Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở hông
Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn mạn tính gây sưng đau dữ dội và giảm phạm vi chuyển động của khớp.
Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm niêm mạc khớp.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể như bàn tay, bàn chân, đầu gối và vai.
Viêm khớp dạng thấp cũng có thể xảy ra ở khớp hông với triệu chứng điển hình là đau hông nghiêm trọng và cứng khớp, làm giảm khả năng cử động.
Viêm khớp dạng thấp ở hông xảy ra như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp đối xứng trên cơ thể, ví dụ như cổ tay, các khớp ngón tay, đầu gối hay các khớp ở bàn chân. Do không có cách chữa trị khỏi nên bệnh viêm khớp dạng thấp có thể lan từ các khớp ban đến đến các vị trí khác trên cơ thể, bao gồm cả khớp hông. Viêm khớp dạng thấp ở hông thường xảy ra vào giai đoạn sau của bệnh.
Cảm giác đau ở hông do viêm khớp dạng thấp ban đầu thường nhẹ và không liên tục. Người bệnh thường chỉ cảm thấy đau khi thực hiện một số hoạt động nhất định, chẳng hạn như cúi người, bê đồ nặng hay tập các bài tập chịu sức nặng như:
- Đi bộ
- Chạy bộ
- Tập tạ
- Leo cầu thang
- Chơi tennis
Lúc đầu, cơn đau thường chỉ xảy ra trong thời gian ngắn rồi tự hết. Nhưng khi bệnh tiến triển và khớp hông bị tổn thương nặng, cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên hơn hoặc kéo dài dai dẳng. Tình trạng đau hông có thể xảy ra ngay cả khi không vận động hoặc thậm chí trong khi ngủ.
Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở hông
Đau hông không phải lúc nào cũng là dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp. Đó có thể là triệu chứng của một loại viêm khớp khác như viêm khớp vảy nến hoặc do dây thần kinh bị chèn ép, căng cơ vùng hông và mông hoặc đơn giản là do hoạt động quá sức.
Nếu là do viêm khớp dạng thấp, đau hông thường kèm theo các triệu chứng khác.
Viêm khớp dạng thấp ở hông thường có các triệu chứng sau đây:
- Đau âm ỉ quanh bẹn, mông hoặc đùi
- Cảm giác nóng khi chạm lên khu vực xung quanh hông, mông, đùi và bẹn
- Đau hoặc cứng khớp vào buổi sáng và đỡ dần khi hoạt động
- Khó đứng thẳng và đi lại do đau hông
- Đi khập khiễng, triệu chứng này xảy ra khi khớp hông đã bị tổn thương nghiêm trọng
Thông thường, các triệu chứng này xảy ra ở cả hai bên hông.
Vì bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể nên người bệnh còn có thể gặp phải các triệu chứng tổng quát như:
- Mệt mỏi
- Ăn không ngon miệng
- Sụt cân
- Thiếu máu
- Thân nhiệt cao
- Đổ mồ hôi
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp ở hông
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm màng hoạt dịch, lớp mô bao phủ bề mặt bên trong của bao khớp. Màng hoạt dịch tạo ra chất nhầy giúp bôi trơn khớp và giảm ma sát khi cử động.
Sự tấn công của hệ miễn dịch khiến cho màng hoạt dịch bị viêm, sưng lên và gây đau đớn. Tình trạng này còn có thể phá hủy xương và sụn trong khớp.
Tình trạng viêm chính là nguyên nhân gây ra các triệu chứng chính của bệnh viêm khớp dạng thấp, bao gồm cả đau hông. Đôi khi, đau hông là do sụn và xương trong khớp bị phá hủy. Ở giai đoạn bệnh thuyên giảm, người bệnh vẫn có thể bị đau hông do khớp đã bị tổn hại.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn ở những người mang một số gen nhất định, đặc biệt là kiểu gen HLA (kháng nguyên bạch cầu ở người) lớp II. (1)
Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp còn có:
- Hút thuốc
- Béo phì
- Là phụ nữ
- Tuổi trên 60
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở hông
Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng, bệnh sử cá nhân cũng như tiền sử gia đình của người bệnh.
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đánh giá mức độ đau và khả năng chuyển động của khớp. Khai thác tiền sử gia đình là bước rất quan trọng vì di truyền là một yếu tố nguy cơ của bệnh viêm khớp dạng thấp. Những người có một thành viên trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Viêm khớp dạng thấp có nhiều triệu chứng giống các bệnh khác như lupus hay đau cơ xơ hóa ở giai đoạn đầu. Điều này gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh. Không có một xét nghiệm đơn lẻ nào có thể chẩn đoán được bệnh lý này. Tuy nhiên, xét nghiệm máu có thể phát hiện các tự kháng thể và dấu hiệu viêm.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cũng được sử dụng trong chẩn đoán viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp này giúp phát hiện tình trạng viêm và tổn thương khớp. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng trong gồm có chụp X-quang, MRI hoặc siêu âm.
Điều trị viêm khớp dạng thấp ở hông
Không có cách nào có thể chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có các phương pháp điều trị để giảm viêm khớp và ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Mục tiêu của việc điều trị viêm khớp dạng thấp là đạt được và kéo dài giai đoạn thuyên giảm (khoảng thời gian không có triệu chứng) và ngăn ngừa hư hỏng khớp. Viêm khớp dạng thấp không thuyên giảm có thể dẫn đến bệnh thoái hóa khớp.
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, gồm có dùng thuốc, thay đổi thói quen sống và phẫu thuật.
Dùng thuốc
Một số loại thuốc chính được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Thuốc chống viêm: Nếu chỉ có các triệu chứng nhẹ, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn là đủ để giảm viêm và đau. Một số loại NSAID phổ biến là ibuprofen và naproxen natri.
- Corticoid: Nhóm thuốc này rất hiệu quả trong việc giảm đau và viêm. Corticoid có cả dạng uống và dạng tiêm trực tiếp vào khớp. Bác sĩ thường chỉ định dùng corticoid trong thời gian ngắn vào những đợt bùng phát nghiêm trọng hoặc sử dụng trong thời gian chờ các loại thuốc khác phát huy tác dụng. Corticoid thường không được sử dụng làm phương pháp điều trị lâu dài do nguy cơ xảy ra nhiều tác dụng phụ.
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD): DMARD giúp làm giảm viêm và ngăn chặn sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp. Các loại DMARD phổ biến gồm có methotrexate, leflunomide, tofacitinib và hydroxychloroquine.
- Thuốc sinh học: Nếu các loại thuốc trên không hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ chỉ định liệu pháp sinh học hay liệu pháp nhắm trúng đích. Đây là một nhóm thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp mới, nhắm đến cơ chế gây viêm của hệ miễn dịch thay vì làm giảm toàn bộ hoạt động của hệ miễn dịch. Thuốc sinh học có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với các DMARD khác.
Trị liệu và các biện pháp khắc phục tại nhà cũng có thể giúp giảm đau khớp nhưng những biện pháp này không ngăn được sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Trị liệu và biện pháp khắc phục tại nhà
Tập thể dục và một số phương pháp trị liệu có thể giúp giảm đau, cải thiện phạm vi chuyển động của khớp hông, tính linh hoạt của khớp và khả năng cử động. Một số bài tập còn giúp tăng sức mạnh của cơ ở khu vực này, nhờ đó giúp người bệnh đi lại vững vàng hơn.
- Bài tập tác động thấp (low impact): Thường xuyên tập các bài tập này có thể giúp giảm viêm và giảm đau hông. Một số ví dụ gồm có đạp xe, bơi lội hoặc các bài tập thể dục dưới nước.
- Chườm nóng và chườm lạnh: Chườm nóng giúp giảm cứng khớp và chườm lạnh giúp giảm đau.
- Thiền, hít thở sâu và thư giãn: Những biện pháp này đều giúp giảm bớt căng thẳng. Căng thẳng kéo dài sẽ kích thích sự sản sinh chất trung gian gây viêm khắp cơ thể.
Phẫu thuật
Trong những trường hợp bị đau và tổn thương khớp nghiêm trọng, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phẫu thuật để giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Một giải pháp cho những ca bệnh viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng là phẫu thuật thay khớp háng. Phương pháp điều trị này sẽ giúp giảm đau và khôi phục phạm vi chuyển động của khớp, nhờ đó người bệnh sẽ có thể đi lại, vận động thoải mái hơn.
Trong ca phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần bị hỏng của khớp hông và sau đó thay thế bằng khớp nhân tạo bằng kim loại hoặc nhựa.
Phẫu thuật thay khớp háng có tỷ lệ thành công cao. Hơn 80% số ca phẫu thuật thay khớp háng có kết quả khả quan từ 12 đến 15 năm sau phẫu thuật. (2)
Khi nào cần đi khám?
Bạn nên đi khám nếu thường xuyên bị đau hông không rõ nguyên nhân hoặc có các dấu hiệu viêm khớp hông khác.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính tiến triển có thể gây phá hủy khớp. Do đó, việc phát hiện và can thiệp điều trị sớm là rất quan trọng. Viêm khớp dạng thấp không được kiểm soát có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn và dẫn đến lệch, biến dạng khớp.
Trong quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp, người bệnh nên tái khám định kỳ để theo dõi sự tiến triển của bệnh và điều chỉnh việc điều trị nếu cần thiết.
Tuy rằng bệnh viêm khớp dạng thấp không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng các phương pháp điều trị sẽ giúp giảm tần suất bệnh bùng phát, giảm nhẹ các triệu chứng và kéo dài thời gian thuyên giảm. Điều trị thích hợp sẽ giúp người bệnh duy trì khả năng vận động, cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ biến chứng. Những phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc và phẫu thuật.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô niêm mạc khớp, gây đau và cứng khớp. Trên 20 triệu người trên thế giới đang sống chung với viêm khớp dạng thấp. Không chỉ có khớp, viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể như da và các cơ quan nội tạng như tim, phổi. Mặc dù bàn tay là vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp nhưng bệnh này cũng có thể xảy ra ở bàn chân.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm mô khớp, khiến cho niêm mạc khớp bị viêm và gây đau, cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân nhưng đôi khi xảy ra ở cả các khớp lớn hơn như khuỷu tay và đầu gối. Bên cạnh các triệu chứng ở khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nhiều triệu chứng khác, gồm có mệt mỏi, khó thở và ngứa ngáy.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn ảnh hưởng đến khớp. Bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Khoa học đến nay vẫn chưa lý giải được nguyên nhân gây ra điều này.