Tại sao người bị viêm khớp dạng thấp cần bổ sung đủ kali?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp. Đến nay, khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân gây ra điều này và hiện chưa có phương pháp chữa trị khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Phương pháp điều trị chính là dùng thuốc để làm giảm viêm và giảm bớt các triệu chứng. Bên cạnh đó, điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống cũng là những điều cần thiết để kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Kali là một khoáng chất không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày. Khoáng chất này có các đặc tính có thể hỗ trợ kiểm soát triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Cùng tìm hiểu xem những đặc tính này là gì và làm thế nào để bổ sung đủ kali.
Lợi ích của kali đối với bệnh viêm khớp dạng thấp
Kali mang lại nhiều lợi ích cho những người bị viêm khớp dạng thấp, gồm có chống viêm, giảm đau và kiểm soát huyết áp.
Đặc tính chống viêm
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 đã kết luận rằng đặc tính chống viêm và giảm đau của kali có thể giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Các nhà nghiên cứu cho biết thêm kali còn có lợi cho sức khỏe xương và tim mạch. (1)
Giảm đau
Một nghiên cứu vào năm 2008 cho thấy uống bổ sung kali có thể giúp giảm đau hiệu quả. (2) Gần một nửa số người tham gia uống 6.000 miligam (mg) kali mỗi ngày trong 28 ngày cho biết tình trạng đau do viêm khớp đã giảm khoảng 30%. Một phần ba số người tham gia khác cho biết tình trạng đau cải thiện ở mức độ vừa phải.
Kali còn cho thấy tác dụng chống viêm khi bôi ngoài da. Trong một nghiên cứu vào năm 2007, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bôi kali ngoài da có thể giúp giảm đau khớp cục bộ.
Kiểm soát huyết áp
Tình trạng viêm do viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng huyết áp. Huyết áp tăng cao kéo dài có thể dẫn đến bệnh tim mạch nghiêm trọng. Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy rằng tăng lượng kali tiêu thụ giúp làm giảm huyết áp ở những người bị viêm khớp dạng thấp. (3) Điều này được quan sát thấy ngay cả khi chỉ tăng lượng kali tiêu thụ trong 24 giờ.
Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và thiếu hụt kali
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ thiếu hụt kali cao hơn. Điều này có thể là do thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp hoặc do triệu chứng của bệnh.
Thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Tình trạng thiếu kali ở những người bị viêm khớp dạng thấp có thể là do tác dụng phụ của thuốc. Người bị viêm khớp dạng thấp có thể cần dùng steroid để giảm viêm và đau. Steroid làm giảm nồng độ kali trong máu. Ngoài ra, một số loại thuốc trị viêm khớp dạng thấp khác có thể làm giảm khả năng xử lý và hấp thụ kali của cơ thể. Một số loại thuốc gây tiêu chảy và điều này cũng có thể dẫn đến giảm lượng kali.
Triệu chứng của bệnh
Nguyên nhân gây thiếu hụt kali ở người bị viêm khớp dạng thấp cũng có thể là do triệu chứng của bệnh. Nhiều người mắc viêm khớp dạng thấp bị chán ăn và khi ăn ít, cơ thể sẽ không được cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất thiết yếu như kali.
Các dấu hiệu của thiếu kali
Các dấu hiệu chính cho thấy cơ thể đang bị thiếu kali gồm có:
- Mệt mỏi
- Yếu cơ
- Vấn đề về tiêu hóa
- Rối loạn nhịp tim
- Khó thở
- Tọa
- Đi tiểu nhiều lần
- Tăng huyết áp
Cách bổ sung kali
Bạn có thể tăng lượng kali bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc dùng thực phẩm chức năng nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống bổ sung kali.
Kali có trong nhiều loại thực phẩm lành mạnh như:
- Trái cây, ví dụ như dưa lưới, quả bơ, chuối, cam
- Mơ khô
- Khoai tây
- Khoai lang
- Rau cải bó xôi
- Bí
- Củ dền
Rủi ro khi uống bổ sung kali
Bổ sung vitamin và khoáng chất bằng thực phẩm chức năng không phải lúc nào cũng tốt. Uống bổ sung một số chất dinh dưỡng liều cao, bao gồm cả kali, có thể gây hại cho sức khỏe.
Uống bổ sung kali có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa, gồm có buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Dùng liều cao còn có thể dẫn đến yếu cơ, tê liệt và các vấn đề về tim.
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào và thực hiện những thay đổi lớn trong chế độ ăn uống.
Tóm tắt bài viết
Kali là một chất dinh dưỡng quan trọng trong chế độ ăn uống lành mạnh. Khoáng chất này có thể giúp giảm viêm và đau. Hai đặc tính này có thể giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Kali còn giúp làm giảm huyết áp và nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch – một trong những biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp. Người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị thiếu hụt kali do tác dụng phụ của thuốc và do tình trạng chán ăn. Có thể bổ sung kali thông qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng nhưng cần thận trọng khi dùng thực phẩm chức năng vì uống bổ sung kali có thể gây ra tác dụng phụ, nhất là khi dùng liều cao.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô của cơ thể, dẫn đến viêm. Tình trạng viêm chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp nhưng ngoài ra còn ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể.
Khi các khớp bị đau và cơ thể mệt mỏi thì hầu hết mọi người đều không muốn tập thể dục. Nhưng tập thể dục lại rất cần thiết cho sức khỏe. Và việc tập thể dục lại càng quan trọng hơn nữa đối với những người bị viêm khớp dạng thấp.
Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi là một dạng viêm khớp dạng thấp – một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khớp. Dạng viêm khớp dạng thấp này cũng gây ra các triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp thông thường như đau khớp và cứng khớp nhưng lại có sự khác biệt về quá trình tiến triển.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn mạn tính ảnh hưởng đến các khớp và cả các bộ phận khác của cơ thể. Một số yếu tố về lối sống, ví dụ như uống quá ít nước, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh viêm khớp dạng thấp.
Vitamin D, vitamin E và một số chất dinh dưỡng khác có thể giúp làm giảm các triệu chứng và biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.