Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ
Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công niêm mạc khớp, khiến khớp bị viêm, sưng và đau. Tuy nhiên, tình trạng viêm do sự tấn công nhầm của hệ miễn dịch mang tính hệ thống, có nghĩa là không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn ảnh hưởng đến cả các vùng khác của cơ thể.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ ai nhưng phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh này cao gấp ba lần so với nam giới.
Độ tuổi khởi phát viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ
Nhiều người cho rằng viêm khớp dạng thấp chỉ xảy ra ở người cao tuổi nhưng thực tế không phải vậy.
Theo Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation), độ tuổi khởi phát trung bình của bệnh viêm khớp dạng thấp là từ 30 đến 60 nhưng trẻ em cũng có thể mắc căn bệnh này.
Ở phụ nữ, bệnh viêm khớp dạng thấp thường được chẩn đoán sớm hơn một chút so với ở nam giới, điều này có thể là do sự thay đổi nội tiết tố vào khoảng giữa độ tuổi 30 và giữa độ tuổi 40.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính có thể tiến triển theo thời gian với các triệu chứng xảy ra theo đợt, gọi là các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính, sau đó đến giai đoạn thuyên giảm, khi các triệu chứng giảm nhẹ hoặc biến mất.
Mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở mỗi ca bệnh là không hoàn toàn giống nhau.
Tác động của nội tiết tố đến bệnh viêm khớp dạng thấp
Phụ nữ không chỉ có tỷ lệ mắc viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới mà còn khởi phát bệnh ở độ tuổi trẻ hơn và gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Ở giai đoạn đầu của bệnh, phụ nữ thường khó đạt được giai đoạn thuyên giảm hơn (giai đoạn ít hoặc không có triệu chứng). Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm hiểu lý do của điều này.
Các hormone sinh dục là estrogen và progesterone dường như có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Nồng độ các hormone trong cơ thể thay đổi trong suốt cuộc đời của người phụ nữ. Nồng độ các hormone này có thể thay đổi do:
- mang thai
- sau sinh
- cho con bú
- mãn kinh
- các bệnh lý như lạc nội mạc tử cung và hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
- thuốc nội tiết
- các biện pháp tránh thai, gồm có cả thuốc tránh thai đường uống và vòng tránh thai
- liệu pháp hormone thay thế dùng sau mãn kinh
Các hormone được sử dụng trong quá trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng có thể làm thay đổi nồng độ hormone tự nhiên trong cơ thể.
Một nghiên cứu được thực hiện trên một nhóm nhỏ phụ nữ trung niên mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cho thấy các triệu chứng ở khớp giảm đi trong giai đoạn sau rụng trứng và khi mang thai. Đây là những giai đoạn mà nồng độ estrogen và progesterone trong cơ thể tăng cao.
Theo một số chuyên gia y tế, tác động của hormone sinh dục kết hợp với các yếu tố môi trường và di truyền có thể là lý do tại sao phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.
Các nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được tiến hành để tìm ra lý do chính xác của điều này.
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp không chỉ xảy ra ở người lớn tuổi.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, tỷ lệ chẩn đoán viêm khớp nói chung ở các độ tuổi trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2015 như sau:
Độ tuổi | Tỷ lệ chẩn đoán viêm khớp |
18 đến 44 tuổi | 7,1% |
45 đến 64 tuổi | 29,3% |
65 tuổi trở lên | 49,6% |
Trong cùng những năm đó, 26% phụ nữ và 19,1% nam giới đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm khớp, trong đó có viêm khớp dạng thấp.
Tỷ lệ mắc bệnh tăng theo độ tuổi với gần 5% ở phụ nữ trên 55 tuổi.
Triệu chứng toàn thân của viêm khớp dạng thấp
Các triệu chứng toàn thân có thể xảy ra ở giai đoạn đầu mới mắc bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Mệt mỏi
- Sốt nhẹ
- Ăn không ngon miệng
- Sụt cân không chủ đích
Những triệu chứng này có thể xảy ra trước khi có các triệu chứng ở khớp.
Tình trạng mệt mỏi thường xuyên cùng với cảm giác không khỏe có thể xảy ra vài tuần hoặc vài tháng trước khi có các triệu chứng khác.
Khi bệnh tiến triển, những triệu chứng này sẽ xảy ra kèm với các triệu chứng ở khớp trong các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính.
Triệu chứng ở khớp
Cứng khớp
Cứng khớp vào buổi sáng là một triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Tình trạng cứng khớp thường kéo dài từ 1 đến 2 giờ và cũng có thể lâu hơn, thường xảy ra sau một thời gian dài không hoạt động, ví dụ như khi ngủ dậy vào buổi sáng và sau khi ngồi một chỗ lâu.
Tình trạng cứng khớp và giảm phạm vi chuyển động của khớp sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động đơn giản hàng ngày như cài nút áo hay mở nắp chai lọ.
Sưng và đau khớp
Tình trạng viêm khiến cho các khớp trở nên sưng đỏ, đau và có cảm giác nóng khi chạm vào.
Ở giai đoạn đầu, bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ ở bàn tay, cổ tay và bàn chân. Theo thời gian, các triệu chứng sẽ lan đến các khớp lớn hơn như đầu gối, vai, hông và khuỷu tay.
Điểm khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và các loại viêm khớp khác là các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp đối xứng trên cơ thể, ví dụ như cả bên cổ tay hay đầu gối.
Nốt dạng thấp
Theo Trung tâm Viêm khớp Johns Hopkins, 20 đến 30% những người bị viêm khớp dạng thấp có nốt dạng thấp, các cục cứng hình thành dưới da tại các vị trí thường phải chịu áp lực như khuỷu tay, ngón tay, trên cột sống hoặc ở gót chân. Nốt dạng thấp thường không gây đau đớn và có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành cụm.
Biến dạng khớp
Tình trạng viêm kéo dài sẽ dần dần gây tổn thương xương, sụn, gân và dây chằng.
Trong những trường hợp nghiêm trọng, viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến mòn xương trên diện rộng và biến dạng khớp. Một dấu hiệu nhận biết của bệnh viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng là ngón tay và ngón chân biến dạng.
Biến dạng ngón tay sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, nhất là những hoạt động đòi hỏi sự tỉ mỉ. Tình trạng biến dạng khớp còn có thể xảy ra ở những vị trí khác như cổ tay, khuỷu tay, đầu gối và mắt cá chân.
Triệu chứng ở các bộ phận khác
Theo thời gian, bệnh viêm khớp dạng thấp sẽ không chỉ ảnh hưởng đến khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến cả các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như mắt, phổi, tim và mạch máu.
Tình trạng viêm kéo dài sẽ dẫn đến các vấn đề như:
- Khô mắt và miệng nghiêm trọng (hội chứng Sjögren)
- Viêm niêm mạc phổi (viêm màng phổi)
- Viêm màng ngoài tim
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
- Viêm mạch máu, làm giảm lưu lượng máu đến các mô, dẫn đến chết mô
Tóm tắt bài viết
Cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị viêm khớp dạng thấp nhưng phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Điều này có thể là do các yếu tố về nội tiết tố, di truyền và môi trường. Bệnh viêm khớp dạng thấp ở phụ nữ thường khởi phát sớm hơn và có các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Các nghiên cứu vẫn đang được thực hiện để tìm ra nguyên nhân của điều này.
Khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, nam giới và phụ nữ sẽ gặp phải các triệu chứng tương tự nhau, gồm có sưng đau, cứng khớp và các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể như mắt, phổi, tim và mạch máu.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp hông. Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở hông cũng tương tự như viêm khớp dạng thấp ở các vị trí khác, gồm có sưng, đau và cứng khớp.
Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.
Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô niêm mạc khớp, gây đau và cứng khớp. Trên 20 triệu người trên thế giới đang sống chung với viêm khớp dạng thấp. Không chỉ có khớp, viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể như da và các cơ quan nội tạng như tim, phổi. Mặc dù bàn tay là vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp nhưng bệnh này cũng có thể xảy ra ở bàn chân.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm mô khớp, khiến cho niêm mạc khớp bị viêm và gây đau, cứng khớp. Viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp của bàn tay và bàn chân nhưng đôi khi xảy ra ở cả các khớp lớn hơn như khuỷu tay và đầu gối. Bên cạnh các triệu chứng ở khớp, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có nhiều triệu chứng khác, gồm có mệt mỏi, khó thở và ngứa ngáy.