Những bệnh đi kèm thường gặp ở người bị viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh. Điều này gây viêm ở khớp và nhiều cơ quan khác khắp cơ thể.
Triệu chứng chính của viêm khớp dạng thấp là sưng tấy và đau khớp nhưng ngoài ra, bệnh lý này còn có thể gây ra nhiều triệu chứng khác. Do phản ứng viêm xảy ra khắp cơ thể nên người bị viêm khớp dạng thấp còn có nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Các bệnh lý này được gọi là bệnh đi kèm. Đôi khi, bệnh đi kèm xảy ra do thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp có gây ra các vấn đề sức khỏe khác không?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do phản ứng viêm xuất phát từ sự tấn công nhầm của hệ miễn dịch. Phản ứng viêm gây ra các vấn đề trên khắp cơ thể. Tình trạng viêm bùng phát theo đợt và lặp đi lặp lại, điều này xảy ra ở nhiều khu vực khác nhau của cơ thể.
Ở người bị viêm khớp dạng thấp, phản ứng viêm chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp, thường là các khớp nhỏ ở bàn tay và chân. Điều này gây ra các triệu chứng như sưng, đau và nóng khớp. Các tế bào viêm lưu thông trong máu còn có thể gây tổn thương các cơ quan khác.
Các vấn đề sức khỏe khác ở người bị viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra do tình trạng viêm hoặc do tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị.
Viêm khớp dạng thấp xảy ra như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, có nghĩa là xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm mục tiêu.
Bình thường, hệ miễn dịch có vai trò tìm kiếm và tấn công các tế bào hoặc chất lạ xâm nhập từ bên ngoài để bảo vệ cơ thể nhưng ở người mắc bệnh tự miễn, hệ miễn dịch lại tưởng nhầm các tế bào và mô của cơ thể là “kẻ xâm lược” và tạo ra phản ứng viêm để tấn công các tế bào này.
Một số bệnh tự miễn chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận hoặc khu vực của cơ thể nhưng viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống, có nghĩa là ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể.
Những bệnh đi kèm thường gặp ở người bị viêm khớp dạng thấp
Tình trạng viêm mạn tính là nguồn gốc chính của các bệnh lý đi kèm viêm khớp dạng thấp. Khớp, mô tim và xương là một số mục tiêu chính của phản ứng viêm do hệ miễn dịch tạo ra.
Do tình trạng viêm toàn thân và stress mạn tính xảy ra khắp cơ thể nên người bị viêm khớp dạng thấp thường mắc thêm các bệnh khác. Một số bệnh đi kèm phổ biến ở người bị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Bệnh tim mạch
- Thoái hóa khớp
- Trầm cảm
- Loãng xương
- Cao huyết áp (tăng huyết áp)
Người bị viêm khớp dạng thấp có thể mắc nhiều hơn một bệnh đi kèm.
Bệnh đi kèm do thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Phương pháp chính để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp là dùng thuốc làm giảm phản ứng miễn dịch. Bằng cách làm suy yếu hệ thống miễn dịch, các loại thuốc này sẽ làm giảm sự tấn công và viêm ở các mô cơ thể. Tuy rằng giúp kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng điều này lại có thể gây ra một số vấn đề không mong muốn.
Nhiệm vụ chính của hệ miễn dịch là bảo vệ cơ thể khỏi những tác nhân gây hại như vi trùng và tế bào bất thường. Ức chế hệ miễn dịch sẽ giúp giảm các triệu chứng và sự tiến triển của các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp nhưng đồng thời sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là loại thuốc chính được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Các loại thuốc này giúp kiểm soát tình trạng viêm trong cơ thể. Có nhiều loại DMARD và cơ chế tác dụng của mỗi loại không hoàn toàn giống nhau.
Ví dụ về các loại DMARD được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- adalimumab
- etanercept
- hydroxychloroquine
- infliximab
- methotrexate
- rituximab
- sulfasalazine
Mỗi loại DMARD có hiệu quả và tác dụng phụ khác nhau. Người bệnh có thể cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc để kiểm soát tốt bệnh viêm khớp dạng thấp.
Mặc dù các tác dụng phụ tùy thuộc vào loại thuốc và cơ thể mỗi người nhưng một số vấn đề phổ biến nhất mà người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng DMARD gồm có:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Phản ứng dị ứng
- Viêm phế quản
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
- Nổi mề đay hoặc phát ban
Người bệnh nên báo cho bác sĩ khi gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trong thời gian dùng thuốc. Có thể bác sĩ sẽ giảm liều dùng thuốc hiện tại, đổi sang loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp khác hoặc kê thuốc giúp ngăn ngừa và điều trị tác dụng phụ. Người bệnh không nên tự ý ngừng hoặc thay đổi liều dùng thuốc.
Tóm tắt bài viết
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể đi kèm nhiều bệnh lý khác do tình trạng viêm toàn cơ thể và tổn thương mô mà phản ứng viêm gây ra. Một số bệnh đi kèm thường gặp ở người bị viêm khớp dạng thấp gồm có bệnh tim mạch, thoái hóa khớp, trầm cảm, loãng xương và cao huyết áp. Đôi khi, nguyên nhân là do tác dụng phụ của thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp. Thuốc trị viêm khớp dạng thấp làm suy yếu hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh bên trong khớp. Các nhà khoa học hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây nên bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã phát hiện được một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp. Mặc dù không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp vĩnh viễn.
Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị đau và cứng. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều chỉnh tư thế ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn, nhờ đó tăng mức năng lượng cơ thể và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.
Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở các khớp, có triệu chứng là sưng đau và cứng khớp. Bệnh còn có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng và gây ra các triệu chứng khác, gồm có sự thay đổi bất thường ở móng tay, móng chân.