1

Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm vào các khớp. Điều này gây viêm khớp và dẫn đến ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày như sưng đau, cứng khớp va khớp nóng đỏ.
Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp Những điều bạn cần biết khi sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp

Điều trị viêm khớp dạng thấp là điều rất quan trọng để làm giảm các triệu chứng, đồng thời bảo vệ các khớp và các cơ quan khỏi tổn thương vĩnh viễn.

Giống như các bệnh tự miễn khác, viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh phức tạp và không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, có nhiều cách để kiểm soát tình trạng bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống.

10 điều cần biết khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp

1. Viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn khi có tuổi

Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng mặc dù viêm khớp dạng thấp phổ biến nhất ở phụ nữ từ 25 đến 45 tuổi nhưng căn bênh này có thể xảy ra ở nam giới và nữ giới ở mọi lứa tuổi.

Bệnh viêm khớp dạng thấp có triệu chứng chính là sưng đau và cứng khớp. Khi có tuổi, các triệu chứng và mức độ ảnh hưởng của bệnh đến cuộc sống thường ngày sẽ nghiêm trọng hơn so với khi còn trẻ. Ví dụ, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến người bệnh:

  • mất nhiều thời gian hơn để thực hiện các công việc cơ bản hàng ngày do đau khớp và mệt mỏi
  • hay quên hơn
  • cần ngủ nhiều hơn
  • cần nghỉ ngơi nhiều hơn sau khi vận động
  • sụt cân do mệt mỏi và ăn uống không ngon miệng

2. Viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus có thể xảy ra cùng một lúc

Lupus cũng là một bệnh tự miễn và một người có thể mắc cả bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp cùng một lúc, được gọi là hội chứng chồng lấp lupus - viêm khớp dạng thấp. Hai bệnh lý này có các triệu chứng tương tự ở các khớp nhưng bệnh lupus còn có thêm các triệu chứng khác như:

  • Phát ban da hoặc loét
  • Vấn đề về thận
  • Giảm tế bào máu

Triệu chứng của viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus đều bùng phát theo đợt, sau đó là các giai đoạn bệnh thuyên giảm. Cả viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus đều xảy ra do phản ứng tự miễn gây viêm nên phương pháp điều trị có phần giống nhau. Tuy nhiên, nên đi khám khi nhận thấy các triệu chứng bất thường ở khớp để xác định chính xác vấn đề.

3. Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể bị đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa và viêm khớp dạng thấp có một số triệu chứng tương tự nhau, gồm có mệt mỏi và đau đớn. Triệu chứng điển hình của viêm khớp dạng thấp là sưng đau và cứng khớp, các triệu chứng xảy ra theo đợt và căn bệnh này có thể điều trị bằng nhiều loại thuốc khác nhau. Bệnh đau cơ xơ hóa gây đau kéo dài dai dẳng.

Cả viêm khớp dạng thấp và đau cơ xơ hóa đều là bệnh mạn tính nhưng viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn tiến triển, có nghĩa là tình trạng bệnh nặng dần theo thời gian, trong khi đau cơ xơ hóa không phải bệnh tự miễn và không phải lúc nào cũng trầm trọng hơn theo thời gian.

Mắc viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ đau cơ xơ hóa. Theo Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation), các nhà nghiên cứu ước tính rằng có khoảng 20 đến 30% số người bị viêm khớp dạng thấp mắc bệnh đau cơ xơ hóa.

Các triệu chứng khác của đau cơ xơ hóa gồm có:

  • Đau và cứng toàn thân
  • Mệt mỏi
  • Trầm cảm, lo âu.
  • Các vấn đề về giấc ngủ
  • Vấn đề về khả năng suy nghĩ, trí nhớ và tập trung
  • Đau đầu, bao gồm cả chứng đau nửa đầu.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS)
  • Nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, âm thanh và ánh sáng

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi chứng đau cơ xơ hóa nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng bệnh bằng cách:

  • Ngủ đủ giấc
  • Hạn chế căng thẳng
  • Các biện pháp thư giãn như thiền

4. Tập thể dục có thể giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp

Tập thể dục thường xuyên giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần. Tình trạng đau cứng khớp do viêm khớp dạng thấp khiến người bệnh gặp khó khăn khi vận động nhưng tập thể dục có thể giúp cải thiện cơn đau do viêm khớp dạng thấp.

Ban đầu, người bệnh có thể bắt đầu từ các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ mỗi ngày, sau đó tăng dần cường độ tập và thời lượng buổi tập.

Các bài tập kháng lực và bài tập giúp tăng sự linh hoạt, chẳng hạn như yoga và thái cực quyền, cũng có thể giúp giảm đau do viêm khớp dạng thấp và cải thiện khả năng vận động.

5. Nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém tập thể dục

Mặc dù tập thể dục thường xuyên có lợi cho người bị viêm khớp dạng thấp nhưng người bệnh nên nghỉ ngơi nhiều hơn vào các đợt tái phát.

Tập thể dục quá mức, đặc biệt là trong thời gian tái phát bệnh, có thể làm tăng tình trạng viêm và làm cho các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Nghỉ ngơi sẽ giúp các khớp không phải chịu áp lực, nhờ đó bớt sưng đau hơn và nghỉ ngơi còn giúp giảm mệt mỏi.

Tốt nhất hãy lắng nghe cơ thể. Người bệnh nên nghỉ tập thể dục một ngày hoặc chuyển sang các hình thức tập luyện nhẹ nhàng như yoga nếu cảm giác mệt, bị cứng hoặc đau khớp.

6. Cách giảm mệt mỏi và sương mù não do viêm khớp dạng thấp

Mệt mỏi cũng là một triệu chứng phổ biến của bệnh viêm khớp dạng thấp và đó có thể là dấu hiệu của một đợt tái phát mới.

Người bệnh có thể cảm thấy kiệt sức, không muốn vận động, có hoặc không kèm theo buồn ngủ. Tình trạng mệt mỏi còn có thể khiến người bệnh khó tập trung và giảm trí nhớ, đây là hai triệu chứng của “sương mù não”.

Mặc dù các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp có thể giúp giảm mệt mỏi nhưng tình trạng này cũng có thể kéo dài. Người bệnh có thể khắc phục tình trạng mệt mỏi và sương mù não bằng cách:

  • Ngủ đủ giấc mỗi ngày
  • Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm
  • Tập thể dục đều đặn
  • Nghỉ ngơi khi cần thiết
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất

7. Kiểm soát căng thẳng là điều rất quan trọng

Căng thẳng có thể làm tăng nguy cơ bùng phát bệnh viêm khớp dạng thấp và căng thẳng còn có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc như đau cơ xơ hóa.

Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải là một cách hữu hiệu để kiểm soát căng thẳng và giảm viêm. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể thử các biện pháp giảm căng thẳng khác như đi dạo, thiền, tắm nước ấm, nghe nhạc, làm những việc mà bản thân yêu thích…

8. Kiểm soát cân nặng có thể làm giảm các triệu chứng và sự tiến triển của bệnh

Béo phì có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp và giảm cân sẽ giúp làm giảm nguy cơ. Ở những người bị viêm khớp dạng thấp và thừa cân hoặc béo phì, giảm cân có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của viêm khớp dạng thấp.

Giảm cân còn có thể giúp giảm đau ở một số khớp, đặc biệt là cột sống, hông và đầu gối.

Tuy nhiên, nên giảm cân từ từ, không giảm quá nhanh để tránh gây hại cho sức khỏe.

9. Bảo vệ sức khỏe tim mạch

Phản ứng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm cả tim và mạch máu. Do đó những người bị viêm khớp dạng thấp cần thực hiện các biện pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch và khám tim mạch định kỳ.

Trên thực tế, theo Tổ chức Viêm khớp, bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong số một ở những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Ngoài kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp, người bệnh nên thực hiện thêm các biện pháp sau đây để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

  • Giữ ổn định huyết áp
  • Giảm mức cholesterol
  • Tập các bài tập cardio như đi bộ, chạy bộ
  • Ăn ít chất béo
  • Ăn nhiều rau củ quả
  • Bỏ thuốc lá nếu hút
  • Hạn chê rượu bia

10. Bệnh có thể thuyên giảm

Mục tiêu của việc điều trị viêm khớp dạng thấp là làm giảm các triệu chứng và ngăn chặn sự tiến triển của tình trạng bệnh.

Phát hiện bệnh từ sớm và điều trị thích hợp có thể giúp bệnh thuyên giảm. Điều này có thể diễn ra sau vài tháng điều trị.

Thuyên giảm có nghĩa là có ít khớp bị viêm hơn, cùng với đó là giảm nhẹ các triệu chứng như sưng đau và cứng khớp.

Khi tái khám, nếu kết quả khả quan, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc. Người bệnh không được tự ý ngừng điều trị khi thấy các triệu chứng thuyên giảm.

Khi nào cần đi khám?

Có nhiều loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Liều dùng thuốc có thể cần điều chỉnh theo thời gian.

Người bệnh cần phải theo dõi sát sao các triệu chứng. Nếu nhận thấy bệnh bùng phát thường xuyên hơn thì nên đi khám để điều trị kế hoạch điều trị.

Vào các đợt bùng phát, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:

  • Tăng đau và cứng khớp
  • Khớp nóng đỏ
  • Nhanh bị mệt và phải nghỉ ngơi lâu hơn sau khi vận động
  • Khó hoặc không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày

Người bệnh cũng nên báo cho bác sĩ nếu đã dùng thuốc đúng theo chỉ định mà các triệu chứng viêm khớp dạng thấp vẫn không cải thiện hoặc ngày càng nặng thêm.

Tóm tắt bài viết

Đau khớp và cứng khớp là những triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp nhưng ngoài ra căn bệnh tự miễn này còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng khác như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân. Viêm khớp dạng thấp còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác như bệnh tim mạch.

Thuốc là phương pháp điều trị chính giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng nên kết hợp với thay đổi lối sống như ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và nghỉ ngơi thích hợp

Hãy đi khám nếu nhận thấy tình trạng bệnh không cải thiện hoặc có vẻ nặng thêm dù đã tuân thủ điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những vấn đề về da liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp
Những vấn đề về da liên quan đến bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp. Mặc dù triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp là đau khớp và cứng khớp nhưng căn bệnh này còn có thể gây ra các vấn đề về da.

Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở đầu gối: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trong cơ thể, bao gồm cả khớp gối. Tuy rằng không có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm bớt các triệu chứng.

Điểm khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lý thần kinh ngoại biên
Điểm khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lý thần kinh ngoại biên

Bệnh thần kinh ngoại biên có thể là một biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp có thể giúp ngăn ngừa và kiểm soát bệnh thần kinh ngoại biên. Người bệnh cũng có thể cần dùng thêm thuốc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên.

Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus
Sự khác biệt giữa viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus

Tìm hiểu về bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh lupus, hai bệnh lý đều có triệu chứng đặc trưng là đau khớp và cứng khớp. Mặc dù có một số điểm tương đồng nhưng đây là hai căn bệnh hoàn toàn riêng biệt. Bệnh viêm khớp dạng thấp gây ảnh hưởng nhiều hơn đến khả năng chuyển động của khớp.

Các biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp
Các biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp

Không giống như các dạng viêm khớp khác như thoái hóa khớp chỉ ảnh hưởng đến khớp, viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn có thể ảnh hưởng đến cả các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây