1

Viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân: Triệu chứng và điều trị

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm và làm viêm các mô khỏe mạnh ở niêm mạc khớp.
Viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân: Triệu chứng và điều trị Viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân: Triệu chứng và điều trị

Hơn 90% người bị viêm khớp dạng thấp có các triệu chứng ở bàn chân và mắt cá chân. Khoảng 70% người mắc bệnh này cho biết họ bị đau chân trong vòng 3 năm kể từ khi phát bệnh. (1)

Viêm khớp gây sưng tấy và đau khớp. Theo thời gian, tình trạng viêm sẽ làm hỏng khớp. Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra theo đợt và giữa các đợt tái phát là giai đoạn thuyên giảm có thể kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí vài năm.

Khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm khớp dạng thấp và căn bệnh này hiện chưa có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp kiểm soát tình trạng bệnh. Bệnh càng được điều trị sớm thì tiên lượng sẽ càng tốt.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả mắt cá chân.

Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng như thế nào đến mắt cá chân?

Bệnh viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu ở bàn tay và bàn chân, đa phần xảy ra ở cả hai bên cơ thể. Bệnh lý này còn có thể gây ra vấn đề ở các cơ quan khác của cơ thể như mắt, tim và phổi.

Mắt cá chân là phần nối cẳng chân với bàn chân. Mắt cá chân gồm có ba xương là xương ống chân (xương chày), xương cẳng chân (xương mác) và xương sên.

Lớp màng bao phủ bên trong khớp (màng hoạt dịch) được bôi trơn bởi hoạt dịch, giúp cho khớp chuyển động linh hoạt. Khi lớp màng này bị viêm, theo thời gian sẽ làm hỏng khớp, dây chằng và sụn.

Các xương ở mắt cá chân sẽ dần suy yếu do sụn và các mô bị tổn thương. Khi không còn sụn, các đầu xương sẽ cọ xát vào nhau. Viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân gây đau đớn khi đi lại và khiến người bệnh đi lại không vững.

Trong một nghiên cứu vào năm 2016 được thực hiện trên 5.637 người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp ở Nhật Bản, 43,8% trong số này cho biết triệu chứng đầu tiên mà họ gặp phải là các vấn đề ở khớp bàn chân hoặc mắt cá chân. (2)

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân

Ban đầu, viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân thường có các triệu chứng nhẹ và nặng dần theo thời gian. Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân hoặc bàn chân ở giai đoạn đầu thường khó nhận biết.

Tuy nhiên, giống như viêm khớp dạng thấp ở các vị trí khác, viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân cần được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt. Mặc dù những tổn hại đã xảy ra sẽ vĩnh viễn không thể phục hồi được nhưng việc điều trị có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp của viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân:

  • Mắt cá chân sưng tấy, đỏ, nóng và đau
  • Cứng khớp, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và sau một thời gian dài ngồi một chỗ
  • Đau gân achilles
  • Đi lại khó khăn, không vững
  • Đau tăng vào buổi sáng và buổi tối
  • Khó đứng thẳng
  • Giảm khả năng thăng bằng

Ban đầu, cơn đau ở mắt cá chân do viêm khớp dạng thấp thường chỉ thoáng qua. Cơn đau có thể chỉ xuất hiện vào buổi sáng hoặc buổi tối và không liên tục.

Người bệnh sẽ cảm thấy khó khăn khi đi lên dốc, leo cầu thang hoặc thực hiện các hoạt động gây áp lực lên mắt cá chân.

Cơn đau do viêm khớp dạng thấp khác với đau do gãy xương hay căng cơ. Nhưng tình trạng sưng, nóng và đỏ ở khớp có thể giống với triệu chứng khi bị chấn thương mắt cá chân.

Khi bệnh viêm khớp dạng thấp tiến triển, các triệu chứng sẽ tăng nặng và xảy ra thường xuyên hơn.

Viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân thường đi kèm viêm khớp dạng thấp ở bàn chân. Người bệnh có thể gặp phải các vấn đề sau đây:

  • Biến dạng khớp bàn - ngón chân cái
  • Ngón chân cong vẹo, ngón chân vồ hoặc ngón chân hình búa
  • Viêm bao hoạt dịch
  • Cục cứng dưới da ở bàn chân
  • Đau nhức ở các khớp bàn - ngón chân
  • Sụp vòm bàn chân (bàn chân bẹt)
  • Biến dạng bàn chân

Vì viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống nên người mắc bệnh lý này còn có thể gặp phải các triệu chứng toàn thân như:

  • Mệt mỏi
  • Sốt nhẹ
  • Chán ăn và sụt cân
  • Yếu cơ

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân

Ở giai đoạn đầu, viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân thường khó chẩn đoán vì các triệu chứng không rõ rệt.

Trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt cá chân và bàn chân của người bệnh và hỏi về các triệu chứng. Bác sĩ sẽ đánh giá độ linh hoạt, phạm vi chuyển động của mắt cá chân và tư thế đi lại của người bệnh.

Bác sĩ cũng sẽ khai thác tiền sử gia đình vì những người có người thân bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hút thuốc và béo phì cũng là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Nếu chỉ dựa trên triệu chứng thì chưa đủ để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp mà phải làm xét nghiệm máu và thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh:

  • Xét nghiệm máu để tìm kháng thể liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp và đánh giá mức độ viêm trong cơ thể
  • Chụp X-quang để đánh giá tình trạng mòn xương và hẹp không gian khớp
  • Siêu âm để đánh giá tình trạng của xương và màng hoạt dịch
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) để xem có bị phù tủy xương và mòn xương hay không

Điều trị viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân

Có nhiều loại thuốc để điều trị viêm khớp dạng thấp. Loại thuốc mà mỗi bệnh nhân cần dùng là không giống nhau. Người bệnh cần khám định kỳ trong quá trình điều trị để bác sĩ đánh giá hiệu quả của thuốc, sự tiến triển của bệnh và điều chỉnh phác đồ điều trị nếu cần thiết.

Mặc dù bệnh viêm khớp dạng thấp không có cách chữa trị khỏi nhưng việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp giảm viêm và giảm nguy cơ hỏng khớp.

Bên cạnh sử dụng thuốc, người bệnh có thể cần dùng các thiết bị chỉnh hình để cải thiện khả năng đi lại, tư thế và ngăn ngừa biến dạng khớp.

Dưới đây là các phương pháp chính để điều trị viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân.

Thuốc

Phương pháp điều trị bước đầu thường là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD). Những loại thuốc này giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và làm chậm sự tiến triển của tình trạng tổn thương khớp.

Người bệnh cũng có thể cần dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc corticoid (corticosteroid) liều thấp để giảm đau và sưng.

Một phương pháp điều trị mới hiện nay là thuốc sinh học. Các loại thuốc này có tác dụng ngăn chặn các tín hiệu hóa học gây viêm và tổn thương khớp của hệ thống miễn dịch. Thuốc sinh học có thể được kết hợp với DMARD.

Tập thể dục

Tập thể dục thường xuyên là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp. Tập thể dục giúp giảm cứng khớp, cải thiện sự linh hoạt của khớp và khả năng vận động. Người bệnh có thể đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được tư vấn xây dựng chế độ tập luyện phù hợp.

Nên kết hợp cả tập cardio và tập kháng lực. Sự kết hợp hai hình thức tập luyện này đã được chứng minh là giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Người có bệnh về khớp như viêm khớp dạng thấp nên chọn các bài tập ít gây áp lực lên khớp như bơi lợi và các bài tập dưới nước khác. Tập kháng lực giúp tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ khớp, nhờ đó giúp người bệnh đi lại vững vàng hơn.

Dụng cụ chỉnh hình

Tùy thuộc vào các triệu chứng, người bệnh có thể cần sử dụng các dụng cụ chỉnh hình, chẳng hạn như đai nẹp mắt cá chân để giúp ổn định bàn chân và mắt cá chân.

Chế độ ăn uống

Một điều quan trọng khi mắc bất cứ bệnh lý nào là phải duy trì chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Có bằng chứng cho thấy một số điều chỉnh về chế độ ăn uống có thể giúp giảm viêm. Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn chống phù hợp.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay mắt cá chân. Mỗi loại phẫu thuật có những ưu và nhược điểm riêng. Bác sĩ sẽ tư vấn phương án tối ưu dựa trên tình trạng cụ thể của mỗi ca bệnh. Các loại phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Nội soi khớp để loại bỏ sụn hoặc xương bị hỏng. Phương pháp này dành cho những trường hợp không bị tổn thương sụn nghiêm trọng.
  • Kết hợp xương: nối các xương ở mắt cá chân với nhau bằng nẹp vít.
  • Thay mắt cá chân: nếu khớp mắt cá chân bị hỏng nặng thì có thể sẽ cần phải thay bằng khớp nhân tạo.
  • Tạo hình khớp: tách các bề mặt trong khớp và tạo ra một bộ khung bằng ghim để cơ thể sửa chữa sụn một cách tự nhiên. Tế bào gốc từ tủy xương sẽ hỗ trợ quá trình chữa lành.

Các phương pháp điều trị khác

Một giải pháp để giảm đau do viêm khớp dạng thấp là kích thích dây thần kinh bằng điện qua da (TENS). Các điện cực nối với một thiết bị tạo xung điện được đặt lên da. Xung điện nhẹ sẽ truyền từ thiết bị đến điện cực và tác động đến các dây thần kinh kiểm soát cảm giác đau.

Một hình thức trị liệu nữa là điều trị bằng siêu âm để tăng hiệu quả của thuốc bôi và bức xạ hồng ngoại để giảm cứng và đau thay cho phương pháp chườm.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây tuy rằng không chữa khỏi được bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có thể giúp giảm đau:

  • Chườm ấm: giúp giảm cứng khớp và đau nhức cơ
  • Chườm lạnh: giảm sưng đau và giảm viêm. Có thể thực hiện xen kẽ cả chườm nóng và lạnh để cải thiện lưu thông máu.
  • Mát xa chân: giúp giảm đau, cứng khớp và thúc đẩy tuần hoàn máu.
  • Thuốc giảm đau tại chỗ.
  • Các biện pháp thư giãn và giảm căng thẳng như hít thở sâu, yoga và thiền.
  • Châm cứu: có thể giúp giảm đau.
  • Dùng một số loại thực phẩm chức năng như dầu cá omega-3 hoặc tinh bột nghệ: có thể giúp giảm cứng khớp và viêm. Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào vì thực phẩm chức năng có thể tương tác với loại thuốc mà người bệnh đang dùng.

Khi nào cần đi khám?

Nếu có các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở mắt cá chân, người bệnh nên đi khám càng sớm càng tốt. Điều trị sớm sẽ giúp trì hoãn sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng.

Nếu đã được chẩn đoán viêm khớp dạng thấp và nhận thấy các triệu chứng tăng lên hoặc xuất hiện triệu chứng mới (ở khớp hoặc ở các vị trí khác trên cơ thể) thì cũng cần phải đi khám. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh đã tiến triển nặng thêm.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân
Các triệu chứng viêm khớp dạng thấp ở bàn chân

Viêm khớp dạng thấp là một dạng viêm khớp xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô niêm mạc khớp, gây đau và cứng khớp. Trên 20 triệu người trên thế giới đang sống chung với viêm khớp dạng thấp. Không chỉ có khớp, viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác trên cơ thể như da và các cơ quan nội tạng như tim, phổi. Mặc dù bàn tay là vị trí phổ biến nhất bị ảnh hưởng bởi viêm khớp dạng thấp nhưng bệnh này cũng có thể xảy ra ở bàn chân.

Viêm khớp dạng thấp ở khuỷu tay: Triệu chứng và điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở khuỷu tay: Triệu chứng và điều trị

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh mạn tính, tiến triển do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức. Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở các khớp nhỏ như khớp bàn tay, bàn chân nhưng đôi khi cũng xảy ra ở cả các khớp lớn như khuỷu tay.

Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp
Một số loại thực phẩm có thể cải thiện triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý mạn tính hiện chưa có thuốc chữa trị khỏi nhưng các nhà nghiên cứu cho biết một số loại thực phẩm có thể giúp làm giảm các triệu chứng bệnh.

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây