan xen với những khoảng thời gian mà các triệu chứng giảm nhẹ hoặc không có triệu chứng gọi là giai đoạn thuyên giảm.
Khi có tuổi, các đợt bùng phát có thể xảy ra thường xuyên hơn với các triệu chứng nghiêm trọng hơn trong khi thời gian thuyên giảm ngắn đi. Tuy nhiên, diễn tiến của bệnh ở mỗi người là khác nhau tùy theo phương pháp điều trị, mức độ đi lại và đứng cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể.
Các vấn đề về khớp do viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Các khớp chính thường bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp ở bàn chân gồm có:
- Khớp liên đốt ngón chân: khớp nối giữa các xương đốt ngón chân.
- Khớp bàn – ngón chân: các khớp nối giữa xương ngón chân với các xương dài của bàn chân.
- Khớp dưới sên: khớp giữa xương gót chân và xương sên (xương nối bàn chân với cẳng chân).
- Khớp mắt cá chân: nối hai xương của cẳng chân là xương chày và xương mác với xương sên.
Tình trạng sung tấy, đau và cứng ở các khớp này sẽ làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày và khiến người bệnh khó đứng vững hay đi lại.
Khi các triệu chứng bùng phát, hãy hạn chế đứng và đi lại cho đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Hoạt động quá nhiều có thể làm cho các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân trở nên trầm trọng hơn.
Một triệu chứng phổ biến của viêm khớp dạng thấp ở bàn chân là viêm bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch là túi chứa dịch lỏng bôi trơn khớp. Viêm bao hoạt dịch gây đau đớn và khó chịu khi bàn chân phải chịu lực.
Một vấn đề nữa ở những người bị viêm khớp dạng thấp ở bàn chân là hình thành nốt sần, gọi là nốt thấp khớp ở gót chân và lòng bàn chân.
Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp không được điều trị còn có thể gây ra ngón chân hình búa - tình trạng ngón chân bị gập cong ở phần giữa.
Các vấn đề về da do viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Sự biến dạng bàn chân do viêm khớp dạng thấp sẽ tạo ra áp lực không đều ở các khu vực của bàn chân khi bước đi. Những khu vực phải chịu lực nhiều có thể xảy ra những vấn đề như:
- Biến dạng ngón chân cái: xương phát triển bất thường ở khớp bàn - ngón chân cái, khiến cho ngón chân cái bị lệch.
- Vết chai: những mảng da dày, cứng và giảm cảm giác.
Nếu không được điều trị, cả biến dạng ngón chân cái và vết chai ở bàn chân đều có thể dẫn đến loét. Đây là tình trạng mô da bị hỏng do thiếu máu hoặc do tổn thương mô. Vết loét có thể bị nhiễm trùng, gây đau và tổn thương bàn chân nặng thêm.
Các vấn đề về tuần hoàn do viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Một số vấn đề về tuần hoàn phổ biến ở bàn chân có thể xảy ra do RA gồm có:
- Xơ vữa động mạch: tình trạng xảy ra do chất béo và các chất khác tích tụ ở thành động mạch, khiến động mạch trở nên cứng và hẹp lại. Điều này có thể gây đau và chuột rút ở bắp chân.
- Hội chứng Raynaud: xảy ra khi lưu lượng máu đến ngón chân bị chặn một phần hoặc hoàn toàn. Điều này khiến cho các mạch máu co thắt và gây tê, đồng thời ngón chân chuyển sang màu xanh tím rồi đỏ và bị lạnh do không được cung cấp đủ máu.
- Viêm mạch máu: tình trạng này dẫn đến ban đỏ, loét và các triệu chứng khác như sốt, chán ăn và mệt mỏi.
Điều trị viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị để làm giảm các triệu chứng, giảm tần suất bùng phát và ngăn ngừa mất chức năng khớp.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh viêm khớp dạng thấp nói chung và viêm khớp dạng thấp ở bàn chân nói riêng.
Các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): những loại thuốc này giúp ngăn hệ miễn dịch tấn công các khớp.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): các loại thuốc này, ví dụ như naproxen và ibuprofen giúp giảm đau và viêm.
- Tiêm steroid: tiêm steroid trực tiếp vào khớp bị viêm có thể giúp làm giảm viêm, sưng tấy và đau. Tuy nhiên, không nên lạm dụng phương pháp điều trị này.
- Chườm lạnh: giúp giảm sưng tấy và giảm đau. Mỗi ngày chườm 3 – 4 lần, mỗi lần 20
- phút.
- Nghỉ ngơi: tránh hoặc hạn chế các hoạt động gây áp lực lên khớp. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên cố gắng tập thể dục thường xuyên.
- Thiết bị hỗ trợ, ví dụ như lót giày y khoa để làm giảm áp lực lên các khớp bàn chân và giảm đau đớn hoặc đai nẹp mắt cá chân để giảm đau bàn chân và mắt cá chân từ nhẹ đến vừa.
Phẫu thuật
Các loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp ở bàn chân gồm có:
- Cố định khớp: cố định hai xương trong khớp với nhau để ngăn chuyển động khớp và nhờ đó giúp giảm đau. Đây là loại phẫu thuật phổ biến nhất trong điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Phẫu thuật điều trị ngón chân hình búa hay biến dạng ngón chân cái
- Thay mắt cá chân: thay khớp mắt cá chân bị hỏng bằng khớp nhân tạo. Điều này giúp làm giảm đau đớn.
Thay đổi thói quen sống
- Tập thể dục thường xuyên: Các chuyên gia khuyến nghị nên tập thể dục cường độ vừa phải 150 phút mỗi tuần, kể cả đối với những người bị viêm khớp dạng thấp. Một số hình thức tập thể dục thích hợp với người bị viêm khớp dạng thấp là đi bộ và bơi lội. Tuy nhiên, nên ngừng tập thể dục khi bệnh bùng phát.
- Bỏ hút thuốc: hút thuốc có thể làm cho tình trạng bệnh viêm khớp dạng thấp trở nên trầm trọng hơn và khiến việc tập thể dục trở nên khó khăn hơn.
- Duy trì cân nặng vừa phải: thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên các khớp.
- Mang dép hoặc giày hở mũi: điều này giúp ngón chân và bàn chân không bị gò ép.
- Giữ ấm bàn chân: khi trời lạnh nên đi tất hoặc giày làm bằng chất liệu dày, thoải mái để giảm cứng khớp.
- Ngâm chân trong nước ấm: nước ấm giúp giảm cứng khớp và còn giúp thư giãn.
- Chế độ ăn chống viêm: ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt và cá chứa axit béo omega-3 có thể giúp giảm viêm và giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
- Ngủ đủ giấc: ngủ đủ 6 đến 8 tiếng mỗi đêm để cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và tự chữa lành, điều này có thể giúp giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
- Hạn chế căng thẳng: căng thẳng có thể kích hoạt tình trạng viêm dẫn đến bùng phát bệnh viêm khớp dạng thấp. Một số biện pháp giúp thư giãn và giảm căng thẳng là thiền, nghe nhạc, ngủ...
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Sưng tấy ở bàn chân hoặc mắt cá chân
- Loét da ở bàn chân hoặc mắt cá chân
- Tình trạng đau chân ngày càng nặng
- Đau chân dữ dội đến mức khó đi lại hoặc đứng
- Giảm phạm vi chuyển động ở bàn chân hoặc cổ chân
- Châm chích hoặc tê kéo dài dai dẳng ở bàn chân
- Sốt
- Sụt cân bất thường
- Mệt mỏi kéo dài dai dẳng, bất thường
Tóm tắt bài viết
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bàn chân. Bên cạnh các triệu chứng điển hình là đau và cứng khớp, viêm khớp dạng thấp ở bàn chân còn có thể gây ra các vấn đề về da, tuần hoàn máu và biến dạng bàn chân.
Có nhiều loại thuốc và phương pháp điều trị giúp giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp, làm giảm các đợt bùng phát và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến tổn thương khớp vĩnh viễn. Đó là lý do tại sao cần đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng. Phát hiện sớm và điều trị thích hợp có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh lý này.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp hông. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở hông cũng tương tự như viêm khớp dạng thấp ở các vị trí khác, gồm có sưng, đau và cứng khớp.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm mô khớp, khiến cho niêm mạc khớp bị viêm và gây đau, cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân nhưng đôi khi xảy ra ở cả các khớp lớn hơn như khuỷu tay và đầu gối. Bên cạnh các triệu chứng ở khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nhiều triệu chứng khác, gồm có mệt mỏi, khó thở và ngứa ngáy.